Saturday, December 24, 2022

TUYÊN GIÁO KẾT HỢP VỚI AN NINH ĐỂ KIỂM SOÁT SUY NGHĨ CỦA DÂN! (RFA)

 



Tuyên giáo kết hợp với an ninh để kiểm soát suy nghĩ của dân!

RFA
2022.12.23

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-propaganda-department-combined-with-the-police-to-control-people-s-thoughts-12232022135058.html

 

Tại Hội nghị tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 hôm 23/12 ở TPHCM, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa lại nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành tuyên giáo định hướng dư luận xã hội, báo chí - xuất bản... nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-propaganda-department-combined-with-the-police-to-control-people-s-thoughts-12232022135058.html/@@images/887d6f16-6571-46fd-87bd-f4acee0c2bab.jpeg

Trưởng ban tuyên giáo Trung ương đi lên từ chức Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội.    RFA edited

 

Chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan tuyên giáo, chẳng khác nào nhìn nhận việc kiểm soát tự do ngôn luận qua kiểm duyệt, theo dõi sát suy nghĩ của người dân...

 

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nguyên Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư liệu của Đài truyền hình HTV và là một cựu tù nhân nhân quyền, hôm 23/12 cho rằng:

 

“Chức năng quyền hạn của Ban Tuyên giáo đã được định rõ với nhiệm vụ là một cơ quan rất quan trọng cho chủ trương tẩy não và nhồi sọ. Chủ trương này xuyên suốt hàng chục năm qua, phải nói là một chủ trương thành công rất mỹ mãn với sự tinh vi, liên tục, có hệ thống, trải khắp mọi lĩnh vực và thậm chí len lỏi vào trong từng trường học, từng gia đình... Đặc biệt là môi trường văn hóa giáo dục, đó là môi trường quan trọng nhất cho chủ trương tẩy não và nhồi sọ thông qua Ban Tuyên giáo. Khắp từ trung ương cho tới thành phố, quận, huyện, phường xã và trong từng cơ quan của nhà nước đều có bóng dáng của tuyên giáo. Vai trò của Ban Tuyên giáo nói một cách công tâm đã thành công trong hàng chục năm qua với nhiệm vụ tẩy não và nhồi sọ người dân.”

 

Tuy nhiên theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, kể từ khi có internet vào Việt Nam và đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận, thì vai trò của Ban Tuyên giáo ngày càng trở nên lung lay, không còn sức thuyết phục người dân, bởi nhờ việc tiếp cận và hội nhập với thế giới mà người dân có thể tự tìm hiểu nhiều vấn đề. Ông Già nói tiếp:

 

“Nói hình tượng một chút, Bộ Công an là cơ quan cầm tù thể xác, thì Ban Tuyên giáo là cơ quan cầm tù tinh thần của toàn thể người dân Việt Nam. Do đó việc ông Nguyễn Trọng Nghĩa, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói rằng ‘đi trước, đi cùng, đi sau’ thì hình ảnh này càng tự tố cáo là Ban Tuyên giáo hiện nay như là mật thám giám sát chặt chẽ người dân về mặt tinh thần.”

 

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40.000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.

 

Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin- Truyền thông ở các tỉnh thành. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này.

 

Nhà báo tự do JB. Nguyễn Hữu Vinh khi trả lời RFA liên quan vấn đề này thì cho rằng, việc kiểm duyệt quá nhiều của ban tuyên giáo còn gây nên nỗi sợ hãi:

 

“Ngoài hiện tượng những tờ báo bị Ban Tuyên giáo kiểm duyệt, rồi lại phải rút xuống, phải xuyên tạc… Tất cả những điều đó làm cho các phóng viên, những người viết báo phải tự kiểm duyệt mình… Mà chế độ nguy hiểm nhất là họ tự kiểm duyệt bằng nỗi sợ hãi, vì chuyện mất nghề, chuyện kỷ luật, chuyện bắt bớ… rất nhiều chuyện hệ lụy đến họ, thì không bao giờ báo chí đáp ứng được các yêu cầu xã hội như mục đích đặt ra.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-propaganda-department-combined-with-the-police-to-control-people-s-thoughts-12232022135058.html/07285125-414b-4b49-96fe-21b738aff1eb.jpeg/@@images/59276f5b-1cd5-47db-acf1-bd5e2fe0d728.jpeg

Ảnh minh họa: Một sạp bán báo ở Việt Nam. AFP.

 

Tuyên truyền là công cụ rất hữu hiệu của Đảng cộng sản Việt Nam mà Ban Tuyên giáo của là cơ quan chỉ huy toàn bộ việc tuyên truyền của đảng, hay nói cách khác là công tác tẩy não người dân, thuyết phục người dân, tin tưởng và theo đảng cộng sản. Dù thông qua internet và mạng xã hội, nhiều người cũng đã có được thông tin xác thực. Tuy nhiên một số đông người ở Việt Nam vẫn bị lừa bởi sự tuyên truyền của Ban Tuyên giáo thông qua báo chí nhà nước.

 

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, nguyên là một phóng viên của Tạp Chí Cộng Sản – cơ quan ngôn luận của đảng CSVN, nói với RFA hôm 23/12:

 

“Từ trước đến nay đảng Cộng sản cũng như nhà nước Việt Nam rất đề cao vấn đề tuyên giáo, tuyên truyền giáo dục theo chủ trương đường lối chính sách của đảng. Nhưng trên thực tế vai trò của tuyên giáo trong việc làm cho người dân yêu đảng, yêu chế độ thông qua tuyên truyền của họ thì không thành công. Trên thực tế người dân ngày càng xa rời tinh thần chủ nghĩa xã hội của đảng và nhà nước. Bây giờ xã hội càng phát triển, nhất là việc đốt lò chống tham nhũng đã phơi bày rất nhiều những cái xấu xa của hệ thống công chức, quan chức... làm cho người dân hoàn toàn mất lòng tin. Cho nên việc họp tổng kết họ nói là việc của họ thôi, chứ thực tế vai trò định hướng tư tưởng định hướng dư luận là không còn.”

 

Tuy nhiên theo Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, cơ quan tuyên giáo có một vai trò khác là giúp cho hệ thống an ninh để phân định những quan điểm, suy nghĩ của người dân để tiến hành thực hiện Luật An ninh mạng, thực hiện việc bắt bớ, đàn áp những người cất lên tiếng nói trung thực. Ông Bình nói thêm về tác hại của việc này:

 

“Cơ quan tuyên giáo kiểm soát, theo dõi suy nghĩ của người dân thông qua hệ thống an ninh mạng gây ra tác hại rất lớn. Như chúng ta biết, rất nhiều người lên tiếng dù chỉ nhẹ nhàng mà cũng bị bắt. Ví dụ như Thầy giáo Đặng Phước, rồi hàng ngàn người bị phạt vì những cái rất vô lý, những việc mà người ta nắm thông tin đưa lên, hay nhận xét về cá nhân, hoặc là chủ trương đường lối, nhận xét rất bình thường mà cũng bị phạt. Ví dụ như nói ông Quyết FLC bị bắt, cuối cùng khi chưa bị bắt thì phạt người ta, nhưng mấy hôm sau thì lại bắt anh Quyết. Đó là những chuyện rất vớ vẩn, cho nên việc kiểm soát tự do ngôn luận và kiểm duyệt, theo dõi suy nghĩ của người dân trong thời gian vừa qua rất tai hại cho những người muốn lên tiếng hoặc cất lên tiếng nói của sự thật nhưng cuối cùng bị đàn áp rất nặng nề. Chúng ta thấy việc tuyên giáo thực hiện việc đàn áp tư tưởng rất là tai hại như vậy.”

 

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí khi trả lời RFA trước đây về vấn đề tương tự cho rằng, khi Ban Tuyên giáo nhồi nhét người dân... thì vì miếng cơm manh áo, vì quyền lợi ích kỷ cá nhân họ cho vào tai, nhưng họ đều nhận biết cái không hợp lý của nó.... chỉ một số rất ít những kẻ ngu muội mới tin đó là sự thật.





No comments: