Các thành phố Pháp quay lưng với Cúp bóng đá thế giới Qatar vì chính trị hay kinh tế ?
Anh Vũ - RFI
Đăng ngày: 07/10/2022 - 16:01
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20221007-phap-cup-bong-da-the-gioi-qatar-chinh-tri-kinh-te
Những ngày qua, một loạt các thành phố lớn của nước Pháp, quyết định quay lưng lại với Cúp bóng đá thế giới Qatar 2022 sẽ khai cuộc từ ngày 20/11 đến 18/12. Phong trào tẩy chay hình ảnh của Qatar 2022 có xu hướng lan rộng với những lý do chính trị, kinh tế hay bảo vệ môi trường. Tuy nhiên quyết định của các thành phố không khỏi gây tranh cãi.
Một tháng rưỡi trước ngày khai mạc World Cup Qatar 2022, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, danh sách các thành phố ở Pháp từ chối lập các khu cổ động viên và truyền trực tiếp qua màn hình lớn ngoài trời các trận đấu từ Qatar kéo dài thêm mỗi ngày. Đây là một hoạt động vẫn thường thấy ở mỗi kỳ Cúp bóng đá thế giới trước đây.
Paris, Marseille, Lille, Bordeaux, Strasbourg hay Saint-Etienne, những trung tâm bóng đá lớn ở Pháp, lần lượt thông báo nói « Không » với Cúp bóng đá thế giới 2022, tổ chức tại vương quốc dầu lửa, mặc dù đội tuyển quốc gia bóng đá Pháp sẽ tham dự để bảo vệ ngôi vô địch thế giới. Từ nay đến ngày khai mạc, chắc hẳn sẽ còn có thêm những địa phương khác cũng tham gia phong trào tẩy chay hình ảnh của Qatar 2022.
Nếu như một số thành phố biện minh cho quyết định của mình là chính trị liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Qatar, thì có một số khác lại đưa ra lý do kinh tế hay môi trường, cần phải tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh khủng hoảng…
Ngay từ khi quyền đăng cai sự kiện bóng đá lớn nhất thế giới được Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới FIFA trao cho Qatar năm 2010, quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé nhưng rất giàu có này đã trở thành tâm điểm chỉ trích ở rất nhiều khía cạnh, từ những nghi vấn vận động hành lang mờ ám cho đến các tác động môi trường của sự kiện được tổ chức trong các điều kiện chưa từng có và nhất là những cáo buộc nước chủ nhà vi phạm nhân quyền trong quá trình xây dựng các công trình khổng lồ phục vụ Cúp thế giới.
Theo số liệu chính thức của Doha, chỉ có 3 trường hợp lao động tử vong trên các công trường ở Qatar. Trong khi đó, Tổ chức Lao Động Quốc tế (OIT) nêu con số 50 lao động tử vong, đa số là người nhập cư. Báo cáo của tổ chức này còn đưa ra con số 500 người bị thương nặng bởi các vụ tai nạn trên công trường do lơ là các biện pháp an toàn lao động. Một số tờ báo như tờ The Guardian của Anh thậm chí còn đưa ra con số 6500 người đã chết trên các công trình xây dựng để Qatar có được một kỳ Cúp bóng đá thế giới hoành tráng.
Phong trào tẩy chay World Cup Qatar thực sự chỉ bắt đầu rộ lên ở Pháp từ cuối tháng 9 từ tiếp Cúp bóng đá thế giới. Liền sau đó ý kiến đã thu hút nhiều thành phố, phần đông là những thành phố cánh tả.
Bà Martine Aubry, thị trưởng Lille, đảng Xã Hội, hôm 01/10 đã phát động phong trào. Trên Twitter bà thị trưởng thông báo : « Chúng tôi sẽ không phát một trận đấu nào trên màn hình lớn », nếu tổ chức ngày hội bóng đá thì « sẽ là vô nghĩa đối với nhân quyền, môi trường và thể thao ».
Ít ngày sau hôm 03/10, thủ đô Paris, thuộc quyền lãnh đạo của đảng Xã Hội, theo chân thành phố miền bắc Lille ra thông báo tương tự. Ông Pierre Rabadan, phó đô trưởng Paris, giải thích với AFP : « Với chúng tôi, không có chuyện dựng các khu phát trận đấu vì nhiều lý do : Thứ nhất là điều kiện tổ chức Cúp thế giới này về mặt môi trường cũng như xã hội ; thứ hai là thời điểm diễn ra sự kiện vào mùa đông. »
Theo nhận xét của Louis-Maris Valin, nhà quan sát thuộc công ty tư vấn Sport Business, « Lập luận chính được đa số các thị trưởng nêu ra đó là Qatar là một nước không tôn trọng nhân quyền và các công trình xây dựng phục vụ Cúp thế giới gây chết người ». Tuy nhiên theo nhà quan sát này thì các lý lẽ mang tính chính trị không thuyết phục bởi vì người ta đã biết từ lâu nay Cúp bóng đá thế giới sẽ diễn ra ở Qatar rồi, nay đến những ngày cuối trước khi sự kiện diễn ra người ta lại thổi bùng lên vấn đề.
Giữa lúc các địa phương tẩy chay hình ảnh Cúp bóng đá thế giới Qatar đang có xu hướng mở rộng ở Pháp, thị trưởng thành phố Dijon, ông François Rabsamen, một nhân vật kỳ cựu của đảng Xã Hội đã lên tiếng chỉ trích việc từ chối tổ chức ngày hội bóng đá thế giới chỉ vì Qatar là « mị dân » và « đạo đức giả ». Trong một thông cáo, vị dân biểu này nhấn mạnh : « Lẽ ra phải bày tỏ phản kháng mạnh mẽ từ cách đây 12 năm, khi lựa chọn nước tổ chức (Cúp thế giới). Có điều kỳ lạ là không một tiếng nói nào cất lên khi Cúp thế giới 2018 tổ chức tại Nga, thời điểm quân đội của Putin đã sáp nhập Crimée ». Thành phố Dijon của ông Rabsamen vẫn sẽ lắp đặt các khu cổ động viên truyền trực tiếp các trận đấu của Cúp thế giới.
Chuyên gia Louis-Marie Valin nhận định trên kênh truyền hình quốc tế France 24 : « Các nhà chính trị ngày nay vẫn duy trì nhiều mối quan hệ với Qatar. Kinh tế Pháp hiện cũng được Qatar hỗ trợ, hai nước vẫn có các quan hệ trao đổi văn hóa, thương mại. Nhưng khi có vấn đề thì đổ lên đầu bóng đá thì thật là bất công ». Ông Louis- Marie Valin khẳng định : « Cần phải nhấn mạnh là việc tẩy chay thực tế không phải nhằm tới Qatar, người ta cố làm cho tin rằng thông điệp gửi tới Qatar, nhưng thực ra lại là thông điệp nội bộ (Pháp). Thực sự có một thái độ đạo đức giả xung quanh việc này ».
Chắc chắn những ngày tới danh sách những thành phố quay lưng lại với Cúp bóng đá thế giới Qatar 2022 sẽ dài thêm. Không khí ngày hội bóng đá sẽ trầm lắng hơn với người hâm mộ Pháp. Nếu như đội tuyển quốc gia bóng đá Pháp vào chung kết, khi đó lãnh đạo chính phủ Pháp chắc hẳn sẽ phải tới Qatar dự khán trận đấu như thông lệ. Chắc hẳn khi đó những tranh cãi bên sân khấu chính trị Pháp sẽ lại nổi lên sôi động.
---------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
QATAR
Ân Xá Quốc Tế : Công nhân ngoại quốc ở Qatar không được trả lương
QATAR - LAO ĐỘNG
Ân Xá Quốc Tế : Qatar bóc lột người lao động nhập cư
BÓNG ĐÁ - WORLD CUP
Áo bóng đá có mã QR để bảo vệ nhân quyền
No comments:
Post a Comment