Cựu Tổng Thống Trump có bị truy tố?
Hiếu Chân/Người Việt
December 20, 2022
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/cuu-tong-thong-trump-co-bi-truy-to/
Một sự kiện vô tiền khoáng hậu vừa xảy ra trong đời
sống chính trị Hoa Kỳ: Một ủy ban đặc biệt của Hạ Viện đề nghị Bộ Tư Pháp điều
tra hình sự ông Donald Trump, cựu tổng thống Mỹ, bốn tội danh trầm trọng. Đó là
tội kích động bạo loạn chống chính phủ, cản trở một thủ tục chính thức của Quốc
Hội, cấu kết lường gạt nước Mỹ, và cấu kết đưa ra tuyên bố sai lầm.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/12/BL-Trump-Bi-Truy-To.jpg
Buổi
họp cuối cùng của Ủy Ban 6 Tháng Giêng trong tòa nhà Cannon Building của Quốc Hội
Mỹ hôm 19 Tháng Mười Hai, phía trên có hình cựu Tổng Thống Donald Trump xúi giục
tấn công bạo động Quốc Hội hôm 6 Tháng Giêng, 2021. (Hình: Jim Lo
Scalzo-Pool/Getty Images)
Trong phiên họp cuối cùng chiều Thứ Hai, 19 Tháng Mười Hai, cả chín
thành viên Ủy Ban 6 Tháng Giêng của Hạ Viện (điều tra vụ bạo loạn ngày 6 Tháng
Giêng, 2021), trong đó có bảy dân biểu đảng Dân Chủ và hai dân biểu đảng Cộng
Hòa, đều đồng ý chuyển đề nghị truy tố ông Trump tới Bộ Tư Pháp. Dù đề nghị này
chỉ có tính chất tượng trưng và Bộ Tư Pháp không nhất thiết phải thực hiện,
nhưng nó có ý nghĩa lịch sử rất lớn. Đó là lần đầu tiên một cơ quan của Quốc Hội
Mỹ đề nghị truy tố một cựu tổng thống. Trái banh đã chuyển sang cơ quan thực
thi pháp luật, còn hành động như thế nào thì tùy Bộ Tư Pháp và ông Bộ Trưởng
Merrick Garland.
Xem ra ông Garland đang đứng trước một lựa chọn rất khó. Ông là người của
đảng Dân Chủ, làm việc trong chính quyền do đảng Dân Chủ kiểm soát. Việc một bộ
trưởng Dân Chủ truy tố một cựu tổng thống Cộng Hòa có gì đó nhuốm màu sắc chính
trị đảng phái chứ không hoàn toàn là thực thi công lý. Vì thế, ông Garland nhiều
lần khẳng định Bộ Tư Pháp chỉ làm việc theo các dữ kiện chứ không phải theo lập
trường đảng phái, nghĩa là dữ kiện khách quan chỉ đến đâu thì các điều tra viên
sẽ đi đến đó.
Đề nghị của ủy ban đi kèm với một núi dữ kiện trình bày trong bản báo
cáo cuối cùng dài 160 trang, có chi tiết các chứng cứ, lời khai hữu thệ của hơn
70 nhân vật quan trọng trong chính phủ, hầu hết là người của đảng Cộng Hòa. Những
chứng cứ này ủy ban đã thu thập được trong 18 tháng điều tra và đã công khai một
phần trong chín phiên điều trần được truyền hình trực tiếp. Dự kiến vào ngày 22
Tháng Mười Hai, bản báo cáo của ủy ban sẽ được công bố.
Những chứng cứ và lời khai này cho thấy một câu chuyện hoàn chỉnh, từ
niềm tin sai lầm của ông Trump rằng cuộc bầu cử Tháng Mười Một, 2020 bị gian lận,
chiến thắng của ông bị đánh cắp, cho đến cuộc bạo động tại Quốc Hội, nhằm ngăn
chặn Quốc Hội xác nhận chiến thắng của ứng cử viên Joe Biden.
Xuyên suốt câu chuyện là những tuyên bố, hành động của ông Trump và
nhóm luật sư thân cận nhằm lật ngược kết quả bầu cử, giúp ông tiếp tục an vị
trong Tòa Bạch Ốc thêm bốn năm nữa. Những hành vi đó rất đa dạng, từ ép buộc
các quan chức bầu cử tiểu bang không công nhận chiến thắng của ông Biden, kích
động các ủng hộ viên tràn vào Quốc Hội, lập ra “cử tri đoàn giả” và không hành
động gì trong cương vị tổng thống-tổng tư lệnh quân đội trong suốt 187 phút diễn
ra vụ tấn công bạo lực vào Quốc Hội, đe dọa sự an toàn của các thượng nghị sĩ
và dân biểu.
Ủy ban kết luận ông Trump có vai trò trung tâm của vụ bạo loạn (central
cause), đó là một phần trong kế hoạch của ông nhằm tiếp tục bám giữ quyền lực
và vì thế ông phải bị điều tra và truy tố. Ngay đến Thượng Nghị Sĩ Mitch
McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), trưởng khối thiểu số Thượng Viện, đưa ra tuyên bố
với một câu ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa: “Cả nước đều biết ai là người chịu
trách nhiệm ngày hôm đó [ngày 6-1-2021].” Dân Biểu Liz Cheney (Cộng
Hòa-Wyoming), phó chủ tịch ủy ban, nói vụ bạo loạn chứng tỏ ông Trump “hoàn
toàn thất bại về đạo đức và sao nhãng trách nhiệm,” do đó ông “không thích hợp
với bất kỳ chức vụ dân cử nào,” ám chỉ việc ông Trump tuyên bố ứng cử tổng thống
lần thứ ba.
***
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump phải đối mặt với một rắc rối
pháp lý lớn. Sau đề nghị của ủy ban, truyền thông cánh tả đều loan báo “ngày
tàn của Trump” đã điểm, “công lý sắp được thực thi…, nhưng xem ra chuyện không
đơn giản như vậy và những gì sẽ xảy ra luôn là điều khó đoán.
Trong bốn năm ở Tòa Bạch Ốc, ông Trump nhiều lần vượt qua tình huống
nguy hiểm như cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc
ông thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống 2016, hai cuộc truất phế ở
Hạ Viện liên quan tới hành vi bắt chẹt tổng thống Ukraine để giúp chiến dịch
tái tranh cử và vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, 2021. Cả hai lần ông đều được
Thượng Viện tha bổng.
Đến cuộc bầu cử 2020, dù kém đối thủ Joe Biden tới 7 triệu phiếu, dù 62
vụ kiện của ông trước tòa án các cấp đều thất bại, ông Trump vẫn cố bám lấy quyền
lực. Liệu lần này ông có thoát nạn một cách ngoạn mục như trước?
Một số nhà quan sát đánh cược rằng Bộ Tư Pháp sẽ không điều tra truy tố
ông Trump theo đề nghị của ủy ban. Lý do thì có nhiều, nhưng tập trung vào ba
chuyện khiến Bộ Trưởng Garland phải ngần ngại trước khi đi đến quyết định có
truy tố Trump hay không. Một là, việc đó có thể kích hoạt cuộc nổi loạn của
thành phần ủng hộ ông Trump, thường gọi là MAGA, theo khẩu hiệu tranh cử của
ông, có nguy cơ dẫn tới một cuộc nội chiến hoặc xáo trộn lớn. Hai là sẽ tạo ra
một tiền lệ nguy hiểm cho tương lai khi các tổng thống có thể đối mặt với tù tội
sau khi rời Tòa Bạch Ốc và ba là nếu bị dồn tới đường cùng, ông Trump có thể
cung cấp cho các đối thủ Nga, Trung Quốc, Iran, và Bắc Hàn những tài liệu tuyệt
mật về hệ thống an ninh, các căn cứ nguyên tử của Mỹ mà ông ăn cắp về tư dinh ở
Florida sau khi rời chức vụ.
Ba lý do này đều có phần hữu lý. Nhưng xét cho cùng, chúng không đủ sức
ngăn Bộ Tư Pháp hành động nếu họ quyết tâm đề cao thượng tôn pháp luật.
Sau hai năm kể từ ngày ông Trump rời chức vụ, sự ủng hộ mà phong trào
MAGA dành cho ông không còn mạnh mẽ như trước, thể hiện qua việc các ứng cử
viên được ông “phê chuẩn” (endorsed) đều thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ
tháng trước. Ngay trong nội bộ đảng Cộng Hòa, những tiếng nói chống ông Trump
ngày càng nhiều, càng vang to, kể cả từ những nhân vật lãnh đạo như Thượng Nghị
Sĩ McConnell, Thống Đốc Ron DeSantis của Florida… Nguy cơ bạo loạn của những
người MAGA gắn bó với ông Trump xem ra là chuyện được thổi phồng hơn là thực tế
sau khi những tay cầm đầu các tổ chức cực hữu như Oath Keepers, Proud Boys, lần
lượt sa lưới pháp luật.
Quả là nước Mỹ chưa có chuyện truy tố một cựu tổng thống – chuyện từng
xảy ra ở các nền dân chủ yếu hơn như Đài Loan, Nam Hàn, Pháp và nhiều nước
khác. Nhưng “tiền lệ” về truy tố một cựu tổng thống không nguy hiểm, không tai
hại bằng “tiền lệ” một cựu tổng thống đứng trên pháp luật, không phải chịu
trách nhiệm về các hành vi kích động bạo loạn, cấu kết lừa đảo quốc gia, cản trở
hoạt động Quốc Hội… Truy cứu trách nhiệm một cựu tổng thống dù khó đến đâu cũng
vẫn phải làm vì ích quốc lợi dân hơn là tạo một tiền lệ cho những nhà lãnh đạo
sau này tùy tiện hành xử theo lợi ích của chính họ, của đảng họ mà bỏ qua quyền
lợi của đất nước.
Cho đến nay, FBI vẫn chưa biết đã thu hồi được toàn bộ những tài liệu của
chính phủ mà ông Trump mang về nhà riêng hay chưa, nhưng xem ra mối hoài nghi
ông Trump sẽ chuyển bí mật quân sự của quốc gia cho các đối thủ là một thuyết
âm mưu hơn là một thực tế đáng sợ. Chưa có gì xác nhận ông Trump có trong tay
những tài liệu như vậy. Và chưa chắc ông sẽ hành động điên rồ tới mức đó. Một
hành vi như thế là “tội phản quốc” (treason), trầm trọng hơn rất nhiều so với tội
danh kích động bạo loạn hoặc cản trở công lý.
Suy cho cùng, nếu Bộ Tư Pháp – hiện đang thực hiện một cuộc điều tra
riêng của họ về vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, 2021 – làm việc theo dữ kiện,
khách quan, công bằng, và minh bạch thì đã đến lúc họ phải hành động. Đã đến
lúc câu chuyện về biến cố ngày 6 Tháng Giêng, 2021, về cuộc bầu cử 2020 nên được
khép lại chứ không thể kéo dài nỗi phân vân và hoài nghi của người dân Mỹ.
[đ.d.]
No comments:
Post a Comment