Thursday, December 15, 2022

ĐÀI LOAN THỰC CHẤT ĐÃ ĐỘC LẬP! (Nathan F. Batto  -  Foreign Affairs)

 



Đài Loan thực chất đã độc lập!

Nathan F. Batto  -  Foreign Affairs  

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

16/12/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/12/16/dai-loan-thuc-chat-da-doc-lap/

 

Tại sao hầu hết người dân trên hòn đảo không muốn có một tuyên bố độc lập chính thức?

 

Đối với người dân Đài Loan, việc thống nhất với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ kém hấp dẫn như lúc này. Theo một cuộc khảo sát theo dõi của Đại học Quốc lập Chính trị, tỷ lệ cư dân Đài Loan muốn thống nhất ngay lập tức với đại lục luôn rất nhỏ, thường xuyên dưới 3%. Nhưng tỷ lệ phần trăm cho rằng Đài Loan cuối cùng nên tiến tới thống nhất – nghĩa là không nhất thiết phải thống nhất với chế độ Trung Quốc (cộng sản) hiện nay – đã giảm đáng kể, từ 20% năm 1996 xuống còn 5% ở thời điểm hiện tại. Trong hai cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, Quốc Dân Đảng, đảng có truyền thống ủng hộ thống nhất, đã phải hứng chịu những thất bại nặng nề, cả hai lần đều không thể giành được 40% số phiếu bầu.

 

Cũng dễ hiểu vì sao thống nhất lại không được ưa chuộng. Trong bốn thập niên qua, Đài Loan đã chuyển mình thành một nền dân chủ tự do, khoan dung, đa nguyên trong khi Trung Quốc vẫn là một chế độ chuyên chế khắc nghiệt, phát triển một nhà nước giám sát xâm phạm quyền công dân, và còn tiến hành một cuộc diệt chủng nhắm vào chính người dân của mình. Thống nhất với Trung Quốc có nghĩa là chấm dứt gần như tất cả các quyền tự do chính trị mà Đài Loan khó khăn mới giành được, điều đã được thể hiện khi Trung Quốc cưỡng chế sáp nhập Hong Kong vào đại lục bất chấp lời hứa cho phép lãnh thổ này duy trì quyền tự trị theo một công thức gọi là “một quốc gia, hai chế độ.” Nhiều, hoặc có lẽ là hầu hết, người dân Đài Loan sẽ không muốn thống nhất với Trung Quốc bất kể bản chất của chính phủ nước này. Bởi Đài Loan có lịch sử, văn hóa, bản sắc, và cảm giác tự hào dân tộc riêng.

 

Tuy nhiên, dù dữ liệu dư luận cho thấy rõ rằng đại đa số người dân Đài Loan không muốn bị Bắc Kinh cai trị, nhưng điều đó không có nghĩa là họ muốn tuyên bố độc lập chính thức. Trong cả công chúng và giới tinh hoa chính trị, định nghĩa nền độc lập đã phát triển đáng kể trong thế hệ vừa qua. Trong những thập niên trước, người ta tin rằng nền độc lập đòi hỏi một sự cắt đứt rõ ràng, chính thức với mọi ràng buộc pháp lý hoặc tuyên bố từ Trung Quốc. Nhưng ngày nay, một động thái như vậy được coi là không cần thiết. Đối với hầu hết mọi người, Đài Loan đã là một quốc gia có chủ quyền hoàn toàn, không chỉ đơn thuần là một hòn đảo tự trị tồn tại trong tình trạng lấp lửng. Không cần phải làm xáo trộn tình hình bằng cách tuyên bố độc lập chính thức, đặc biệt là vì Bắc Kinh chắc chắn sẽ có phản ứng dữ dội với một hành động như vậy. Và vì các chính trị gia Đài Loan phải đáp ứng được dư luận, giới tinh hoa chính trị ủng hộ độc lập phần lớn đã đi đến kết luận giống như người dân nước này; thay vì thách thức nguyên trạng, hầu hết trong số họ đã quyết định rằng chẳng có khác biệt nào đáng kể giữa tình trạng lý tưởng và nguyên trạng – nên đây không phải là việc đáng để tranh đấu.

 

CON ĐƯỜNG ĐỘC LẬP

 

Nhiều người phương Tây ngạc nhiên khi biết rằng nền độc lập của Đài Loan không chỉ bắt nguồn từ tình cảm chống Trung Quốc, và rằng nó không phải là một ý tưởng chỉ nảy sinh sau năm 1949 – thời điểm nhà lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch và một triệu rưỡi người ủng hộ ông chạy đến hòn đảo sau khi thua trong Nội chiến Trung Quốc. Năm 1895, khi Bắc Kinh nhượng Đài Loan cho Nhật Bản sau khi bị Tokyo đánh bại trong một cuộc chiến, cũng có tầm quan trọng như năm 1949. Ý thức về bản sắc dân tộc Đài Loan đã bắt đầu hình thành từ lúc đó, và đã có những lời kêu gọi tự trị và độc lập cho Đài Loan trong suốt thời kỳ là thuộc địa Nhật. Nhà hoạt động ủng hộ độc lập người Đài Loan Sử Minh thậm chí còn đẩy mốc thời gian đi xa hơn. Trong tác phẩm nổi tiếng năm 1962 của mình, Lịch sử 400 năm của Đài Loan, ông lập luận rằng Đài Loan đã là một quốc gia và xã hội riêng biệt kể từ khi người Hán di cư quy mô lớn đến hòn đảo này kể từ đầu những năm 1600. Đối với Sử Minh, lịch sử của Đài Loan được đánh dấu bằng những cuộc xâm lược và bóc lột lặp đi lặp lại của các thế lực ngoại bang khi người Hà Lan, Tây Ban Nha, những kẻ tranh giành ngai vàng của triều đại nhà Minh đang trên đà suy yếu, triều đại nhà Thanh, Nhật Bản, và Quốc Dân Đảng của Tưởng đều thiết lập các chế độ ở Đài Loan vì mục đích riêng – theo đó từ chối quyền kiểm soát vận mệnh của người dân Đài Loan.

 

Chế độ của Tưởng ở Đài Loan dựa trên ý tưởng rằng Trung Hoa Dân Quốc đã không thua trong nội chiến và vẫn là chính phủ chính danh của toàn bộ Trung Quốc. Dù Trung Hoa Dân Quốc đã định vị mình là một nền dân chủ, nhưng Quốc Dân Đảng không thể mạo hiểm trước các thách thức công khai đối với lập luận trên, và do đó, họ đã tuyên bố thiết quân luật. Các đại diện cấp quốc gia được giữ nguyên chức vụ mà không cần phải tái tranh cử, và chính phủ đã bịt miệng phe đối lập chính trị một cách có hệ thống. Quốc Dân Đảng kiểm soát toàn bộ nền chính trị của đất nước thông qua việc kiểm soát bộ máy nhà nước, đặc biệt là quân đội. Bất kỳ lời kêu gọi nào lấy Đài Loan làm trung tâm, đặc biệt là đòi độc lập cho Đài Loan, đều bị coi là sự chống đối trực tiếp đến tính chính danh của chế độ và đều bị đàn áp tàn nhẫn. Trong suốt thời kỳ chuyên chế của Quốc Dân Đảng, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc là trở ngại chính đối với quyền lực chính trị và quyền tự trị của Đài Loan.

 

Kết quả là, những người theo chủ nghĩa dân tộc Đài Loan kết luận rằng, cách giải phóng người dân Đài Loan là phá bỏ toàn bộ cấu trúc chính trị này. Quốc Dân Đảng, Trung Hoa Dân Quốc, và bất kỳ mối quan hệ nào với Trung Quốc đều phải biến mất. Nhưng khi Đài Loan dân chủ hóa vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, những nhà hoạt động này phát hiện ra rằng tầm nhìn của họ chỉ có sức hấp dẫn hạn chế. Năm 1991, các quan chức lão thành cuối cùng đã bị buộc phải nghỉ hưu, và lần đầu tiên Đài Loan có thể bầu lại toàn bộ cơ quan đại diện cấp quốc gia vì mọi ghế đều trống trong Quốc hội, cơ quan có quyền bầu tổng thống và sửa đổi hiến pháp. (Cơ quan này sau đó đã bị bãi bỏ.) Đảng Dân Tiến – đảng đối lập chính của Quốc Dân Đảng – tự tin kêu gọi thay thế Trung Hoa Dân Quốc bằng một nước Cộng hòa Đài Loan chính thức độc lập. Đó là một thảm họa; Đảng Dân Tiến chỉ giành được 23% số phiếu bầu. Phán quyết của cử tri là: tuyên bố độc lập chính thức là hành động quá cực đoan, và suốt một thế hệ sau đó, về chính trị, cả đất nước đều ngầm hiểu rằng, kêu gọi độc lập cho Đài Loan là “thuốc độc nơi thùng phiếu.”

 

Tất nhiên, vào thời điểm đó, vẫn có khả năng Đài Loan cuối cùng sẽ thống nhất với đại lục. Suốt hàng chục năm, chế độ chuyên chế đã dạy người dân rằng sự thống nhất là đáng mong muốn và không thể tránh khỏi. Quá trình dân chủ hóa dần dần của Đài Loan không có sự tách biệt đột ngột với quá khứ, vì vậy Quốc Dân Đảng vẫn nắm quyền ngay cả sau khi người dân có thể bỏ phiếu, và những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc ủng hộ thống nhất vẫn giữ được ảnh hưởng lớn về văn hóa và chính trị. Trong khi đó, Trung Quốc đang trải qua kiểu tăng trưởng kinh tế nhanh chóng mà Đài Loan đã trải qua trong nhiều thập niên trước đó – kiểu tăng trưởng đã giúp Đài Loan dân chủ hóa. Nhiều người Đài Loan tin rằng đại lục chắc chắn sẽ trải qua những cải cách chính trị tương tự với đất nước mình khi nền kinh tế của họ tiếp tục mở rộng. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc ở Đài Loan kỳ vọng rằng, một khi Trung Quốc thay đổi và hai quốc gia tái thống nhất, Đài Loan sẽ đóng một vai trò có ảnh hưởng (và có lẽ chiếm ưu thế) trong việc định hình tương lai chung của họ. Các phái đoàn không chính thức của hai bên thậm chí đã gặp nhau vào năm 1992 và 1993, thực hiện những bước đầu tiên để hướng tới việc thiết lập các kênh liên lạc thường xuyên. Câu hỏi chủ quyền vừa cho thấy niềm hy vọng về sự hợp tác thực tế, vừa minh chứng cho những khó khăn khi thỏa hiệp. Vì cả hai bên đều chấp nhận rằng không thể đưa ra một tuyên bố bằng văn bản, nên một cách không chính thức, các đại biểu đã đồng ý sẽ tự phát biểu theo ý mình trong sự kiện mà sau này (trớ trêu thay) được gọi là Đồng thuận năm 1992. Mỗi bên đều tuyên bố bằng miệng phiên bản của mình về nguyên tắc “một Trung Quốc”, giả vờ không nghe thấy ý kiến của bên kia, và từ chối thừa nhận rằng có thể có một cách giải thích khác.

 

Nhưng niềm tin rằng hai bên sẽ dần dần trở nên tương đồng hơn và sẽ tiến tới một liên minh chính trị đồng thuận với nhau là một niềm tin bị đặt nhầm chỗ. Khi nền dân chủ của Đài Loan dần phát triển sâu rộng, những lời kêu gọi của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc ngày càng không được người dân trên đảo đón nhận. Đồng thời, thay vì dân chủ hóa khi trở nên giàu có và quyền lực hơn, Trung Quốc lại trở nên cứng nhắc và độc đoán hơn.

 

Tình hình sau Đồng thuận năm 1992 đã minh họa cho những hy vọng thất bại này. Sau khi thua Đảng Dân Tiến trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, Chủ tịch Quốc Dân Đảng Liên Chiến đã xây dựng lại đảng của mình với tầm nhìn làm cho Đài Loan trở nên giàu có, và đảm bảo hòa bình bằng cách hội nhập nền kinh tế của Đài Loan vào nền kinh tế của Trung Quốc. Để đảm bảo rằng các quan chức Trung Quốc sẵn sàng tiếp xúc với các đối tác Đài Loan của họ, Liên đã nghĩ ra một công thức dựa trên những gì hai bên được cho là đã đồng ý vào năm 1992: “Một Trung Quốc, nhưng mỗi bên có cách giải thích của riêng mình.” Các cử tri bình thường của Đài Loan đã được trấn an rằng hiện trạng sẽ được giữ nguyên, vì Đài Loan giải thích “một Trung Quốc” có nghĩa là Trung Hoa Dân Quốc. Công thức này đã đặt nền móng cho nhiệm kỳ tổng thống của chính khách Quốc Dân Đảng Mã Anh Cửu, thời kỳ diễn ra rất nhiều liên hệ chính thức với Trung Quốc và tương tác kinh tế. Nhưng Trung Quốc ngày càng nhấn mạnh rằng Đồng thuận năm 1992 đơn giản là có “một Trung Quốc” – tức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – và yêu cầu một tiến trình cụ thể hướng tới thống nhất. Họ không bao giờ thừa nhận phần “mỗi bên có cách giải thích của riêng mình” trong công thức, và vì vậy, thống nhất có nghĩa là Trung Hoa Dân Quốc không còn tồn tại. Điều này không chỉ bóp chết sự đồng thuận bằng cách tước đi tính mơ hồ hoặc linh hoạt, mà còn cho thấy rõ rằng Quốc Dân Đảng và Trung Hoa Dân Quốc không phải là đối tác bình đẳng – thậm chí không phải đối tác không bình đẳng – với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong việc xác định tương lai của Trung Quốc. Giấc mơ của Quốc Dân Đảng về việc tạo ra một Trung Quốc thống nhất hòa bình, thịnh vượng, và dân chủ đã hoàn toàn bị mất uy tín, và sự không tương thích giữa lập trường của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với việc duy trì Trung Hoa Dân Quốc đã khiến thống nhất trở thành thứ thuốc độc mới nơi thùng phiếu.

 

GIỮ NGUYÊN TRẠNG

 

Kể từ thất bại trong cuộc bầu cử năm 1991, Đảng Dân Tiến đã dần xa rời tuyên bố độc lập chính thức. Đến năm 2000, họ cho rằng Đài Loan đã là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, được đặt tên là Trung Hoa Dân Quốc, và không cần tuyên bố độc lập. Tổng thống Đài Loan hiện tại Thái Anh Văn, một thành viên Đảng Dân Tiến, đã phát triển ý tưởng về chủ quyền của Đài Loan một cách đầy đủ hơn: né tránh nền độc lập chính thức không phải là cách duy nhất khiến bà khác biệt với các nhà hoạt động đòi độc lập trước đó. Thái nhấn mạnh lịch sử chung, độc đáo của người dân Đài Loan, bao gồm cả giai đoạn “khủng bố trắng” (đàn áp bạo lực do chế độ chuyên chế của Quốc Dân Đảng thực hiện), bế tắc quân sự với Bắc Kinh, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, dân chủ hóa, thành tích thể thao, và thiên tai. Tuy nhiên, tầm nhìn của bà về người dân Đài Loan được xây dựng dựa trên 70 năm chứ không phải 400 năm trải nghiệm chung, vì vậy nó rõ ràng đã xem những người nhập cư thời hậu chiến như là một bộ phận cấu thành của dân số chứ không phải những kẻ thực dân. Bà thậm chí còn tự coi mình là người ủng hộ quân đội, thúc đẩy lại một thể chế từng là nền tảng của chế độ chuyên chế và là kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa dân tộc Đài Loan, xem quân đội như người bảo đảm cho sự toàn vẹn và chủ quyền của hòn đảo.

 

Ý tưởng của Thái đã không được lòng các nhà hoạt động vì độc lập truyền thống; có rất nhiều người ủng hộ Đảng Dân Tiến mơ về một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập và cảm thấy hơi khó chịu khi bà tạo dáng với lá cờ Trung Hoa Dân Quốc. Nhưng quan điểm của bà là một quan điểm khá phù hợp với những gì mà hầu hết người dân Đài Loan mong muốn. Cuộc khảo sát của Đại học Quốc lập Chính trị về thái độ của công chúng đối với thống nhất và độc lập cho thấy, dù sự ủng hộ dành cho độc lập đã tăng lên theo thời gian, nhưng đa số người dân Đài Loan lại thích nguyên trạng hơn. Các cuộc thăm dò khác gợi ý rằng các cuộc khảo sát của Đại học Quốc lập Chính trị có thể đã đánh giá thấp mức độ ủng hộ nguyên trạng. Hai cuộc khảo sát sau bầu cử, một từ năm 1996 và một từ năm 2020, đã hỏi những người thích giữ nguyên hiện trạng liệu họ có ủng hộ thống nhất nếu các điều kiện chính trị, kinh tế, và xã hội ở Trung Quốc và Đài Loan là tương tự nhau (ví dụ, nếu Trung Quốc trở thành một nền dân chủ thịnh vượng), hoặc liệu họ có ủng hộ tuyên bố độc lập nếu hành động đó sẽ không kích động sự trả đũa từ Bắc Kinh. Tỷ lệ những người ủng hộ nguyên trạng sẵn sàng thống nhất, ngay cả trong những điều kiện giả tưởng trên đây, đã giảm mạnh từ 58% xuống 22%. Tỷ lệ những người ủng hộ nguyên trạng sẵn sàng tuyên bố độc lập được giữ ổn định, dao động từ 57% đến 54%.

 

Cả cuộc khảo sát theo dõi và phản hồi của những người ủng hộ nguyên trạng đều cho thấy rõ rằng: ngày nay có ít người muốn thống nhất hơn. Nhưng trước việc người ta ngày càng ủng hộ độc lập, điều quan trọng cần nhớ là ý nghĩa của nền độc lập đã thay đổi. Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2020 cho thấy, hơn 70% người Đài Loan tin rằng đất nước của họ đã là một quốc gia có chủ quyền, và chỉ một phần rất nhỏ cảm thấy cần phải chính thức cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Do đó, sự ủng hộ ngày càng tăng đối với nền độc lập trong những thập niên vừa qua không nhất thiết chỉ ra rằng ngày càng có nhiều công dân kêu gọi tuyên bố độc lập.

 

Sự thay đổi quan điểm này không phải lúc nào cũng dẫn đến thành công trong bầu cử cho Đảng Dân Tiến. Trong hai cuộc bầu cử địa phương vừa qua, đảng này đã có kết quả thảm hại. Ngày 26/11, Thái buộc phải từ chức chủ tịch đảng sau khi Đảng Dân Tiến chỉ có thể thắng 5 trong số 22 cuộc bầu cử thị trưởng. Nhưng sẽ là một sai lầm nếu diễn giải những kết quả này là một sự thay đổi trong thái độ của công chúng: ủng hộ thống nhất, hoặc né tránh độc lập. Bầu cử địa phương chỉ xoay quanh các vấn đề của chính quyền địa phương như xây dựng đường xá, các chương trình phúc lợi và ứng phó với đại dịch – chứ không phải vấn đề Trung Quốc. Hiểu đúng nhất, hầu hết các cuộc bỏ phiếu này là các cuộc trưng cầu dân ý về thành tích của những thành viên Quốc Dân Đảng đương nhiệm đang tái tranh cử. Đáng chú ý, chủ quyền hoặc cách đối phó với Trung Quốc hầu như không có trong các cuộc thảo luận sau bầu cử của Đảng Dân Tiến về lý do dẫn đến kết quả tranh cử tồi tệ. Tương tự, không ai trong Quốc Dân Đảng tuyên bố rằng kết quả này có nghĩa là họ không còn phải lo lắng về việc bị tấn công với tư cách là một đảng ủng hộ thống nhất.

 

Dù Thái Anh Văn có thể không còn là chủ tịch đảng, nhưng tầm nhìn lớn của bà về tương lai Đài Loan – đưa Đài Loan vào cộng đồng dân chủ quốc tế, củng cố quân đội của đất nước và tăng cường hợp tác với các quân đội khác, dần dần đa dạng hóa nền kinh tế của Đài Loan, theo đuổi các chính sách phúc lợi xã hội tiến bộ, bảo vệ chủ quyền của Đài Loan, và một loạt các biện pháp khác – vẫn không bị thách thức bên trong nội bộ Đảng Dân Tiến. Trung Quốc chắc chắn sẽ xuất hiện trong cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp vào năm 2024. Trừ phi Đảng Dân Tiến liều lĩnh theo đuổi nền độc lập chính thức và đánh mất vị trí thống trị của mình với tư cách là người bảo vệ hiện trạng, nếu không thì một lần nữa đảng này sẽ có lợi thế bầu cử rõ rệt.

 

----------------------

Nathan F. Batto là Nghiên cứu viên tại Viện Khoa học Chính trị, Academia Sinica, Đài Loan.

 

 

Nguồn: Nathan F. Batto, “Taiwan Is Already Independent,” Foreign Affairs, 12/12/2022

 




No comments: