TRẦN
HUY QUANG, VỤ LINH NGHIỆM VÀ TÔI
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp khóa viết văn thứ
tư, tôi đến gõ cửa một số tờ báo xin việc nhưng đa số đều từ chối hoặc vẽ ra những
khó khăn đủ kiểu để chính tôi nản lòng.
Cuối cùng chỉ có Hữu Thỉnh, lúc ấy giữ chức Tổng
biên tập báo Văn nghệ là cho tôi hy vọng.
Thậm chí ông đã “thử việc” tôi bằng cách cử
lên Cao Bằng viết phóng sự về tệ nạn nghiện hút. Nguyên văn lời ông: “Không
ai nghi ngờ khả năng viết lách của chú, nhưng người ta mới chỉ biết chú viết
truyện, viết tiểu thuyết, chứ viết báo họ chưa phục đâu. Chú hãy giúp anh Thỉnh
bằng việc khiến họ phải phục nốt”.
Tôi đã cố gắng làm tốt nhất công việc của một
phóng viên thực thụ, khi đóng giả người mua hàng, với sự hỗ trợ của công an Cao
Bằng, vào tận “sào huyệt” của những ổ hút, chích, buôn bán thuốc phiện khắp các
điểm nóng ở Cao Bằng, để viết một phóng sự dài kỳ có tên là “Cơm đen”. Tôi gửi
bản thảo viết tay về cho Hữu thỉnh, còn mình tiếp tục ở lại Cao Bằng thêm một
thời gian. (Sau này phần in trên báo Văn nghệ năm 1992 đã bị biên tập cắt gọt
quá nửa, chỉ với lý do ông biên tập viên không chấp nhận những mô tả “xúc phạm”
của tôi khi con nghiện phê thuốc hoặc không có tiền mua thuốc, cho rằng tôi chẳng
hiểu gì hoặc chỉ hiểu một phía).
Nghe một người thân nói lại thì Hữu Thỉnh khen
hay.
Nhưng khi ông có thể đặt bút kí hợp đồng với
tôi thì xảy ra vụ Linh nghiệm.
Như đã kể, do tôi ở tịt trên Cao Bằng, nên khi
ầm ỹ vụ Linh nghiệm, tôi hoàn toàn mù tịt thông tin. Trở về Hà Nội, tôi hồn
nhiên đến báo Văn Nghệ, la cà vài phòng ban như để làm quen trước. Nhưng tôi bỗng
có linh cảm không khí Tòa soạn có gì đó khác thường. Người nào cũng nhìn tôi,
nhìn khách đến liên hệ một cách đầy nghi hoặc. Mọi người cười nhạt với tôi là
chính. Cuối cùng, tôi đành gặp một người quen là nhân viên của phòng hành chính,
hỏi thẳng chị báo đang có chuyện gì? Chị ngạc nhiên nhìn tôi, như tôi vừa trên
trời xuống:
– Cậu không biết chuyện gì thật à? Cậu về giở
tờ báo Văn Nghệ số kỉ niệm 35 năm ngày thành lập Hội nhà văn mà đọc, tự cậu khắc
biết chuyện gì.
Tôi bèn chào chị, phóng thẳng về nhà em gái út
ở khu tập thể trường Công đoàn, nơi tôi ở tạm trong thời gian chưa thuê được
nhà. Đây rồi, số báo kỉ niệm 35 năm ngày thành lập Hội nhà văn vẫn nằm im trên
nóc tủ. Tôi giở ra, chả hiểu sao lại nhìn ngay vào truyện ngắn “Linh nghiệm”. Tôi đọc một mạch và bỗng đoán ra tất cả.
Hôm sau tôi trở lại báo. Mọi người tiếp tục lộ
ra sự căng thẳng, dò xét. Tuy thế chỗ này vài người thì thào lo lắng, chỗ khác
ai đó đang rì rầm chế nhạo, chỗ khác nữa không giấu được sự khoái trá ra mặt…
Tôi ngồi chơi một lúc thì thấy Hữu Thỉnh cắp cặp bước vội qua cổng, lên thẳng
phòng của ông trên tầng 2 mà không nhìn ai. Tôi chỉ kịp thấy ông bạc phếch cả mặt.
Chắc chắn ông đang gặp chuyện nghiêm trọng với cấp trên! Tôi bèn bám theo,
không đợi mời, điềm tĩnh ngồi trước mặt ông. Hữu Thỉnh tưởng tôi thúc giục chuyện
kí hợp đồng, nhìn tôi cười nhưng hồn ông đang thất lạc tận đẩu tận đâu. Chưa
nghe tôi trình bày nửa lời, ông đã bảo:
– Chú cứ về, yên tâm, chắc chắn chú làm việc ở
báo rồi, chỉ cho anh thêm chút thời gian nữa.
Tôi nói luôn:
– Em xin rút lui ý định về báo.
Hữu thỉnh bấy giờ như mới tỉnh ra, hỏi giật:
– Vì sao?
– Em không xin về báo nữa, nhưng mong anh hứa
với em là anh phải giữ bằng được Trần Huy Quang ở lại, đừng để ông ấy mất việc.
Hữu thỉnh nhìn tôi chăm chăm, như xem có phải
là tôi thật hay ai khác, ánh mắt buồn buồn xen lẫn sự bất lực:
– Rất nghiêm trọng! Cực kỳ nghiêm trọng! Anh
đang cố, nhưng chả biết có giữ nổi không.
Chợt ông đến bên tôi, nắm chặt tay, mắt nhìn mắt
như đã hiểu thấu gan ruột nhau:
– Cảm ơn em. Nhưng anh Thỉnh cũng có một đề
nghị: Khi nào mọi chuyện êm đẹp, chú phải về đây giúp anh. Báo Văn nghệ cần những
người như chú.
Tôi cũng nắm chặt tay Hữu Thỉnh, cố làm cho
ông vui vẻ, lòng thấy nhẹ bỗng như mình vừa làm một việc phải làm. Thực sự tôi
không muốn làm khó thêm cho Hữu Thỉnh trong hoàn cảnh ông đang phải đối phó tứ
bề chỉ là một phần, còn lại, trong sâu xa, tôi sợ sẽ mang tiếng chiếm chỗ của
Trần Huy Quang khi ông đang lâm nạn (nếu chả may ông ấy bị đuổi khỏi báo). Tôi
có thể vô can trước dư luận, nhưng với lương tâm thì không. Nếu không làm thế,
tôi biết là mình không bao giờ còn có thể sống thanh thản được nữa.
Và tôi đưa ra quyết định đó gần như tức khắc.
(Năm 1994, giữ đúng lời hứa, Hữu Thỉnh trực tiếp
gặp tôi, đề nghị tôi về làm việc ở báo Văn Nghệ, nhưng vì quá nặng tình với thầy
Phạm Vĩnh Cư nên tôi từ chối).
Cũng đầu năm 1994, tôi quyết định vay hoàn
toàn tiền bạn bè, mua một căn chung cư ở Tân Mai. Chả rõ ai nói mà Trần Huy
Quang biết. Một buổi chiều muộn, ông đến tìm tôi ở trường Viết văn Nguyễn Du.
Hai anh em đứng nói chuyện ngay trước tiền sảnh. Ông ngượng nghịu lấy từ túi áo
ra tập tiền mệnh giá 50.000 đồng. Có tất cả 10 tờ (Bằng một chỉ vàng lúc bấy giờ),
nói một cách khó khăn:
– Anh nghèo quá, chỉ có ngần này cho chú vay,
gọi là chút tấm lòng của anh, khi nào trả anh cũng được.
Và cũng giống như Hữu Thỉnh hôm nào, ông nắm
chặt tay tôi, nhìn sâu vào mắt, nói nhỏ:
– Cảm ơn em rất nhiều!
Cách nay khoảng một tuần, Trần Cao, cháu gọi
ông bằng bác ruột, nhờ tôi đăng ký giấy phép và hỏi ý kiến tôi về việc xuất bản
tập sách cuối cùng của ông. Tôi hẹn Cao tuần sau sẽ đọc lại bản “mise”.
Nhưng thần chết đã nhanh hơn chúng tôi…
Trần Cao kể lại là cậu ta chỉ kịp vào viện
chìa cho ông xem bìa sách. Và ông gật đầu.
Xin bái biệt ông!
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10225954199059180&set=a.10214678173885598
Nhà văn Trần Huy Quang.
.
No comments:
Post a Comment