Có
thể ‘làm báo tử tế’ dưới chế độ độc đảng hay không?
RFA
23-12-2022
Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 của
báo VietNamNet, Tổng Biên tập tờ báo này là ông Nguyễn Văn Bá cam kết
“VietNamNet sẽ làm báo tử tế bằng cách không chạy theo thị hiếu, tập trung vào
các nội dung thiết thực như báo chí toàn dân, báo chí giải pháp, báo chí truyền
cảm hứng, tạo niềm tin xã hội.
Mặt sau màn hình máy
tính của một nhà báo Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội vào ngày
26 tháng 1 năm 2021. AFP
Ông Nguyễn Văn Bá mới đảm nhiệm vị trí Tổng
biên tập Báo VietNamNet từ ngày 1 tháng 12 năm 2022. Trước đó, ông Bá giữ vị
trí Tổng biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền
thông). Báo VietNamNet là tổ chức trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thực
hiện chức năng cơ quan ngôn luận của Bộ; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường
lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước; thông tin về lĩnh vực thông
tin và truyền thông, tình hình đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội
trong và ngoài nước.
Phát ngôn của vị tân tổng biên tập được dư luận trong nước quan tâm, bởi
nguyên tắc cơ bản nhất của báo chí là sự thật, tôn trọng sự thật khách quan. Nếu
đã là nguyên tắc thì tại sao còn phải đặt quyết tâm?
Liệu đây có là chỉ dấu cho một nền báo chí tự do, tôn trọng sự thật hay
không? Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nêu quan điểm của ông:
“Chưa
chắc đâu vì VietNamNet là một cơ quan báo điện tử nằm dưới sự lãnh đạo của Ban
tuyên giáo, của Bộ chính trị, của trung ương, cho nên cá nhân ông này có thể là
xao động trước những tiến bộ của mạng xã hội nên nói thế.
Bây giờ
các tờ báo, các trang web của truyền thông chính thống nhà nước mất uy tín, cho
nên ổng nói như thế mang tính chất mị dân, mang tính chất vớt vát thôi chứ
không tin được đâu Họ nói như thế có nghĩa họ thừa nhận từ trước đến nay truyền
thông trong nước bị khống chế, bị chỉ đạo, không được tự do báo chí.
Mà
không cẩn thận thì sau tuyên bố như thế ông này có khả năng bị hạ tầng công
tác, bị thuyên chuyển công tác vì họ phát hiện ông tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Đây là điều mà Đảng và Nhà nước chống rất mạnh.”
Luật Báo chí Việt Nam hiện hành cũng quy định báo chí không được đưa
tin sai sự thật. Tuy nhiên, tất cả báo chí Việt Nam hiện nay đều nằm dưới sự chỉ
đạo, quản lý của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ
quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường
xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Một số nhà báo cho rằng, với sự quản lý như thế thì chuyện làm báo tử tế
chỉ là nói cho vui mà thôi. Nhà báo Trần Ngọc Tuấn từ Cộng hòa Séc nói với
RFA sáng 22 tháng 12:
“Không
bao giờ có được. Làm sao có thể làm báo tử tế và trung thực trong một thể chế
mà báo chí là công cụ tuyên truyền của đảng?
Báo chí
sẽ có tự do thì mới làm báo tử tế được. Phải thay đổi thể chế để có tự do báo
chí. Không thể làm báo tử tế trong một thể chế độc tài với sự kiểm duyệt của
ban tuyên giáo và bao nhiêu cơ quan khác như ban văn hóa, ban an ninh… Cái đấy
rất khó.
Tôi
không lạc quan nhưng tôi thấy đây cũng là một tín hiệu đáng mừng. Những người
làm báo ở Việt Nam họ sẽ có cách khôn ngoan để họ tồn tại. Chẳng hạn như họ đưa
một cái tin lên rồi sau đó bị gỡ xuống. Chuyện đó xảy ra rất nhiều rồi. Tôi hết
sức thông cảm cho những người làm báo trong nước. Như thế là họ dũng cảm lắm rồi.”
Chuyện báo chí đưa tin lên rồi gỡ xuống, thậm chí xử phạt một số tờ báo
từng xảy ra từ nhiều năm qua.
Tháng 7 năm 2021, Báo Dân trí bị xử phạt hành chánh với lý do đưa tin
sai sự thật trong bài “Nam sinh 22 tuổi tử vong khi mắc COVID-19” trước đó.
Theo cơ quan xử phạt là Bộ Thông tin và Truyền thông, việc thông tin sai gây ảnh
hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Nhà nước.
Trước đó hai năm, một số cơ quan báo chí gồm các báo điện tử Dân Việt,
Tổ Quốc, VnExpress, Báo Thanh Niên, Tạp chí Ngày Nay và tạp chí điện tử Ngày
nay bị phạt với cáo buộc đưa tin sai sự thật, mục đích ghi trong giấy phép.
Cụ thể, Báo điện tử Dân Việt đã đưa thông tin bị cho sai sự thật trong
bài viết “Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang, cựu phó bí thư TP.HCM”. Vi
phạm này được xác định “do lỗi kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi hệ thống quản
lý tin bài đã xuất bản tin chờ”.
Báo điện tử Tổ Quốc bị nói vi phạm đưa thông tin sai sự thật trong bài
viết về hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Nhà nước Việt
Nam dân chủ cộng hòa”.
Báo VnExpress bị cho đưa thông tin sai sự thật
trong bài viết về lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng
và báo Thanh Niên bị xử phạt 45 triệu đồng do đưa “thông tin sai sự thật trong
loạt bài viết đăng tháng 5-2020 về một số dự án đầu tư xây dựng theo hình thức
BT tại TP Hải Phòng”.
Với những chuyện xảy ra như thế, Nhà báo Võ Văn Tạo không tin Việt
Nam sẽ có báo chí tử tế theo đúng nghĩa của nó. Ông nói:
“Có hai
cái người ta có thể luận ra được qua câu nói của tân tổng biên tập Nguyễn Văn
Bá. Thứ nhất là ông ấy chỉ nói để đánh lừa dư luận thôi. Thứ hai là ổng thật
lòng muốn như thế, bởi vì ngành báo chí của Việt Nam bây giờ sa sút chất lượng
nhiều quá về mặt đạo đức nhà báo. Ông ấy mới lên tổng biên tập ổng cũng quyết
tâm làm một tờ báo cho nó đàng hoàng, nhưng tôi không đặt nhiều hy vọng ở chuyện
tử tế ở báo chí Việt Nam. Bởi vì cái này là cả một hệ thống nó sai và họ sống bằng
dối trá, bằng tuyên truyền. Những người hiểu về báo chí đều biết rằng Việt Nam
không có hệ thống báo chí theo đúng nghĩa của nó. Báo chí là hệ thống tuyên
truyền.
Cái chữ
‘tử tế’ ở đây người ta không dùng cho chuyện báo chỉ trung thành với đảng, phải
chấp hành những yêu cầu của đảng. Báo chí ‘tử tế’ phải là một tờ báo đàng
hoàng, không lem nhem.”
Tháng 5 vừa qua, Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) công bố bảng
xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022. Theo đó, Việt Nam bị xếp ở vị
trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, tăng một hạng so với năm
ngoái, và là quốc gia có số nhà báo bị bỏ tù đứng thứ ba trên Thế giới.
No comments:
Post a Comment