1.
Hôm
nay, ngày 3-2, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 93 năm. Hôm qua, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của tác giả Nguyễn Phú Trọng ra mắt.
Cũng
trong ngày 2-2, báo chí “cận cảnh” màn cáo buộc rút ruột 50 tỉ đồng của ông
tướng Tư lệnh cảnh sát biển. Và cơ man những ông “tư lệnh” khắp các bộ ngành,
các tỉnh thành cùng thuộc cấp, đối tác, người thân, là nguồn tư liệu không phải
nhọc công đi tìm kiếm, xác minh để tác giả cuốn sách nói trên chấp bút! Hứa hẹn
hẳn sẽ còn tập hai hoặc “hồi sau sẽ rõ” chăng…
Khi
tội phạm tham nhũng vốn là “đặc quyền” của cán bộ, lãnh đạo; mà thành phần này
lại là đảng viên thì Đảng sẽ kiểm thảo như thế nào trong ngày sinh nhật? Đảng sẽ không chỉ đơn
thuần nhận trách nhiệm về bồi dưỡng, giáo dục, kiểm tra; mà phải nhìn lại thực
chất cơ chế cơ cấu, phân phối và kiểm soát quyền lực trong Đảng - với các thành
phần xã hội còn lại ngoài Đảng như thế nào để cân bằng cán cân quyền lực - kiểm
soát quyền lực và công bằng xã hội? Khi mà cả pháp lý - không khiến người ta
biết sợ và kiểm soát hành vi của mình và đạo lý - giữ gìn và điều chỉnh hành
vi, lối sống để hệ quả là nhung nhúc cán bộ, lãnh đạo kéo nhau ra tòa, vô tù vì
tham ô, tham nhũng; thì Đảng sẽ phải tự hoài nghi mục tiêu vốn mang tính chân
lý của mình ra sao?
Chỉ
xin chép lại một nhận định rút ra từ “hành trình trí thức của Karl Marx”
của trí thức yêu nước Nguyễn Văn Trung: “Marx là người trí thức, nhấn mạnh
vào tầm quan trọng của tư tưởng, lý thuyết gắn liền với thực tiễn tranh đấu
nhưng lại không coi tư tưởng như chân lý vĩnh cửu. Marx chống lại thái độ giáo
điều coi tư tưởng như tín lý và tranh đấu là bắt thực tại lại uốn nắn theo lý
thuyết tín lý. Trái lại thái độ đúng đắn của người tranh đấu cách mạng là luôn
luôn phân tách thực tại để rút ra một đường lối hành động từ thực tại. Thực tế
biến đổi, lý thuyết biến đổi theo” (NXB Tổng hợp TP.HCM - 2018).
2.
Hôm
kia, đọc bản tin Chủ tịch UBND TPHCM tự hạ bậc thi đua vì giải ngân đầu tư công
thấp. Trước hết, chí ít đó là sự tự trọng của một người cán bộ, nhất là cán bộ
đứng đầu. Giờ thử rà xem trong toàn hệ thống, kiểm đếm bao nhiêu lãnh đạo đứng
đầu, thủ trưởng đơn vị có thái độ và bậc thi đua chỉ ở mức “hoàn thành tốt”
hoặc ngon hơn nữa là “hoàn thành nhiệm vụ”? Tôi dám chắc, không nhiều. Tất
nhiên, ngoại trừ những người xứng đáng thật sự, sự xứng đáng được lượng hóa
bằng hiệu năng, hiệu quả công việc phục vụ lợi ích chung; còn lại như một “tập
quán” dành cho các kiểu bình bầu, xếp hạng cuối năm.
Hơn
nữa, cái đáng ghi nhận còn ở chỗ, vì thông tin không nói rõ ông Mãi tự hạ bậc
thi đua bên đảng hay chính quyền, song một khi tự hạ bậc không xuất sắc thì sẽ
dẫn tới “hệ lụy” xếp loại của tổ chức khi có lãnh đạo lọt khỏi vị trí cao nhất.
Trong trường hợp này, Ban cán sự Đảng ủy ban tôi không nói - nơi ông Mãi đứng
đầu, nhưng trong tập thể Thường trực Thành ủy, kể cả Ban Thường vụ Thành ủy mà
chấp nhận vậy thì cũng là “chơi được”.
Tôi
đã từng chứng kiến tình cảnh: người đứng đầu cơ sở nhận hết trách nhiệm, mức kỷ
luật cao nhất về mình để bảo toàn cho anh em cấp dưới, ổn định cơ quan để vận
hành công việc. Nhưng tập thể cấp trên lại từ chối chỉ vì lý do, sẽ ảnh hưởng
đến kết quả thi đua cuối năm của họ! Cho nên, nói cái việc “bảo vệ người dám
nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm” tôi lại nghĩ đến cấp trên của cái người
“dám” ấy nhiều hơn.
Trở
lại việc tự hạ bậc thi đua của ông Mãi, tôi thấy cần nhưng chưa đủ, khi đặt
trong căn bệnh kinh niên giải ngân đầu tư công đâu chỉ phụ thuộc vào thành phố
này, vào mỗi vị trí người đứng đầu chính quyền thành phố. Bao năm rồi nó được
chỉ đích danh các nguyên nhân khách - chủ, năm nào cũng xem đấy là nhiệm vụ
trọng tâm nhưng có ai chịu đứng ra nhận lấy cái trách nhiệm chậm/ giãn/ giải
ngân 0% đâu. Biết tỏng là cơ chế chồng chéo, bộ ngành thiếu phối hợp tháo gỡ,
chính quyền cơ sở thụ động, chưa kể dòng tâm trạng “tham mưu trong sợ hãi”
nhưng nó đã thành “chuyện của làng” nên “sống chết mặc bây”!
Cho
nên, hôm nay 3-2, tôi vẫn ngây thơ mà thưa rằng: đất nước có một đảng lãnh đạo
thì đảng ấy phải sạch từ trong ra ngoài, phải trung thực từ trên xuống dưới,
phải hiểu biết từ gốc tới ngọn. Bằng không, sách vẫn ra, tòa vẫn mở mà “thứ Sáu
ngày 13” cứ nối dài.
Xin
kết: 6 tháng trước khi Liên Xô sụp đổ, một cuộc khảo sát được thực hiện dựa
trên câu hỏi “Đảng cộng sản Liên xô là đảng của ai”, chỉ 11% nói “đảng của
người dân”, 89% còn lại đã “góp phần” giật sập một thành trì.
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/02/4.jpeg
Lễ ra mắt sách
của Nguyễn Phú Trọng
No comments:
Post a Comment