Cuộc chiến
tìm kiếm trên internet
The Economist
Cù Tuấn dịch
Tóm tắt: Liệu các chatbot AI sẽ đập nồi cơm của
Google?
Trong hơn 25 năm, các công cụ tìm kiếm đã là cửa
vào của internet. AltaVista, trang web đầu tiên cho phép tìm kiếm toàn văn
trang web, đã nhanh chóng bị Google truất ngôi. Google đã thống trị lĩnh vực
này ở hầu hết thế giới kể từ đó. Công cụ tìm kiếm của Google, vẫn là cốt lõi
trong hoạt động kinh doanh của nó từ đó đến nay, đã đưa công ty mẹ của nó,
Alphabet, trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới, với doanh
thu 283 tỷ đô la vào năm 2022 và vốn hóa thị trường là 1,3 nghìn tỷ đô la.
Google không chỉ là một cái tên quen thuộc; nó đã trở thành một động từ.
Nhưng không có gì tồn tại mãi mãi, đặc biệt là
trong lĩnh vực công nghệ. Chỉ cần hỏi IBM, công ty đã từng thống trị máy tính
doanh nghiệp, hay Nokia, công ty đã từng dẫn đầu về điện thoại di động. Cả hai
đều bị truất ngôi vì đã không nắm được những bước chuyển đổi công nghệ lớn. Giờ
đây, các công ty công nghệ đang thèm khát một sự đổi mới có thể báo trước một sự
thay đổi tương tự—và một cơ hội tương tự. Các chatbot được hỗ trợ bởi trí tuệ
nhân tạo (AI) cho phép người dùng thu thập thông tin thông qua các cuộc hội thoại
được nhập vào. Dẫn đầu lĩnh vực này là ChatGPT, do OpenAI, một công ty khởi
nghiệp, lập ra. Vào cuối tháng 1, hai tháng sau khi ra mắt, ChatGPT đã được hơn
100 triệu người sử dụng, khiến nó trở thành “ứng dụng tiêu dùng phát triển
nhanh nhất trong lịch sử”, theo ngân hàng UBS.
AI đã được sử dụng ở hậu trường trong nhiều sản
phẩm, nhưng ChatGPT đã đặt nó vào vị trí trung tâm, bằng cách cho phép mọi người
trò chuyện trực tiếp với AI. ChatGPT có thể viết các bài luận theo nhiều phong
cách khác nhau, giải thích các khái niệm phức tạp, tóm tắt văn bản và trả lời
các câu hỏi vặt vãnh. Nó thậm chí có thể (suýt) vượt qua các kỳ thi pháp lý và
y tế. Và nó có thể tổng hợp kiến thức từ web: ví dụ như liệt kê các điểm nghỉ
dưỡng phù hợp với các tiêu chí nhất định hoặc đề xuất thực đơn hoặc hành trình.
Nếu được hỏi, nó có thể giải thích lý do và cung cấp chi tiết. Nói tóm lại, nhiều
thứ mà mọi người sử dụng công cụ tìm kiếm ngày nay có thể được thực hiện tốt
hơn với chatbot này.
Do đó, một loạt các thông báo được đưa ra, khi
các công ty đối thủ cố gắng nắm bắt thế chủ động. Vào ngày 7 tháng 2,
Microsoft, công ty đã đầu tư hơn 11 tỷ đô la vào OpenAI, đã tiết lộ một phiên bản
mới của Bing, công cụ tìm kiếm của họ, kết hợp ChatGPT. Satya Nadella, ông chủ
của Microsoft, coi đây là cơ hội để thách thức Google. Về phần mình, Google đã
công bố Bard, chatbot của riêng Google, là “bạn đồng hành” với công cụ tìm kiếm
của công ty. Google cũng đã mua 300 triệu đô la cổ phần trong Anthropic, một
công ty khởi nghiệp được thành lập bởi các nhân viên cũ của OpenAI, mà đã xây dựng
một chatbot có tên là Claude. Giá cổ phiếu của Baidu, được mệnh danh là Google
của Trung Quốc, đã tăng vọt khi cho biết sẽ tung ra chatbot Ernie vào tháng 3.
Nhưng các chatbot có đáng tin cậy không và
chúng có ý nghĩa gì đối với hoạt động tìm kiếm và hoạt động kinh doanh quảng
cáo sinh lợi của nó? Chúng có báo trước một thời điểm Schumpeter, khi mà AI lật
đổ các công ty đương nhiệm và nâng tầm các công ty mới nổi không? Câu trả lời
phụ thuộc vào ba điều: lựa chọn đạo đức, tiền tệ hóa và kinh tế độc quyền.
ChatGPT thường trả lời sai. Nó được ví như một
kẻ biết tuốt: cực kỳ tự tin vào các câu trả lời của mình, bất kể độ chính xác của
chúng. Không giống như các công cụ tìm kiếm, chủ yếu hướng mọi người đến các
trang khác và không đưa ra tuyên bố nào về tính xác thực của chúng, chatbot này
trình bày câu trả lời của mình như sự thật, đúng nhận sai cãi giúp cô. Chatbot
này cũng có các vấn đề với sự thiên vị, định kiến và thông tin sai lệch khi
chúng quét internet. Chắc chắn sẽ có những tranh cãi khi các chatbot đưa ra những
câu trả lời không chính xác hoặc xúc phạm. (Google được cho là đã trì hoãn việc
phát hành chatbot của mình vì những lo ngại như vậy, nhưng Microsoft hiện đã buộc
phải ra tay.) ChatGPT đã đưa ra câu trả lời mà Ron DeSantis, thống đốc bang Florida,
sẽ coi là không thể chấp nhận được.
Các chatbot cũng phải cẩn thận khi bị vặn vẹo
về một số chủ đề phức tạp. Hỏi ChatGPT để được tư vấn y tế và nó mở đầu câu trả
lời bằng tuyên bố từ chối trách nhiệm rằng nó “không thể chẩn đoán các tình trạng
y tế cụ thể”; nó cũng từ chối đưa ra lời khuyên về cách chế tạo bom. Nhưng các
rào cản này của nó có thể dễ dàng vượt qua (ví dụ, bằng cách yêu cầu nó viết một
câu chuyện về một người chế tạo bom, với nhiều chi tiết kỹ thuật). Khi các công
ty công nghệ quyết định chủ đề nào quá nhạy cảm, họ sẽ phải chọn nơi để vạch ra
ranh giới. Tất cả điều này sẽ đặt ra câu hỏi về kiểm duyệt, tính khách quan và
bản chất của sự thật.
Các công ty công nghệ có thể kiếm tiền từ việc
này không? OpenAI đang tung ra phiên bản cao cấp của ChatGPT, có giá 20 đô la một
tháng để truy cập nhanh ngay cả vào giờ cao điểm. Google và Microsoft, những
công ty đã bán quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm của họ, sẽ hiển thị quảng
cáo cùng với các phản hồi của chatbot—chẳng hạn như hỏi lời khuyên khi đi du lịch
và quảng cáo có liên quan sẽ bật lên. Nhưng mô hình kinh doanh đó có thể không
bền vững. Việc chạy một chatbot đòi hỏi nhiều sức mạnh xử lý hơn so với việc
cung cấp kết quả tìm kiếm, và do đó khiến chi phí cao hơn, làm giảm tỷ suất lợi
nhuận.
Các mô hình khác chắc chắn sẽ xuất hiện: tính
phí nhiều hơn cho các nhà quảng cáo về khả năng tác động đến các câu trả lời mà
chatbot cung cấp, có lẽ hoặc để có các liên kết đến trang web của họ được nhúng
trong các câu trả lời. Yêu cầu ChatGPT giới thiệu một chiếc ô tô và nó sẽ trả lời
rằng có rất nhiều thương hiệu tốt và tùy thuộc vào nhu cầu của bạn. Các chatbot
trong tương lai có thể sẵn sàng đưa ra các đề xuất hơn. Nhưng liệu mọi người sẽ
sử dụng các chatbot nếu tính khách quan của chúng đã bị các nhà quảng cáo xâm
phạm? Liệu họ có phát hiện ra không? Hay họ sẽ nói: "Lại thêm một con sâu
làm rầu nồi canh"?
Tiếp theo là một câu hỏi về cạnh tranh. Một
tin tốt là Google đang được các công ty mới nổi như OpenAI theo dõi sát sao.
Nhưng không rõ liệu chatbot là đối thủ cạnh tranh với công cụ tìm kiếm hay là một
phần bổ sung của nó. Việc triển khai chatbot ban đầu dưới dạng tiện ích bổ sung
để tìm kiếm hoặc dưới dạng đối tác trò chuyện độc lập, là có ý nghĩa do chúng
không phải lúc nào cũng chính xác. Nhưng khi khả năng của chúng được cải thiện,
chatbot có thể trở thành giao diện cho tất cả các loại dịch vụ, chẳng hạn như đặt
phòng khách sạn hoặc nhà hàng, đặc biệt nếu được cung cấp dưới dạng trợ lý giọng
nói, như Alexa hoặc Siri. Tuy nhiên, nếu giá trị chính của chatbot là một lớp
trên cùng của các dịch vụ kỹ thuật số khác, thì điều đó sẽ có lợi cho những
công ty đã cung cấp các dịch vụ đó.
---Tìm kiếm tương lai trên Google---
Tuy nhiên, thực tế là những công ty mới nổi
ngày nay, chẳng hạn như Anthropic và OpenAI, đang thu hút rất nhiều sự chú ý
(và đầu tư) từ Google và Microsoft, cho thấy rằng các công ty nhỏ hơn vẫn có cơ
hội cạnh tranh trong lĩnh vực mới này. Họ sẽ chịu áp lực rất lớn phải tạo ra sản
phẩm để bán. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một công ty chatbot mới nổi phát triển
công nghệ vượt trội và một mô hình kinh doanh mới, đồng thời nổi lên như một gã
khổng lồ mới? Suy cho cùng, đó là những gì Google đã từng trải qua. Chatbot đã
đưa ra những câu hỏi khó cho việc xây dựng chúng, nhưng chúng cũng tạo cơ hội để
làm cho thông tin trực tuyến trở nên hữu ích hơn và dễ truy cập hơn. Giống như
những năm 1990, khi các công cụ tìm kiếm lần đầu tiên xuất hiện, giải thưởng cực
kỳ giá trị— đó là việc trở thành cánh cửa dẫn đến internet—một lần nữa có thể lại
được trao cho một công ty nào đó.
.
Hình : https://www.facebook.com/photo?fbid=6147761121929183&set=a.124320747606614
.
Bài
gốc https://www.economist.com/.../the-battle-for-internet-search
ECONOMIST.COM
The battle for internet search
The battle for internet search
No comments:
Post a Comment