Xu
hướng tìm kiếm năm 2022: Người Việt quan tâm gì nhiều nhất
22/12/2022
Giá xăng là mối quan tâm hàng đầu của người dân ở
Việt Nam khi tìm kiếm tin tức thời sự trong năm 2022, một năm đánh dấu nhiều biến
động về giá cả do lạm phát tăng cao vì ảnh hưởng của cuộc chiến Ukraine, trong
khi giải bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup là xu hướng tìm kiếm nổi bật nhất
trong năm trên mạng internet ở quốc gia Đông Nam Á này.
Danh sách Google Year in Search 2022 vừa
được công bố cho thấy “Giá xăng hôm nay” là từ khóa đứng đầu trong Top 5 Tin thời
sự trong khi “World Cup 2022” đứng đầu Top 5 Xu hướng tìm kiếm nổi bật nhất của
năm. Đại dịch COVID-19 đã không còn nằm trong danh sách các xu hướng tìm kiếm
trong năm qua ở Việt Nam.
Giá xăng dầu ở Việt Nam được điều chỉnh
nhiều lần trong suốt cả năm và quốc gia Đông Nam Á thậm chí đối mặt với sự thiếu
hụt về nguồn nguyên liệu được xem là quan trọng nhất đối với người dân cho việc
di chuyển hàng ngày, gây ra nhiều lo ngại trong công chúng trong năm qua. Bên cạnh
đó, World Cup, giải đấu thể thao lớn lần đầu tiên được tổ chức tại các
sân vận động với toàn bộ khán giả được vào xem bình thường sau đại dịch, đã thu
hút sự quan tâm của người dân Việt Nam, nước được xem là có niềm đam mê lớn nhất
đối với môn thể thao vua ở châu Á.
Thống kê của Google đã thể hiện bức tranh toàn cảnh về những điều được
người Việt quan tâm tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2022, theo anh Bùi Sơn, một kỹ
sư sinh sống ở Hà Nội.
“Giá xăng dầu chắc chắc là mối quan tâm về mặt kinh tế hàng đầu của người
dân Việt Nam,” anh Sơn nói. “Giá xăng dầu ảnh hưởng thực sự rất lớn đến cuộc sống
của đại bộ phận người dân Việt Nam. Do vậy, nó là xu hướng tìm kiếm hoàn toàn
phù hợp trong 2022, đặc biệt có giai đoạn có thể nói là có tiền cũng không mua
được xăng dầu vì có những cửa hàng không có đủ xăng dầu để bán cho người dân.”
Theo anh Sơn, những người dân Việt Nam hàng ngày phải di chuyển bằng xe
máy và ô tô cá nhân, khi hệ thống giao thông công cộng chưa đủ thuận tiện cho mọi
hoạt động của họ hàng ngày. Nhóm người dễ bị tổn thương nhất đối với giá cả
xăng dầu tăng cao, theo anh Sơn, là những người lao động hay công nhân nghèo vì
giá cả nói chung cũng tăng cao theo giá xăng.
Việc giá xăng có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống
hàng ngày của người dân Việt đã khiến “Giá xăng hôm nay” trở thành vấn đề
“nóng” và là chủ đề thời sự được tìm kiếm hàng đầu trong năm 2022, theo anh
Sơn. Trong xu hướng tìm kiếm này, những câu hỏi liên quan như “tại sao hết
xăng?” hay “tại sao giá xăng tăng?” hay “tại sao cây xăng đóng cửa?” được người
dùng mạng nhắc đến nhiều trên công cụ tìm kiếm Google.
‘Ukraine’ và ‘SCB’
Trong Top 5 các chủ đề thời sự được người Việt tìm kiếm nhiều nhất,
ngoài “Giá xăng hôm nay” còn có “Bão Noru”, “Ukraine”, và
“SCB”.
Việt Nam là quốc gia thứ 2, sau Philippines, chịu ảnh hưởng nhiều nhất
của các cơn bão trong khu vực, và do đó, theo anh Sơn, người dân trong nước tìm
kiếm nhiều thông tin về cơn bão Noru, được gọi là “siêu bão” vì độ cuồng
phong, đánh vào miền Trung Việt Nam trong năm qua. Bão Noru đánh vào các tỉnh
Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Trị hồi tháng 9 gây thiệt hại nặng nề về tài sản,
theo ghi nhận của truyền thông trong nước.
Trong khi đó, cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng được nhiều người
Việt Nam quan tâm vì, theo anh Sơn, Việt Nam có mối quan hệ khăng khít với Nga,
nước đã phát động cuộc xâm lược mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào
lãnh thổ Ukraine từ 24/2.
“(Quan tâm đến) chiến sự Ukraine thì có lẽ là những người quan tâm đến
tình hình thế giới hoặc là giới kinh doanh,” anh Sơn nói. “Giới đầu tư chứng
khoán, họ quan tâm nhiều đến tình hình chiến sự tại Ukraine vì nó liên quan đến
các mặt hàng mà quốc gia này xuất khẩu cũng như Nga xuất khẩu, như nông sản hay
phân bón. Và nó cũng là mối quan tâm của những người quan tâm đến tình hình
chính trị trên thế giới và trong nước.”
Đối với anh Sơn, Ukraine lại là mối quan tâm hàng đầu của anh khi tìm
kiếm thông tin trong năm 2022.
“Cái quan tâm hàng đầu của tôi trong năm 2022 không
phải là bóng đá, không phải là xăng dầu, mà đó là chiến sự tại Ukraine,” anh
Sơn nói. “Tôi quan tâm đến chiến sự tại Ukraine vì tôi ủng hộ Ukraine trong cuộc
chiến bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Tôi cho rằng đó là một cuộc
xâm lược của Nga. Không những tôi theo dõi tin tức trên các trang Internet mà
tôi còn theo dõi các tin tức trên Facebook.”
Chính phủ Việt Nam nhiều lần bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hợp
Quốc để tránh lên án Nga tấn công lãnh thổ của Ukraine và truyền thông chính thống
của quốc gia Đông Nam Á này, dưới sự kiểm duyệt của Nhà nước, không gọi đây là
cuộc xâm lược. Tuy nhiên trong năm qua, nhiều người dân như anh Sơn đã bày tỏ sự
ủng hộ đối với Ukraine cũng như quyên góp tiền tặng người dân Ukraine thông qua
đại sứ quán của nước này ở Hà Nội.
“Tại sao Nga và Ukraine xung đột” là từ khóa
được người Việt tra cứu nhiều nhất trong năm 2022 trong mục “Tại sao” trên
Google.
Sau “Ukraine”, trên vị trí thứ 4 trong Top 5 chủ đề Thời sự là “SCB”,
tên của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – nơi phát hành trái phiếu của
công ty An Đông, một công ty con thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát của tỷ phú
Trương Mỹ Lan đã bị công an Việt Nam bắt giữ và điều tra về tội gian dối trong
phát hành trái phiếu doanh nghiệp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
“Nhiều người đã tập trung biểu tình không những ở các trụ sở ngân hàng
SCB mà họ còn đưa yêu cầu được hoàn lại tiền ở cả Bộ Tài chính,” anh Sơn nói.
“Do vậy những thông tin này được đưa lên mạng xã hội nhiều và là một trong những
thông tin được dư luận quan tâm khi tìm kiếm trên Google.”
Trong vụ Vạn Thịnh Phát, được xem là một trong những đại án tham nhũng ở
Việt Nam trong năm qua, có đến gần 40.000 nạn nhân với số tiền bị thiệt hại lên
đến hơn 1 tỷ đô la.
‘Tịnh thất Bồng lai’ và ‘Giá đô hôm nay’
“Tịnh thất Bồng lai” và “Giá đô hôm nay” cũng được nhiều người Việt tìm
kiếm thông tin khi nằm trong nhóm 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên
Google ở Việt Nam năm qua.
Sáu thành viên tại cơ sở tu tại gia Thiền am Bên bờ
Vũ trụ, thường được biết là Tịnh thất Bồng lai, đã bị chính quyền Việt Nam kết
án tổng cộng 23 năm rưỡi tù trong bản án mà công chúng và các luật sư bào chữa
cho là “rất thất vọng.”
Vụ án gây tranh cãi và nhận được sự quan tâm của người dân trong nước bởi
tội danh mà những người trong Thiền am, gồm cả ông Lê Tùng Vân – người sáng lập
đã hơn 90 tuổi, bị khép. Ngoài ra, theo anh Sơn, vụ án còn nhận được sự quan
tâm của công chúng phần nhiều vì “tò mò” khi truyền thông do nhà nước quản lý
và cơ quan điều tra ban đầu còn khép những thành viên Tịnh thất Bồng lai vào tội
“loạn luân”.
“Có hai lý do để người ta quan tâm: một là giới luật vì vụ án này khá
phức tạp khi các nạn nhân bị khép tội ‘Lợi dụng quyền tự do dân chủ’,” anh Sơn
nói. “Lý do thứ hai vụ này được tìm kiếm nhiều là vì cư dân mạng họ tò mò về thực
hư về cái mối quan hệ trong vụ Tịnh thất Bồng Lai – ý rằng là có thật hay không
khi một ông già lớn tuổi như vậy mà có quan hệ huyết thống với nhóm người bị
truy tố.”
Cơ quan điều tra của Bộ Công an sau đó đã bỏ tội danh này đối với ông
Vân. Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ hồi tháng
7 vừa qua đã đưa tất cả 6 thành viên chịu án tù của Thiền an Bên bờ Vũ trụ vào
danh sách “Nạn nhân tự do tôn giáo và niềm tin” toàn cầu vì cho rằng những
thành viên này bị chính quyền Việt Nam giam cầm “chỉ vì hoạt động tôn giáo” và
“bày tỏ chính kiến của mình.”
Người Việt Nam cũng quan tâm nhiều đến giá đô la Mỹ
trong năm qua khi lạm phát tăng cao và chính phủ Việt Nam phải hai lần
nới biên độ giao dịch của tiền đồng đối với đồng đô la khiến tỷ giá tiền đồng
so với tiền đô la Mỹ giảm 8%.
“World Cup 2022” cũng là từ khóa tìm kiếm nhiều nhất về thể thao
của người Việt Nam, nước được Nielsen đánh giá là có tỷ lệ cổ động viên bóng đá
trên dân số cao nhất châu Á.
Đối với mục tìm kiếm về nhân vật, “Hồng Đăng” và “Hồ Hoài Anh” nằm
Top 3 cái tên được người Việt tra cứu nhiều nhất trên Google trong năm qua. Hai
nghệ sỹ này được cho là dính líu tới vụ các nghệ sỹ Việt hãm hiếp một thiếu nữ
vị thành viên người Anh khi đang đi nghỉ ở Đảo Majorca của Tây Ban Nha. Hiện
hai diễn viên và nhạc sỹ này đã trở về nước nhưng vẫn đang tiếp tục bị điều
tra.
Theo Google, danh sách năm nay phản ánh một sự chuyển biến đáng kể khi
không còn sự chiếm lĩnh của những từ khoá liên quan đến dịch bệnh Covid-19 như ở
hai năm trước. Liên quan gián tiếp tới đại dịch, từ khóa về các nền tảng học trực
tuyến cũng tăng cao vào đầu năm rồi giảm dần vào những tháng giữa năm. Thay vào
đó, người dùng chuyển hướng quan tâm tới các chủ đề quen thuộc như bóng đá và
giải trí.
No comments:
Post a Comment