Josh Kurlantzick
Nói Về Chiến Dịch Chiếm Lĩnh Truyền Thông Toàn Cầu Của Trung Quốc
Tường thuật: Ngô
Trung Hiếu
Tác giả Josh Kurlantzick là một nhà báo, và hiện
tại là một chuyên viên nghiên cứu cao cấp về khu vực Đông Nam Á tại Viện nghiên
cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) tại New York. Cuốn sách mới nhất của Josh
Kurlantzick với tựa đề “Chiến dịch Chiếm lĩnh Truyền thông Toàn cầu của
Trung Quốc: Chiến dịch giành ảnh hưởng không đồng đều của Trung Quốc tại Châu Á
và trên thế giới” đã tổng hợp những nỗ lực của Trung Quốc trong việc trở
thành một cường quốc truyền thông toàn cầu tương ứng với sức mạnh kinh tế của
mình, chỉ ra những thành công và thất bại của nỗ lực này, và đưa ra một số ý tưởng
giúp các quốc gia phản ứng lại với chiến dịch này. Bài viết này tường thuật lại
cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh giữa Josh Kurlantzick với tờ The Wire China,
giúp độc giả Việt Nam có thể tiếp cận nội dung cơ bản của cuốn sách.
Cuốn sách của Kurlantzick đã tổng hợp nỗ lực
chiếm lĩnh truyền thông của Trung Quốc trong vòng 10 năm trở lại đây. Tác giả
cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong chiến dịch này là có mục tiêu khác biệt
so với giai đoạn trước: trước đây Trung Quốc không đặt nặng vấn đề mở rộng ảnh
hưởng trong dư luận nội bộ các quốc gia khác trừ dưới thời Mao Trạch Đông; tuy
nhiên chiến dịch truyền thông lần này ưu tiên việc tạo ảnh hưởng trong dư luận
các quốc gia khác, từ đó thay đổi diễn ngôn nội bộ và tác động lên chính trị của
các quốc gia này. Kurlantzick cho biết nỗ lực của Trung Quốc không chỉ gói gọn
tại một số quốc gia Châu Á, mà còn nhắm vào nhiều quốc gia dân chủ lớn trên thế
giới. Điều này không được hầu hết các quốc gia trên thế giới chú ý do sự tập
trung vào các chiến dịch tin giả do Nga tiến hành sau năm 2016.
Khi được hỏi về nguyên nhân chính khiến Trung
Quốc đưa ra quyết định chiếm lĩnh truyền thông quốc tế, Kurlantzick cho rằng
câu trả lời có thể chia thành hai giai đoạn: trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tập Cận
Bình cho rằng Trung Quốc cần phải “kể câu chuyện của mình,” khẳng định vị thế
ngang hàng với các cường quốc dân chủ; nhưng trong những năm gần đây khi diễn
ngôn liên quan tới Trung Quốc ngày một tiêu cực, các nỗ lực của chính quyền
Trung Quốc ngày càng mang tính phản ứng lại và cực đoan hơn, nhằm gây sức ép và
dẹp yên các tiếng nói phản đối trên thế giới. Chính sách “ngoại giao chiến
lang” trùng khớp với giai đoạn thứ hai này.
Trong cuốn sách của mình, Kurlantzick đã chỉ
ra bốn nhánh nỗ lực chính của Trung Quốc trong việc đạt được mục tiêu thao túng
diễn ngôn chính trị tại các quốc gia khác. Thứ
nhất, Trung Quốc đầu tư rất mạnh vào các kênh truyền
thông quốc gia như Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền Hình Thế giới Trung Quốc
(CGTN), Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI)…, hướng tới nâng cấp những kênh
truyền thông này lên hàng quốc tế tương tự như Al Jazeera của Qatar. Thứ hai, Trung Quốc đẩy mạnh các
nỗ lực thu mua các hãng truyền thông tiếng Trung độc lập trên thế giới, đặc biệt
là tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, các mạng lưới hội đoàn người Trung Quốc tại nước ngoài
cũng bị kiểm soát chặt chẽ hơn, và đầu tư của Trung Quốc vào các viện nghiên cứu
và trường đại học nước ngoài tăng vọt. Thứ
ba, Trung Quốc tập trung vào các chiến dịch thao
túng chính trị truyền thống như mua chuộc các chính trị gia, bao gồm tại Úc,
Hoa Kỳ, và Canada. Thứ tư, Trung Quốc mở rộng hiện diện tuyên truyền trên các kênh mạng xã hội,
cả trên các mạng xã hội toàn cầu và WeChat. Các chiến dịch tuyên truyền, tung
tin giả của Trung Quốc trên mạng xã hội được mở rộng dựa trên các bài học từ Nga,
và ngày càng trở nên tinh vi hơn so với trước đây.
Trả lời về mức độ thành công của những nỗ lực
của Trung Quốc, tác giả cho biết Trung Quốc đã đối mặt với cả thành công và thất
bại trong những năm vừa qua: (i) đối với các kênh thông tấn quốc gia, ngoại trừ
Tân Hoa Xã, không hãng thông tấn nào mở rộng được ảnh hưởng của mình mặc dù được
đầu tư rất nhiều tiền của. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá rằng cả CGTN và CRI đều
thất bại trong việc thu hút sự chú ý của độc giả quốc tế, kể cả tại các quốc
gia có thái độ tương đối thân thiện với Trung Quốc. Tuy nhiên Tân Hoa Xã đang
có khả năng trở thành một hãng thông tấn quốc tế nhờ vào hệ thống các thỏa thuận
chia sẻ nội dung với rất nhiều hãng thông tấn khác trên toàn thế giới.
Kurlantzick cho rằng nhờ vào chính sách “mượn thuyền” này, có khả năng Tân Hoa
Xã sẽ trở thành một kênh thông tấn có uy tín toàn cầu tương tự như Reuters,
Bloomberg, hay AP, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển; (ii) Trung Quốc
đã đạt được thành công rất lớn trong việc thâu tóm các hãng truyền thông độc lập
phát hành bằng tiếng Trung Quốc trên toàn thế giới trừ Đài Loan và một vài quốc
gia cá biệt khác. Đặc biệt là tại Hoa Kỳ, gần như không còn hãng truyền thông
tiếng Trung độc lập nào chưa bị mua lại bởi các hãng truyền thông được chính
quyền Trung Quốc ủng hộ. Điều này cho phép Trung Quốc tự do truyền tải thông điệp
của mình tới số lượng lớn những người Trung Quốc sống ở hải ngoại đa phần đã ít
nhiều hòa nhập vào cộng đồng chính trị của nước sở tại; (iii) những chiến dịch
mua chuộc chính trị gia nước ngoài vẫn tiếp tục diễn ra và mới bắt đầu được chú
ý tới sau khi Mỹ, Australia, New Zealand điều tra các chính trị gia có dính líu
tới Trung Quốc. Chiến dịch dùng tiền đầu tư vào các viện nghiên cứu và đại học
đã có hiệu quả trong việc thay đổi góc nhìn của giới học thuật với Trung Quốc,
nhưng Hoa Kỳ và Châu Âu đã bắt đầu điều tra vào các chiến dịch ảnh hưởng này;
(iv) Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây đang bắt đầu nhận ra rằng Trung Quốc
đang học tập các chiêu bài tin giả của Nga trên mạng xã hội. FBI và Bộ Tư pháp
Mỹ báo cáo rằng Trung Quốc đang dò tìm các lỗ hổng trong các đảng phái chính trị
của Hoa Kỳ để đột nhập và tung tin giả. Tuy các chiến dịch của Trung Quốc vẫn
chưa thành công bằng Nga do chưa dày dặn kinh nghiệm trong việc lợi dụng chia rẽ
chính trị, các nỗ lực của Trung Quốc đang ngày một tinh vi hơn. Trong chiến dịch
tranh cử giữa kỳ 2022 tại Hoa Kỳ, tất cả các hãng thông tấn đều báo cáo rằng có
sự can thiệp của chiến dịch tin giả do Trung Quốc đứng sau, tấn công vào chia rẽ
liên quan tới sắc tộc và giai cấp. Tại Đài Loan, Trung Quốc đang tận dụng chia
rẽ trong xã hội để phát tán tin giả một cách ngày càng tinh vi hơn, nhưng chưa
đạt được hiệu quả do các chương trình nâng cao nhận thức về tin giả của chính
quyền và các hãng thông tấn độc lập.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Kurlantzick
cũng giải thích về hai khái niệm “sức mạnh mềm” và “sức mạnh sắc” trong cuốn
sách của mình. “Sức mạnh mềm” là năng lực thu hút công dân của các quốc gia
khác thông qua khả năng hấp dẫn, và có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau từ cả
lĩnh vực công và tư như điện ảnh, xuất khẩu văn hóa, hay cung cấp viện trợ. Mục
tiêu cuối cùng của sức mạnh mềm là nâng cao hình ảnh quốc gia đối với cả tầng lớp
tinh hoa và người dân tại các quốc gia mục tiêu, để từ đó gây ảnh hưởng lên
chính sách tại các quốc gia này. Theo tác giả, Trung Quốc đã triển khai thành
công sức mạnh mềm tại các quốc gia Đông Nam Á từ những năm 1990 tới 2010, từ đó
hoàn tất được nhiều thỏa thuận thương mại tự do tại đây cũng như có quan hệ rất
tốt với ASEAN. Tuy nhiên hiện tại hình ảnh của Trung Quốc tại đây đã gần như sụp
đổ hoàn toàn. Ngược lại, “sức mạnh sắc” là ảnh hưởng lên các quốc gia khác
thông qua các biện pháp cưỡng ép hay bí mật, ví dụ như mua chuộc các chính trị
gia nước ngoài hay thao túng các hội nhóm sinh viên Trung Quốc tại nước ngoài để
đạt được các chính sách mong muốn. Chính quyền Trung Quốc cũng thường xuyên mời
các kênh truyền thông nước ngoài tới làm việc tại Trung Quốc, để sử dụng các
kênh truyền thông này dập tắt dư luận liên quan tới Trung Quốc tại các quốc gia
này.
Từ những nội dung kể trên, tác giả Kurlantzick
rút ra một số ý tưởng cho các quốc gia khác đối phó với chiến dịch chiếm lĩnh
truyền thông của Trung Quốc. Điều đầu tiên là các quốc gia nên học tập Hoa Kỳ
trong việc nhận ra rằng truyền thông và thông tin là hai vũ khí quan trọng. Hội
đồng Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) vốn tập trung vào việc kiểm soát các
nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực có tiềm năng quân sự, và đã có sự
dịch chuyển sang kiểm soát cả các dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực truyền
thông. Kurlantzick cho rằng các quốc gia khác trên thế giới nên có cơ chế tương
tự để kiểm soát đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này. Thứ hai, với các phần mềm
và mạng xã hội không minh bạch như TikTok, tác giả cho rằng phần mềm này không
có sự minh bạch về sử dụng dữ liệu người dùng và về chủ sở hữu của công ty, do
đó cần phải được theo dõi và kiểm soát triệt để hơn thông qua yêu cầu kiểm soát
dữ liệu người dùng tại máy chủ nội địa. Thứ ba, để vừa đối phó với chiến dịch
chiếm lĩnh truyền thông và vừa bảo vệ tự do ngôn luận, các quốc gia nên nâng
cao tính minh bạch của các kênh thông tấn, ví dụ như thể hiện rõ ràng rằng kênh
thông tấn này được tài trợ bởi chính phủ nào hay cơ quan nào. Ngoài ra, nâng
cao dân trí trong việc sử dụng không gian mạng cũng là một yếu tố quan trọng,
tương tự như các nỗ lực của Đài Loan hay Singapore. Kết hợp lại, những ý tưởng
này có thể sẽ giúp cho các quốc gia trở nên vững vàng hơn trước Chiến dịch Chiếm
lĩnh Truyền thông của Trung Quốc, vốn có thể được coi là một phần của Chiến
tranh Chiếm lĩnh Nhận thức.
------------------------
Th.S Ngô Trung Hiếu là cộng tác viên nghiên cứu về
chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức tại Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Xem toàn văn
bài phỏng vấn ở đây. Một bản
PDF được lưu ở đây.
Độc giả có thể sẽ muốn gửi tài trợ cho Dự án Đại Sự
Ký Biển Đông ít nhất 30.000đ trước khi truy cập bản PDF, để Dự án có thể tiếp tục
tồn tại một cách độc lập và giới thiệu những tri thức có giá trị tới cộng đồng.
Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo
cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.
No comments:
Post a Comment