Lê Quang Ngọ và Lê Quí Trọng
11/02/2023
https://baotiengdan.com/2023/02/11/mot-man-kich-vung-ve/
Ngày 9-2-2023 vừa qua, Bộ Công an đã tổ chức “cuộc họp bàn tổ
chức sản xuất phim về cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và sản xuất phim tài liệu
điện ảnh hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công an nhân dân”, mục
đích “nhằm tuyên truyền đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hiểu thêm về
quá trình tham gia cách mạng và những đóng góp to lớn của cố Chủ tịch nước,
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
và xây dựng lực lượng công an nhân dân.” và để “ cổ vũ, động
viên, khích lệ các thế hệ đi sau tiếp bước, noi gương, quyết tâm phấn đấu hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.” (1)
Kịch bản cuộc họp được dàn dựng rất chuyên nghiệp, nhưng có một điều
khiến dư luận phải để tâm là người chủ trì cuộc họp này lại là Trần Quốc Tỏ, em
ruột Trần Đại Quang, hiện là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an. Như vậy sự
khách quan của cuộc họp này không còn nữa mà ẩn chứa đằng sau đó có thể có những
tính toán kỹ lưỡng của bộ này nhằm làm cho hình ảnh lực lượng “Còn đảng còn
mình” trở nên đẹp đẽ hơn trong mắt người dân cũng như bạn bè quốc tế.
So với những bộ trưởng tiền nhiệm thì quả thực Trần Đại Quang là người
có tuổi đời trong ngành lâu năm nhất và cũng là niềm tự hào cho các thành viên
của bộ này khi thủ trưởng của họ trở thành nguyên thủ quốc gia. Vì vậy để hướng
tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống lực lượng công an nhân dân (19-8-1945 –
19-8-2025) thì công tác tuyền truyền quảng bá cho ngày truyền thống đã sớm được
đặt ra và đó chính là lý do để diễn ra cuộc họp này. Ở đây không thể loại trừ khả
năng Trần Quang Tỏ một công đôi việc, dùng ảnh hưởng của mình để lobby cho việc
đánh bóng hình ảnh của anh mình song song với việc sản xuất phim tài liệu điện ảnh
hướng tới ngày truyền thống này, bởi nó rất hợp lý theo lời dạy của Hồ Chí
Minh:”Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”.
Thật ra người dân đất Việt không ai không biết thân thế và sự nghiệp của
Trần Đại Quang, từ việc khai man năm sinh để có lợi cho việc tiến thân (2), đến
những “chiến công” đàn áp các cuộc biểu tình của người Thượng ở Tây
nguyên năm 2004 (3, 4). Là bộ trưởng Bộ Công an trong thời gian 5 năm (2011 –
2016) nhưng Trần Đại Quang “để lại một di sản nặng nề, là Bộ Công an, với một
cuộc cải cách hay là ‘thay máu toàn diện’. Từ 12 Tổng cục giải thể hết, chỉ còn
lại các Cục, rõ ràng là hàng loạt tướng lĩnh, rồi sĩ quan cấp tá, cấp này kia
ra đi phải được bố trí trở lại. Việc sắp xếp bộ máy khổng lồ như thế, rồi phong
tướng, phong quan hàng loạt như thế, thì bây giờ việc bố trí như thế nào? Và những
dấu hiệu tiêu cực mà bây giờ đã thành tội phạm rồi, như vụ án Vũ Nhôm, rồi một
số tướng lĩnh bị điều tra tiêu cực”.
Còn trong con mắt của bạn bè quốc tế – nói theo giọng báo chí lề phải –
khi ngồi vào ghế Chủ tich nước thì Trần Đai Quang ”thường xuất hiện với vẻ
không thoải mái trong mắt công chúng và không được các đồng sự cao cấp của Đảng
Cộng sản tín nhiệm”. Rồi thì “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã
thực hiện các bước cắt giảm cơ cấu nặng nề của Bộ này, nơi có quá nhiều tướng
lĩnh được hưởng đặc quyền nhưng lại có quá ít việc để làm”. Và “Di
sản của Chủ tịch Quang là cuộc đàn áp kéo dài nhiều năm đối với quyền con
người, và tống giam các tù nhân chính trị nhiều hơn so với những người tiền nhiệm“ (5).
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/02/1-34.jpg
Ảnh chụp ông Trần Đại
Quang tại Phủ Chủ tịch trong lúc ông bị “virus lạ”, vào ngày 13-9-2018, chỉ 8
ngày trước khi ông qua đời Nguồn: AP
Người dân Việt Nam ai cũng biết, Bộ Công an là một
bộ siêu quyền lực trong bộ máy công quyền ở Việt Nam, ở đó các cán bộ cao cấp của
bộ này với căn bệnh kiêu ngạo công sản trầm kha, cho mình có
quyền làm bất kỳ thứ gì có lợi cho ngành và cho đảng. Với sức mạnh uy quyền ghê
gớm, họ tự đề cao mình, ngành nghề mình, thực thi công vụ một cách duy ý chí,
không thèm cân nhắc đến việc làm thiếu cẩn trọng của họ gây ra hậu quả ra sao,
để ý đến phản ứng của xã hội thế nào. Hẳn bạn đọc còn nhớ những siêu phẩm của bộ này
trong năm 2022 vừa qua, khi đưa ra mẫu hộ chiếu mới không có mục nơi sinh, gây
ra biết bao phiền toái cho người sử dụng, cũng như các nước liên quan, để rồi
sau đó phải tự chấm dứt tình trạng “vênh” này (6). Hay như việc
khánh thành tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” siêu hiện
thực tại Hà Nội vào ngày 17-7-2022 (7).
Trong cuộc họp ngày 9-2-2023 vừa qua “Bộ Công an chỉ đạo các
đơn vị chức năng, trực tiếp là Cục Công tác đảng và công tác chính trị tham
mưu, đề xuất xin ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư về việc tổ chức sản xuất phim về
cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ đề nghị các
đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất phim và sự phối hợp của các
cơ quan, ban ngành liên quan trong cung cấp thông tin, tư liệu…”
Và theo nguồn được trích dẫn thì cuộc họp đã thể hiện sự sắp xếp
nhịp nhàng “kẻ tung người hứng”, nên mới có cảnh: “Phó Trưởng
Ban Tuyên giáo T.Ư Phan Xuân Thuỷ – người cùng tham dự cuộc họp
– cho biết, Thường trực Ban Bí thư đã giao Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì,
phối hợp với Đảng uỷ Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch chỉ đạo Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thu thập tư liệu,
hình ảnh về cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang để lưu trữ, bảo quản đầy đủ.
Ông Phan Xuân Thủy cho biết, việc sản xuất, sử dụng và tuyên truyền bộ
phim thực hiện theo Kết luận số 88 của Bộ Chính trị, đến khi kỷ niệm 100 năm
ngày sinh ông Quang, ngày 12-10-2056, có thể bổ sung, cập nhật thêm.
“Thứ
trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ đề nghị Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, sớm ban hành
kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức sản xuất phim để Đảng uỷ Công an Trung
ương chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch chỉ đạo Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương triển khai sản xuất phim
với tinh thần đầy đủ, chất lượng nhất”.
Trước đây Bộ Công an cũng đã từng làm phim tài liệu về Trần Quốc Hoàn
(8), bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên của chính quyền mà con người thật của y đã
được nhà báo Lê Phú Khải mô tả tường tận trong Hồi ký “Lời ai điếu”. Ấy vậy mà
Hà Nội vẫn có một con đường mang tên Trần Quốc Hoàn để mọi người dân biết đến
cái gọi là “công trạng” của y.
Rồi đây những gì mà những người được giao nhiệm vụ làm phim về cuộc đời
và sự nghiệp của Trần Đại Quang muốn dày công thực hiện sẽ không gây được sự hấp
dẫn nào cho khán giả. Có lẽ điều khán giả mong đợi nhất khi xem bộ phim này là
được thấy nơi ông ta “yên giấc ngàn thu” rộng lớn và được xây cất công phu như
thế nào để xứng tầm với những cống hiến của ông ta cho chính
quyền này. Và cũng theo kịch bản của cuộc họp này, rồi đây người dân cũng không
phải ngỡ ngàng, khi vào một ngày đẹp trời nào đó thuận theo ý đảng Hà Nội ngàn
năm văn vật và một số thành phố khác của xứ Đông Lào, có thêm một con đường
mang tên … Trần Đại Quang!
________
Chú thích:
3. Đàn áp người Thượng tại Việt Nam – Wikipedia tiếng Việt (Xem phần biểu
tình năm 2004)
4. https://baotiengdan.com/2018/09/22/nhung-di-san-thanh-tich-cua-tran-dai-quang/
5. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_%C4%90%E1%BA%A1i_Quang (phần
đánh giá)
6. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cq54k4yg1kjo
7. https://thanhnien.vn/khi-tuong-dai-van-chi-de-tuyen-truyen-1851479189.htm
8. https://www.youtube.com/watch?v=kgc1e6V8O44
No comments:
Post a Comment