Bàn
về danh nghĩa (quyền) chủ quyền của Việt Nam tại đá Ba đầu và đá Hoài ân
Đá Ba Đầu có tên quốc tế là Whitsun, tên Phi là
Julian Felipe. Tên tiếng Hoa là Ngưu Ách (tôi nghĩ chữ “Ách” ở đây có nghĩa là
cái ách làm bằng gỗ, hình chữ V, dụng cụ để kéo cày gắn lên cổ con trâu. Ta thấy
hình dạng của bãi đá Whitsun có hình chữ V, giống như bộ xương hàm con trâu).
Đây là một thực thể địa lý “lúc chìm lúc nổi”, thuộc nhóm đảo Sinh Tồn, thuộc
quần đảo Trường Sa. Bãi đá nằm trong lãnh hải 12 hải lý đảo Sinh Tồn Đông (do
Việt Nam chiếm giữ).
Trên danh nghĩa pháp lý và lịch sử, đá Ba Đầu thuộc quyền chủ quyền của
Việt Nam.
Nhà cầm quyền bảo hộ Pháp năm 1933 đã ra tuyên bố chủ quyền cùng các việc
cắm mốc dựng bia (đánh dấu chủ quyền) ở các cụm đảo Trường Sa, An Bang, Ba Bình
(Itu-Aba), Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ cùng các đảo phụ thuộc.
Pháp tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, với danh nghĩa “sáp nhập
một lãnh thổ vô chủ”. Trái với số phận các lãnh thổ “hải ngoại thuộc Pháp” như
các đảo (vắng người ở) như đảo Kerguélen, đảo St-Paul, đảo Amsterdam v.v… quần
đảo Trường Sa được sáp nhập vào lãnh thổ VN, tỉnh Bà Rịa, năm 1933.
Chiếu theo Luật Biển 1982 (UNCLOS) đá Ba Đầu, vì là một thực thể địa lý
“lúc chìm lúc nổi”, đá này không được xem như là một “lãnh thổ” để một quốc gia
có thể tuyên bố chủ quyền. Cũng theo UNCLOS, đá này thuộc về “thềm lục địa”, có
thể được sử dụng như “điểm cơ bản” để tính lãnh hải (12 hai lý) cho một đảo nào
đó không quá 12 hải lý.
Đá Ba Đầu vì vậy phụ thuộc đảo Sinh Tồn Đông, do VN liên tục quản lý và
chiếm giữ một cách hòa bình từ trên 80 năm nay.
TQ từ 1951 tuyên bố có chủ quyền ở tất cả các đảo, đá ở Biển Đông, mở
ra từ bờ đảo Hải Nam đến bãi Tăng Mẫu gần Borneo của Mã Lai.
Vấn đề là luật quốc tế có qui định, một quốc gia chỉ có thể tuyên bố chủ
quyền ở một lãnh thổ “vô chủ”. Năm 1933, lúc nhà nước bảo hộ Pháp sáp nhập Trường
Sa vào lãnh thổ VN theo nguyên tắc “sáp nhập một lãnh thổ vô chủ”, nhà nước
Trung Hoa đã “im lặng” trước sự việc này. Mặt khác việc tuyên bố chủ quyền lãnh
thổ cần phải thể hiện song song với việc chiếm hữu trên thực tế.
Tuyên bố 1951 của Chu Ân Lai, trên phương diện công pháp quốc tế, vì vậy
không có giá trị.
Từ vài năm nay TQ đã cho tàu bè đội lốt ngư dân thường xuyên neo ở bãi
này. Hành vi này thể hiện tính “efffectivité”, một thủ thuật pháp lý nhằm khẳng
định “chủ quyền” của TQ.
Vấn đề “khó” là TQ không thể chiếm hữu một thực thể lúc chìm lúc nổi.
Đây không phải là một “lãnh thổ” để một quốc gia có thể chiếm hữu và tuyên bố
chủ quyền.
Ngay cả khi đá Ba Đầu là một “đá” mới được thiên nhiên bồi đắp, nổi thường
trực trên mặt nước biển. Đá này cũng không được tập quán quốc tế nhìn nhận là một
“lãnh thổ vô chủ”, để một quốc gia có thể tuyên bố chủ quyền.
Tập quán quốc tế, thể hiện qua các vụ Tòa PCA phân xử chủ quyền đảo
Palmas (Miangas) giữa Mỹ và Hòa Lan 1928 hay vụ Tòa Công lý quốc tế (ICJ) năm
2008 xử tranh chấp Mã Lai và Singapore về chủ quyền các đảo ngoài eo biển
Malacca.
Palmas là tên chung một “cụm đảo”, gồm nhiều đảo nhỏ phụ thuộc vào một
đảo lớn. Kết luận Tòa phán rằng quốc gia nào có chủ quyền ở đảo chính thì sẽ có
chủ quyền ở các đảo phụ thuộc.
Vụ Tòa công lý quốc tế phân xử tranh chấp Singapore và Mã lai về chủ
quyền các đảo Pedra Branca 2008. Tòa phán rằng đá (nhỏ) tên South Ledge thuộc về
nước nào có chủ quyền đá (lớn nhất cụm) là Middle Rocks.
Tức là, trên bình diện pháp lý, nếu đá Ba Đầu là một “đá nổi thường trực
trên mặt biển” thì đá này phụ thuộc vào đảo chính của nhóm Sinh Tồn (tức phụ
thuộc vào đảo Sinh Tồn).
Diễn giải cách nào, tập quán quốc tế, lịch sử hay pháp lý. Đá Ba Đầu, nếu
là một đá nổi thường trực, đá này thuộc chủ quyền của VN. Nếu đá này là một “thực
thể địa lý lúc chìm lúc nổi”, đá này thuộc quyền chủ quyền của VN (do trực thuộc
đảo Sinh Tồn Đông).
Đá Hoài Ân, tức Sandy Cay, tọa lạc giữa đảo Thị Tứ
và căn cứ quân sự Subi mà TQ chiếm của VN năm 1988.
Căn cứ Subi trước khi được TQ xây dựng thành đảo nhân tạo (2013-2015) vốn
là một thực thể chìm, tức là một đá ngầm (hay bãi san hô ngầm), cách đảo Thị Tứ
khoảng 16 hải lý.
Đá Sandy Cay là một thực thể nổi thường trực trên mặt biển. Vì vậy đây
là một “lãnh thổ” mà quốc gia có thể yêu sách chủ quyền. Đá này cách Subi khoảng
10 hải lý.
Vấn đề là cụm đảo Thị Tứ vốn thuộc VN. Chính phủ bảo hộ Pháp đã tuyên bố
chủ quyền cụm đảo Thị Tứ (đảo Thị Tứ và các đảo phụ thuộc) năm 1933 và sáp nhập
các nhóm đảo thuộc quần đảo TS vào tỉnh Bà Rịa.
Tuyên bố chủ quyền của Pháp không chỉ ở đảo Thị Tứ mà bao gồm “các đảo
phụ thuộc”. Do vậy các đá như đá Hoài Ân (Sandy cay) hay các bãi ngầm Subi đều
thuộc chủ quyền (hay quyền chủ quyền) của Việt Nam.
Lợi dụng biến cố TQ xâm lược Hoàng Sa năm 1974, Philippines đổ quân chiếm
đảo này của VNCH.
Trên danh nghĩa pháp lý, việc chiếm hữu này không đem lại chủ quyền cho
Philippines ở đảo Thị Tứ. Bởi vì Phi chiếm một lãnh thổ đã có chủ.
(Vấn đề là năm 1958 chính phủ ông Hồ đã ký giấy nhìn nhận chủ quyền của
TQ ở toàn bộ hai quần đảo HS và TS. Giấy này do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký
tên).
.
No comments:
Post a Comment