Một lần nữa, thông điệp rất rõ, lần này là từ
Thủ tướng: Các anh hãy tự cứu lấy mình. Sự là do anh gây ra, trách nhiệm anh phải
gánh lấy, không ai giải cứu!
Hàm ý rất rõ: Nhà nước không “cứu trợ” bằng tiền,
còn cái pháp lý mà các anh vượt rào, khoan hãng nói. Gỡ rào cản pháp lý, phải
chăng trước nay các doanh nghiệp phạm luật?
Thử nhìn lại nước Mỹ, năm 2008, chính phủ Mỹ
đã thông qua gói cứu trợ 700 tỷ USD để cứu các ngân hàng và các đại công ty tài
chính, những thủ phạm đã gây nên cuộc khủng hoảng tồi tệ đó. Giữa việc để cho
các đại công ty phá sản - vốn dĩ là điều công bằng - thì việc lấy tiền thuế của
dân ra giải cứu doanh nghiệp - có hiệu quả hơn, vì sự sụp đổ của hệ thống tài
chính sẽ là một cú sát thương cho cả nền kinh tế. Dân Mỹ bấm bụng cho qua!
AIG, một trong những tội đồ gây ra cuộc khủng
hoảng, nhận được 173 tỷ tiền cứu trợ từ chính phủ, lập tức dành 165 triệu USD để
thưởng cho các giám đốc điều hành, các sát thủ tinh nhuệ nhất. Tin tức bay ra,
công phẫn ùa vào: Chuyện gì xảy ra vậy? Lấy tiền thuế dân đi thưởng cho những kẻ
tham lam đã gây nên cuộc khủng hoảng này?
Lý lẽ của lãnh đạo AIG, cho dù lúc này Chính
phủ Mỹ nắm 80% vốn cổ phần, là: Không thưởng thì không tìm được người giỏi để xử
lý những khoản nợ xấu, để lấy lại phong độ cho công ty. Chỉ có thưởng mới thu
hút và giữ chân họ được, và suy cho cùng, điều đó có lợi cho xã hội, cho nền
kinh tế.
Những sát thủ tài chính mũ đen, muốn họ hoàn
lương, đội lên chiếc mũ trắng, thì phải cần tiền, chứ không phải vitamin đạo đức
hay sự hối lỗi. Lý lẽ của thị trường là thế. Dĩ nhiên, Nhà nước và xã hội không
chấp nhận. Các giám đốc điều hành của các đại gia tài chính và ngân hàng đó là
kẻ dẫn dắt nền kinh tế đi đến khủng hoảng, nên chẳng ai thưởng cho sự thất bại,
nhất lại dùng tiền thuế của dân.
Cuộc tranh luận về giải cứu bất động sản ở Việt
Nam cũng vậy. Công chúng căm phẫn khi giá nhà mà thị trường thổi lên, họ kiếm
hàng tỷ đô lợi nhuận vào túi riêng để đến lúc cam go lại kêu gọi sự chung tay của
xã hội, và Nhà nước. Và tình trạng của nền kinh tế, như cách mà họ đe dọa, cũng
là một tay họ gây nên, vậy mà chẳng ai một lần cúi đầu, không một lời nhận
trách nhiệm, (lại còn tham muốn được tặng Huân chương Lao động hạng 3 ), há chẳng
phải là điều đáng căm phẫn sao?
Đức hạnh, theo các cách tiếp cận khác nhau, có
những ý nghĩa khác nhau. Với nhà nước, đó là sự công bằng, với thị trường đó là
hiệu quả. Với công chúng, xã hội, thì là công lý, là lẽ phải, là đạo đức, là
luân lý.
Với nhiều người, khi tiền lên ngôi, tiền mua
được mọi thứ, đạo đức, và những giá trị về luân lý, là điều cần phải giành lại.
Nhưng như anh chàng Đông ki sốt, mũi lao đạo đức vẫn không thể xuyên thủng được
lòng tham trên những cối xay tiền, thanh gươm luân lý, và lắm lúc là công lý,
ngày càng cùn đi.
Cho nên, khi thị trường thất bại, Nhà nước thò
tay can thiệp, nhưng cái cụm từ “giải cứu đại gia” nghe thật chói tai, gai mắt,
vì thế công chúng phẫn nộ, tin rằng điều đó là bất công, bày tỏ thái độ.
Khi đồng tiền lên ngôi thì giàu nghèo là thứ
đáng quan tâm nhất, và những người nghèo thấy mình càng nghèo đi, giấc mơ sở hữu
những ngôi nhà do người giàu xây ngày càng xa vời, trước là 25 năm, rồi 30 năm,
nay là 50 năm có lẻ.
Không thể lấy tiền của người nghèo đi cứu người
giàu được!
Nỗi sợ của công chúng là chỉ chạy theo nhóm
nhà giàu để rồi những số đông người nghèo bị bỏ lại phía sau khi mà lẽ ra nhà
nước thì lẽ ra cần "phát triển bao trùm" họ.
Tâm lý ghét bất công, đi kèm với đó là kỳ vọng
kẻ tham phải bị trừng trị, người tốt xứng đáng được thưởng. Công chúng chờ đợi
đến ngày kẻ xấu sẽ bị phán xét. Và thời khắc đó đã điểm!
Vì thế, những phát biểu giải cứu đại gia như
thế, ai nói lúc này, sẽ là thiếu nhạy cảm chính trị.
Người dân, những người mua nhà, chung cư, trầy
trật đi đòi sổ hồng, đòi quyền lợi hợp pháp của mình, điều mà chủ đầu tư “vượt
pháp lý” lại không đại gia nào nhắc tới, yêu cầu Thủ tướng, hay Chính phủ “gỡ
vướng”.
Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=10158879590872096&set=a.488014307095
.
No comments:
Post a Comment