Thursday, December 8, 2022

XUẤT BẢN SÁCH 'TRẠI SÚC VẬT' / KỲ 5 (Tạ Duy Anh)

 



Xuất bản Trại Súc Vật (Kỳ 5)

Tạ Duy Anh

08/12/2022

https://baotiengdan.com/2022/12/08/xuat-ban-trai-suc-vat-ky-5/

 

(Trích hồi kí Lách Qua Luật Ngầm)

 

Tiếp theo kỳ 1 — kỳ 2 — kỳ 3 — Kỳ 4.

 

Kỳ 5: Luận tội

 

Lần này thì ngay cả nhìn vào đâu cũng là lựa chọn khó khăn cho Hữu Thỉnh và những người dự họp. Mất một lúc lâu Khuất Quang Thụy mới phá vỡ bế tắc bằng lời phát biểu. Nghe đồn ông nhà văn này nổi tiếng khôn ngoan, nên mọi người rất tò mò chờ ý kiến của ông, với tư cách là “quan thanh tra”. Ra mặt phê phán Nhà xuất bản trong đó có tới những bốn đồng nghiệp đang làm việc từng là đồng môn, chắc chắn không phải là lựa chọn thức thời. Nhưng ông phải thể hiện thái độ vì ông là đảng viên, là trưởng ban Kiểm tra của Hội, là cấp dưới thân cận của Hữu Thỉnh. Cuối cùng, phải công nhận là lời đồn về Khuất Quang Thụy không sai, khi ông bảo rằng, ông biết đến cuốn ‘Trại súc vật’ từ hồi đi thăm và dự trại sáng tác văn học tại Liên Xô.

 

– Mọi người khen lắm. Khen hết lời luôn. Các thầy giáo dạy tôi cũng rất khen. Có thể nói cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt khắp nơi.

 

Khuất Quang Thụy dừng lại. Mọi người thở phào, coi như có thêm một phiếu ủng hộ cho phe “làm loạn”.

 

– Nhưng – Khuất Quang Thụy nói tiếp – hồi đó ở Liên Xô đang diễn ra cuộc cải tổ, tâm lý chung của dân chúng là ghét Cộng sản, ghét ghê gớm. Đâu đâu cũng muốn vạch tội Cộng sản. Có thể vì thế mà người ta rất thích ‘Trại súc vật’.

 

Thế là mọi người muốn hiểu thế nào cũng được. Một cuốn sách được nhiều người thích, chắc phải là cuốn sách hay. Nhưng cái đám thích ấy là những kẻ đang muốn bài trừ Cộng sản, chắc cuốn sách phải có tư tưởng, giá trị phù hợp với họ. Ông không nói cuốn sách chống Cộng, nhưng cũng khó để hiểu là nó không chống cộng. Người nào hiểu thế nào, sẽ phải chịu trách nhiệm về cách hiểu của mình.

 

Đúng là Khuất Quang Thụy! Không bao giờ ông tự đẩy mình vào chỗ nguy hiểm.

 

Theo đúng thủ tục, Nguyễn Hoa cũng phải có vài lời. Ông nhà thơ này vốn hiền lành, lại từng tai biến nên nói năng nhỏ nhẹ, ba phải, ề à, chung chung chẳng chết ai nhưng cũng chẳng cứu ai. Chỉ cứ thấy “dưng mà, dưng mà, mới lại”… Đại ý Nhà xuất bản cần rút kinh nghiệm và nên lắng nghe ý kiến lãnh đạo.

 

Giờ là giây phút đáng chờ đợi nhất: Hữu Thỉnh phát biểu. Ông sẽ phân tích, mổ xẻ, đưa ra quan điểm và kết luận về mức độ sai phạm của Nhà xuất bản và từng cá nhân liên quan, từ đó có hình thức kỉ luận thích đáng.

 

Thoạt đầu ông nhìn mọi người, cười cười nhưng là lối cười nhạt, cười hàm ý biết hết bụng dạ người khác, không giấu chút lạnh nhạt, rất đặc trưng Hữu Thỉnh khi cần phải mỉa mai ai đó. Bất ngờ ông nhìn thẳng vào tôi nói bằng thứ giọng nhẹ nhàng nhưng có gang có thép:

 

– Hôm nay tôi sang đây không phải để nghe ông Tạ Duy Anh kể công. Ai chả biết ông Tạ Duy Anh biên tập nhiều cuốn sách được giải – giọng ông không giấu sự giễu cợt.

 

Ông còn nói những gì nữa, vẫn bằng thứ giọng như vậy, nhưng tôi không để tâm. Sau đó ông quay sang vấn đề chính là cuốn ‘Trại súc vật’. Ông nói về tầm mức cực kì nghiêm trọng của việc để lọt lưới một tác phẩm chống Cộng vô cùng khốn nạn. Ông nhắc đi nhắc lại cụm từ cực kì nghiêm trọng. Ông tường thuật lại những lần lên làm việc với lãnh đạo Bộ Chính trị, nghe lãnh đạo đánh giá, nhận định, có đối chiếu với thông tin chứ không nói suông. Ông truyền đạt lại ý kiến của các chuyên gia, của các thành viên trong Hội đồng lý luận trung ương, của Ban chấp hành Hội nhà văn, của công an văn hóa… Tất cả đều thống nhất là vụ việc cực kì nghiêm trọng.

 

– Bảy mươi năm đảng ta canh chừng cẩn thận từng giây từng phút, vậy mà chỉ sơ sểnh hở ra mấy tích tắc là kẻ thù mang ngay được quả bom bẩn đặt vào tận móng nhà, với chủ định đánh sập – Miệng Hữu Thỉnh uốn lượn, mở ra, khép vào, bĩu môi sang trái sang phải, lên xuống theo cảm xúc của ông – Phải nhận ngay đây là một tội trạng lớn, một việc làm nhục nhã, không thể tha thứ – ông nhấn mạnh và khẳng định gay gắt – Không lý lẽ nào bao biện được rằng đây không phải là cuốn sách chống Cộng số một, một quả bom nguyên tử đánh vào hệ tư tưởng, một quả bom bẩn về văn hóa nhằm vào tim của chế độ với ý đồ rõ ràng là bôi nhọ rồi đánh sập. Đánh sập, đánh sập… tôi nhắc lại, không phải chuyện nhỏ đâu.

 

Tôi nghe hết ý kiến của nhà văn Tạ Duy Anh – Hữu Thỉnh không nhìn tôi mà quay sang những người khác – tôi nghe hết, hơ hơ… – ông Chủ tịch Hội cười nhưng mặt lạnh tanh – ông Tạ Duy Anh không ngây thơ thế đâu. Ông ấy bảo không có một từ Cộng sản nào trong cuốn sách thì sao bảo nó chống Cộng. Tôi nói luôn nhé: Nếu có một từ Cộng sản, ông Tạ Duy Anh sẽ chửi cái thằng nhà văn kia là kém, quá kém, không cao tay và ông ấy sẽ không kí biên tập để cho in. Chỉ cần một từ Cộng sản thôi, ông Tạ Duy Anh sẽ không kí cho in.

 

Ông nhìn lướt mọi người, trừ tôi, có lẽ vì ông không muốn thấy tôi đang cười thầm.

 

– Nhưng – Hữu Thỉnh tỏ thái độ là ông đi guốc vào bụng tôi – vì không nhắc gì đến Cộng sản, thì giá trị chống Cộng của nó mới cao, nó mới đáng để ông Tạ Duy Anh tìm mọi cách cho in ra. Tôi nói với các anh các chị, không đơn giản chỉ là việc in ra cuốn sách đen ấy, mang vào nhà quả bom bẩn ấy, mà ở đây là cả một kế hoạch, một âm mưu thâm độc, cực kì thâm độc, được cả một tổ chức ém sẵn, nằm im phục kích suốt nửa thế kỷ qua, chính xác là bảy mươi năm qua, lên kịch bản chi tiết, chuẩn bị ròng rã ngày này sang tháng khác để đưa bằng được quả bom bẩn ấy vào cửa nhà chúng ta. Tại sao lại in rất nhanh và nộp lưu chiểu vào sát Tết? Vì thời điểm ấy mọi người đều thiếu tập trung trong công việc? Quá kinh khủng! Quá thâm độc… Những câu hỏi này không dễ trả lời đâu. Một sự tính toán cực kì kĩ, chi tiết, có chỉ đạo, rất kiên nhẫn mai phục.

 

Bỗng Hữu Thỉnh gần như kêu lên đau đớn, toàn bộ cơ mặt của ông co lại thành từng nếp xô lệch (kẻ nào không tin ông đau đớn thật thì quá là vô cảm!):

 

– Tôi đau đớn lắm các đồng chí ạ! Tôi đau đớn lắm – có cảm giác tim ông sắp nổ tung – Chó, lợn, gà, ngựa… chúng nó gọi nhau là đồng chí – giọng ông nghẹn lại như sắp khóc – làm sao lại không đau đớn cho được. Chó, lợn cũng xưng hô là đồng chí, giời ôi là giời, còn gì để nói nữa, còn trời đất nào nữa.

 

(Khi Hữu Thỉnh kêu lên thảm thiết như vậy, tôi nghĩ nhanh trong đầu: Còn có nhiều đứa dưới mức súc vật nó vẫn xoen xoét gọi nhau là đồng chí đấy thôi, bác biết thừa).

 

Hữu Thỉnh bỗng quát lên, mắt long lanh quét một lượt:

 

– Chúng nó định làm nhục ai?

 

Tất nhiên là không ai trả lời ông. Nếu không cố kìm, tôi có thể đã phá lên cười. Có thể hầu hết những người dự họp nghĩ là Hữu Thỉnh đau đớn thật, thành tâm thấy có lỗi với cấp trên, muốn trừng trị thói ngang tàng coi trời bằng vung của tôi và lãnh đạo nhà xuất bản. Nhưng tôi thì biết rõ, cả lần này, Hữu Thỉnh cũng đang vờ diễn. Ông chả coi việc cuốn sách ra đời là cái gì ghê gớm. Nó in đầy ra kia, dưới mọi hình thức, ai muốn đọc lúc nào mà chả có. Vào Google gõ một phát ra cả đống, tải về bao nhiêu chả được! Tất nhiên in ở những chỗ khác và in ở nhà xuất bản Hội nhà văn là hai hiệu ứng khác nhau và ông có dự phần trách nhiệm. Nhưng nó rất vừa phải thôi. Đừng nghĩ là ông đang bóc mẽ tôi để trừng phạt. Ông biết là tôi chả coi danh vọng, bổng lộc, thưởng phạt… là thứ gì ghê gớm. Vả lại trừng phạt tôi không dễ, trong khi đó tiếng xấu sẽ để đời.

 

Với lại, phải nói thật là Hữu Thỉnh không có tâm địa hại tôi. Ông bắt buộc phải làm thế, trước hết và quan trọng nhất, để vừa lòng những người tin tưởng ông, đồng thời một công đôi việc, tiện thể dằn mặt cái “ổ nhóm” cứng đầu luôn gây cho ông những cơn nhức đầu. Chỉ có điều, rõ ràng là vì hoảng sợ, vì giận quá hóa mất khôn hay vì lý do nào khác, ông đã mất kiểm soát về ngôn từ trong việc lên lớp, chấn chỉnh cấp dưới.

 

Những gì ông nói về tôi vượt qua cả ý muốn tố giác tội phạm và chỉ có thể gọi là vu cáo trắng trợn, điều chắc chắn sẽ khiến ông hối hận. Nhưng nói thật là tôi không mảy may để bụng, không mảy may trách móc Hữu Thỉnh. Thậm chí tôi thấy có phần thương ông. Có khi nào tôi thấy Hữu Thỉnh bày ra tất cả sự thảm hại, thì chính là lúc ông “bán đứng” tôi. Nó cũng cho thấy ông rất yếu đuối, yếm thế với cấp trên. Người yếu đuối nào cũng đáng thương hơn là đáng trách.

 

Sau khi chỉ ra chiến thuật “giả ngố” của tôi, để khẳng định một lần nữa sự thành khẩn của mình trong việc nhận sai sót do buông lỏng quản lý, kiên quyết nghiêm trị cấp dưới, Hữu Thỉnh nhấn thêm:

 

– Nhà xuất bản phải thành thật nhận ra tội lỗi nghiêm trọng của mình – Và ông kết luận – Không thẩm định, xem xét gì nữa. Rành rành ra rồi. Quả bom bẩn rành rành ra rồi. Đánh phá chế độ rành rành ra rồi. Mọi lời nói của các anh các chị đều là bao biện hết. Phải nhận thấy tội của mình. Tội rất nghiêm trọng. Dứt khoát phải như vậy – lần này thì ông liếc nhìn tôi, hạ giọng – Việc kỉ luật ai, hình thức thế nào chưa bàn ở đây, ông Tạ Duy Anh ạ. Hôm nay chúng tôi mới sang nghe và xem các anh thành khẩn đến đâu, chứ chưa có quyết định cụ thể. Chưa.

 

Ông nuốt khan, dằn và kéo dài giọng, tay chém mạnh xuống:

 

– Chưa!… Nhưng nhất định phải kỉ luật.

 

(Còn nữa)






No comments: