Lá
thư của cựu Tổng Thống Jimmy Carter
Mai Vũ Phạm -
Saigon Nhỏ
19 tháng 2, 2023
https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/la-thu-cua-cuu-tong-thong-jimmy-carter/
Hội từ thiện The Carter Center hôm Thứ Bảy, 18 Tháng
Hai loan tin Tổng Thống thứ 39 của Hoa Kỳ (từ năm 1977 đến 1981) – Jimmy Carter
được đưa về nhà để an dưỡng cuối đời (hospice care).
“Sau
những lần vào viện chữa trị, cựu Tổng Thống Jimmy Carter quyết định dành hết những
tháng ngày còn lại để an dưỡng bên gia đình, trong ngôi nhà của ông thay vì tiếp
tục điều trị. Gia đình và nhân viên y tế ủng hộ ông về quyết định này,” The Carter
Center thông báo.
Cháu trai của ông, Jason Cater, cựu Thượng Nghị Sĩ
Georgia, viết trên Twitter hôm Thứ Sáu: “Tôi đã gặp ông và bà của tôi. Họ rất
an nhiên và, lúc nào cũng thế, ngôi nhà của ông bà tràn ngập tình yêu.”
Cựu Tổng Thống Carter không xa lạ với cộng động người
Việt hải ngoại, bởi chính ông là người đã ký Đạo luật Di dân, cho phép thêm
15.000 người tị nạn Việt Nam vào Mỹ, gấp đôi con số đã đề ra trước đó.
Năm 2022, nhân ngày tưởng niệm một năm Toà Quốc Hội
bị tấn công, Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ (từ năm 1977 – 1981) – Jimmy Carter,
đã viết bài xã luận trên New York Times, như một lời mời gọi thiết tha gửi đến
cử tri Mỹ hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến nền dân chủ Mỹ trước khi quá muộn.
Hình : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/FpRnd2naUAEcX52.png
***
Một năm trước, một đám đông bạo lực được các
chính trị gia vô đạo đức kích động, đã xông vào toà nhà Quốc Hội và sắp thành
công trong việc ngăn chặn sự chuyển giao quyền lực dân chủ. Cả bốn cựu tổng thống
của chúng ta đều lên án hành động bạo lực của họ và khẳng định tính hợp pháp của
cuộc bầu cử năm 2020. Đã có một hy vọng lẻ loi rằng cuộc nổi loạn sẽ khiến đất
nước thức tỉnh để giải quyết tình trạng chia rẽ chính trị độc hại đang đe dọa nền
dân chủ của chúng ta.
Tuy nhiên, một năm sau, những người tuyên bố dối
trá rằng “cuộc bầu cử đã bị tước đoạt” đã kiểm soát chính đảng của họ và gây mất
niềm tin vào hệ thống bầu cử của chúng ta. Những thành phần này phát huy sức mạnh
và ảnh hưởng bằng cách liên tục gieo rắc những thông tin sai lệch, điều này tiếp
tục khiến người Mỹ chống lại người Mỹ. Theo Trung tâm Khảo sát về Cuộc sống Hoa
Kỳ, 36% người Mỹ – khoảng 100 triệu người trưởng thành đủ thành phần đảng phái
– đồng ý rằng “lối sống truyền thống của Mỹ đang biến mất nhanh đến mức chúng
ta có thể phải dùng vũ lực để cứu lấy nó.” Tờ Washington Post gần đây đưa tin rằng
khoảng 40% đảng viên Cộng Hòa tin rằng hành động vũ lực chống lại chính phủ đôi
khi là chính đáng.
Các chính trị gia ở bang Georgia quê hương
tôi, cũng như ở các bang khác, như Texas và Florida, đã tận dụng sự ngờ vực mà
chính họ tạo ra, để ban hành luật trao quyền cho các cơ quan lập pháp thuộc đảng
của họ, can thiệp thô bạo vào các quy trình bầu cử. Họ tìm cách giành chiến thắng
bằng mọi cách, và nhiều người Mỹ đang bị thuyết phục để suy nghĩ và hành động
tương tự. Điều này đe dọa làm sụp đổ nền tảng an ninh và dân chủ của chúng ta với
tốc độ chóng mặt. Hiện tại, tôi lo sợ rằng những gì chúng ta đã đấu tranh rất vất
vả để đạt được trên toàn cầu đã và đang suy yếu nghiêm trọng ngay tại quê nhà:
quyền bầu cử tự do, công bằng, không bị ngăn cản trở bởi các lãnh đạo chuyên chế,
là những người không tìm kiếm gì hơn ngoài việc đẩy mạnh quyền lực của mình.
Cá nhân tôi đã gặp phải mối đe dọa này tại quê
nhà vào năm 1962, khi một viên chức bầu cử quận tìm cách đánh cắp chiến thắng của
tôi vào Thượng viện Georgia. Đây là cuộc bầu cử sơ bộ, và tôi đã kiện hành vi
gian lận này. Cuối cùng, một thẩm phán đã bác bỏ kết quả, và tôi đã thắng trong
cuộc tổng tuyển cử. Từ đó, việc bảo vệ và thúc đẩy nền dân chủ trở thành ưu
tiên hàng đầu đối với tôi. Khi là tổng thống, mục tiêu chính của tôi là thiết lập
chế độ đa số ở miền Nam Châu Phi và các nơi khác.
Sau khi rời Toà Bạch Ốc và thành lập Trung Tâm
Carter, chúng tôi đã nỗ lực để thúc đẩy các cuộc bầu cử tự do, công bằng, và có
trật tự trên toàn cầu. Tôi đã lãnh đạo hàng chục phái đoàn quan sát bầu cử ở
Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, và Châu Á, bắt đầu từ Panama vào năm 1989, nơi tôi đặt
một câu hỏi đơn giản cho các quản trị viên: “Bạn là những quan chức trung thực
hay kẻ cắp?”
Tại mỗi cuộc bầu cử, vợ tôi, Rosalynn, và tôi
đã cảm động trước sự can đảm và cam kết của hàng nghìn công dân đi bộ hàng dặm
và xếp hàng chờ từ bình minh đến hoàng hôn để bỏ những lá phiếu đầu tiên trong
các cuộc bầu cử tự do, nuôi dưỡng hy vọng cho bản thân và quốc gia của họ, và
tiếp những bước đầu tiên cho quyền tự trị. Nhưng tôi cũng chứng kiến các nền
dân chủ mới – và đôi khi cả những nơi dân chủ đã được thiết lập – có thể rơi
vào tay quân phiệt hoặc những kẻ thèm khát quyền lực. Sudan và Myanmar là hai
ví dụ gần đây.
“Tôi lo sợ
cho nền dân chủ của chúng ta”
Để nền dân chủ Mỹ tồn tại lâu dài, chúng ta phải
yêu cầu các nhà lãnh đạo và ứng cử viên của chúng ta phải giữ vững lý tưởng tự
do và tuân thủ các tiêu chuẩn ứng xử đạo đức.
Thứ nhất, trong khi công dân có thể bất đồng về
các chính sách, mọi công dân thuộc mọi thành phần chính đảng, phải đồng ý về
các nguyên tắc và chuẩn mực hiến pháp cơ bản về công bằng, văn minh, và tôn trọng
pháp quyền. Công dân có thể dễ dàng tham gia vào các quy trình bầu cử minh bạch,
an toàn, và bảo mật. Các khiếu nại về sự bất thường trong bầu cử phải được đệ
trình một cách thiện chí để tòa án xét xử, với tất cả những người tham gia đồng
ý chấp nhận kết quả điều tra. Và quá trình bầu cử nên được tiến hành một cách
hòa bình, không bị đe dọa và bạo lực.
Thứ hai, chúng ta phải thúc đẩy cải cách nhằm
đảm bảo an ninh và khả năng tiếp cận các cuộc bầu cử, cũng như đảm bảo lòng tin
của công chúng vào tính chính xác của kết quả bầu cử. Những tuyên bố giả mạo về
bỏ phiếu bất hợp pháp và các cuộc kiểm toán vô nghĩa chỉ làm giảm những lý tưởng
dân chủ.
Thứ ba, chúng ta phải chống lại sự chia rẽ
chính trị đang biến đổi bản sắc của chúng ta. Chúng ta phải tập trung vào một
vài sự thật thiết yếu: Chúng ta đều là con người, đều là người Mỹ, và chúng ta
cùng hy vọng cho cộng đồng và quốc gia phát triển. Chúng ta phải tìm cách gắn kết,
trong tinh thần tôn trọng và xây dựng, bằng cách tổ chức các cuộc trò chuyện
dân sự với gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp và cùng nhau đứng lên chống lại các
thế lực đang chia rẽ chúng ta.
Thứ tư, bạo lực không có chỗ đứng trong nền
chính trị của chúng ta, và chúng ta phải hành động khẩn cấp để thông qua hoặc củng
cố luật pháp để loại bỏ xu hướng ám sát, đe dọa, và sự hiện diện của lực lượng
dân quân có vũ trang. Chúng ta phải bảo vệ các quan chức bầu cử của mình – những
người bạn và hàng xóm đáng tin cậy của nhiều người trong chúng ta – khỏi các mối
đe dọa đối với sự an toàn của họ. Cơ quan thực thi pháp luật phải có khả năng
giải quyết những vấn đề này và tham gia vào nỗ lực toàn quốc để giải quyết vấn
đề bất công chủng tộc trong quá khứ và hiện tại.
Cuối cùng, phải giải quyết việc lan truyền
thông tin sai lệch, đặc biệt là trên mạng xã hội. Chúng ta phải cải cách mạng
xã hội và tập thói quen tìm kiếm thông tin đúng đắn. Các doanh nghiệp và các cộng
đồng tôn giáo nên khuyến khích tôn trọng các chuẩn mực dân chủ, tham gia vào
các cuộc bầu cử và nỗ lực chống lại thông tin sai lệch.
Quốc gia vĩ đại của chúng ta hiện đang đứng
trên bờ vực thẳm ngày càng lan rộng. Nếu không có hành động ngay lập tức, chúng
ta thực sự có nguy cơ xung đột dân sự và đánh mất nền dân chủ quý giá của mình.
Người Mỹ phải gạt sự khác biệt sang một bên và liên đới cùng nhau trước khi quá
muộn.
(Mai Vũ Phạm phỏng dịch)
No comments:
Post a Comment