Ẩn
họa phía sau... “nước chỉ có một”!
Bình luận của blogger Đồng
Phụng Việt
2023.02.14
Cho dù... “cuộc vận động
tẩy chay Hanni Pham” (nghệ danh của Phạm Ngọc Hân, 19 tuổi, sinh ra và lớn lên
tại Úc, thành viên của NewJeans – một ban nhạc nữ mới nổi ở Hàn Quốc) trong các
nhóm mê nhạc Hàn, phim Hàn ở Việt Nam đã... giảm cường độ và cho dù đã có không
ít người bình luận về những dấu hiệu bất thường, đáng ngại thể hiện qua... “cuộc
vận động” vừa kể (phỉ báng Hanni Pham, kêu gọi tẩy chay chỉ vì... ông bà, cha mẹ
của cô có... dính líu đến Việt Nam Cộng hòa và có... dấu hiệu ủng hộ Việt Nam Cộng
hòa) nhưng ít nhất... “cuộc vận động tẩy chay Hanni Pham” cũng còn một khía cạnh cần phải ngẫm
nghĩ. Khía cạnh đó là...
“nước”!
Nhóm nhạc NewJeans của
Hàn Quốc có sự tham gia của ca sĩ Hanni Pham. NewJeans
via Facebook Hanni Pham
***
Nếu có thời gian đọc những ý kiến, nhận định
trên các trang Facebook tập họp giới trẻ mê nhạc Hàn, phim Hàn, ca sĩ Hàn, diễn
viên Hàn, người mẫu Hàn,... ở Việt Nam, ắt sẽ nhận ra, sở dĩ hàng chục ngàn
thanh, thiếu niên hưởng ứng lời kêu gọi “tẩy chay Hanni Pham” là vì họ tán
thành những quan điểm kiểu như... “nước chỉ có một” và... “làng thì yêu thật
nhưng làng theo Tây thì phải thù” (1). Tuy nhiên “nước” trong nhận thức của những
thanh, thiếu niên này không phải quốc gia, cũng không phải dân tộc, “nước” chỉ
là Đảng Cộng sản Việt Nam, là thể chế chính trị hiện tại! Do ý niệm về “nước”
chỉ... đơn giản như vậy nên Việt Nam Cộng hòa (VNCH) mới trở thành một loại...
“kẻ thù truyền kiếp”, bất kể thế nào cũng phải “đào tận gốc, trốc tận rễ” và
Hanni Pham mới trở thành mục tiêu.
Ngoài lập luận “nước chỉ có một”, những thanh,
thiếu niên ấy còn cùng nhau chia sẻ kiểu biện luận “làng thì yêu thật nhưng
làng theo Tây thì phải thù” khi vận động tẩy chay Hanni Pham bởi... ông bà, cha
mẹ của cô có... dính líu đến VNCH và có... dấu hiệu ủng hộ VNCH. Cứ thử
tìm kiếm xem kiểu biện luận có tính phổ quát nhưng cực đoan đến mức quái gở ấy
phát xuất từ đâu thì sẽ thấy nó nằm trong... chương trình giáo dục phổ thông. Hệ thống giáo dục Việt Nam đã chọn suy
nghĩ của nhân vật “ông Hai” trong “Làng” của “Kim Lân” để hướng dẫn những
đứa trẻ lớp 9 rằng kiểu tư duy ấy, lối hành xử ấy là... “biểu hiện vẻ đẹp trong
tâm hồn của người Việt Nam, khi cần họ sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để hướng
tới tình cảm chung của cả cộng đồng” (2)!
***
Cứ quan sát thực tế sẽ thấy kiểu tư duy “nước
chỉ có một” với “nước” chỉ là Đảng CSVN, là thể chế chính trị chính là một loại
ẩn họa. Yếu tố đầu tiên khiến kiểu tư duy ấy trở thành ẩn họa là tạo ra những
thế hệ vì yêu “nước” mà trở thành vô nhân, cổ vũ, nâng thù hận lên mức “đuổi tận,
diệt tuyệt” cả... “làng” chỉ vì không theo Đảng CSVN, không tán thành thể chế
chính trị hiện tại thành... “biểu hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của người Việt
Nam”, khuyến khích cá nhân “sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để hướng tới tình
cảm chung của cả cộng đồng”. Lịch sử nhân loại đã có rất nhiều dẫn chứng để
tham khảo về hậu vận của những “cộng đồng” phi nhân, độc đoán, không chấp nhận
khác biệt.
Chính vì việc xiển dương “nước chỉ có một” với
“nước” chỉ là Đảng CSVN, là thể chế chính trị hiện tại nên mới có những thế hệ
xem bất công như đương nhiên, cúi đầu chấp nhận “nước” toàn quyền lựa chọn, sắp
đặt những cá nhân tuy bất xứng cả về năng lực lẫn tư cách tiếp tục điều hành quốc
gia. Chẳng lẽ vì “nước chỉ có một” nên phải cố sống, cố chết, nhắm mắt bảo vệ
tình trạng tham nhũng từ trên xuống dưới, từ đời cha sang đời con và có đầy đủ
dấu hiệu sẽ kéo dài cho đến đời cháu chắt? Chẳng lẽ vì “nước chỉ có một” nên
không cần đòi “nước” phải thay đổi đến gốc rễ để loại bỏ vĩnh viễn tình trạng
“cả... nước” nhẫn tâm tới mức cùng nhau “ăn” luôn sức khỏe, tính mạng của cả
dân tộc khi quốc gia ngả nghiêng trong thảm họa như đợt đại dịch COVID-19 thứ
tư hồi năm ngoái?
Chẳng lẽ vì “nước chỉ có một” nên không cần và
dứt khoát không cho ai được phép thắc mắc về việc vì sao, ngoài bất công về
chính trị, muốn gì cũng phải... “chạy”, phải xin... “cứu xét”, nhiều thế hệ còn
phải tiếp tục chấp nhận những thiệt thòi về giáo dục, y tế, an sinh xã hội,
không chấp nhận băn khoăn tại sao muốn gì cũng phải... “chạy”, không cho ai bất
bình tại sao sau hàng thập niên đèn sách trên sự hy sinh của cha mẹ, kể cả của
chính mình nhưng hàng triệu thanh niên tốt nghiệp đại học, cao học chỉ có thể
chạy xe ôm, chạy bàn, phát chuyển hàng hóa,... hay thế chấp nhà cửa, ruộng vườn
để được đi làm thuê ở nước ngoài và gánh chịu đủ mọi thứ cay đắng, tủi nhục
trên xứ người?
“Nước chỉ có một” nhưng “nước” đã cho vài ba
thế hệ gần đây tại Việt Nam bao nhiêu cơ hội thực sự đáng tự hào về quốc gia,
dân tộc như thiên hạ, ngoài việc khuyến khích... “tự hào” về dăm thứ vốn dĩ vặt
vãnh như... kết quả một số trận đấu bóng đá và cơ hội liên kết để bày tỏ thù hận
do... “làng theo Tây thì phải thù”? Ngay vào lúc này, có bao nhiêu thanh, thiếu
niên bận tâm về kinh tế suy thoái chưa thấy điểm dừng, xã hội càng lúc càng hỗn
loạn bởi đủ loại tệ nạn, ảnh hưởng trực tiếp, ngay lập tức đến chuyện học hành,
đến bữa cơm và sinh hoạt của chính gia đình mình? Với những thế hệ mang nhận thức
“nước chỉ có một” theo kiểu như vừa đề cập, có điểm sáng nào để nuôi hy vọng
cho tương lai của xứ sở và dân tộc? Trong lịch sử nhân loại chẳng có quốc gia
nào, dân tộc nào thoát khỏi suy tàn khi vài ba thế hệ chỉ nhận thức như thế, tư
duy như thế, hành xử như thế!
__________
Tham khảo
----------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á
Châu Tự Do
.
Tin, bài liên quan
BLOG
·
Con
đường thỉnh kinh của ruột thừa ngàn dặm
·
Về
“trí tuệ nông dân” của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm
·
Người
Trung Quốc ở Việt Nam và người Việt Nam ở Mỹ
·
Làm
sao để hòa giải dân tộc?
No comments:
Post a Comment