Sunday, February 12, 2023

MỘT NĂM SAU CUỘC CHIẾN UKRAINE, LIỆU HOA KỲ CÓ BỎ CUỘC? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Một năm sau cuộc chiến Ukraine, liệu Mỹ có bỏ cuộc?

Hiếu Chân/Người Việt

February 10, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/mot-nam-sau-cuoc-chien-ukraine-lieu-my-co-bo-cuoc/   

 

Cuộc chiến Ukraine sắp bước sang năm thứ hai với những diễn biến không thuận lợi.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/02/BL-Chien-Tranh-Ukraine-1536x1024.jpg

Đám tang một binh sĩ Ukraine. (Hình minh họa: Oleksandr Gimanov/AFP via Getty Images)

 

Trong năm qua, yểm trợ của Phương Tây, do Hoa Kỳ dẫn đầu, là yếu tố tối quan trọng và cần thiết giúp người Ukraine đứng vững trước làn sóng tấn công mãnh liệt của Nga. Hoa Kỳ và các đồng minh khác đã gửi hàng chục tỷ đô la viện trợ quân sự và kinh tế, cùng vô số vũ khí tân tiến để củng cố khả năng phòng thủ của Ukraine. Nhưng bây giờ, NATO, và nhất là Hoa Kỳ, đã bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt trong nội bộ.

 

Thách thức của Tổng Thống Joe Biden bây giờ là ông phải chứng minh rằng liên minh Phương Tây ủng hộ Ukraine sẽ bền vững, cả khi cuộc chiến kéo dài sang năm thứ hai và có thể nhiều năm nữa. Trong bài diễn văn Thông Điệp Liên Bang tối Thứ Ba vừa qua, ông Biden mạnh mẽ khẳng định cuộc xâm lược của Nga là “Một thử thách của thời đại. Một phép thử cho nước Mỹ. Một phép thử cho thế giới.” Phép thử đó trước hết dành cho ông và chính quyền của ông.

 

Hôm Thứ Năm, 9 Tháng Hai, 11 dân biểu đảng Cộng Hòa trình ra Hạ Viện một nghị quyết yêu cầu “ngừng ngay lập tức” viện trợ cho Ukraine vì cho rằng Hoa Kỳ tiếp tục yểm trợ người Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga sẽ “góp phần gây thương vong cho thường dân,” theo tin từ Business Insider. Nghị quyết được sự ủng hộ của nhiều dân biểu cánh hữu như Matt Gaetz, Laurent Boebert, Marjorie Taylor Greene, Paul Gosar… – những người ủng hộ tích cực nhất của cựu Tổng Thống Donald Trump – tuy không có tính ràng buộc và chỉ đại diện cho một thiểu số trong Quốc Hội, chuyện này vẫn có thể gây trở ngại cho việc thông qua các biện pháp hỗ trợ Ukraine trong tương lai. Có thể nói ngay rằng, nếu Mỹ ngừng yểm trợ, Ukraine chắc chắn thất bại và sẽ bị Nga thôn tính.

 

Thật ra, chống đối viện trợ quân sự cho Ukraine trong các chính trị gia Cộng Hòa không phải là mới mà nhất quán với đường lối “America First” của đảng này. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, đường lối đó không phù hợp với quan niệm của đa số người dân Mỹ và gây nguy hiểm cho trật tự quốc tế mà nước Mỹ duy trì suốt 80 năm qua, góp phần mang lại sự thịnh vượng cho thế giới.

 

Hồi Tháng Mười, ngay trước cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ, ông Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), lúc đó là trưởng khối thiểu số Hạ Viện, tuyên bố nếu đảng Cộng Hòa giành được đa số ở Hạ Viện, họ sẽ chống lại việc gia tăng viện trợ cho Ukraine, sẽ không cho nước này một “tấm chi phiếu trắng” (blank check). Bây giờ, khi đã trở thành chủ tịch Hạ Viện, ông McCarthy đang cố quên đi phát ngôn đó nhưng các đồng viện Cộng Hòa của ông đang cố biến nó thành chính sách.

 

Lập luận chính của những người Cộng Hòa là viện trợ vũ khí cho Ukraine là leo thang chiến tranh, có nguy cơ dẫn tới Thế Chiến 3, hay “[tại sao] chúng ta không làm gì để bảo vệ biên giới phía Nam của chúng ta mà lại bảo vệ biên giới của một nước khác?” như nhận định của Dân Biểu Marjorie Taylor Greene của Florida.

 

Nhưng những cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy người Mỹ đồng lòng đứng cùng người Ukraine trong cuộc kháng chiến chống Nga bảo vệ đất nước. Khảo sát của Viện Gallup thực hiện trong Tháng Giêng ghi nhận quan điểm của người Mỹ không thay đổi trong năm qua: 65% cho rằng Hoa Kỳ nên tiếp tục giúp Ukraine giành lại lãnh thổ cho dù phải kéo dài xung đột, dù phải va chạm trực tiếp với nước Nga của ông Vladimir Putin; chỉ 31% cho rằng Hoa Kỳ nên tìm cách chấm dứt cuộc chiến dù phải chấp nhận để Nga giữ những vùng đất đã chiếm được. Kết quả khảo sát của Gallup trùng khớp với những cuộc thăm dò tương tự của YouGov/CBS News Poll và một số tổ chức nghiên cứu khác.

 

Nếu có một sự thay đổi quan điểm thì đó là ở những người Cộng Hòa. Tháng Ba năm ngoái, khi cuộc chiến mới bùng nổ, khảo sát của YouGov/CBS News Poll ghi nhận 75% người Cộng Hòa và 80% người Dân Chủ ủng hộ việc Hoa Kỳ gửi vũ khí và quân viện cho Ukraine. Những gói viện trợ ban đầu cho Ukraine được Quốc Hội thông qua với sự chấp thuận mạnh mẽ của cả hai đảng. Đến Tháng Mười Hai năm ngoái, khảo sát của CivicScience ghi nhận vẫn có 83% người Dân Chủ ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine trong khi số người Cộng Hòa cùng quan điểm giảm xuống còn 53%.

 

                                                            ***

 

Hiện tượng này có thể hiểu như thế nào? Cuộc chiến tranh càng khốc liệt, thế giới càng thấy rõ ông Vladimir Putin không chỉ thực hiện một cuộc xâm lược mà đã thực sự phạm tội ác chống lại loài người, nước Nga trở thành một nhà nước khủng bố, sử dụng sức mạnh bạo lực để hủy diệt cuộc sống bình thường của người dân Ukraine. Hành động của ông Putin không phải vì bảo vệ an ninh của nước Nga mà thực chất là thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ, tái lập đế chế Nga trong đầu óc hoang tưởng của ông.

 

Các nhà độc tài khác như ông Tập Cận Bình của Trung Quốc đang nhìn vào Ukraine để tính toán kế hoạch của họ, sử dụng chiến tranh để thâu tóm các nước láng giềng nhỏ bé hơn, đảo quốc Đài Loan chẳng hạn. Nếu Hoa Kỳ không chặn đứng được ông Putin thì cái trật tự quốc tế mà trong đó thế giới nghiêng về các hệ thống chính trị tự do và thị trường tự do sẽ bị hủy hoại và điều đó đe dọa chính an ninh và sự thịnh vượng của nước Mỹ.

 

Hoa Kỳ không có lựa chọn nào khác là dẫn đầu một liên minh các nền dân chủ chống lại cuộc xâm lược của ông Putin, qua đó gửi một thông điệp cảnh cáo tới các nhà độc tài khác trên khắp thế giới. Đi cùng nhân dân Ukraine trong cuộc chiến không chỉ vì lợi ích chiến lược mà còn vì hệ thống giá trị của nước Mỹ – vì “đức tin và lòng nhân đạo trên đó tôn giáo của chúng ta, chính phủ của chúng ta và cả nền văn minh của chúng ta được xây dựng” như xác tín của cố Tổng Thống Franklin D. Roosevelt (FDR).

 

Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, Washington làm rất tốt chuyện này. Mỹ không chỉ viện trợ lớn nhất cho Ukraine mà đã vực dậy và củng cố được một liên minh gần 50 quốc gia vào sự nghiệp chung. Trong bài diễn văn Thông Điệp Liên Bang, Tổng Thống Biden đã xác nhận điều đó: “Cùng nhau, chúng ta đã làm điều mà nước Mỹ luôn làm hết sức mình. Chúng ta đã dẫn đầu. Chúng ta đã thống nhất NATO và xây dựng một liên minh toàn cầu. Chúng ta chống lại sự xâm lược của Putin. Chúng ta sát cánh cùng người dân Ukraine.”

 

Nhưng bây giờ, khi cuộc chiến ngày càng khốc liệt, có khả năng kéo dài và bóng ma chiến tranh nguyên tử ám ảnh, trong nội bộ chính trường Mỹ lại nổi lên cuộc tranh cãi giữa hai lựa chọn, hoặc tập trung vào “America First,” né tránh những phí tổn, trách nhiệm và gánh nặng đạo đức với thế giới hoặc bảo vệ thế giới tự do ngoài biên giới nước Mỹ. Hiện tượng một số chính trị gia Cộng Hòa chuyển từ ủng hộ sang phản đối viện trợ cho Ukraine là do tác động của cuộc tranh cãi về đường lối đối ngoại ấy.

 

Vào cuối năm thứ nhất của cuộc chiến, ông Putin đang dồn hết sức để bẻ gãy cuộc kháng cự của Ukraine và ý chí của Phương Tây. Các nhà phân tích thời sự tin rằng, ông Putin không bao giờ chịu thua cuộc mà sẽ bằng mọi giá kéo dài cuộc chiến đến khi Ukraine và Phương Tây không chịu đựng nổi, phải ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận mất các phần lãnh thổ đã bị Nga thôn tính. Xem ra đây là một cuộc thử thách sức bền giữa Nga và Mỹ xem bên nào bỏ cuộc trước.

 

Trong hai cuộc thế chiến và Chiến Tranh Lạnh, nước Mỹ đã chiến đấu không vì lợi ích trực tiếp của mình mà để bảo vệ thế giới tự do chống độc tài Cộng Sản. Nhưng nước Mỹ cũng đã đôi lần bỏ cuộc khi thương vong của người Mỹ không mang lại triển vọng chiến thắng. Cuộc tháo chạy khỏi miền Nam Việt Nam đầu năm 1973 là một trường hợp như vậy. Lần này tại Ukraine, người Mỹ chỉ đóng góp vũ khí và tiền bạc, máu của người lính Mỹ không đổ ra nên càng không có lý do để Mỹ phải rút ra khi cuộc cạnh tranh đang vào lúc cao trào.

 

Nếu nước Mỹ quay lại lo cho chính mình mà bỏ rơi Ukraine thì tương lai quả thật rất đáng sợ. [đ.d.]

 

===============================================

.

.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và Ukraine thảo luận ‘các ưu tiên’ cho cuộc họp của đồng minh

Reuters

12/02/2023

https://www.voatiengviet.com/a/chien-luoc-quoc-phong-moi-cua-my-trung-quoc-van-la-moi-de-doa-hang-dau/6959537.html

 

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã thảo luận về "các ưu tiên", bao gồm phòng không và đạn pháo, cho các cuộc gặp sắp tới của các đồng minh của Kyiv tại Brussels, cả hai bên cho biết vào cuối ngày thứ Bảy.

 

https://gdb.voanews.com/80470000-c0a8-0242-c0a5-08dab846a953_w1023_r1_s.jpg

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

 

Sau khi nhận được lời hứa về các xe tăng chiến đấu hiện đại, bao gồm M1 Abrams của Mỹ, Leopard 2 của Đức và Challenger 2 của Anh, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy và các quan chức Kiev khác đã thúc giục các đồng minh gửi máy bay chiến đấu.

 

Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine sẽ họp vào thứ Ba tại trụ sở NATO, sau một hội thảo ngày 20 tháng 1 tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức, quốc gia đóng vai trò chủ chốt cho các quyết định gửi xe tăng.

 

Ông Austin và Reznikov đã thảo luận về tầm quan trọng của việc thực hiện lời hứa nhanh nhất có thể, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder, cho biết trong một tuyên bố.

Sau cuộc điện đàm, ông Reznikov đã viết trên Twitter rằng "Hoa Kỳ kiên định trong việc hỗ trợ Ukraine", đồng thời nói thêm rằng hai phía cũng đã thảo luận về tình hình ở tiền tuyến.

 





No comments: