Châu
Phi : Đối tác chiến lược để Nga bẻ gãy vòng vây phương Tây
Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 16/02/2023 - 14:12
Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov vừa kết thúc một
vòng công du mới tại châu Phi, chuy - ến đi thứ ba kể từ đầu cuộc chiến xâm
lăng Ukraina của Nga. Sự kiện cho thấy ảnh hưởng của Nga đã được củng cố tại
châu lục. Đây cũng là kết quả một chiến lược dài hạn mà Nga đã gầy dựng trong
nhiều thập niên : Ngoại giao vũ khí và Chiến tranh truyền thông, để tạo dựng
uy tín, tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên, và phá vỡ lệnh cấm vận kinh tế của
phương Tây.
Ảnh minh họa: Mầu đỏ là những nước Nga đã khẳng định ảnh hưởng và có sự
hiện diện của lính đánh thuê Wagner. Mầu xanh là những nước có căn cứ quân sự
Pháp. © Capture d'ecran France 24
Châu Phi : Nước Nga đã trở lại
Nhưng đó còn là một mối quan hệ cũ xưa có từ
thời Chiến Tranh Lạnh. Quá trình phi thực dân hóa đầy bạo lực tại châu Phi từng
là một cơ hội để Liên Xô lúc bấy giờ xuất khẩu mô hình chế độ Xô Viết, thiết lập
quan hệ với nhiều nước phát triển theo chủ nghĩa xã hội như Ai Cập, Guinea,
Ghana, Togo, Mali, Ethiopia, Angola, Mozambique và Benin. Và quan hệ đối tác giữa
Liên Xô và các nước châu Phi thời đó được thực hiện theo khái niệm « chuyển
nhượng đổi lấy bảo hộ », nghĩa là « đổi khai thác quặng mỏ lấy
hỗ trợ quân sự và kỹ thuật, hậu thuẫn kinh tế trực tiếp và trợ giúp kinh tế
gián tiếp. »
Sự sụp đổ của khối Xô Viết năm 1991 và những
thay đổi đột ngột trong chính sách đối ngoại, kinh tế, chính trị và thương mại
là cú hãm phanh cho tầm ảnh hưởng Nga trong một thời gian dài tại châu Phi. Vào
thời kỳ này, giới chức lãnh đạo Nga, điển hình là tổng thống Boris Eltsin
(1991-1999), cho rằng châu Phi là nguồn cội của những cuộc phiêu lưu địa
chính trị tốn kém và do vậy, chỉ ưu tiên tập trung các nỗ lực vào những thay đổi
trong nước.
Nga chỉ thật sự quan tâm trở lại châu Phi khi
Vladimir Putin lên cầm quyền vào năm 2000. Sự kiện tổng thống Algeri Bouteflika
năm 2001 có chuyến thăm chính thức ở Nga và ký kết một tuyên bố về quan hệ đối
tác chiến lược – hiệp ước đầu tiên giữa Nga với một nước châu Phi, là nền tảng
cơ bản cho việc nối lại mối quan hệ giữa Nga và châu Phi thời kỳ hậu Xô Viết.
Thế nên, Jean de Gliniasty, cựu đại sứ Pháp tại
Nga và Senegal, giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược
(IRIS), trên đài RFI, cho rằng những chuyến thăm dồn dập nhiều nước châu Phi của
ông Lavrov chỉ nhằm mục đích củng cố đà tiến mà Nga đã gầy dựng từ bao lâu nay:
« Bởi vì, sau một giai đoạn đầu tiên
hoàn toàn bất định và buông xuôi châu Phi trong suốt giai đoạn Boris Eltsin
(1991-1999), Vladimir Putin ngay từ những ngày đầu cầm quyền đã bắt đầu củng cố
mối quan hệ với châu Phi. Điều thú vị lần này với ông Lavrov, chính là sự ưu ái
mà ông ấy dành cho các quốc gia châu Phi nói tiếng Pháp, trong một tinh thần cạnh
tranh, thậm chí là thù địch ».
.
Ngoại giao vũ khí
Theo các nghiên cứu, sự gia tăng ảnh hưởng của
Nga tại châu Phi có thể được phân thành hai giai đoạn mà năm 2014 là một cột mốc
quan trọng. Từ năm 2006 đến trước năm 2014 là thời kỳ Nga đang củng cố vị thế
và niềm tin với các nước châu Phi qua việc có những cử chỉ hào phóng :
« Xóa nợ » để đổi lấy các hợp đồng bán vũ khí như với Algeri (2006)
hay các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác dầu khí chẳng hạn ở Libya
(2008).
Năm 2014, các biện pháp trừng phạt nặng nề của
phương Tây sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée càng thúc đẩy nước Nga của ông Putin
tìm kiếm thêm đối tác kinh tế. Châu Phi một lần nữa lại được coi như là một đối
tác quan trọng tiềm tàng. Trong bối cảnh này, Matxcơva phải điều chỉnh lại
chính sách đối ngoại : Tìm cách chống ảnh hưởng của Pháp bằng cách xích lại
gần hơn các nước châu Phi, kể cả những nước nói tiếng Pháp, nhằm giảm bớt áp lực
từ phương Tây.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2014-2019, gần
20 thỏa thuận đã được ký kết giữa Nga và các nước châu Phi về xuất khẩu vũ khí,
và quan hệ đối tác quân sự - kỹ thuật. Thượng đỉnh Nga – châu Phi tại Sotchi
năm 2019 đã chính thức đánh dấu sự trở lại của Nga tại châu lục. Các điều khoản
cho mối quan hệ đối tác được phân định : Đổi khai thác tài nguyên của châu
Phi lấy hỗ trợ quân sự - kỹ thuật của Nga. Trả lời phỏng vấn với đài RFI hồi
năm 2021, nhà nghiên cứu Maxime Audinet, tại IRSEM, trường Quân sự Pháp tóm lược
chính sách châu Phi của Nga như sau :
« Có một sự thống trị rất rõ nét trong
những gì mà Nga gọi là hợp tác quân sự - kỹ thuật, nghĩa là bán vũ khí, đào tạo
binh sĩ… Và rộng ra hơn nữa còn có điều mà người ta gọi là dịch vụ an ninh.
Nghĩa là Nga cung cấp các lực lượng, vũ khí, v.v… để bảo vệ chính phủ hay một số
cơ sở hạ tầng, cho vài doanh nghiệp tại nhiều nước châu Phi. Chính sách này đôi
khi được thực hiện với các tác nhân nhà nước, cho đến các tác nhân phi nhà nước,
chẳng hạn như tập đoàn bán quân sự tư nhân Wagner. »
.
Chiến tranh kiểu mới
Vì sao Nga có thể gia tăng tầm ảnh hưởng tại
châu lục trong một thời gian ngắn ngủi như thế ? Một phần nguyên nhân có
thể được giải thích bởi những đòi hỏi nghiêm ngặt về chính trị, cũng như sự do
dự ngày càng lớn của phương Tây trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự, vốn dĩ là một
nhu cầu thiết yếu cho nhiều nước châu Phi để chặn đứng sự trỗi dậy của quân khủng
bố.
Nhưng mặt khác, đây còn là kết quả của một chiến
lược đương đại mới của Nga, được giới sĩ quan cao cấp, mà điển hình là tướng
Gerasimov – tham mưu trưởng quân đội Nga – định hình từ năm 2007, khi đưa ra một
khái niệm « Chiến tranh thế hệ mới ».
Trái với lối suy nghĩ của phương Tây, biện chứng
theo chu kỳ chiến tranh – hòa bình, trong nhãn quan các nhà chiến lược Nga,
« chiến tranh là sự tiếp nối của chính sách hòa bình và hòa bình là sự
tiếp tục của chính sách chiến tranh ». Do vậy, không có sự thay đổi rõ
nét các chính sách của chính phủ trong thời chiến hay thời bình.
Theo Charlotte Rousseaux, tác giả bài viết
« Quan hệ Nga – Châu Phi nhằm phá vỡ vòng vây kinh tế » đăng trên
trang mạng Ecole de Guerre Economique (ngày 05/01/2022), « khái niệm mới
này cho phép Nga xóa nhòa ranh giới giữa các phương tiện quân sự, kinh tế, ngoại
giao, tội phạm, tình báo, điều quan trọng là đạt được các mục tiêu chính trị được
vạch ra. »
Trong khái niệm « chiến tranh thế hệ mới »
này, mà ở đó, các hình thức đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, đấu
tranh thông tin được xác định như là những thành phần không thể thiếu cho cuộc
chiến. Tác giả nhìn nhận, khái niệm này không hẳn là hoàn toàn mới, nhưng chiến
lược mới của Nga nhấn mạnh đến vai trò của những phương tiện phi quân sự, cho
phép đạt được những mục tiêu chiến lược và chính trị vượt xa hiệu quả sức mạnh
vũ khí.
Trong chiến lược này, tập đoàn bán quân sự
Wagner do ông Evgueni Prigojine lãnh đạo là lá chủ bài quan trọng của Nga là một
trong số các ví dụ điển hình nhất cho khái niệm « chiến tranh kiểu mới »,
được tướng Gerasimov khuyến nghị trong các cuộc xung đột mới.
.
Ngoại giao ký ức
Ngoài ra, mục tiêu khác của quân đội Nga là
làm thế nào đạt được thế ưu thế thông tin, khi sử dụng đến thuật ngữ « cuộc
chiến truyền thông ». Trước việc còn thiếu năng lực quân sự, bị phương
Tây từ chối nhìn nhận tính chính đáng chính trị và một nền kinh tế yếu kém, những
yếu tố có khả năng cản trở Nga đạt được những mục tiêu quân sự quan trọng,
Matxcơva ý thức được rằng thông tin có thể là một lãnh vực tạo nên một sức mạnh
cho quốc gia.
Về điểm này, chuyên
gia Maxime Audinet tại IRSEM nhận định:
« Còn có một lĩnh vực sau cùng mà quý
vị thấy rõ có sự gia tăng mạnh mẽ và đã được nâng cấp từ vài năm gần đây, đó
chính là lĩnh vực gây ảnh hưởng truyền thông và thông tin. Chúng mang nét đặc
trưng của những điều mà người ta gọi là ngoại giao công chúng, hay tuyên truyền
truyền thông quốc tế, thông qua các hoạt động gây ảnh hưởng hay thông tin sai lệch
và rồi – đây còn là một yếu tố thú vị - thông qua sự xâm nhập từ các tác nhân
Nga, từ một số mạng lưới truyền thông châu Phi, đặc biệt là với những mạng lưới
nào vẫn còn khá mong manh hoặc khá bấp bênh. Điều này đặc biệt cho trường hợp của
Cộng hòa Trung Phi. »
Trong cuộc chiến này, « ngoại giao ký ức »
là một biệt tài của Nga mà Pháp là một nạn nhân điển hình. Jade McGlynn, tác giả
tập sách « Cuộc chiến của Nga » (Russia’s War) và là nhà
nghiên cứu tại King’s College ở Luân Đôn, trên mạng Foreign Policy ngày
02/08/2023 đánh giá, chuyến công du của ngoại trưởng Serguei Lavrov chẳng khác
gì một hình thức đi « tiếp thị, quảng cáo Nga như là một cường quốc chống
thực dân đối với châu Phi ».
Tại những nơi ngoại trưởng Nga đi qua, ông và
các đồng nghiệp đều thúc đẩy quan điểm rằng Nga là một lực lượng chống chủ
nghĩa đế quốc, nhắc lại những ký ức tích cực về sự hỗ trợ của Liên Xô đối với
cuộc chiến tranh giành độc lập ở châu Phi chống lại thực dân phương Tây vốn chỉ
tìm cách chiếm đoạt tài nguyên châu lục.
Hệ quả là làn sóng phản đối sự hiện diện của
binh sĩ Pháp trỗi dậy tại nhiều nước. Vài ngày trước chuyến thăm của ngoại trưởng
Nga, chính quyền Burkina Faso đã chính thức yêu cầu Paris trong vòng một tháng
phải rút hết toàn bộ binh sĩ đóng quân trên lãnh thổ. Đây là nước châu Phi thứ
ba, sau Mali và Cộng hòa Trung Phi, trong chưa đầy một năm, đã buộc Pháp phải
triệt thoái quân về nước !
Cuối cùng, trang mạng Mondafrique trong một
bài viết đề tựa « Ảnh hưởng của Nga qua ngả hậu thuẫn quân sự »
(13/01/2023) nhận định, trong cuộc đọ sức giữa Nga và phương Tây, châu Phi đang
là chiến tuyến thứ hai, sau Đông Âu, để Nga bao vây Tây Âu. Nhiều ý kiến cho rằng,
bằng cách gây ra bất ổn, gây nhiễu các cuộc bầu cử dân chủ ở châu Phi, xuất khẩu
vũ khí và duy trì chính sách di dân tiềm tàng, « đại chiến lược » của
ông Putin là sử dụng châu Phi để gây bất ổn châu Âu !
===========================================
CÁC TIN KHÁC
Nga
lại oanh kích nhiều địa phương ở Ukraina
Chiến
tranh Ukraina: Nga vẫn không từ bỏ Kherson
Đức
và Bồ Đào Nha sẽ giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraina vào cuối tháng 3
Nga
dùng đội quân "xác minh dữ kiện" để bóp méo sự thật về chiến tranh
Ukraina
Khối
NATO thảo luận về việc đẩy nhanh cung cấp vũ khí cho Ukraina
Báo
cáo Mỹ lên án Nga cưỡng bức tái định cư hàng nghìn trẻ em Ukraina
No comments:
Post a Comment