Tuesday, October 11, 2022

DÂN BIỂU MỸ : "VIỆT NAM CÒN DUY TRÌ CHÍNH PHỦ ĐỘC ĐẢNG, NHỮNG NGƯỜI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN SẼ CÒN BỊ GIAM CẦM (RFA)

 



Dân biểu Mỹ: “Việt Nam còn duy trì chính phủ độc đảng, những người bất đồng chính kiến sẽ còn bị giam cầm”

RFA

2022.10.11

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/us-congress-concerned-about-human-rights-in-vietnam-10102022145131.html

 

Ông Alan Lowenthal và bà Katie Porter, hai trong số những dân biểu Hoa Kỳ đã đấu tranh không ngừng nghỉ để trả tự do cho TNLT Michael Phương Minh Nguyễn hai năm trước, đã có những chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do suy nghĩ của họ về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/us-congress-concerned-about-human-rights-in-vietnam-10102022145131.html/@@images/bfa91d9f-ebe3-4341-b22e-613ae6d2575b.png

Bà Katie Porter và ông Alan Lowenthal.    AP, RFA edited

 

“Từ lúc Michael Nguyễn bị cầm tù vô cớ tại Việt Nam, những thông tin tôi tìm hiểu được về hệ thống pháp luật của Việt Nam đều đáng lo ngại. Hệ thống này không phản ánh các tiêu chuẩn Hoa Kỳ mong đợi trong việc bảo vệ tự do ngôn luận và thủ tục tố tụng chính đáng. Ví dụ trường hợp ông Michael, ông đã không được gặp luật sư và không được xét xử công bằng theo tiêu chuẩn của hầu hết các nền dân chủ trên thế giới.”

 

Đó là nhận xét của dân biểu Katie Porter về hệ thống luật pháp Việt Nam qua trường hợp của người Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễn, người đã bị chính quyền cộng sản Việt Nam bắt và giam cầm suốt hai năm.

 

Dân biểu Katie Porter qua đó cho biết vai trò của Hoa Kỳ trong việc thiết lập các chuẩn mực nhân quyền trong công tác đối ngoại:

 

“Qua trường hợp ông Michael, người dân Mỹ mới thấy được tầm quan trọng của việc đấu tranh cho tự do ngôn luận cả trong và ngoài nước, và dùng sự đấu tranh đó làm kỳ vọng đối với các quốc gia muốn thiết lập một mối quan hệ kinh tế và ngoại giao với Mỹ.”

 

Tương tự, Dân biểu Alan Lowenthal cũng đề cập đến công tác đối ngoại tại Việt Nam. Ông cho rằng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc và Việt Nam với Hoa Kỳ là lý do Việt Nam còn “nửa vời” trong việc bảo vệ nhân quyền và tự do ngôn luận:

 

“Bộ Ngoại giao Mỹ nghĩ rằng Việt Nam mong muốn hợp tác với Hoa Kỳ để bảo vệ độc lập và chủ quyền trước một Trung Quốc hiếu chiến, nhưng họ không muốn chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ... Việt Nam bị ràng buộc về mặt kinh tế và quân sự với Trung Quốc. Và Trung Quốc có một lịch sử tồi tệ về nhân quyền. Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục theo bước Trung Quốc.”

 

Dân biểu Lowenthal phân tích thêm về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đồng thời chỉ ra những thiếu sót trong tiêu chuẩn bảo vệ nhân quyền tại quốc gia độc đảng này:

 

“Tôi nghĩ rằng chừng nào Việt Nam còn duy trì một chính phủ độc tài độc đảng có quan hệ chặt chẽ với các chính phủ độc tài khác như Trung Quốc, những người bất đồng chính kiến sẽ còn bị giam cầm.”

 

Việt Nam đã ứng cử để trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này đang gặp nhiều phản đối từ các tổ chức trong và ngoài nước. Nhận xét về vấn đề này, Dân biểu Lowenthal nói:

 

“Dù Việt Nam có được mời tham dự Hội đồng hay không, chúng ta cần xem xét những gì đang thực sự xảy ra ở Việt Nam, công dân được quyền nói lên điều gì, làm việc gì để cải thiện chính phủ, nâng cao nhận thức về vấn đề gì... Và chúng ta nên xem xét liệu Việt Nam sẽ dùng ghế Hội đồng để hướng tới các mục tiêu nhân quyền hay sẽ dùng nó để che giấu những lời chỉ trích về tình hình trong nước.”

 

Dân biểu Katie Porter, cùng với đó, khuyến khích Chính phủ Việt Nam nên tiếp thu ý kiến của những nhà hoạt động đấu tranh dân chủ từ ngoài nước:

 

“Tôi nghĩ Việt Nam cần hoan nghênh những ý kiến, quan điểm, và sự trợ giúp mà cộng đồng người Mỹ gốc Việt muốn cống hiến. Tôi nghĩ sự cống hiến này mang tinh thần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam. Và tôi hy vọng rằng chính phủ Việt Nam sẽ thu nhận sự cống hiến này với tư duy đó.”

 

-----------------------

Tin, bài liên quan

 

THỜI SỰ

·         Ủng hộ và ‘im tiếng’ về việc Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực

·         Đạo luật Magnitsky: một áp lực mới lên chính phủ Việt Nam?

·         Giám đốc Cao ủy Nhân quyền LHQ tại Campuchia rời chức vụ





No comments: