Wednesday, October 5, 2022

THỰC TRẠNG QUÁ TẢI HỆ THỐNG GIÁO DỤC MẦM NON (Trần Quang Tuyến, Lê Văn Đạo / Tạp chí Tia Sáng)

 



Thực trạng quá tải hệ thống giáo dục mầm non    

Trần Quang Tuyến, Lê Văn Đạo

04/10/2022

https://tiasang.com.vn/giao-duc/thuc-trang-qua-tai-he-thong-giao-duc-mam-non/

 

Dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng nhưng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực vẫn chưa theo kịp nhu cầu học tập. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố lớn đều đang quá tải trầm trọng, với tỉ lệ số trường/ 10.000 dân thấp và số học sinh/ giáo viên cao hơn nhiều so với mô hình chung trên thế giới.

 

https://tiasang.com.vn/wp-content/uploads/2022/10/truong-mam-non-hoang-lien.jpeg

Trường mầm mon Hoàng Liệt, nơi phải tổ chức bốc thăm để các phụ huynh có cơ hội nhận một suất học cho con. Ảnh: Đất Việt

 

Dân số Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở các thành phố lớn do làn sóng di cư và tỷ lệ sinh của Việt Nam duy trì ở mức tương đối cao trong xuyên suốt hai thập kỷ vừa qua. Trong đó, tốc độ tăng dân số của các thành phố lớn như Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh (2,4%/năm) cao gấp hơn 2 lần so với bình quân cả nước (khoảng 1%/năm) dẫn đến áp lực cho hệ thống giáo dục, đặc biệt giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đặc biệt cao tại các thành phố này (Niên giám thống kê [GSO], 2022). Thậm chí một số tỉnh/thành tại Việt Nam có tình trạng phụ huynh phải bốc thăm để con được nhập học mầm non công lập. Điều này đòi hỏi có một cái nhìn toàn cảnh về hiện trạng quá tải của hệ thống giáo dục mầm mon ở Việt Nam nói chung và các đô thị lớn nói riêng.

 

Nhìn chung, Việt Nam đã có nỗ lực xây dựng cơ sở vật chất, giúp tăng trưởng hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non tương đối đáng kể. Năm 2005, bình quân trong cả nước cứ 10.000 dân thì có 31,76 trường mầm non, con số này đã tăng lên hơn 2,6 lần sau 15 năm (năm 2019) với khoảng 83,91 trường mầm non/10.000 dân. Tương tự, số lớp học mầm non và số giảng viên trên mỗi trường cũng có sự cải thiện đáng kể trong 15 năm qua (bảng 1).

 

https://tiasang.com.vn/wp-content/uploads/2022/10/GD-mam-non-bang-1-1.png

Bảng 1. Số liệu về trường mầm non các năm 2005 – 2019. Nguồn: Tác giả tính toán theo niên giám thống kê 2002-2019.

 

Khi đánh giá theo từng tỉnh/thành giai đoạn 2008-2019, chúng ta cũng nhìn thấy sự cải thiện về số lượng trường lớp. Trong hơn 15 năm phát triển của đất nước vừa qua, đã có nhiều nỗ lực xây dựng hệ thống giáo dục, rõ ràng tăng trưởng kinh tế đã phần nào giảm tải sức ép cho hệ thống giáo dục. Thứ nhất, cải thiện hiệu quả kinh tế đồng nghĩa với các dịch vụ giáo dục được hỗ trợ thông qua nhiều cách thức khác nhau như tiếp cận các thiết bị học tập hiện đại, phát triển các dịch vụ và trung tâm học tập, và nâng cao cơ sở trường/lớp. Cụ thể, biểu đồ 1 cho thấy xu hướng tương quan dương giữa (i) quy mô kinh tế và (ii) số giáo viên trên mỗi trường, đồng thời quy mô kinh tế gia tăng cũng đi cùng với sự suy giảm tỷ lệ học sinh/giáo viên. Thứ hai, xu hướng phát triển và hội nhập cũng làm giảm tải các áp lực cho hệ thống giáo dục công, mở thêm cơ sở giáo dục ngoài công lập, mở thêm các cơ hội học tập nước ngoài, tích hợp các công nghệ giảng dạy mới. Biểu đồ cũng ghi nhận tỷ lệ học sinh /giáo viên đã giảm nhanh chóng kể từ 2004 đến nay.

 

https://tiasang.com.vn/wp-content/uploads/2022/10/GD-mam-non-bang-2.png

Biểu đồ 1: Quy mô kinh tế, xu hướng thời gian và trình trạng quá tải giáo dục trước đại học. Nguồn: tác giả tính toán.

 

Tuy nhiên, khi phân tích sâu hơn, mức độ tăng trưởng số lượng trường lớp mầm mon ở các tỉnh, thành vẫn còn khác xa nhau, và điều đáng nói là không phải các tỉnh thành có mức độ phát triển kinh tế xã hội cao nhất thì có đủ cơ sở vật chất theo kịp nhu cầu học. Có thể tạm chia mức độ tăng trưởng về số lượng trường mầm non của các tỉnh/thành phân thành ba nhóm chính:

 

Nhóm 1 là nhóm các tỉnh có quy mô kinh tế hạn chế (một số tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long), gặp nhiều rào cản trong việc gia tăng số lượng trường lớp, giáo viên và cải thiện chất lượng giáo dục do thiếu phần lớn các nguồn lực tài chính. Số liệu từ niên giám thống kê cho thấy khu vực này có tỷ lệ trường mầm non/10.000 dân và tỷ lệ trường tiểu học, THCS, THPT/10.000 dân trung bình trong năm 2019 là khoảng 50 trường và 7,4 trường tương ứng, với quy mô GRDP bình quân khoảng 26,2 nghìn tỷ VNĐ so với 81,5 nghìn tỷ VNĐ bình quân các tỉnh/thành cả nước. Hơn nữa, đây cũng là khu vực có tỷ lệ nghèo đa chiều cao hơn gấp 2 lần so với trung bình cả nước (Tran, Nguyen, Hoang, & Van Nguyen, 2022; Van Le, Tran, & Doan, 2022).

 

Nhóm 2 là nhóm các tỉnh/thành phố đang trên đà tăng trưởng kinh tế-xã hội tương đối nhanh chóng (ví dụ tiêu biểu như Hải phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bình Dương), đã mở rộng nhanh chóng cả về số lượng các trường học, giáo viên và lớp học. Cụ thể, số lượng trường mầm non/10.000 dân và số lớp học/10.000 của một số tỉnh thành như Bắc Ninh và Quảng Ninh đã tăng nhanh chóng từ 38,8 trường/10.000 dân và 1406 lớp/10.000 dân tương ứng năm 2010 đã tăng gần gấp đôi với con số là 62,6 trường/10.000 dân và 2188 lớp/10.000 dân.

 

Nhóm 3 là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù tăng trưởng kinh tế nhanh và năng động nhưng áp lực về dân số (cả di cư và tăng trưởng tự nhiên) đã tạo ra sức ép quá lớn với hệ thống giáo dục. Số trường mầm non của hai thành phố này trong năm 2019 chỉ đạt khoảng 47 trường/10.000 dân, tức là chỉ bằng khoảng một nửa so với mức trung bình gần 84 trường/10.000 dân trong cả nước.

 

Tỉ lệ trường mầm non trên một vạn dân của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 chỉ bằng khoảng một nửa so với mức trung bình trong cả nước.

https://tiasang.com.vn/wp-content/uploads/2022/10/GD-mam-non-ban-do-1.png

Hình 1. Số trường mầm non trên một vạn dân ở 63 tỉnh/thành phố, 2008-2019

 

Vấn đề quá tải càng trầm trọng hơn khi sự gia tăng và tập trung dân cư lớn ở một số khu vực (ví dụ: trung tâm thành phố hoặc một số khu vực đông dân khác như quận Hoàng Mai, Hà Nội) khiến cho tỷ lệ số trường mầm non trên 10.000 dân giảm dưới 20. Như vậy, tình trạng quá tải hệ thống giáo dục, đặc biệt tại cấp mầm non có sự khác biệt giữa các tỉnh/thành; trong đó, ở một số khu vực của hai thành phố lớn (Hà Nội và Hồ Chí Minh) thì vấn đề quá tải đang diễn ra trầm trọng.

 

Việc quá tải hệ thống trường mầm non còn được thể hiện qua tỷ lệ học sinh trên giáo viên cao. Theo các mô hình giáo dục trên thế giới, tỷ lệ học sinh trên giáo viên lý tưởng là không vượt quá 18/1, nếu vượt ngưỡng 40 học sinh/1 giáo viên thì hiệu quả học tập suy giảm đáng kể (Public School Review [PSR], 2022). Tại Việt Nam, mặc dù đã có nỗ lực cải thiện đáng kể nhưng xuyên suốt giai đoạn từ 2008 đến 2019, tỷ lệ này chưa được đảm bảo (hình 2). Cụ thể, tỷ lệ học sinh/giáo viên trung bình cả nước tính đến năm 2019 vẫn ở mức trên 62/1 mặc dù đã nỗ lực giảm so với mức 94/1 năm 2004; Đối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì tỷ lệ này duy trì ở mức 50/1.

 

https://tiasang.com.vn/wp-content/uploads/2022/10/GD-mam-non-ban-do-2.png

Hình 2: Tỉ lệ học sinh mầm non/ giáo viên. Nguồn: tác giả tính toán

 

Ngoài ra, số trường Tiểu học, Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT)/10.000 dân trong xuyên suốt giai đoạn từ 2008-2019 không gia tăng, thậm chí có xu hướng suy giảm (hình 3). Cơ sở vật chất không tăng, kết hợp với xu hướng đi học phổ thông ngày càng tăng dẫn đến tình trạng quá tải với hệ thống giáo dục trung học cơ sơ/phổ thông theo thời gian. Cùng với đó là xu hướng gia tăng bất bình đẳng về cơ hội giáo dục giữa các tỉnh/thành phát triển với khu vực miền núi nơi, giữa nhóm dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh (Le Thuc & Nguyen Thi Thu, 2016; Tran et al., 2022; Trieu & Jayakody, 2019).

 

https://tiasang.com.vn/wp-content/uploads/2022/10/gd-mam-non-ban-do-3.png

Hình 3. Tỷ lệ trường tiểu học, THCS và THPT/10.000 dân, 2008-2019

 

Việt Nam có nguồn lực hạn chế, đang trong quá trình theo đuổi đồng thời nhiều mục tiêu kinh tế-xã hội. Do đó, xây dựng chiến lực và hành động ưu tiên để phát triển nguồn lực con người là hết sức quan trọng. Để có vốn con người cho phát triển đất nước, việc đầu tư phát triển hệ thống giáo dục trước đại học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần vai trò chủ đạo, nguồn lực đầu tư của nhà nước. Việc quá tải hệ thống giáo dục có thể tạo ra các hệ lụy nghiêm trọng, khó lường trước trong dài hạn (xin lưu ý: những con số ở trên mới chỉ là thống kê chung, chưa có số liệu thống kê riêng về tình trạng quá tải của giáo dục trong khu vực công lập mà nhiều năm nay báo chí phản ánh là quá tải trầm trọng hơn mức chung của ngành giáo dục).

 

Rõ ràng, việc đạt được đa mục tiêu trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn nhiều hạn chế là hết sức khó khăn. Do đó, cần đánh giá hiện trạng quá tải hệ thống giáo dục tại Việt Nam và đưa ra giải pháp ưu tiên. Cụ thể, hệ thống các trường mầm non chịu sức ép ở các mức độ khác nhau mà nặng nề nhất, quá tải nhất đang tập trung ở các khu vực đông dân cư của các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh. Các sức ép này kết hợp với (i) tỷ lệ tăng dân số nhanh chóng và (ii) tình trạng kém linh hoạt trong tìm kiếm các trường thay thế (một phần do hiện tượng ùn tắc giao thông) sẽ tiếp tục làm trầm trọng hơn tình trạng quá tải của hệ thống giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và THPT trong tương lai.

 

Đối với hệ thống các trường THCS và THPT, một tương lai quá tải là điều không thể tránh khỏi, nếu không có các nguồn lực đầu từ đúng mức nhằm nâng cao số lượng trường học trên 10.000 dân và số lượng giáo viên tại mỗi trường. Việc đầu tư thêm vào các tỉnh/thành có mức tăng trưởng thấp cũng là hết sức cần thiết nhằm cải thiện tình trạng bất bình đẳng và tạo ra các khuyến khích phù hợp để hội nhập toàn cầu. Muốn vậy, chính phủ cần tạo các khuyến khích phù hợp về ngân sách và cơ chế để cải thiện tình trạng phát triển kinh tế địa phương song song với đầu tư cho vốn con người. Đây là điều cần thiết để giúp Việt Nam phát triển hài hòa và đạt được các mục tiêu trong giai đoạn phát triển tới.

 

—-----

 

TS Trần Quang Tuyến, Ths. Lê Văn Đạo, Trường Quốc tế, ĐHQG Hà Nội.

 

Tài liệu tham khảo

Le Thuc, D., & Nguyen Thi Thu, H. (2016). Inequality in educational opportunities and outcomes: Evidence from Young Lives data in Vietnam. Oxford University, UK

 

Niên giám thống kê [GSO]. (2022). Niên giám thống kê cấp tỉnh, 2002-2020,Hanoi, Vietnam

 

Public School Review [PSR]. (2022). How Important is the Student-Teacher Ratio for Students?  Retrieved 17th September, 2022 https://www.publicschoolreview.com/blog/how-important-is-the-student-teacher-ratio-for-students

 

Tran, T. Q., Nguyen, H. T. T., Hoang, Q. N., & Van Nguyen, D. (2022). The influence of contextual and household factors on multidimensional poverty in rural Vietnam: A multilevel regression analysis. International Review of Economics & Finance, 78, 390-403. Elsevier

 

Trieu, Q., & Jayakody, R. (2019). Ethnic minority educational success: Understanding accomplishments in challenging settings. Social Indicators Research, 145(2), 663-701. Springer

 

Van Le, D., Tran, T. Q., & Doan, T. (2022). The private sector and multidimensional poverty reduction in Vietnam: A crossprovince panel data analysis. International Journal of Social Welfare, 31(3), 291-309. Wiley.

 

Xem thêm:

 

·         Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các nhiệm vụ KH&CN

·         Đối phó với đại dịch Covid-19: Sự chuẩn bị trong 10 năm

·         6.500 năm trước đã xảy ra hiện tượng mát dần toàn cầu

·         Nghiên cứu KHXH&NV: Hướng tới chuẩn mực quốc tế

·         AI tranh luận về đạo đức: Cách duy nhất để đảm bảo an toàn là… “không có AI”

 

 




No comments: