Mật vụ Mỹ phản đối chuyến đi của
Biden tới Ukraine. Đây là các lý do tại sao Biden vẫn đi
TIME
Cù Tuấn dịch
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một chuyến dừng
chân bất ngờ ở Kiev hôm thứ Hai, trước chuyến đi dự kiến tới Ba Lan bốn ngày
trước lễ kỷ niệm một năm cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.
Trái với ý kiến của cơ quan mật vụ và Lầu Năm
Góc, Biden đã đến thủ đô bị bao vây sau một hoạt động bí mật nhằm che giấu tung
tích của mình, bao gồm 10 giờ đi tàu từ biên giới Ba Lan. Nhiều người tập trung
tại Quảng trường Trăm Anh hùng, nơi được rào chắn và bao quanh bởi các quan chức
quân đội và cảnh sát, để xem Biden.
Còi báo động không kích vang lên khắp thủ đô
khi Biden và Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, rời Nhà thờ St. Michael ở
trung tâm Kiev.
Tại một cuộc họp báo hôm
thứ Hai, Zelensky cho biết, “Đây là chuyến thăm quan trọng nhất trong toàn bộ lịch
sử của mối quan hệ Ukraine-Mỹ."
Biden từ lâu đã coi sự ủng hộ của chính quyền
đối với Ukraine là trọng tâm để khôi phục lại cả mối quan hệ của Mỹ với châu Âu
và trật tự quốc tế tự do.
Dưới đây là những điều cần biết về chuyến đi của
Biden, từ những nội dung trong chương trình nghị sự, đến các cam kết quân sự mới
của Washington và phản ứng của thế giới.
1. Tại sao Biden đến Ukraine?
Chuyến thăm bất ngờ chỉ có thể được coi là một
sự thể hiện quan trọng về sự hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine. Trong một thông cáo
báo chí của Nhà Trắng đưa ra hôm thứ Hai, Biden cho biết chuyến thăm của ông nhằm
“tái khẳng định cam kết
kiên định và không lay chuyển của chúng tôi đối với nền dân chủ, chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”
“Khi Putin phát động cuộc xâm lược gần một năm trước, ông ấy nghĩ Ukraine
yếu ớt và phương Tây bị chia rẽ. Putin nghĩ rằng ông ấy có thể tồn tại lâu hơn
chúng ta. Nhưng ông ấy đã hoàn toàn sai lầm,” ông nói về Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai, Biden nói,
“Mục đích của Nga là xóa Ukraine khỏi bản
đồ. Cuộc chiến chinh phục Ukraine của Putin đang thất bại. Quân đội Nga đã mất
một nửa lãnh thổ mà họ từng chiếm đóng”.
Các nhà phân tích cho rằng chuyến đi này là một
sự thúc đẩy quan trọng đối với tinh thần binh lính. Nhưng nó cũng nhằm vào công
chúng Mỹ, vì việc duy trì sự ủng hộ trong nước dành cho Ukraine vẫn là điều cần
thiết cho các nỗ lực chiến tranh của Kiev.
2. Ngày Trăm anh hùng là ngày gì?
Chuyến đi của Biden diễn
ra khi Ukraine đánh dấu Ngày Trăm Anh hùng, kỷ niệm 107 người đã thiệt mạng
trong các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2014.
Các sự kiện năm 2014, mà người Ukraine gọi là
Cách mạng Phẩm giá, đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin - lo ngại về việc
Ukraine ngả về phương Tây - sáp nhập Crimea vào năm đó và ủng hộ các lực lượng
ly khai ở miền đông Ukraine.
“Tôi có phần tự mãn khi nói điều này, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là Tổng
thống Mỹ phải ở đây vào ngày mà cuộc tấn công bắt đầu,” Biden nói trong cuộc gặp
với Zelensky tại Cung điện Mariinsky, “bởi vì như ngài Tổng thống còn nhớ, tôi đã cảnh báo thế giới rằng Putin
sẽ tấn công."
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ điều quan trọng là không có bất kỳ nghi ngờ nào, dù là nhỏ, về sự
hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine trong cuộc chiến.”
3. Hỗ trợ quân sự mới nào của Mỹ đã được công bố?
Thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ
cung cấp thêm viện trợ quân sự bao gồm đạn pháo, hệ thống chống thiết giáp và
radar giám sát trên không để bảo vệ bầu trời Ukraine tốt hơn. Nhà Trắng cũng
nói rằng các biện pháp trừng phạt tiếp theo sẽ được ban hành đối với các công
ty và cá nhân hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Nga.
Một gói viện trợ quân sự trị giá 500 triệu đô
la sẽ được công bố vào thứ Ba và nó sẽ bao gồm nhiều đạn dược hơn cho Hệ thống
tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) mà Ukraine sở hữu. Vũ khí chống thiết
giáp bao gồm tên lửa vác vai Javelin có khả năng tiêu diệt xe tăng.
Zelensky cho biết ông và Biden đã thảo luận về
nhu cầu mua vũ khí tiên tiến hơn của phương Tây, gọi quyết định gửi xe tăng
Abrams của Mỹ tới Ukraine là quyết định có "tầm quan trọng lịch sử".
“Chúng tôi cũng đã nói về vũ khí tầm xa và những
vũ khí có thể được cung cấp cho Ukraine – mặc dù trước đây chúng chưa được cung
cấp”, ông Zelensky nói thêm.
Zelensky đã kêu gọi các đồng minh phương Tây
cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, điều mà Mỹ đã từ chối thực hiện
cho đến nay. Tuy nhiên, các đối tác châu Âu đã bày tỏ sẵn sàng xem xét gửi máy
bay chiến đấu của NATO.
4. Chuyến đi của Biden được giữ bí mật như thế nào
Biden được cho là đã ăn tối với vợ vào thứ Bảy
tại Washington, D.C. và sau đó khởi hành trên máy bay Air Force 1 trong bóng tối
bao trùm. Biden sau đó đã bắt chuyến tàu kéo dài 10 giờ từ biên giới Ba Lan để
đến thủ đô Ukraine.
Lịch trình công khai của Nhà Trắng của Biden
nói rằng ông ấy sẽ ở Washington cho đến tối 20/2, và ông ấy sẽ khởi hành đến Ba
Lan. Có tin đồn rằng Biden có thể gặp Zelensky, gần biên giới Ba Lan với
Ukraine hoặc ở thành phố Lviv phía tây Ukraine.
Biden đến Kyiv lúc 8 giờ sáng giờ địa phương
và được Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink chào đón. Biden nói: “Thật tốt khi được trở lại Kyiv." Một nhóm nhỏ tháp tùng Biden, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Jake
Sullivan và một số phóng viên, những người không được phép mang bất kỳ thiết bị
nào lên máy bay, theo CNN đưa tin.
Sullivan đã xác nhận phái đoàn tổng thống đã thông
báo cho Nga về chuyến đi của Biden tới Kiev.
Chuyến đi đã được chuẩn bị trong vài tháng, nhưng quyết định “đi” đã được đưa
ra vào thứ Sáu 18/2, theo BBC đưa tin.
5. Biden sẽ đi tới đâu tiếp theo ở châu Âu?
Theo BBC, Biden được cho là đã rời Kiev vào
chiều thứ Hai 20/2 theo giờ địa phương.
Ông dự kiến sẽ tới Ba Lan vào thứ Hai 20/2 và
gặp Tổng thống Andrzej Duda vào sáng thứ Ba 21/2 và có bài phát biểu từ Lâu đài
Warsaw cùng ngày hôm đó. Bài phát biểu dự kiến sẽ cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho
Ukraine và củng cố liên minh NATO.
Biden cũng dự kiến sẽ tổ chức các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của Bucharest Nine —
bao gồm Bulgaria, Cộng hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Romania và
Slovakia — khi ở Warsaw.
6. Thế giới phản ứng thế nào về chuyến đi Ukraine của Biden?
Thủ tướng Nhật Bản Fumio
Kishida cho biết kể từ khi tin tức về chuyến đi của Biden được đưa ra, Nhật Bản
đã đề nghị hỗ trợ tài chính mới trị giá 5,5 tỷ USD cho Ukraine. Kishida nói: “Vẫn cần phải hỗ trợ những người có sinh kế bị chiến tranh
tàn phá và khôi phục cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng thông
báo rằng ông sẽ tổ chức một cuộc họp ảo cho các nhà lãnh đạo G7 và Zelenky vào
thứ Sáu, ngày kỷ niệm một năm chính thức của cuộc xâm lược.
Người phát ngôn của chính
phủ Đức cũng ca ngợi chuyến đi của Biden trong cuộc họp báo hôm thứ Hai.
Steffen Hebestreit mô tả động thái này là một “tín hiệu tốt”, nhưng từ chối
bình luận thêm.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ
tuyên bố không còn xuất khẩu các sản phẩm có thể được sử dụng để hỗ trợ các nỗ
lực chiến tranh của Nga. Theo Ngoại trưởng nước
này Mevlüt Çavuşoğlu, Washington đã cảnh báo Ankara về việc bán các sản phẩm
hóa chất, vi mạch, v.v.
Ông Çavuşoğlu nói: “Việc chúng tôi xuất khẩu sang Nga những sản phẩm có
thể sử dụng trong ngành công nghiệp quốc phòng là không đúng sự thật. “Chúng
tôi đã yêu cầu Mỹ thông báo cho [chúng tôi] nếu có bất kỳ vi phạm nào về vấn đề
này,” ông nói thêm.
Các bình luận trên được đưa ra sau khi Ngoại
trưởng Mỹ Antony Blinken gặp Çavuşoğlu, nơi ông tuyên bố sẽ duy trì các biện
pháp trừng phạt của Mỹ và Châu Âu.
No comments:
Post a Comment