1. Thiệt tình, qua nay đọc tin kỷ luật, bắt bớ “chuyến
bay giải cứu” mà chóng cả mặt, suýt phải “cấp cứu”; bữa trước hóng theo phiên
tòa, hết ông bí thư nhận hối lộ gần 15 tỉ mà nói đặng “làm từ thiện” đến ông
giám đốc sở y tế leo lẻo đút túi 15 tỉ thay “lời cảm ơn” cái bỗng dưng muốn
thành “người thiện lương”, “văn hóa” như mấy ổng ghê.
Đốt đến bao giờ, bắt có hết không hay cái “lò” Thạch Sanh này, họa là
chừng nào lửa còn cháy thì quan tham, kẻ gian cứ lủi, lặn trong guồng máy kia,
chất đống ngay trong sự nghiệp vì dân vì nước?
Ngoài bắt bớ thì còn gì nữa, ra nghị quyết, chỉ thị ngăn chặn, kiểm
soát, răn đe; nâng mức nghiêm minh, nghiêm trị trong các điều khoản thực thi
pháp lý; lập ban chỉ đạo vừa phòng vừa chống. Thì cũng tin rằng có còn hơn
không, thì cũng rõ mặt cái đám “ngạo nghễ” bao đời, thì cũng là chút gương tày
liếp cho những kẻ kế cận.
Nhưng, giống như người vừa đi viếng đám tang về, mắt rưng rưng, mặt rầu
rầu, miệng rù rì hai chữ “vô thường”. Được mấy hôm, quên béng, đời về lại… hữu
thường, sống như không bao giờ chết, quơ cào như thể sẽ không để mất. Liệu,
trong hàng ngũ cán bộ quan chức đương nhiệm và chuẩn bị đảm nhiệm, ngoài một số
rất ít vị thanh liêm thật sự mà tôi biết, tôi tin thì vẫn là những Chiến - Thắng
Khánh Hòa, Thành - Thái Đồng Nai, Cầu - Thăng Hải Dương, Sơn - Hà và danh sách
“hủy diệt” bộ ngoại giao… đang đâu đó dám nghĩ dám làm…sai, ăn bậy, chưa kể những
mầm non kế cận.
Trong nhiều khuôn mặt quan chức ngay trước và sau khi bị bắt, tôi nghe
nhiều vị là đàn anh đàn chị thở dài thú nhận, “nó hư cũng lâu nay rồi”, chẳng
qua biết mà giấu, thấy mà che cho nhau thôi.
Kê biên, tịch biên toàn bộ tài sản (phải điều tra cho ra cả những ai đứng
tên giùm tài sản), cấm tiệt 3 đời cận kề không được làm quan… biết đâu, số tài
sản ấy đem “hoàn thuế” cho dân; các vị trí những ba đời ấy dành cho “con sãi”
nào có đức có tài, thôi quét lá đa mà ra giúp đời giúp nước.
Nhưng, câu ca dao ấy cũng chỉ là tiếng thở dài khuyết danh, là đúc kết
của trí khôn dân gian, như một chân lý ngàn đời không lay chuyển. Thì có ngàn
năm sau, vẫn là những con sãi quét lá đa cho con vua nó đốt.
2. Liếc qua chuyện “phong sát” nghệ sĩ vi phạm, học
nhanh thế cơ chứ! Nghệ sĩ thiệt, là tài năng thiệt, có đạo đức nghề nghiệp thiệt
thì họ tự biết cách giữ, có mời phá họ cũng chả. Còn hàng giả, hàng pha, hàng…
đu danh nghệ sĩ thì mới tìm cách để xướng danh. Sân chơi nào cho họ mượn sóng,
lập kênh? Trước khi “phong sát” họ ở đầu ra thì cùng với đó nên “phong thành” đội
ngũ, địa chỉ sở hữu các phương tiện, công cụ để lên sóng, mở kênh “đầu ra” ấy.
Hôm qua đọc thông tin “phong sát” được phát biểu bởi anh Lê Quang Tự
Do, nhớ không nhầm “trai đẹp” từng ngồi chung cuộc “dân hỏi thành phố trả lời”
dịp dịch với một ứng viên có khả năng bị phong sát. Liệu ông Tự Do có độc lập -
công tâm mà xử lý ứng viên ấy? Không chỉ là tư cách công dân có trách nhiệm, một
nghệ sĩ có tên tuổi mà còn là một quản lý ngành - nghề sân khấu, điện ảnh,
không làm gương soi cái tốt, cái đúng thì cho soi cái gương bị “phong sát” là
thế nào để hội viên, công chúng được thấy.
No comments:
Post a Comment