Monday, October 17, 2022

VIỆT NAM : MUỐN CHỮA BỆNH TÂM THẦN THÌ 'BẠN PHẢI GIÀU' (Tidoo Nguyễn, BBC)

 



Việt Nam: Muốn chữa bệnh tâm thần thì 'bạn phải giàu'

Tidoo Nguyễn

Gửi bài cho BBC từ TP.HCM

17 tháng 10 năm 2022  17:28 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c2qxnrd6xwgo

 

“…Một người già trong công viên, một người điên trong thành phố…”, những lời trong bài hát “Ca khúc da vàng” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn đúng cho đến nay tại Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/d6d0/live/c41d8210-4e03-11ed-bcd9-a71dd58ab4f6.jpg.webp

Cổng chính của bệnh viện Tâm Thần TP.HCMTid tại địa chỉ 766 , Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5 có vẻ ngoài cũ kỹ, xấu xí và bề bộn, tạo cảm giác tiêu cực cho người bệnh khi đến đây - Ảnh chụp ngày 13/10/2022

 

Thi thoảng, tôi vẫn gặp số người lang thang trên đường phố Sài Gòn với bộ mặt hoang dại và trang phục rách rưới. Thế nhưng dạo này khi tôi thường xuyên đi bộ trong công viên, tôi bỗng thấy nhiều người trông có vẻ bình thường nhưng lại có những hành vi bất bình thường.

 

Họ ăn mặc chỉnh tề, ngồi lặng lẽ một mình trên băng ghế, cười một mình, nói chuyện một mình, gật gật đầu một mình, lắc đầu một mình, nhìn xa xăm vô hồn, hay phun nước bọt liên tục… nhưng không phải họ đang nghe điện thoại hoặc đang nhìn màn hình.

 

Y tế Việt Nam: Không có tiền ai dám vào bệnh viện

Thư Sài Gòn: Nỗi đau hành xác của trẻ em bị ung thư ở Việt Nam

 

 

Tôi tự trị bệnh vì chữa bệnh hoài không hết

 

Không phải vô cớ mà tôi quan sát hành vi của người xung quanh. Theo hướng dẫn của sách Dialectical behavior therapy (tạm dịch “Liệu pháp hành vi biện chứng) – quan sát hành vi của người xung quanh là một trong những liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive behavioural) tập trung vào khả năng chịu đựng và điều chỉnh cảm xúc, sẽ giúp người bệnh rối loạn cảm xúc sao lãng những vấn đề của chính mình, tức là giúp tôi tạm quên những ám ảnh để trở về hiện tại mà nhà Phật gọi là chánh niệm.

 

Ở Việt Nam không bán sách này và tôi mua nó ở Barnes Noble bookstore tại tiểu bang Nevada (Hoa Kỳ) để góp phần tự trị bệnh.

 

Tôi đi bác sĩ tâm lý từ đời bác sĩ cha bắt đầu năm 2002 đến đời con của ông bác sĩ ấy cho đến nay nhưng bệnh vẫn không khỏi, dù 20 năm đã trôi qua.

 

Thời bác sĩ cha, tiền khám một lần là 50 ngàn đồng, tiền thuốc một tháng khoảng 500 ngàn đồng. Bác sĩ hỏi tôi triệu chứng trong vòng 5 – 10 phút và kê toa cho thuốc uống một tháng. Bác sĩ ngồi khám bên ngoài, còn vợ ông ngồi trong buồng đưa thuốc và lấy tiền qua ô cửa nhỏ. Khi nào tôi uống hết thuốc thì quay lại tái khám.

 

Vì thuốc chống rối loạn cảm xúc có những tác dụng phụ không mong muốn nên tôi đã thử vài lần bỏ không uống thuốc và không tái khám, nhưng rồi triệu chứng của căn bệnh quay lại. Và cứ thế hết thời thanh xuân mà bệnh rối loạn cảm xúc vẫn đeo bám tôi.

 

Cách đây mấy năm, bác sĩ cha về hưu, và “tre già măng mọc”. Bác sĩ con cơi nới phòng khám cho rộng hơn vì bệnh nhân càng ngày càng đông, kể cả người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em. Bác sĩ con phải thuê thêm nhiều nhân viên giúp việc.

 

Phòng khám tư của bác sĩ bắt đầu hoạt động từ 5 giờ chiều, từ thứ 2 đến thứ 7, còn ban ngày bác sĩ con đi làm ở bệnh viện. Vẫn kiểu chồng khám, vợ ngồi trong buồng bán thuốc đưa ra cho bệnh nhân thông qua một ô cửa. Tiền khám một lần 200 ngàn đồng, tiền thuốc 2 tuần khoảng 500 ngàn. Mỗi lần khám vẫn chỉ kéo dài 5 – 10 phút, vì người chờ quá đông. Ai bị nặng sắp tự tử đến nơi thì được bác sĩ khám lâu hơn. Cứ hai tuần tôi lại phải tái khám.

Thời gian trôi qua mà bệnh của tôi không hề trôi đi. Triệu chứng hiện nay là tôi thường mất ngủ mỗi tối, nếu ngủ được thì gặp ác mộng, ói thường xuyên, dễ cáu gắt, sợ người lạ, hoài nghi, khó khăn trong giao tiếp, blackout (mất trí nhớ tạm thời). Mặt khác, nhờ có thuốc, một số triệu chứng cũng thuyên giảm như hội chứng kích thích ruột, mất hơi thở, đau đầu. Điều tệ hơn là hiện tại tôi không thể đến văn phòng làm việc mỗi ngày như trước.

 

Tôi cũng thử tìm vị bác sĩ tâm lý khác, nhưng tình hình chẳng khá hơn nên sau cùng tôi tiếp tục đến phòng mạch tư của vị bác sĩ con. Bên cạnh việc uống thuốc, tôi tự giải tỏa tâm trí bằng cách đọc sách, nghe nhạc, chụp ảnh và đi bộ khoảng vài cây số mỗi ngày.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/cac0/live/28002fd0-4e04-11ed-bcd9-a71dd58ab4f6.jpg.webp

Xe cấp cứu chuyển bệnh nhân vào bệnh viện Tâm Thần ngày 13/10/2022

 

 

100.000 dân Việt Nam chỉ có 0,91 bác sĩ tâm thần - thấp nhất thế giới

 

Trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tại cuộc họp chiều 10/10/2022, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết: “Hiện nay vấn đề rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người. Ở trẻ em các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần”.

 

Số liệu của bệnh viện Tâm Thần TP. Hồ Chí Minh từ tháng 7/2021 (thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh) đến 1/9/2022 cho thấy số lượt bệnh nhân đến khám vì rối loạn trầm cảm từ thể nhẹ đến trung bình, nặng đều tăng. Trong đó, số bệnh nhân bị trầm cảm trung bình tăng 36%, trầm cảm nặng tăng 31%. Mỗi ngày khoa khám bệnh tiếp nhận khoảng 600-1.000 người đến khám về các bệnh lý tâm thần, nhiều nhất là rối loạn khí sắc như trầm cảm, rối loạn lo âu kết hợp trầm cảm, các rối loạn loạn thần hoặc rối loạn giấc ngủ...

 

Số bệnh nhân bị bệnh lý tâm thần gia tăng, nhưng bác sĩ điều trị tâm thần ở Việt Nam lại hiếm. Trên bài báo “Khát bác sĩ tâm thần ở Việt Nam” của VnExpress ngày 25/3/2012, PGS. Trần Hữu Bình – cựu Viện trưởng Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho biết: “Tỷ lệ bác sĩ chuyên ngành tâm thần ở Việt Nam chỉ 1 trên 100.000 dân. Có tỉnh chỉ có một y sĩ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân, không có bác sĩ”.

 

Cũng trong bài báo này, ông La Đức Cương - Giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương (Hà Nội) nhẩm tính: “Mục tiêu Việt Nam nâng số bác sĩ tâm thần trên 100.000 dân lên là 2, như vậy còn thiếu 800. Tính ra một năm đào tạo được 100, như vậy phải cần 8 năm cộng với 6 năm đào tạo trong trường, ít nhất 14 năm nữa mới đạt được tỷ lệ này. Chưa kể có cán bộ nghỉ hưu, nếu không có đề án đào tạo riêng thì chắc lâu mới thực hiện được”.

 

Một bài báo khác trên VnEpress ngày 16/2/2022 lấy số liệu từ năm 2014 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, theo đó tỷ lệ bác sĩ tâm thần ở Việt Nam chỉ là 0.91/100.000 dân, thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

 

Trước thực tế người bị rối loạn tâm thần ngày càng nhiều, nhất là sau hai năm đại dịch, từ ngày 3/1/2022, bệnh viện Tâm Thần TP. Hồ Chí Minh có đường dây nóng tư vấn về bệnh lý tâm thần và từ cuối tháng 7/2022, Sài Gòn thiết lập thêm đường dây cấp cứu trầm cảm.

Một người bạn khuyên tôi nên gọi các đường dây này để xin tư vấn về bệnh. Tôi chẳng dại gì nghe theo vì sợ số điện thoại của mình sẽ bị lưu lại trên hệ thống dữ liệu quốc gia (vì khi mua SIM ở nhà mạng ai cũng phải kê khai thông tin cá nhân) và lo lắng mình sẽ bị phiền phức sau này. Ở Việt Nam, điều gì cũng có thể xảy ra.

 

Báo Tuổi Trẻ ngày 5/8/2022 có bài “Hơn 1 tuần triển khai, 'cấp cứu trầm cảm' cấp cứu thành công 3 người rối loạn tâm thần”, trong đó có đoạn “…Tất cả các trường hợp này sau khi được tiếp cận và can thiệp điều trị kịp thời theo quy trình "cấp cứu trầm cảm" đều đã ổn định, có thể xuất viện và điều trị ngoại trú…”. Điều đó có nghĩa là nếu bạn “không ổn định” và không có thân nhân bảo lãnh, bạn sẽ bị nhốt vào bệnh viện Tâm Thần không biết đến bao giờ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/c481/live/3db76be0-4e04-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp

Đánh giá của bệnh nhân về cách khám chữa bệnh của bệnh viện Tâm Thần TP.HCM

 

 

Phí tư vấn tâm lý tư giá “trên trời”

 

Giống như tôi, những người mắc các triệu chứng về tâm thần mà tôi biết rất ngán đến bệnh viện Tâm Thần TP.HCM mà thường đến khám tại các phòng mạch tư hoặc bệnh viện tư. Xem đánh giá trên Google thì đa số bệnh nhân đều phàn nàn về dịch vụ khám chữa bệnh ở bệnh viện Tâm Thần (2.5/5 điểm)

 

Theo trang chuyên về dịch vụ y tế Docosan phí tư vấn tâm lý bác sĩ tư ở Sài Gòn hiện dao động từ 300 ngàn đồng đến 1 triệu đồng cho 60 phút. Cá biệt, có nơi tư vấn tâm lý lấy giá từ 900 ngàn – 6 triệu đồng.

 

Một người bạn nước ngoài của tôi phủ nhận giá 300 ngàn đồng cho 60 phút tư vấn, vì gia đình người bạn của ông có một đứa con mắc bệnh tự kỷ, mỗi lần đi tư vấn ở Sài Gòn mất 100 USD mà chỉ được 60 phút, muốn đăng ký thêm giờ cũng không được. Sau vài tháng tư vấn bác sĩ tâm lý ở Sài Gòn, bé vẫn không có dấu hiệu tiến triển nên gia đình bạn của ông đành chuyển sang Malaysia làm việc và trị bệnh cho con. Ở Malaysia, bác sĩ tư vấn tâm lý nhận 100 USD cho 6 tiếng đồng hồ và một tuần bệnh nhân được gặp bác sĩ 4 lần. Sau vài tháng, con của người bạn của ông đã có thể chơi cùng những đứa trẻ khác.

 

Tóm lại, một khi bạn sống ở Việt Nam thì bạn phải là “siêu nhân”, nếu không bạn phải giàu (giàu lắm) để có điều kiện sang nước ngoài trị bệnh nếu chẳng may bạn mắc bệnh khó trị giống như tôi.

 

------------------------------

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả hiện đang sống ở TP.HCM.





No comments: