Mỹ :
Từ 2018, khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã bay khắp thế giới
Anh Vũ - RFI
Đăng ngày: 13/02/2023 - 14:52
Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và những hậu quả; chiến
tranh kéo dài khốc liệt tại Ukraina, các nước đồng minh trước thách thức tiếp
thêm vũ khí cho Kiev; nước Pháp tiếp tục sôi sục với cuộc cải các hưu trí
và dư âm của vụ quả khinh khí cầu Trung Quốc bị Mỹ bắn rơi cùng những hệ
lụy, là nhưng chủ để nổi bật của các báo Pháp ra ngày đầu tuần, 13/02/2023.
Quả khinh khí cầu của Trung Quốc bay qua Billings, Montana, Hoa Kỳ, ngày
01/02/2023. © AP/Larry Mayer
Trang nhất hầu hết các tờ báo lớn của Pháp số
ra hôm nay đều đăng ảnh và chạy tựa lớn về trận động đất lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ và
Syria, đã gây ra cái chết của hơn ba chục nghìn người, thiệt hại vật chất
chưa thể tính hết. Tuy nhiên hậu quả được các báo chủ yếu đề cập đến là về mặt
xã hội và chính trị đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhật báo Le Monde chạy tựa : Tại
Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, những vết thương của trận địa chấn. Tờ báo tập trung phản ánh về những thiệt hại to lớn về người và vật
chất mà trận động đất kinh hoàng xảy ra cách đây một tuần ở Thổ Nhĩ Kỳ và
Syria. Nhật báo Le Figaro ghi nhận : « Sau địa chấn,
Thổ Nhĩ Kỳ chìm trong hỗn loạn, chôn cất người chết ». Tờ báo cho hay con số nạn nhân chết trong trận động đất vừa qua ở Thổ
Nhĩ Kỳ đã lên tới hơn 33 nghìn người và theo Liên Hiệp Quốc con số này có thể
còn lớn gấp đôi. Tờ báo cũng ghi nhận một hậu quả khác về mặt chính trị đối với
chính quyền của tổng thống Erdogan. Trong bài viết : « Erdogan bị chỉ trích dữ dội ba tháng trước
bầu cử », Le Figaro cho thấy sau
những đau thương mất mát, giờ là lúc các đảng phái chính trị đối lập, dư luận
báo chí, lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chính phủ về cách xử lý khủng hoảng, đã không
phản ứng kịp thời, phù hợp trước thảm họa của đất nước. Trận động đất cũng đã
làm lộ rõ những bê bối tham nhũng, trong quản lý các công trình xây dựng khiến
cho hậu quả mà thảm họa để lại càng lớn hơn.
Để xoa dịu dân chúng, tổng thống Erdogan đã đến
hiện trường thăm hỏi các nạn nhân, thừa nhận những thiếu sót của chính phủ cũng
như hứa trợ cấp tiền cho các nạn nhân. Le Figaro cho biết, cuối tuần qua, bộ
trưởng Tư Pháp Thổ Nhĩ Kỳ thông báo truy tố và bắt giam một loạt các nhà thầu
xây dựng vì các công trình xây dựng tồi tệ, lộ ra sau vụ động đất vừa qua.
Nhật báo Công Giáo La Croix nhận
xét : « Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, giờ là
lúc tính sổ ». Theo La Croix, một tuần
sau trận động đất, phẫn nộ của người dân dâng cao nhằm vào chính quyền của tổng
thống Erdogan vì sự chậm trễ và tổ chức cứu hộ rối loạn. Hệ quả đối với chính
quyền Erdogan bắt đầu thấy rõ khi chỉ còn 3 tháng nữa đến kỳ bầu cử tổng thống.
La Croix gọi đó là « những dư chấn chính trị của động đất »
.
Khí cầu Trung Quốc đã bay khắp thế giới
Chuyển qua với thời sự châu Á, dư âm của vụ quả
khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ trên vùng trời nước Mỹ vẫn được nhiều tờ báo quan
tâm. Le Monde có bài : « Khí cầu Trung Quốc chứa
đầy mạng lưới gián điệp ».
Trong khi thêm một vật thể bay không xác định
nguồn gốc lại vừa bị không quân Mỹ bắn hạ trên vùng trời bắc Mỹ hôm 10/02,
Washington khẳng định từ năm 2018, Trung Quốc có thể đã tiến hành ít nhất hai
chục vụ do thám bằng bóng thám không xung quanh địa cầu. Le Monde trích dẫn nhiều
nguồn tin Mỹ khẳng định ít nhất có 4 quả khinh khí cầu như vậy đã được phát hiện
trên vùng trời Hoa Kỳ.
Theo Le Monde, « dựa trên phân
tích các mảnh vỡ vớt trên biển của quả khí cầu bị bắn hạ tuần trước, Washington
khẳng định, trái với điều mà chính quyền Trung Quốc vẫn nói từ đầu vụ việc, quả
khinh khí cầu này không đơn thuần chỉ là để thăm dò khí tượng, bị lạc đường
bay, mà đó là một cỗ máy trang bị các thiết bị công nghệ cao để thu thập thông
tin về những mục tiêu dưới đất, đặc biệt là các cơ sở quân sự. Quả khinh khí cầu
được trang bị các phương tiện thu các thông tin điện từ trường, tức là những
tín hiệu radar và viễn thông. »
Vẫn theo nguồn tin của Mỹ, nhiều quả khí
cầu khác cũng đã bị phát hiện ở các khu vực Mỹ La Tinh, Ấn Độ, Việt Nam, Đài
Loan, Philippines và Nhật Bản. Năm 2020, một vật thể bay đã được phát hiện trên
bầu trời Nhật Bản. Báo chí Mỹ trích dẫn một quan chức Nhật cho biết, ban đầu
người ta nghĩ đó là một vật thể bay không xác định (UFO), nhưng sau đó mọi người
hiểu rằng đó là một quả khí cầu do thám của Trung Quốc.
Nhật báo Pháp trích dẫn các quan chức Mỹ cho
hay, các khinh khí cầu như vậy chủ yếu được đưa lên từ tỉnh Hải Nam, phía nam
Trung Quốc. Đây là hòn đảo có các căn cứ quân sự quan trọng của Trung Quốc được
phía Mỹ rất quan tâm. Năm 2022, chiến đấu cơ Trung Quốc và máy bay do thám của
Mỹ đã tránh được một vụ va chạm trong gang tấc trên vùng trời ngoài khơi hòn đảo
này. Nhật báo Mỹ Wall Street Journal cũng cho biết Trung Quốc còn một căn cứ thả
khinh khí cầu khác nằm trong vùng Nội Mông. Theo nhiều nguồn tin khác mà tờ báo
Mỹ thu thâp được, chương trình khinh khí cầu Trung Quốc được phối hợp thực hiện
giữa quân đội Trung Quốc và một tập hợp các viện nghiên cứu, công ty được Nhà
nước hỗ trợ, trong đó có Viện Khoa học Bắc Kinh. Quả khinh khí cầu mới bị bắn
rơi tuần trước là do một công ty thuộc quân đội chế tạo.
Vẫn theo các quan chức Mỹ, các quả khí cầu của
Trung Quốc bay ở không phận cao nhất trong khoảng cách mặt đất từ 20km đến
100km. Chúng có thể mang các thiết bị quang học hay camera kỹ thuật số, có thể
ghi những hình ảnh rất chính xác.
Le Monde cho biết bản thân Mỹ cũng là nước đi
đầu trong lĩnh vực phát triển khinh khí cầu bay ở không phận cao. Nhưng phía Mỹ
khẳng định chương trình của họ phục vụ mục đích dân sự.
Le Monde cho biết, đến thời điểm hiện tại Pháp
xác nhận không phát hiện vật thể lạ bay vào bầu trời của mình nhưng bộ Quốc
Phòng đã lệnh cho không quân làm báo cáo về vấn đề này.
.
Từ vụ khinh khí cầu đến vị thế của Tập Cận Bình
Nhật báo Le Figaro đề cập đến vụ bóng thám
không Trung Quốc ở góc độ vụ việc có thể tổn hại đến quyền lực của chủ tịch Tập
Cận Bình ở trong nước và thanh thế quốc tế của ông ta qua bài phân tích :
« Quả bóng gián điệp phá vỡ hòa dịu với Mỹ mà Tập Cận Bình
mong muốn »
Vụ bóng thám không được giới quan sát nhìn nhận
như là thất bại ngoại giao của Bắc Kinh mà trực tiếp là của lãnh đạo Trung Quốc
Tập Cận Bình. Le Figaro nhận định, « vụ việc làm dấy lên hoài nghi
về tài ngoại giao khéo léo của lãnh đạo Trung Quốc, đồng thời phơi bày những trục
trặc trong việc thực thi chiến lược đối ngoại của cường quốc thứ hai thế giới... »
Nhà nghiên cứu Triệu Thông ( Zhao Tong) thuộc
Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa có trụ sở tại Bắc Kinh được tờ báo trích dẫn nhận
xét: “Cuộc khủng hoảng khiến lãnh đạo Trung Quốc khó xử. Nó càng làm trầm
trọng thêm mối ngờ vực lẫn nhau vào thời điểm Trung Quốc muốn ổn định mối quan
hệ với Hoa Kỳ để đảm bảo phát triển kinh tế và cạnh tranh tốt hơn về lâu
dài ».
Theo tờ báo, giả thuyết sự cố bóng thám không
là cố tình nhằm phá hoại sự hâm nóng quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ không thuyết
phục được các chuyên gia. Phần đông cho rằng ở đây có sự trục trặc trong bộ máy
chính quyền vốn đã phức tạp và không rõ ràng bao giờ. Cụ thể là giữa Ngoại Giao
và Quân Đội. Vụ việc cũng lộ ra những giới hạn của việc tập quyền của Tập Cận
Bình trong một đất nước 1,4 tỷ dân.
Le Figaro nhận định : Chắc chắn, vụ việc
này không ảnh hưởng đến quyền lực độc tôn của Tập Cận Bình, ông đã gây dựng được
uy tín của mình với quần chúng. Nhưng vụ việc làm mất đi tầm vóc của một nhà
lãnh đạo, luôn muốn tỏ ra đạo mạo trong các hồ sơ quốc tế.
Lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng này hứa hẹn sẽ
rất tế nhị đối với nhà lãnh đạo phục hưng chủ nghĩa dân tộc, đang muốn định
hình lại quan hệ với cường quốc số 1 thế giới để đối phó với những thách
thức nội bộ để không bị mất mặt.
.
Chiến tranh Ukraina : Các đồng minh phương Tây
rơi vào thế kẹt
Chuyển qua thời sự chiến tranh Ukraina.
Nhật báo Libération có bài xã luận đáng chú ý với tiêu đề « Lựa
chọn nan giải Ukraina » đề cập trở lại sự
kiện tổng thống Ukraina công du một vòng châu Âu xin viện trợ chiến đấu cơ
nhưng không thành.
Các nước Châu Âu, đồng tình với Hoa Kỳ, đã
không đáp ứng mong đợi của tổng thống Ukraina, trì hoãn thời gian hoặc thêm điều
kiện sử dụng các loại vũ khí tầm xa. Tờ báo bình luận, « cuộc chiến
tranh tại Ukraina không phải là cuộc chiến của những nước cung cấp vũ khí mà họ
chỉ đang thực hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ». Thế nhưng Ukraina
đang trong tình trạng khẩn cấp, giữa sự sống và cái chết. Theo Libération, nếu
Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây không ở bên cạnh Ukraina thì bây giờ đất nước
này có lẽ đã bị sáp nhập vào Nga, các lãnh đạo Ukraina đã bị tiêu diệt như thời
Staline ngày trước rồi.
Nhưng sự thận trọng của các nước đồng minh
Ukraina không bao giờ thừa, xã luận của Libération khẳng định.
Tờ báo nhận thấy các đồng minh của Ukraina, nhất
là Hoa Kỳ, đang gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là muốn cuộc chiến sớm chấm dứt,
nhưng Vladimir Putin muốn kéo dài bằng một cuộc chiến tranh hao mòn. Trở ngại nữa,
là các nước hậu thuẫn cho Ukraina khó có thể chuyển qua nền kinh tế chiến
tranh, vốn đang bi đát trong thời bình rồi. Trong khi đó nhu cầu đạn dược vũ
khí hàng ngày của Ukraina đã vượt quá khả năng sản xuất của các nước đồng
minh.
Tổng thống Pháp Emmanuel
Macron đã phát biểu rằng « Nước Nga không thể và cũng không được
chiến thắng cuộc chiến tranh này ». Liberation kết luận : « Đồng
ý ! Nhưng người ta muốn được biết làm thế nào người Ukraina và các đồng
minh của mình đạt được điều đó. Đó cũng lại là điều mù mờ nhất ».
No comments:
Post a Comment