Sunday, February 19, 2023

"BUY AMERICA" - BÀI TOÁN KHÓ (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



“Buy America” – Bài toán khó

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
19 tháng 2, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/buy-america-bai-toan-kho/

 

Luật “Buy America” (Mua hàng Mỹ) của Tổng thống Joe Biden để hỗ trợ khu vực sản xuất nội địa đã gặp phải những khó khăn dự đoán trước khiến mục tiêu đề ra gần như “bất khả thi”, ít nhất là trong ngắn hạn.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/GettyImages-1466507551.jpg

Ảnh: Mario Tama/Getty Images

 

.

Thực tế không như kỳ vọng

 

Giới chức cơ sở hạ tầng Mỹ phàn nàn họ không thể tìm được nhà cung cấp nội địa cho các mặt hàng mà họ phải mua theo luật “Mua hàng Mỹ”. Sáng kiến “Mua hàng Mỹ” mà Tổng thống Biden tin rằng giúp thúc đẩy sản xuất trong nước và tạo việc làm cho tầng lớp lao động chân tay đang gặp phải một vấn đề lớn: Mỹ không sản xuất nhiều vật liệu và thiết bị cần thiết để hiện đại hóa đường sá, cầu, cảng.

 

Luật cơ sở hạ tầng trị giá $1 ngàn tỷ mà Tổng thống Biden ký vào cuối năm 2021 yêu cầu rằng các vật liệu “thuần Mỹ” phải được sử dụng. Quy tắc khó xử này đã lọt vào tầm ngắm của dư luận trong tháng này, khi Bộ Giao thông Vận tải (Department of Transportation-DOT) từ chối yêu cầu cho phép các cảng quốc gia sử dụng quỹ cơ sở hạ tầng liên bang để mua cần cẩu bến tàu, xe tải, thang nâng thuyền và các thiết bị tương tự, nếu chúng không đến từ các nhà sản xuất trong nước. Luật cơ sở hạ tầng buộc sử dụng vật liệu xây dựng do Mỹ sản xuất, gồm cáp đồng, vách thạch cao và cáp quang trong các dự án do liên bang tài trợ.

 

Thực tế cho thấy, trong khi một số hàng hóa nhỏ hơn được sản xuất tại Mỹ thì tất cả thiết bị điện hỗ trợ những mục tiêu khí hậu (giúp giảm hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường) của chính quyền đều được sản xuất ở nước ngoài, theo Hiệp hội cảng Hoa Kỳ (American Association of Port Authorities-AAPA).

 

Tháng này, chính phủ đã ban hành hướng dẫn mới để xác định vật liệu và sản phẩm nào được sử dụng trong các dự án hội đủ điều kiện “sản xuất tại Mỹ” sau khi tiếp thu ý kiến ​​của các bên liên quan. Theo nhiều tổ chức đại diện cho các cơ quan quản lý dự án và xây dựng, khi cao điểm xây dựng vào mùa xuân đang đến gần, nỗ lực thúc đẩy sản xuất trong nước của Biden đang xung đột với thực tế là một số vật liệu không có sẵn tại Mỹ cả về số lượng lẫn thời gian chuyển giao cho kịp tiến độ.

 

Trong những vấn đề đau đầu sắp xảy ra, có việc không thể đủ nguồn cung các hạt thủy tinh phản chiếu dùng tạo dải an toàn cho vỉa hè đường cao tốc. Bản tóm tắt cuộc họp năm ngoái giữa ban lãnh đạo DOT và đại diện ngành cho thấy những vật liệu dùng cho hệ thống đường sắt cao tốc gần như hoàn toàn sản xuất tại Nhật Bản hoặc Châu Âu. Nói với tờ The Washington Post, hai quan chức chính quyền cấp cao cho biết DOT có ý định miễn trừ các quy tắc “Mua hàng Mỹ” trong một số trường hợp và đang tiếp tục đối thoại với các nhóm ngành liên quan nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể khi chúng phát sinh.

 

Điều khó khăn khiến quyết tâm tăng cường sản xuất trong nước của chính quyền Biden gặp trở ngại là một yếu tố khách quan: Di sản công nghiệp của hàng thập niên tự do hóa thương mại, khi việc di dời các nhà máy đến những quốc gia có chi phí thấp hơn trở thành cơn lốc. Hậu quả của hơn ba thập niên thuê lao động bên ngoài (offshoring) có thể được nhìn thấy trong số liệu thống kê của chính phủ Mỹ.

 

.

Bài toán không dễ giải

 

Năm ngoái thâm hụt thương mại của Mỹ đối với hàng hóa sản xuất đã đạt mức cao nhất mọi thời: 4,7%. Phân tích của nhà kinh tế Rob Scott dựa trên dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy các công ty Mỹ đã mua nhiều hơn $1.2 ngàn tỷ hàng hóa sản xuất so với bán cho khách hàng nước ngoài.

 

Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (Congressional Research Service-CRS) năm 2019, những yêu cầu bắt buộc trong luật “Mua hàng Mỹ” thường khiến các dự án giao thông bị kéo dài. Năm 2011, giới chức vận tải công cộng ở New York đã mua một hệ thống chữa cháy bằng sương nước từ Phần Lan để trang bị cho hai nhà ga trên Tàu điện ngầm Đại lộ số 2 của Manhattan, nhưng năm 2013, một công ty Mỹ đã lên tiếng rằng thương vụ đó là sai luật, với lập luận “theo quy định liên bang, hệ thống chữa cháy (không phải ga tàu điện ngầm) là sản phẩm phải được sản xuất tại Mỹ”. Sự việc dẫn đến một cuộc điều tra và phán quyết liên bang năm 2015: chính quyền New York đã sai.

 

Những nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ giới sản xuất trong nước đã thêm được số lượng việc làm trong các ngành được bảo hộ, dù số lượng này ít, nhưng theo một nghiên cứu năm 2020 của hai nhà kinh tế Gary Hufbauer và Euijin Jung thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, để duy trì mỗi việc làm có thêm, người đóng thuế phải trả hơn $250,000. Hufbauer nói: “Hiệu quả của luật ‘Mua hàng Mỹ’ gần như vô nghĩa về mặt kinh tế, dù có thể tuyệt vời về mặt chính trị!”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/GettyImages-1462322892.jpg

Một điển hình của di sản nhiều thập niên khi nền công nghiệp sản xuất Mỹ thuê mướn nước ngoài để giảm chi phí: iPhone, sản phẩm biểu tượng của nước Mỹ lại không được sản xuất ở Mỹ (ảnh: Leonardo Munoz/VIEWpress)

 

Chính quyền Biden không đồng ý với lập luận này vì nó bỏ qua những bài học trong đại dịch, khi sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài khiến người Mỹ thiếu hàng hóa, từ giấy vệ sinh đến thuốc men. Một quan chức nói: “Việc thúc đẩy sản xuất trong nước nhiều hơn sẽ giúp bảo vệ chuỗi cung ứng các mặt hàng quan trọng như thiết bị cá nhân, chất bán dẫn và những sản phẩm năng lượng sạch. Trái với cảnh báo rằng chi phí sản xuất nội địa sẽ cao hơn, sự phát triển của các liên kết cung cấp nội địa mới trong thực tế đã kéo giảm chi phí, thông qua cạnh tranh bổ sung”.

 

Hiện các cơ quan liên bang, tiểu bang và nhà thầu xây dựng được phép sử dụng những sản phẩm nhập khẩu, nếu chứng minh sản phẩm thay thế trong nước quá tốn kém hoặc gây ra chậm trễ tiến độ. Một phát ngôn viên DOT nhấn mạnh: “Việc miễn trừ được cứu xét trong từng trường hợp là phù hợp với nỗ lực của chính phủ nhằm đảm bảo các khoản tài trợ cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng trong nước, tạo thêm việc làm và sản xuất nội địa”.

 

Nỗ lực “Mua hàng Mỹ” của Tổng thống Biden thật ra không phải mới mà có một lịch sử lâu dài. Năm 1933, Tổng thống Herbert Hoover đã ký thành luật “Đạo luật mua hàng Mỹ” đầu tiên vào ngày cuối ông tại nhiệm. Các luật ban hành trong thời kỳ suy thoái cũng yêu cầu chính phủ ưu tiên cho các sản phẩm và vật liệu xây dựng trong nước.

 

Năm 2009, một điều khoản tương tự được đưa vào chương trình kích thích của chính quyền Obama. Một ngày trước khi rời nhiệm sở năm 2021, Tổng thống Donald Trump đã thông qua quyết định tăng tỷ lệ nội địa hàng hóa sản xuất trong nước. Năm ngoái, Tổng thống Biden nâng cao hơn tỷ lệ này. Trước đây, một mặt hàng có ít nhất 55% linh kiện do Mỹ sản xuất được xem là hàng nội địa, nay tỷ lệ đó là 60% và mục tiêu cuối cùng là 75% vào năm 2029.






No comments: