“Trứng”
vỡ, người chết, thắt chặt dây lưng quần
Nguyễn Quốc,
RFA
05-6-2022
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/suicide-stock-bitcoin-06052022170252.html
Ảnh minh họa: Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ
Chí Minh (HoSE). AFP
Sáng sớm,
cháu tôi gọi điện cho mẹ nó. Từ xa tôi vẫn nghe rõ giọng nó thảng thốt: “Anh T
tự tử rồi mẹ. Nhóm tụi con cũng mất hết tiền gởi ảnh.”
Anh T là bạn
nó, vừa là đồng nghiệp cũ cùng công ty, vừa là bạn chơi thân cùng một nhóm. Tụi
nó đều làm ngành marketing, tay nghề cao, làm cho các công ty nước ngoài, lương
bổng cũng không tệ. Tuy nhiên trong số đó T là giàu có nhất. Chưa đến 30 tuổi,
một vợ- một con nhưng của ăn của để, xe hơi nhà cửa xông xênh dư dả.
Cho đến
sáng nay.
Hóa ra T đầu
tư chứng khoán từ vài năm nay. Trước kia rất có lời nên T mạnh tay mượn sổ đỏ của
người khác đi cầm ngân hàng vay vốn, còn mượn tiền mặt của nhiều người nữa. T hứa
trả lãi vay đến 20%/năm, gấp ba bốn lần ngân hàng. Chơi với nhau lâu biết tính,
lại thấy T giàu có chắc chắn với nhà cửa đất đai, có lẽ đã rất nhiều người góp
tiền cho T vay.
Nhưng đêm
qua, T tự tử. Trước đó nó đã trả lại sổ đỏ cho một người trong nhóm bạn của
cháu tôi. Còn số tiền gom góp từ nhiều nguồn và là những nguồn nào, bao nhiêu,
thì chỉ T mới biết và đã theo T về cát bụi. Tài sản nổi của T không hề ít, bán
đi cũng vài chục tỷ cầm chắc, nên có lẽ số tiền kia lớn hơn rất nhiều mới khiến
nó không thể gồng nổi mà phải chọn cách tự tử đế thoát nợ.
Ờ Hà Nội, dù báo chí không đăng nhưng
dân tình vẫn truyền tai nhau nguyên nhân khiến cả một gia đình bốn người tự tử
(hai vợ chồng và hai con, một vị thành niên, một còn nhỏ) cũng là do thua lỗ
trong chứng khoán.
Những vụ
việc được nhắc thẳng trên báo chí cũng không hề ít. Tháng 6/2021, một bài báo
trên báo Diễn đàn Kinh tế có tên “Chứng
khoán vỡ, đại gia thi nhau vào… viện tâm thần” nêu ra ba trường hợp đều là
“đại gia chứng khoán” được đưa tới điều trị ở Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia
(Bệnh viện Bạch Mai) vì bị hoảng loạn sau khi mất trắng toàn bộ tài sản, nhà cửa
(do đã cầm cố ngân hàng lấy tiền). Không những thế, giống như T, họ còn huy động
tiền bạc, tài sản của gia đình, người quen và cả dòng họ. Điểm giống nhau là
ban đầu họ đều lãi rất nhiều và rất nhanh.
Nhưng
không phải ai cũng mất tiền tỷ tỷ thì mới quẫn trí. Cũng báo đăng: đầu năm
ngoái, ở Trà Vinh, một thanh niên vay mượn 300 triệu đồng, dốc hết vào sàn chứng
khoán và mất sạch. Cậu nhảy cầu Cần Thơ nhưng được cứu kịp.
Dù vậy, đó
vẫn là những câu chuyện của người khác. “Họ chết vì tham quá, còn mình cứ cá nhỏ
bắt mồi nhỏ đều đều thì chẳng bao giờ gặp vụ đó”- đó là tự nhủ của rất nhiều
người. Một cảnh tượng dễ bắt gặp ở bất cứ quán cà phê, quán ăn, nhà hàng… nào ở
Việt Nam bây giờ là những nhóm người ngồi cà phê nhưng chiếc điện thoại không rời
khỏi tay, đập vào mắt là màn hình đỏ-xanh của sàn chứng khoán. Thậm chí chỉ cần
đi dạo trên đường phố cũng có thể nghe thấy nhóm khách bộ hành đi lướt qua bạn
đang rôm rả “Chị thắng con này” “Con kia đang về bờ” “ “Anh theo con ấy yên tâm
không mất”…
Lao vào những
thị trường dễ kiếm tiền là chọn lựa khôn ngoan không phải chỉ của loài người. Cỏ
cây, động vật, côn trùng, ngay cả virus cũng biết chọn môi trường màu mỡ để sống.
Đó là quy luật bình thường. Thế nhưng trong bối cảnh chính trị,pháp luật và xã
hội Việt Nam, rất nhiều điều bình thường ở nơi khác trở thành bất bình thường.
Đó là khi người người, nhà nhà bỏ hết công việc
chuyên môn để trở thành những “nhà đầu tư chứng khoán”.
Nền chính
trị đặc biệt, tính bất thường và bất công của luật pháp, sự bất ổn của xã
hội… khiến người dân không có niềm tin để xây dựng những gì bền vững. Chủ nghĩa
tư bản thân hữu mang lại lợi nhuận dễ dàng và khủng khiếp cho những tập đoàn,
phe nhóm, đồng thời đe dọa sự thất thế, thua lỗ cho những ai không chọn kịp
phe. Thế thì đánh bạc là hơn cả.
Đầu tư chứng
khoán theo sự chỉ vẽ của các đội lái (những nhóm người dẫn dắt, cùng nhau đẩy
các mã chứng khoán lên cao một cách giả tạo để thu hút tiền của các nhà đầu tư
thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Khi thu được đủ họ sẽ nhả các mã này ra, xô thị
trường xuống thấp) thì thật dễ dàng, nhất là khi họ úp mở nói có các anh tay to
nào đó “bảo kê” để gây dựng sự tin tưởng.
Cựu
chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết (trái) và cựu chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng
(phải)
Tiền
ảo cũng vậy.
Dường như
giới công chức Nhà nước do sẵn thời giờ và các mối quen biết, cũng như chịu áp
lực từ đồng lương thấp không đảm bảo cuộc sống, là những người tham gia vào thị
trường chứng khoán và tiền ảo nhiều nhất. Nhất là trong ba năm dịch bệnh vừa
qua, có rất nhiều người bị mất việc, giảm lương và không được tăng lương cơ bản,
nhu cầu kiếm tiền nhanh càng bức thiết.
Ngày
04/6/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói trong cuộc họp Quốc hội “Trước
đây, hằng năm vẫn có điều chỉnh tăng lương nhưng 3 năm qua chưa thực hiện được
do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, đời sống của cán bộ, công chức,
viên chức rất khó khăn. Năm sau cần tính toán việc tăng lương cơ sở cho cán bộ,
viên chức”.
Vấn đề ở
chỗ mức tăng cũng chẳng đáng là bao, chẳng đủ bù trượt giá. Đã thế lại còn chờ
các cụ tính toán thì có lẽ đến mùa quýt.
Trong một
diễn biến khác rất liên quan, thị trường lao động lớn nhất Việt Nam đang cần
thêm 135.000-150.000 lao động, nhưng vẫn tiếp tục thiếu, đặc biệt trong những
tháng cuối năm.
Ngoài những
nguyên nhân khách quan thì ba năm dịch bệnh đã tạo ra những thay đổi vĩnh viễn
trong chiều sâu cuộc sống người lao động. Trong
hơn 23.000 người mất đi trong dịch bệnh, có rất nhiều người từ các địa
phương khác đến TP HCM sinh sống và làm việc. Mất đi cha/mẹ/vợ/chồng/con cái,
cũng có nghĩa mất đi chỗ dựa và cánh tay phải trong cuộc vật lộn mưu sinh. Vật
giá sau dịch leo thang không tưởng tượng nổi. Nhiều người buộc phải hồi hương để
nương nhờ gia đình, tiết kiệm khoản tiền thuê nhà, có ông bà giúp trông nom con
nhỏ để đi làm việc. Đô thị đã giảm đi rất nhiều sức hút của nó với người lao động
ngoại tỉnh khi trận đại dịch lột ra những điểm yếu trầm kha, nhưng nhiều năm
nay họ vẫn chấp nhận.
Nhà nước
có chính sách hỗ trợ 500.000 đ/tháng tiền nhà cho một số người lao động đáp ứng
đủ điều kiện như đang thuê nhà trọ, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn
từ một tháng trở lên và có bảo hiểm xã hội.
Còn lao động
tự do thì tức nhiên là tự lo.
Nhưng giá
thuê nhà bèo bèo ở TP HCM hiện nay đã khoảng 1, 5 triệu đồng/tháng/người, cho
nên tầng lớp công nhân và người lao động vẫn chỉ có thể thuê ở chung trong những
khu nhà trọ ẩm thấp, chật hẹp, thiếu không khí và không đảm bảo vệ sinh như trước
khi đại dịch ập tới. Họ cũng phải thắt chặt chi tiêu, chuyển nhà trọ rẻ hơn,
tìm kiếm việc làm thêm và chỉ còn tập trung vào chi phí sinh hoạt tối thiểu.
Bên dưới
những bức ảnh cờ vẫy đỏ cả đường phố và sự phấn khích tột độ của người dân sau
những trận thắng của đội tuyển bóng đá nam tại SEA Games 31 là nỗi lo bạc tóc về
cơm áo gạo tiền.
Vòng xoáy
của những nghịch lý về lao động, việc làm và đời sống khiến niềm mơ ước làm
giàu chỉ sau một đêm càng trở nên mãnh liệt và phổ biến.
Rất cần
các chính sách thật sự tháo gỡ khó khăn cho khối doanh nghiệp ngoài nhà nước và
người lao động, để họ còn sống, còn thở, còn gỡ, còn kiếm ra tiền mà nộp thuế
cho Nhà nước.
Nhưng liệu
có thể tin vào Nhà nước Việt Nam, cái trung tâm đẻ ra các khó khăn đó?
Nguyễn
Quốc
----------------
Tham
khảo:
https://baomoi.com/sinh-vien-doi-cho-tro-chuyen-sang-di-xe-buyt-thoi-bao-gia/c/42804857.epi
https://tienphong.vn/so-ca-tu-vong-vi-covid-19-tai-tphcm-chiem-74-ca-nuoc-post1393851.tpo
https://nld.com.vn/cong-doan/tp-hcm-thieu-hut-khoang-16000-lao-dong-20220603195749709.htm
https://baomoi.com/chu-tich-quoc-hoi-can-tang-luong-cho-can-bo-cong-chuc-vien-chuc/c/42796940.epi
https://www.bvsc.com.vn/News/2011624/167764/chung-khoan-vo-dai-gia-thi-nhau-vao-vien-tam-than.aspx
https://vnews.gov.vn/news/nam-thanh-nien-tu-tu-nghi-do-thua-lo-dau-tu-tien-ao-26418.htm
No comments:
Post a Comment