Chiến
tranh Ukraine, căng thẳng Mỹ-Trung là trọng tâm Hội nghị An ninh Munich
15/02/2023
Các nhà lãnh đạo thế giới trong tuần này sẽ tham dự
Hội nghị An ninh Munich
trước ngày đánh dấu một năm ngày Nga xâm lược Ukraine, giữa lúc căng thẳng Mỹ-Trung
gia tăng về các cáo buộc gián điệp.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-a443-08db0e5e0f67_w1023_r1_s.jpg
Ông Christoph Heusgen, đại sứ Đức
tại Liên hiệp quốc, chủ tọa Hội nghị An ninh Munich.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, nhà ngoại giao cấp cao của
Trung Quốc Vương Nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp
Emmanuel Macron và người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg nằm trong
số những người tham dự cuộc họp thường niên kéo dài ba ngày.
Sự kiện này, bắt đầu từ 17/2, diễn ra chỉ vài hôm
trước ngày tròn một năm Moscow đưa quân vào Ukraine mang chiến tranh trở lại
châu Âu sau nhiều chục năm.
Với việc Ukraine đang chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công mới từ
Moscow, các nhà lãnh đạo có khả năng sẽ tái cam kết hỗ trợ Kyiv trong thời gian
cần thiết để đánh trả sự xâm lược của Nga.
Ông Christoph Heusgen, chủ tọa hội nghị, cho biết một năm sau khi Tổng
thống Vladimir Putin quyết tâm “phá vỡ nền văn minh”, hội nghị phải đối mặt với
câu hỏi làm thế nào “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” có thể được tôn trọng.
“Trong
[tương lai], có chăng một trật tự mà sức mạnh của pháp luật sẽ thống trị? Hay sẽ
có một trật tự trong đó luật của kẻ mạnh nhất sẽ thắng thế?” ông nêu câu hỏi tại một cuộc họp báo.
Ông cho biết câu hỏi “làm thế nào để đối phó với những ai, những nhà
lãnh đạo chính trị không tôn trọng pháp quyền” sẽ nằm trong chương trình nghị sự.
Căng thẳng Mỹ-Trung có thể sẽ nổi bật tại cuộc họp ở thành phố Đức thuộc
bang Bavaria, với mối quan hệ đã đi xuống kể từ khi Washington bắn hạ một khinh
khí cầu gián điệp Trung Quốc vào đầu tháng Hai.
Bắc Kinh đã khẳng định khinh khí cầu đó mang mục đích dân sự và hôm
13/2 đã đáp trả, cáo buộc Hoa Kỳ thả khinh khí cầu trên lãnh thổ của Trung Quốc
– một cáo buộc bị Washington nhanh chóng bác bỏ.
Ông Heusgen không nghĩ rằng ông Vương sẽ dùng bài phát biểu tại sự kiện
tới đây để nói “xin lỗi, đó là khinh khí cầu gián điệp của chúng tôi đã bay
qua.”
Nhưng ông nói thêm “Tôi hy vọng rằng sẽ có các cuộc đàm phán... bên lề.
Tôi đã chỉ ra rằng chúng ta có một phái đoàn cấp cao của Mỹ” tham dự.
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xấu đi trong những
năm gần đây về các vấn đề từ nhân quyền ở Hong Kong đến chính sách kinh tế và
cách Trung Quốc đối xử với người thiểu số Uighur theo đạo Hồi ở Tân Cương.
=============================
.
NATO
kêu gọi tăng tốc sản xuất đạn dược cho Ukraine
14/02/2023
https://www.voatiengviet.com/a/nato-keu-goi-tang-toc-san-xuat-dan-duoc-cho-ukraine/6961890.html
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói việc Ukraine
sử dụng đạn dược trong cuộc chiến chống Nga đang vượt xa nguồn cung và liên
minh NATO cần tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu của Ukraine.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-7f1f-08db0df85a2a_w1023_r1_s.jpg
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Ông Stoltenberg cũng cho biết một cuộc tấn công lớn mới của Nga ở miền
đông Ukraine đã bắt đầu trong lúc cuộc xâm lược của Nga sắp tròn một năm vào
ngày 24 tháng 2.
“Rõ ràng là chúng ta đang trong cuộc chạy đua về hậu cần,” ông
Stoltenberg nói với các phóng viên ở Brussels. Ông nhấn mạnh: “Các khả năng
chính như đạn dược, nhiên liệu và phụ tùng thay thế phải đến được Ukraine trước
khi Nga có thể giành thế chủ động trên chiến trường. Tốc độ sẽ cứu được nhiều
sinh mạng”.
Ông Stoltenberg đưa ra bình luận của mình một ngày trước cuộc họp lần
thứ chín của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, được gọi một cách không chính thức
là hội nghị thượng đỉnh Ramstein, sẽ diễn ra tại thủ đô của Bỉ.
Lời kêu gọi của NATO về việc tăng cường sản xuất đạn dược dự kiến sẽ
chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận đó. Ông Stoltenberg nói rằng vấn đề gây
tranh cãi về việc cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại cho Ukraine cũng sẽ được
thảo luận.
Trên thực địa, thành phố Bakhmut miền đông Ukraine
ngày 13/2 hứng chịu hỏa lực pháo binh nặng nề.
Các quan chức quân đội Ukraine nói quân phòng thủ Ukraine, những người
đã cầm cự ở đó trong nhiều tháng, đã chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc tấn công
trên bộ mới.
Một tiểu đoàn phó cho biết các vị trí ở Bakhmut đã được củng cố và chỉ
những người có vai trò quân sự mới được phép vào. Ông nói, bất kỳ thường dân
nào muốn rời khỏi thành phố sẽ phải gánh chịu hỏa lực đang ập tới.
Bakhmut là mục tiêu hàng đầu của Tổng thống Nga
Vladimir Putin và việc chiếm được thành phố này sẽ mang lại cho Nga một vị trí
vững chắc mới ở khu vực Donetsk và một chiến thắng hiếm hoi sau nhiều tháng thất
bại. Các khu vực Donetsk và Luhansk tạo nên Donbas, trung tâm công nghiệp của
Ukraine hiện do Nga chiếm đóng một phần và muốn kiểm soát hoàn toàn.
“... Thực tế là chúng ta đã chứng kiến
sự khởi đầu (của một cuộc tấn công của Nga) bởi vì chúng ta thấy những gì Nga
hiện đang làm - Tổng thống Putin hiện đang làm - là gửi thêm hàng nghìn hàng
nghìn binh sĩ, chấp nhận tỷ lệ thương vong rất cao,” Tổng thư
ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên ở Brussels.
Cuộc tấn công của Nga vào Bakhmut được dẫn đầu bởi lính đánh thuê của
nhóm Wagner, những người đã giành được những chiến thắng nhỏ nhưng ổn định. Các
cuộc oanh tạc mới của Nga khiến tình hình ở đó càng trở nên gay gắt hơn.
“Thành phố, vùng ngoại ô thành phố,
toàn bộ vành đai và về cơ bản là toàn bộ hướng Bakhmut và Kostyantynivka đang bị
pháo kích điên cuồng, hỗn loạn”, ông Volodymyr Nazarenko, tiểu đoàn phó tiểu
đoàn Svoboda của Ukraine cho biết.
Ông Nazarenko nói rằng mặc dù hiện tại không có giao tranh nào diễn ra ở
trung tâm thành phố, nhưng quân phòng thủ đã sẵn sàng đối phó với bất kỳ cuộc tấn
công nào.
Ông nói: “Thành phố là một pháo đài, mọi vị trí
và mọi đường phố ở đó, hầu hết mọi tòa nhà, đều là một pháo đài.”
Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội của họ đã tiến thêm vài km dọc theo
tiền tuyến, nhưng không nói rõ chính xác địa điểm.
Quân đội Ukraine báo cáo rằng Nga đã pháo kích dọc theo chiến tuyến và
cho biết 16 khu định cư đã bị bắn phá gần Bakhmut. Quân đội nói rằng trong ngày
qua, các lực lượng của Ukraine đã đẩy lùi một số cuộc tấn công gần Bakhmut cũng
như các cuộc tấn công ở các vùng Kharkiv, Luhansk và Zaporizhzhia.
Thống đốc Luhansk, Serhiy Haidai, nói các lực lượng Nga đã tấn công
Bilogorivka từ mọi phía trước bình minh ngày 13/2.
Về cuộc tấn công của Nga, ông nói: “Việc chuẩn bị cho cuộc tấn
công này đã được tiến hành, số lượng pháo kích, không kích và tấn công của các
nhóm nhỏ đã tăng lên. Chúng tôi đang chờ họ bắt đầu các cuộc tấn công lớn suốt
ngày đêm.”
Không thể kiểm chứng độc lập các báo cáo chiến trường.
,
Làng mạc bị tấn công
Ngôi làng tiền tuyến Chasiv Yar đã bị pháo kích dữ dội trong những ngày
gần đây khi quân đội Nga nỗ lực cắt đứt các tuyến đường đến thành phố Bakhmut.
Một gia đình nói với Reuters rằng họ đã quyết định rời khỏi làng sau
khi một quả đạn rơi xuống sân của họ, làm hư hại mái nhà và cửa sổ ngôi nhà.
Văn phòng nhân quyền của Liên hiệp quốc ngày 13/2 nói đã ghi nhận 7.199
thường dân thiệt mạng và 11.756 người bị thương kể từ cuộc xâm lược ngày 24/2
năm ngoái, chủ yếu là do pháo kích, phi đạn và các cuộc không kích. Tuy nhiên,
họ tin rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều.
Với việc Ukraine khao khát có thêm vũ khí và đạn dược để lật ngược tình
thế, các bộ trưởng quốc phòng từ một số quốc gia NATO đồng minh với Kyiv sẽ gặp
nhau tại Brussels vào ngày 14/2 để thảo luận về khả năng viện trợ quân sự thêm.
Ukraine cho biết họ cần máy bay chiến đấu và phi đạn tầm xa để chống lại
cuộc tấn công và chiếm lại lãnh thổ đã mất.
NATO ngày 13/2 cho biết sẽ tăng mục tiêu dự trữ đạn dược vì Kyiv đang sử
dụng đạn pháo nhanh hơn nhiều so với khả năng sản xuất của các nước phương Tây.
Một năm chiến tranh ở Ukraine đã khiến kho dự trữ của đồng minh cạn kiệt nghiêm
trọng.
Ông Stoltenberg nói với các phóng viên: “Tỷ lệ sử dụng đạn dược hiện tại
của Ukraine cao gấp nhiều lần so với mức sản xuất hiện tại của chúng tôi”.
Một nhà ngoại giao châu Âu nói với Reuters: “Nếu
châu Âu chiến đấu với Nga, một số quốc gia sẽ hết đạn trong vài ngày tới”.
Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2 năm ngoái viện lý do Ukraine là mối
đe dọa an ninh. Kyiv và phương Tây nói rằng hành động này chẳng khác gì một cuộc
chiếm đất.
Các lực lượng của ông Putin đã thất bại trong nỗ lực sớm chiếm thủ đô
và cuộc xung đột kể từ đó đã trở thành một cuộc chiến tranh tiêu hao đã giết chết
hàng ngàn binh lính và dân thường và khiến toàn bộ nhiều thành phố trở thành đống
đổ nát.
No comments:
Post a Comment