Thursday, December 22, 2022

ĐÀM PHÁN NGA - UKRAINA : KẾ HOẠCH HÒA BÌNH 10 ĐIỂM hay 10 MỤC TIÊU CHIẾN TRANH? (RFI)

 



Đàm phán Nga – Ukraina : Kế hoạch hòa bình 10 điểm hay 10 mục tiêu chiến tranh ?   

Minh Anh  -  RFI
Đăng ngày: 24/11/2022 - 15:04

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20221124-dam-phan-nga-ukraina-ke-hoach-hoa-binh-muc-tieu-chien-tranh

 

« Đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraina sẽ nảy sinh một khi mối tương quan lực lượng được nhận thấy là ổn định trên bình diện quân sự », nghĩa là đôi bên phải đạt được các mục tiêu của cuộc chiến. Nhưng sự kiên định lập trường này ở cả hai phía khiến Mỹ và các nước đồng minh tại châu Âu lo lắng nguy cơ chiến tranh kéo dài đè nặng nền kinh tế đất nước.

 

10 yêu cầu và 100 chiếc tên lửa

 

Trang mạng tờ Politico ngày 18/11/2022 đặt câu hỏi : « Phải chăng đã đến lúc Ukraina nói chuyện với Nga ? », rồi tự trả lời là « Chưa ». Tờ báo dẫn lời phát ngôn viên điện Kremlin ông Dmitri Peskov hôm 17/11, khẳng định : « Ukraina chưa muốn đàm phán ». Bằng chứng là trước đó, ngày 15/11/2022, trong bài phát biểu dài hơn 20 phút qua video tại thượng đỉnh G20, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đưa ra một bản kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm, trong đó có đòi hỏi toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và nhất là mở một Tòa án Đặc biệt xét xử các tội ác chiến tranh của Nga…

 

Không những bản kế hoạch này đã bị bác bỏ, mà quân đội Nga ngay trong cùng ngày, giữa lúc diễn ra thượng đỉnh G20, đã cho bắn vào lãnh thổ Ukraina đúng 100 tên lửa. Tổng thống Zelensky không ngần ngại ví rằng « Nga đáp trả cho mỗi một điều khoản bằng 10 quả tên lửa tương ứng ».

 

Theo giới quan sát, sự việc cho thấy khả năng đàm phán lúc này dường như là « bất khả ». Một mặt, phía Nga không cho thấy có biểu hiện nào muốn đàm phán với Ukraina, theo như giải thích từ cựu đại sứ Pháp Jean-Maurice Ripert, trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24 ngày 15/11 :

 

« Thứ nhất là Vladimir Putin đã không đến dự thượng đỉnh G20 nhằm tìm kiếm cơ hội đàm phán cho tương lai của Ukraina. Nếu ông ấy cho rằng đây là chuyện nội bộ nước Nga thì lẽ ra ông ấy phải có mặt. Đúng lúc đích thân tổng thống Zelensky phải đưa ra các điều kiện để đàm phán, thảo luận thì Nga lại quyết định oanh kích các vùng Lviv, Kharkiv, và Kiev, giết chết thường dân và phá hủy các hạ tầng cơ sở. Điểm thứ ba là ông Peskov, phát ngôn viên nổi tiếng của điện Kremlin, trước đó khi đáp lời ông Zelensky, đã tuyên bố rằng Kherson vẫn thuộc về Nga bất chấp việc rút quân khỏi thành phố này. Rõ ràng là người ta không thấy có một chút tín hiệu nào là Nga sẵn sàng cho một cuộc đàm phán. »

 

Kế hoạch hòa bình hay Mục tiêu chiến tranh ?

 

Mặt khác, bản kế hoạch hòa bình 10 điểm mà ông Zelensky trình bày, bị giới quan sát đánh giá là một kế hoạch hậu chiến, dành để đàm phán với phương Tây. Đối với tổng thống Ukraina, sẽ không có một thỏa thuận Minks 3 khi bán đảo Crimée giờ trở thành một trong số các điều kiện để đàm phán, trái với những gì diễn ra trong các thỏa thuận Minks 1 và 2.

 

Chuyên gia về Nga, Jean de Gliniasty, từng là đại sứ Pháp ở Nga, hiện là cộng tác viên tại Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) lưu ý, thế giới mới chỉ ở điểm khởi đầu của một tiến trình hòa bình phức tạp. Nga từng thông báo sẵn sàng đàm phán vô điều kiện – nhưng Nga chưa sẵn sàng đưa lại vào đàm phán các vùng mà Nga đã chiếm, kể cả bán đảo Crimée, vốn dĩ đối với ông Putin mang một ý nghĩa biểu tượng chính trị cao, một lằn ranh đỏ không nên vượt qua.

 

Vẫn theo ông Jean de Gliniasty, kế hoạch 10 điểm của ông Zelensky mang dáng dấp của những mục tiêu chiến tranh hơn là cho hòa bình trong trước mắt. Những đòi hỏi mà Nga đánh giá chưa thể khởi động một cuộc đàm phán với Ukraina. Trên kênh truyền hình LCI, cựu đại sứ Pháp Jean de Gliniasty, giải thích tiếp như sau :

 

« Trên thực tế, Ukraina đang đà thắng quân sự do vậy họ không có lý do gì mà đàm phán trong khi chiến thắng trong tầm tay – điều này có thể là đúng mà cũng có thể sai. Bản kế hoạch này là một phần trong các cuộc vận động ngoại giao trong hậu trường vẫn còn rất sơ khởi, nhằm gây áp lực một chút đối với người dân Ukraina để họ chấp nhận đàm phán. Phát biểu của ông Zelensky tại G20, đã bị rất nhiều nước tham dự G20, chứ không riêng gì các nước phát triển đánh giá là khá cứng rắn. Bản kế hoạch 10 điểm của ông không phải là kế hoạch hòa bình. Đó là 10 mục tiêu chiến tranh. Ông ấy cũng không nói là kế hoạch hòa bình, mà chính là điều kiện chấm dứt chiến tranh. »

 

Mặc cả ngầm thất bại, thời điểm chưa chín muồi ?

 

Một điểm đáng chú ý, là trong cuộc tranh luận này, kênh truyền hình LCI ngày 23/11/2022, thuật lại một thông tin từ các phóng viên báo Pravda tại Ukraina cho biết một ngày trước thượng đỉnh G20, một cuộc « mặc cả » hòa bình đã được ngầm đề nghị với tổng thống Nga  Vladimir Putin từ một trong số các nước trung gian hòa giải nhưng không được nêu tên.

 

Thỏa thuận này đề nghị Nga trao trả toàn bộ các vùng lãnh thổ đã bị sáp nhập cho Ukraina, đổi lại, tạm thời « đóng băng » trong vòng 7 năm mọi đàm phán về bán đảo Crimée, tạm ngưng 7 năm về việc Ukraina xin gia nhập NATO. Đề nghị này còn dự trù Nga ngưng hoàn toàn mọi cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina. Nhưng ngay sau đó, Nga ồ ạt pháo kích Ukraina, đề nghị này xem như không còn nữa.

 

Trên kênh truyền hình LCI, tướng Nicolas Richoux, cựu chỉ huy lữ đoàn 7 thiết giáp, nhận định sự việc một lần nữa phản ảnh thời điểm cho một cuộc đàm phán hòa bình là chưa chín muồi.

 

« Trong những điều kiện hiện nay, tính đến những gì ông Vladimir Putin đã mất trên bình diện quân sự, mất một nửa số lính 100 ngàn quân, 1.500 chiến xa, một thiệt hại hết sức to lớn, người ta có thể nói là ông ấy mất đến 40% số xe tăng mà cả nước Nga đã có, thì rõ ràng người ta khó có thể hình dung ông ấy chấp nhận rút quân khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng có được từ năm 2014, những tỉnh ly khai, những chiến lợi phẩm 2014. Tôi nghĩ rằng ông Putin khó thể chấp nhận việc những thiểu số thân Nga đó thoát khỏi chiếc bóng của Nga. Lẽ đương nhiên việc đặt những nền tảng cơ bản cho đàm phán là cần thiết, nhưng thời điểm lúc này chưa thuận lợi cho các cuộc thương lượng bởi vì cả hai bên đều chưa đạt được các mục tiêu chiến tranh của mình. »

 

Một quan điểm cũng được cựu đại sứ Pháp Jean de Gliniasty đồng chia sẻ, khi nhận định « cuộc đàm phán chỉ sẽ nảy sinh khi nào mối tương quan lực lượng sẽ được cảm nhận như là ổn định giữa bên này và bên kia trên bình diện quân sự. »

 

Nguy cơ chiến tranh kéo dài

 

Chỉ có điều việc cả Nga và Ukraina khăng khăng lập trường của mình khiến Hoa Kỳ và các đồng minh tại châu Âu lo lắng. Thời gian gần đây, trong hậu trường, nhiều quan chức Mỹ và châu Âu hối thúc Ukraina nên để ngỏ cánh cửa cho đàm phán dù vẫn tuyên bố rằng không tìm cách gây áp lực với Kiev.

 

Đáng chú ý là phát biểu của tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ. Một ngày sau khi Nga thông báo rút quân khỏi thành phố Kherson, tướng Mark Milley, trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình ngày 10/11/2022, có tuyên bố rằng « Khi có một cơ hội đàm phán, khi hòa bình có thể với được, thì hãy nắm lấy. Hãy nắm bắt lấy thời điểm đó ».

 

Theo tướng Milley một chiến thắng của Kiev trên chiến trường nhằm đánh bật Nga ra khỏi Ukraina dường như là khó thể. Tất cả những gì có thể được làm trên chiến trường trước khi mùa đông đến thì đã được thực hiện và giờ thì nên tập trung vào những gì giành được để tạo thế mạnh trên bàn đàm phán trước một nước Nga đã bị suy yếu.

 

Đương nhiên, luận điểm này của ông không làm phía Ukraina và phe « diều hâu » tại Mỹ hài lòng. Trước những phát biểu gây bối rối này, chính quyền Biden phải lên tiếng, xoa dịu mối lo Hoa Kỳ chuyển hướng. Cũng trong ngày 10/11 đó, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khẳng định « Hoa Kỳ không gây áp lực với Ukraina ». Lầu Năm Góc thì thông báo cấp thêm 400 triệu đô la hỗ trợ quân sự.

 

Thế nhưng, ngày 07/11, tờ Wall Street Journal nói đến các cuộc trao đổi kín giữa Jake Sullivan và các nhân vật thân cận của tổng thống Nga Vladimir Putin từ nhiều tháng qua. Về mặt chính thức, là nhằm cảnh báo lẫn nhau rủi ro leo thang xung đột, chứ không phải thảo luận về việc giải quyết cuộc chiến tại Ukraina.

 

Trước đó ít ngày, báo Mỹ Washington Post còn tiết lộ, chính quyền Biden dường như đã đề nghị riêng với Ukraina, nên cho thấy nước này sẵn sàng đàm phán với Nga. Xin nhắc lại là trong tháng 9/2022, tổng thống Zelensky ký sắc lệnh không chấp nhận đàm phán với Matxcơva chừng nào Vladimir Putin vẫn tại quyền.

 

Nếu như theo đánh giá của ông Jean de Gliniasty, những thông tin này được ra là một phần trong chiến lược « đánh động », chứng tỏ có một sự « thay đổi trong lập trường của Mỹ, khi nghĩ rằng nên tập cho Ukraina bắt đầu quen dần với việc đàm phán », thì đây có lẽ cũng là một cách Washington « dò dẫm tìm kiếm một khả năng cho ngoại giao » chí ít là có được một thỏa thuận ngưng bắn, theo như phân tích từ ông Charles A. Kupchan, cựu cố vấn cho Barack Obama về các hồ sơ châu Âu.

 

Hy sinh khát vọng làm thành viên NATO ?

 

Mỹ và châu Âu bắt đầu cảm thấy « khó có thể » hậu thuẫn lâu dài do gánh nặng chiến tranh bắt đầu tác động đến nền kinh tế các nước phương Tây. Xung đột càng kéo dài thì mặt trận hậu thuẫn Kiev càng có nhiều nguy cơ bị sụp đổ cả trên bình diện quốc tế lẫn trong nội bộ các nước, đặc biệt Mỹ, vốn dĩ đi đầu trong việc hỗ trợ Ukraina, cả về tài chính lẫn quân sự.

 

Điều nghịch lý là phương Tây lo lắng cho một chiến thắng vang dội của Ukraina, vì điều cũng đồng nghĩa là một sự « sỉ nhục » cho ông Putin. Tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraina để tái chiếm Crimée, vùng lãnh thổ có tính biểu tượng chính trị cao đối với ông Putin có nguy cơ dẫn đến những hành động trả đũa dữ dội như tấn công hạt nhân chẳng hạn. Tướng Mark Milley cảnh báo : Nga vẫn luôn có một sức mạnh chiến đấu phi thường bất chấp việc nếm mùi những thất bại. Và cuộc chiến Chechnya hẳn vẫn là một bài học kinh nghiệm quý giá còn đó !

 

Dẫu sao vẫn còn có chút tia hy vọng, trang mạng Responsible Statecraft của Mỹ, nhà nghiên cứu Ted Snider, lưu ý đến một chi tiết trong bản kế hoạch 10 điểm của ông Zelensky : Trong số này, không một điểm nào nhắc đến việc xúc tiến nhanh hơn ứng viên gia nhập NATO. Một tín hiệu cho biết Ukraina rất có thể sẵn sàng từ bỏ khát vọng là thành viên của NATO ? Đây sẽ là một bước ngoặt ngoại giao trong dòng cuộc chiến Ukraina !

 

**********

 

Có thể tham khảo thêm kế hoạch hòa bình 10 điểm của tổng thống Ukraina tại địa chỉ: 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221124-ke-hoach-hoa-binh-10-diem-tong-thong-ukraina





No comments: