Di tích cố đô Huế bị gặm nhấm, phá hoại từng phần
Phạm Bá -
Saigon Nhỏ
15 tháng 12, 2022
https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/di-tich-co-do-hue-bi-gam-nham-pha-hoai-tung-phan/
Hơn 40 năm qua, 31 hộ
dân đang sống trong khuôn viên An Lăng, nơi chôn cất các vua Dục Đức, Thành
Thái và Duy Tân...
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/Tin-1-15.12-7-1024x683.jpg
An Lăng – nơi an giấc ngàn thu của vua Dục Đức. Nguồn: vnexpress.net
Sơ lược về vua Dục Đức – vị vua trị vì ngắn nhất
trong lịch sử triều Nguyễn
An Lăng tọa lạc trên đường Duy Tân, phường Phước
Vĩnh, phường An Cựu, thành phố Huế, là nơi an giấc ngàn thu của vua Dục Đức – vị
vua thứ năm của triều Nguyễn mở đầu cho giai đoạn “Tứ nguyệt tam vương” (Bốn
tháng thay ba vua); Dục Đức là vị vua trị vì ngắn nhất trong lịch sử triều đại
nhà Nguyễn, có một bi kịch đầy đau thương cho đến lúc lìa đời. Ngoài ra, đây
cũng là nơi an táng vua Thành Thái và vua Duy Tân, con trai và cháu nội của vua
Dục Đức.
Vua Dục Đức tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Ái,
sinh năm 1852. Vua Tự Đức khi đó không có con nối dõi (vô sinh do mắc bệnh quai
bị từ nhỏ) nên đã nhận những người cháu ruột của mình để làm con nuôi. Vì vậy
nên khi lên hai tuổi, Ưng Ái được vua Tự Đức chọn làm con nuôi và làm Dục Đức
Đường trong kinh thành cho ở. Năm 17 tuổi Ưng Ái được đổi tên thành Ưng Chân.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/Tin-1-15.12-6.jpg
Mộ phần vua Thành Thái và vua Duy Tân trong khu vực An Lăng.
Ông vua “ba ngày”
Năm 1883, vua Tự Đức qua đời, để lại di chiếu
truyền ngôi cho Ưng Chân khi đó đã 32 tuổi. Song, di chiếu có viết thêm Ưng Chân
vốn có tật ở mắt và lại có tính hiếu dâm, nhưng vì cần có người lớn tuổi nối
ngôi để dễ bề cai trị xã tắc nên Ưng Chân được lựa chọn.
Đến ngày đăng quang (20 Tháng Bảy 1883), vì
không muốn bàn dân thiên hạ biết được những điều không tốt về mình, Dục Đức đã
cho lược đi những phần đó. Lúc này, Trần Tiễn Thành là người thay mặt vua đọc
di chiếu, đến phần không cần đọc đã hạ giọng và đọc lướt qua.
Khi đó, hai quan đại thần là Tôn Thất Thuyết
và Nguyễn Văn Tường phát hiện ngay việc vua Dục Đức đã dám lược bỏ một phần di
chiếu của tiên đế nên rất bất bình.
Sau đó, cả hai quan đại thần đã tâu lên Thái
hoàng Thái hậu Từ Dũ một sớ hạch tội vua Dục Đức với bốn tội lớn: Dám sửa di
chiếu của tiên đế, mặc áo màu trong đám tang của vua cha, tự tiện đưa một giáo
sĩ vào Hoàng thành và thông dâm với nhiều cung nữ của vua cha.
Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ phê qua tờ sớ tội, đồng
ý phế truất vua Dục Đức. Ngày 23 Tháng Bảy năm 1883, vua Dục Đức bị giáng trở về
làm Thụy quốc công rồi cho bắt giam vì những đại tội đã kể.
Như vậy, chỉ sau ba ngày lên ngôi, vua Dục Đức
đã bị phế truất, là vị vua trị vì ngắn nhất trong lịch sử triều Nguyễn.
Một đám tang lặng lẽ và chuyện kỳ lạ khi an táng
vua Dục Đức
Bi kịch của vua Dục Đức còn tồn tại trong chuỗi
ngày bị giam trong ngục. Mỗi ngày, ông chỉ được ăn một phần cơm gạo xấu, ít đến
nỗi người bình thường khó lòng mà no cho được. May sao, lúc này có tên lính
canh thương tình vua cũ mà lặng thầm gửi thêm nắm cơm cho Dục Đức cùng một mảnh
vải ướt để có thể vắt ra nước mà uống.
Thế nhưng sự việc bị phát giác, tên lính bị điều
đi nơi khác. Dục Đức về sau cũng qua đời vào ngày 6 Tháng Mười năm 1883
vì đói khát trong ngục.
Sau khi mất, thi hài vua Dục Đức được hai tên
lính cùng một viên đội gánh đi chôn. Đám tang lặng lẽ được đưa về An Cựu để an
táng tại địa phận chùa Tường Quang (ngôi chùa do bên phía nhà vợ vua xây dựng).
Tuy nhiên, khi gần đến chùa Tường Quang thì
thi hài nhà vua bị rớt giữa đường do đứt dây. Thấy vậy, một tên lính chạy vào
chùa Tường Quang mời sư trụ trì ra giải quyết. Cuối cùng, mọi người cùng đồng
tình xem mảnh đất đó là “thiên táng” nên lấy đó làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng của
nhà vua. Mộ của vua Dục Đức được lập ngay tại vị trí đó.
Vua Dục Đức qua đời để lại tám bà vợ, 11 người
con trai và tám người con gái. Trong số con trai có Hoàng tử Bửu Lân, năm 1898
lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Thành Thái. Sau khi lên ngôi, vua Thành Thái đã
cho trùng tu ngôi mộ “thiên táng” của vua cha và đặt tên là An Lăng. Ngôi chùa
Tường Quang cũng được đổi tên thành Kim Quang, đây là nơi tổ chức
nghi lễ thờ cúng vua Dục Đức trong thời gian đó.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/Tin-1-15.12-4.jpg
Nhà xưởng của Ty Công nghiệp tỉnh Bình Trị Thiên cũ nằm trong khuôn viên
An Lăng bị bỏ hoang nhiều năm và có nguy cơ đổ sập.
Bi kịch vẫn kéo dài
Sau năm 1975, chính quyền Bình Trị Thiên cũ đã
cấp đất trong khuôn viên An Lăng cho cán bộ nhân viên Ty Công nghiệp, Ty Giáo dục
tỉnh làm nhà sống tạm. Hơn 40 năm qua, 31 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu là cán bộ
về hưu của tỉnh Bình Trị Thiên cũ vẫn sống tạm bợ trong khuôn viên lăng.
Nhìn từ trên cao, trong khuôn viên An Lăng là
những nhà lợp mái tôn cùng nhà xưởng cũ bỏ hoang. Kể từ khi quần thể di tích cố
đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993, do không thể
sửa chữa nhà cửa, người dân mong muốn được di dời, trả đất cho di tích.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/Tin-1-15.12-1.jpg
Hiện trạng nhếch nhác bên trong khuôn viên An Lăng
Nhiều căn nhà mái tôn được xây dựng cạnh cửa hậu
ra vào An Lăng nay đã xập xệ, có nguy cơ sụp đổ, nhưng không thể sửa chữa bởi nằm
trong khu vực di tích.
Để chống mưa dột và tránh gió, người dân khu tập
thể đã góp tiền mua tôn cũ về lợp trước sân chung để làm chỗ sinh hoạt, phơi áo
quần.
Nhà của các hộ dân nằm trong khu vực An Lăng
chỉ rộng khoảng 30 m2. Để có không gian sinh hoạt, họ phải cơi nới
thêm gác, nhà bếp. Điều này càng khiến hiện trạng khuôn viên trở nên thêm nhếch
nhác, bừa bộn.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/Tin-1-15.12-2.jpg
Hiện trạng nhếch nhác bên trong khuôn viên An Lăng
Ngày trước, toàn bộ khuôn viên An Lăng có tường
rào bao bọc, nhưng trải qua hơn 40 năm, một phần tường thành xưa kia bao bọc An
Lăng nay trở nên nhếch nhác và biến dạng khi người dân xây dựng nhà cửa, quán
ăn chồng lấn.
Những nhà xưởng của Ty Công nghiệp tỉnh Bình
Trị Thiên cũ nằm trong khuôn viên An Lăng bỏ hoang và nguy cơ đổ sập. Để đảm bảo
an toàn, chính quyền và người dân đã dán biển cảnh báo “khu vực nguy hiểm”.
Năm 1954, khi vua Thành Thái mất, thi hài được
đưa về chôn cất trong An Lăng và cũng được thờ ở điện Long Ân. Cuối năm 1945,
vua Duy Tân tử nạn máy bay ở châu Phi, một cuộc lễ truy điệu nhà vua được tổ chức
tại điện Long Ân và thờ tại đây. Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được đưa về an
táng cạnh lăng vua cha Thành Thái.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/Tin-1-15.12-3.jpg
Hiện trạng nhếch nhác bên trong khuôn viên An Lăng
Năm 2019, trước tình trạng xuống cấp của An
Lăng, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã bắt đầu trùng tu với tổng kinh phí
hơn 40 tỷ đồng, thời gian dự kiến năm năm. Đến nay, việc trùng tu vẫn chưa hoàn
thành.
Một đại diện của Trung tâm Bảo tồn di tích cố
đô Huế, cho biết do điều kiện lịch sử để lại nên có nhiều hộ dân sinh sống nhiều
năm liền trong khu di tích lăng Dục Đức. Nhiều hộ bày tỏ mong muốn được di dời
để trả lại mặt bằng, cảnh quan cho di tích, vì về mặt tâm linh, việc xâm phạm đất
đai, mộ phần, lăng tẩm… là có tội với tiền nhân, tiên tổ.
Hiện nay, trung tâm đang thống kê các hộ dân sống
trong An Lăng, đề xuất giải pháp di dời khỏi di tích.Một phần tường thành xưa
kia bao bọc An Lăng nay trở nên nhếch nhác và biến dạng khi người dân xây dựng
nhà cửa, quán ăn chồng lấn.
No comments:
Post a Comment