Thursday, June 2, 2022

NHỮNG TRỪNG PHẠT KINH TẾ CỦA TÂY PHƯƠNG CÓ HIỆU QUẢ VỚI NGA KHÔNG? (Nguyễn Quốc Khải)

 



Những trừng phạt kinh tế của Tây Phương có hiệu quả với Nga không?

Nguyễn Quốc Khải

19/04/2022

https://www.voatiengviet.com/a/6535729.html?withmediaplayer=1

 

https://gdb.voanews.com/03a90000-0aff-0242-d1cf-08da2172f03e_w650_r1_s.jpg

TT Putin chủ tọa một cuộc họp về tình hình kinh tế Nga hôm 18 tháng Tư. Hình minh họa.

 

Khi những thẻ tín dụng không sử dụng được, thực phẩm biến mất trong các kệ hàng, lạm phát lên cao, nạn thất nghiệp trở nên trầm trọng, nhiều bao bọc xác chết của các quân nhân tử trận trở về, đó là lúc nội bộ Nga có vấn đề.

Nguyễn Quốc Khải

 

                                                                         *

 

Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, trong vòng chưa tới một tuần lễ Hoa Kỳ, Canada, Anh Quốc, Liên Hiệp Âu Châu và một số đồng minh Á châu đã đồng loạt nhanh chóng, liên tục tung ra nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế Nga sâu rộng. Trước khi phân tách những biện pháp này có hiệu quả hay không, chúng ta xem qua những trừng phạt kinh tế gồm những gì.

 

Trừng phạt đợt I (tháng 2-3): Nhắm vào toàn bộ kinh tế Nga.

 

1. Tài chánh:

(a) Đóng băng những tích sản của Ngân Hàng Trung Ương của Nga bao gồm $640 tỉ ngoại tệ dự trữ ở bên ngoài nước Nga;

(b) Hoa Kỳ, Anh, và Liên Âu cấm cá nhân và các cơ sở kinh doanh giao dịch với Ngân Hàng Trung Ương Nga, Bộ Tài Chánh và những quỹ tài sản (dự trữ tiền của chính phủ);

(c) Không cho phép các ngân hàng Nga sử dụng hệ thống giao dịch tài chánh quốc tế SWIFT (Society for worldwide Interbank Financial Telecommunication), khiến cho việc thanh toán tiền bạc giữa các ngân hàng và giữa các nước khó thực hiện nhanh chóng.

 

2. Năng lượng:

(a) Hoa Kỳ cấm nhập cảng dầu khí của Nga.

(b) Anh Quốc sẽ dần dần chấm dứt nhập cảng dầu khí của Nga vào cuối năm 2022;

(c) Liên Hiệp Âu Châu hiện nhập cảng 25% dầu và 40% khí đốt từ Nga, không hoàn toàn cấm nhập cảng, nhưng sẽ dần dần giảm bớt lệ thuộc và sẽ độc lập với Nga trước năm 2030; (d) Đức đã tạm ngưng cấp cho phép mở đường ống dẫn dầu Nord Stream II từ Nga.

 

3. Thương mại:

(a) Hoa Kỳ, Anh, Liên Hiệp Âu Châu và một số nước khác cấm xuất cảng qua Nga một số sản phẩm như phi cơ và thiết bị, những hàng hóa dân dụng nhưng có lợi ích quân sự như hóa chất hay laser;

(b) 33 quốc gia gồm Liên Hiệp Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada, Anh, Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và một số nước khác cấm các phi cơ Nga bay qua không phận của những nước này, ngoại trừ trường hợp ngoại giao và nhân đạo.

 

4. Khoảng 600 công ty Tây phương đã tự nguyện tạm ngưng một phần hay toàn phần các hoạt động tại Nga. Chính quyền Nga tìm cách ngăn chặn các công ty rời bỏ Nga nhưng không thành công.

 

1.    Xe hơi: Ford, General Motors, Toyota, Volkswagen, Nissan.

 

2.    Hàng Không: Boeing, Airbus.

 

3.    Kỹ nghệ cao: Airbnb, Amazon. Apple, Facebook, Hitachi, IBM, Intel, Microsoft, Netflix, Nintendo, Roku, Sony, Spotify, Twitter, YouTube.

 

4.    Cố vấn: Accenture, EY, Deloitte, KPMG International, PricewaterhouseCooper.

 

5.    Năng lượng và kim loại: BP, Equinor, Exxon, BP, Shell, Rio Tinto, TotalEnergies.

 

6.    Tài chánh: Norway’s, Mastercard, Visa, American Express, Moody’s, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Western Union, Citigroup, Paypal.

 

7.    Thực phẩm: AB InBev, Burger King, Coca-Cola, Heineken, McDonald’s, Nestle, PepsoCo, Starbucks, Yum Brands.

 

8.    Khách sạn: Hyatt, Marriott, Hilton.

 

9.    Công nghệ: 3M, Dow, General Electric, John Deere, Caterpillar, Alstom.

 

10. Truyền thông và giải trí: DirecTV, Disney, WarnerMedia.

 

11. Thương mại: Crocs, Estée Lauder, H&M, Ikea, Imperial Brands, Inditex, Mothercare, Mondelez, Procter & Gamble, Unilever.

 

12. Vận chuyển: UPS, Fedex, Maersk, MSC Mediterranean Shipping Company

 

.

Trừng phạt đợt II (từ tháng 4): nhắm vào khu vực năng lượng, ngân hàng và cá nhân

 

1. Những biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ.

 

Vào ngày 8/4/2022 Tổng Thống Biden đã ký thành luật hai đạo luật đã được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua.

 

a. HR 7108: chấm dứt chế độ thương mại bình thường (normal trade relations) đối với Nga và Belarus. Điều này có nghĩa là hai nước này sẽ không được hưởng những thuế nhập cảng thấp đối với các nước thành viên của Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO). Hàng hóa của hai nước này sẽ bị một thuế suất trung bình khoảng 32.3% thay vì 3.3%. Đạo luật 7108 còn cho phép Tổng Thống Hoa Kỳ tăng thuế nhập cảng cao hơn nữa nếu thấy cần thiết.

 

Trước đây chỉ có Cuba và Bắc Hàn bi Hoa Kỳ từ chối không cho hưởng quy chế thương mại bình thường.

Ngoài ra Tổng Thống Hoa Kỳ còn có thể cứu xét trục xuất Nga ra khỏi WTO và không cho phép Belrarus gia nhập tổ chức này và gia hạn đạo luật Magnitsky Human Rights Accountability Act để trừng phạt những cá nhân chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền.

 

b. HR 5968: Cấm nhập cảng vào Mỹ những sản phẩm năng lượng của Nga bao gồm dầu thô, khí đốt, than cùng với những sản phẩm khác.

 

Ngoài Hoa Kỳ, các nước Anh, Canada, Úc, Poland, và Lithuania đã quyết định không mua dầu của Nga nữa.

 

2. Những biện pháp trừng phạt của Liên Âu.

 

a. Đang cứu xét ngưng nhập cảng than và dầu của NgaRiêng số lượng than nhập cảng của Nga trị giá 4 tỉ Euro ($4.3 tỉ).

 

b. Sẽ cấm những tầu của Nga hoặc do người Nga điều hành cập những hải cảng của EU ngoại trừ những tầu chuyên chở thực phẩm, năng lượng và sản phẩm nhân đạo.

 

c. Sẽ cấm những xe chuyên chở đường bộ do người Nga và Belarus điều hành.

 

d. Sẽ cấm nhập cảng gỗ, xi măng, hải sản và rượu của Nga (khoảng 5.5 tỉ Euro hàng năm).

 

e. Sẽ cấm bán cho Nga quantum computer, advanced semiconductors, nhũng máy móc nhậy cảm và dụng cụ chuyên chở hữu dụng cho quốc phòng.

 

f. Cấm những công ty Nga tham dự vào những cuốc đấu thầu của những chính phủ EU.

 

Lithuania và Poland là hai quốc gia trong Liên Âu đầu tiên ngưng mua dầu và khí đốt của Nga. Lithuania và Poland kêu gọi các nước khác cũng làm như vậy.

 

Mặc dầu nhiều chính phủ Liên Âu chưa thể ngưng mua dầu khí của Nga, một số công ty năng lượng Âu châu đã tự quyết định không mua dầu khí của Nga. Shell (Hòa Lan), TotalEnergies (Pháp), Neste (Phần Lan) đã hoặc cuối năm 2022 sẽ ngưng mua dầu thô của Nga, một phần để tránh những khó khăn về giao dịch tài chính và bảo hiểm do cấm vận gây ra.

 

3. Cấm vận và tịch thu tài sản cá nhân người Nga

 

Hàng ngàn người Nga liên quan đến chính quyền Nga, đặc biệt là những nhân vật thân cận với Tổng Thống Putin, đã bị Hoa Kỳ, Anh, Liên Âu và một số nước khác cấm vận và tịch thu tài sản. Những nhân vật quyền thế thường miễn nhiễm với cấm vận của nước ngoài. Những biện pháp trừng phạt ở giai đoạn II nhắm vào lớp người này là một tính toán khôn ngoan.

 

Những đại du thuyền và những tài sản trị giá hàng chục triệu đô la ở những nới như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Gilbralta đã bị tịch thu. Nhương mục ngân hàng của những nhân vật này đã bị đóng băng. Danh sách này bao gồm cả hai con gái của Putin, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

 

Một danh sách của CNN liệt kê 10 chủ nhân Nga của những du thuyền trị giá từ $7 triệu cho đến $577 triệu. Tổng cộng 10 du thuyền này trị giá $1.5 tỉ.

 

Hậu quả của cấm vận

 

1. Những trừng phạt của Tây Phương làm kinh tế Nga điêu đứng

 

Theo một nghiên cứu của Goldman Sachs, một công ty đầu tư và dịch vụ tài chánh đa quốc gia, kinh tế Nga sẽ giảm 10% trong năm 2022. Reuters trích dẫn một tin từ chính phủ Nga cho thấy kinh tế có thể co cụm 15%. Đây là một suy thoái lớn nhất kể từ thời kỳ đen tối vào đầu thập niên 1990, lúc Liên Xô mới xụp đổ. Trước khi có chiến tranh xâm lăng, kinh tế Nga tiên đoán phát triển 2%. Mức lạm phát ở Nga sẽ tăng lên đến 20% - 24% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, những cư dân ở Moscow cho biết giá đã tăng 20% - 30%. Xuất khẩu và nhập cảng sẽ giảm 10% và 20%.

 

Tỉ lệ thất nghiệp của Nga vào tháng 2, 2022 là 4.1%. Theo Centre for Strategic Research tại Moscow, số người thất nghiệp có thể lên tới 2 triệu và tỉ lệ thất nghiệp có thể là 8%. Bản tin của New York Times vào ngày 18-4-2022 cho hay riêng thủ đô Nga với tổng cộng 13 triệu dân sẽ có khoảng 200,000 người thất nghiệp. Ông Sergei S. Sobyanin, thị trưởng Moscow, tuyên bố chính phủ đã dành một ngân sách $40 triệu để giúp những công nhân bị những công ty ngoại quốc sa thải.

 

Khoảng 600 công ty đa quốc gia trong đó có Boeing và Airbus đã chấm dứt hoạt động tại Nga. Công dân Nga khó tìm mua được dược phẩm ngoại quốc, khó bay ra nước ngoài. Cấm vận gần như hủy diệt hoàn toàn kỹ nghệ hàng không của Nga, Công ty hàng không Aeroflot phải ngưng mọi chuyến bay quốc tế. Phần lớn những máy bay của các công ty hàng không tư nhân thuê mướn của các công ty nước ngoài nay họ đã chấm dứt hợp đồng, không cung cấp dịch vụ sửa chữa và bộ phận thay thế.

 

Lợi tức thu được từ việc xuất cảng năng lượng bao gồm dầu thô, khí đốt và than chiếm một nửa tồng số lợi tức xuất cảng và đã tài trợ 45% ngân sách quốc gia cho năm 2021. Tổng Thống Vladimir Putin vào ngày 14-4-2022 thừa nhận rằng cấm vận của Tây phương đã làm xáo trộn kỹ nghệ dầu khí của Nga. Putin cảnh cáo rằng Âu châu không có tài nguyên nào khác để thay thế khí đốt của Nga và giá dầu thô có thể lên đến $300 một thùng và Nga sẽ chuyển dầu khí sang thị trường Á châu.

 

Tuy nhiên trên thực tế, một số quốc gia Tây phương ngưng mua dầu khí của Nga đã làm cho giá dầu khí của nước này xuống thấp đáng kể, khoảng $35 mỗi thùng dưới giá dầu quốc tế (Brent). Muốn bán dầu khí cho thị trường Á châu cũng phải mất nhiều năm để xây ống dẫn dầu và xây dựng hệ thống chuyên chở bằng đường biển. Theo Viện Nghiên Cứu Tài Chánh Quốc Tế (Institute of International Finance - IIF), nếu Tây phương hoàn toàn ngưng mua dầu khí của Nga, nước này sẽ thất thu hàng năm khoảng từ $250 tỉ cho đến $300 tỉ.

 

Bà Kristalina Georgieva, Giám Đốc Cơ quan Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund – IMF) mới đây tuyên bố rằng Nga rất có thể không trả được nợ trong tháng 4 năm nay vì ngoại tệ dự trữ khoảng $640 tỉ gồm ngoại tệ và vàng. Tuy nhiên Bà nhận định thêm rằng điều này sẽ không gây ra khủng hoảng tài chánh thế giới vì các ngân hàng cho Nga vay không quá $120 tỉ và Nga sẽ lâm vào tình trạng kinh tế suy thoái trầm trọng trong năm nay. Ông Carmen Reinhart, kinh tế trưởng của World Bank nói thêm rằng cả Belarus cũng rất gần lâm vào tình trạng này.

 

2. Chảy máu chất xám

 

Kể từ khi xẩy ra cuộc chiến xâm lăng Ukraine, nhiều người Nga đã bỏ nước ra đi. Theo New York Times, tính đến 22-03-2022 đã có khoảng 50,000 – 70,000 chuyên viên kỹ thuật Nga đã ra nước ngoài. Thêm khoảng 70,000 – 100,000 người sẽ tìm nơi kh ác an cư lạc nghiệp. Những nơi người Nga đi tới là Georgia, Turkey, United Arab Emirates, Armenia, và một số quốc gia chấp nhận công dân Nga mà không đòi hỏi hộ chiếu.

 

Kinh tế Nga chỉ bằng nửa kinh tế California và 1/10 kinh tế của Hoa Kỳ. Ngoài sản phẩm năng lượng, Nga chỉ xuất cảng lúa mì, phân bón, và kim loại như nickel, cobalt, platinum, tungsten, và vanadium. Nga hi vọng phát triển công nghệ cao để đa dạng hóa kinh tế, thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô như trong vài thập niên vừa qua. Cuộc chiến xâm lăng Ukraine đã một lần nữa làm mất mát chất xám như trong thập niên 1990 và ảnh hưởng của nó sẽ kéo dài vài thập niên tới. Mơ ước xây dựng công nghệ cao của Nga đang tan ra mây khói. Kinh tế Nga trở lại thời Liên Xô mới xụp đổ ba thập niên trước, xóa bỏ những tiến bộ phát triển kinh tế thị trường đã đạt được từ thời Mikhail Gorbachev.

 

3. Hiệu quả của những biện pháp trừng phạt kinh tế không tuyệt đối

 

Trong một bài phân tách kinh tế Nga viết cho VOA trước đây, tôi đã tường thuật rằng sau khi Putin xua quân Nga vào Ukraine, Ruble tiếp tục mất giá. Một đồng Ruble trị giá không tới 1 xu của USD. Đồng Ruble tiếp tục mất giá trong hai tuần kế tiếp. Một USD có thể đổi được 142.64 Ruble vào ngày 7-3-2022.

 

Ngân Hàng Trung Ương Nga phải can thiệp bằng cách tăng lãi xuất từ 9.5% lên đến 20% vào ngày 28-2-2022. Chính quyền Nga đã phải thi hành một số biện pháp khác để nâng giá đồng Ruble như bắt buộc những công ty xuất cảng dầu khí chỉ được giữ 20% ngoại tệ, đổi số tiền còn lại qua Ruble. Mới đây, Nga buộc những nước mua dầu khí phải trả bằng tiền Ruble. Tất cả những cường quốc kinh tế đầu không chấp nhận đòi hỏi của Nga vì nó vi phạm khế ước đã ký, theo đó mua dầu khí của Nga trả bằng US$ hoặc Euro, nhưng có một vài nước đồng ý trả bằng tiền Ruble như Armenia. Trung Quốc trả bằng tiền Yuan và Ân Độ trả bằng Rupee.

 

Nhờ một phần vào những biện pháp kể trên, giá trị của đồng Ruble từ lúc thấp nhất vào ngày 07-03-2022 đã hồi phục ở mức 84 ruble / US$ vào ngày 05-04-2022. Ngoài ra, trị giá nhập cảng của Nga trong thời gian qua đã giảm xuống rất nhiều so với xuất cảng vì cấm vận. Cán cân thương mại được cải thiện của Nga giúp cho Ruble phục hồi một phần. Tuy nhiên không phải nhờ vậy mà kinh tế Nga đã thoát khỏi những hệ quả của những biện pháp trừng phạt của Tây phương.

Trong khi hầu hết những quốc gia tiêu thụ trên thế giới liên kết với nhau lên án lại cuộc xâm lăng của Nga với 141 phiếu thuận và 5 phiếu chống, có một số nước bỏ phiếu trắng tromg đó có những nước lớn như Trung Quốc, Ân Độ, Brazil, Nam Dương và Saudi Arabia từ chối không tham gia vào các biện pháp trừng phạt hoặc còn tìm cách làm ăn với Nga. Do đó, kinh tế Nga không hoàn toàn bị cô lập.

 

Ấn Độ thông thường nhập cảng 80% dầu khí từ Iraq, Saudi Arabia, United Arab Emirates và Nigeria và khoảng 2% - 5% dầu thô từ Nga. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, Ấn Độ gia tăng mua dầu thô giảm giá đáng kể từ Nga. Giá giảm 20% là một mức đáng kể với 80% nhu cầu dầu nhập cảng, đặc biệt sau đại dịch Covid và kinh tế trì trệ. Ngoài ra, Ấn Độ muốn duy trì một liên hệ ngoại giao tốt đẹp với Nga, một đồng minh của Ấn Độ trong những cuộc tranh chấp với Trung Quốc, Pakistan. Ngoài ra, Ấn Độ mua 60% võ khí của Nga.

 

Trung Quốc là một quốc gia lớn nhập cảng dầu của Nga với số lượng 1.72 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2021. Hiện nay số lượng nhập cảng dầu từ Nga tạm thời giảm vì Trung Quốc đang phải áp dụng chính sách hạn chế số lượng dầu dành cho những công ty lọc dầu tư nhân vì lý do môi trường. Trung Quốc chắc chắn trong tương lai sẽ mua dầu nhiều hơn vì giá giảm và có thể trả bằng Yuan. Nga hiện có sẵn hệ thống ống dẫn dầu dài 4,188 km từ Siberia đến Trung Quốc với một khả năng 58 triệu tấn dầu mỗi năm. Trung Quốc từng mua dầu giá rẻ của Iran ngay cả trong thời gian nước này bị cấm vận vào 2011.

 

Theo cơ quan truyền thông Deutche Welle (DW) của chính phủ Đức, công ty Bosch đang bị điều tra vì Ngoại Trưởng Dmytro Kuleba tuyên bố Ukraine tìm thấy bộ phận do Bosch sản xuất trong quân xa của Nga tại Ukraine. Ông cho biết thêm rằng bao năm nay, Bosch đã cung cấp bộ phận cho quân dụng của Nga. Chính phủ Đức đang điều tra việc này.

Bộ Thương Mại Hoa Kỳ vào đầu tháng 4 đã cấm không xuất cảng cho ba công ty hàng không Nga, kể cả Aeroflot, vì đã bay phi cơ Boeing trong nước Nga và đi tới một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, Turkey, Ấn Độ và United Arab Emirates mà không xin phép theo thủ tục cấm vận.

 

Một trong những cách đánh giá hiệu quả của lệnh cấm vận là khả năng kiểm tra và trừng phạt những vi phạm. Lệnh cấm vận là cơ hội làm giầu cho những nhóm mua bán hàng cấm, đặc biệt là dầu khí của Nga đang giảm giá và những hàng công nghệ bị cấm xuất cảng qua Nga. Một số viên chức Hoa Kỳ cho hay Nga đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp trang bị quân sự. Trung Quốc có luật cấm công dân tuân thủ luật cấm vận của các nước ngoài. Cho tới nay theo báo chí từng thuật, chỉ có vi phạm lệnh cấm vận nhỏ.

 

Kết luận

 

Những cảnh cáo liên tục trước ngày 24-2-2022 về cấm vận đã không làm cho Nga bỏ ý định mang quân xâm chiếm Ukraine. Cuộc chiến đã bước qua ngày thứ 55 nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ chấm dứt cuộc xâm lăng Ukraine. Cuộc họp tay đôi giữa Tổng Thống Vladimir Putin và Tổng Thống Karl Nehhammer của Áo tại Moscow vào 11-04-2022 không dẫn đến một kết quả nào và cũng không có đến cả một thông cáo chung. Ngoại Trưởng Áo Alexander Schallenberg nói với báo chí rằng cuộc gặp gỡ tạo một cơ hội để nói ra một thông điệp chính trị rõ ràng cho Putin rằng ông đã cô lập hóa nước Nga. “Đây là một chiến tranh ông không thể thắng một cách đạo đức. Ông đã thua cuộc.”

 

Một trong những tính toán sai lầm của Putin là ông không ngờ được Tây phương đã đoàn kết đồng loạt thi hành những biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng nhất từ Thế Chiến II đến nay, đã làm đảo lộn và suy thoái nền kinh tế Nga một cách đáng kể. Kinh tế Nga tương đối nhỏ cho nên biện pháp trả đũa kinh tế của Nga đối với Tây phương không đáng kể. Putin cũng không ngờ được rằng dù lệ thuộc vào dầu khí của Nga, ông cũng không thể hăm dọa được các nước Liên Âu. Chính Nga cũng cần có người tiêu thụ dầu khí để sống còn.

 

Lịch sử cho thấy cấm vận đơn thuần rất khó đưa đến mục tiêu mong muốn như trong trường hợp này là Nga rút quân ra khỏi Ukraine, đặc biệt đối với một nước độc tài. Nó cần phải có những biện pháp quân sự đi kèm như các nước Tây phương đang làm là giúp Ukraine những võ khí tự vệ hiện đại cần thiết.

 

Một số nghiên cứu cho thấy rằng cấm vận thường chỉ có 30% - 40% cơ may thành công và đạt được mục tiêu khiêm nhường. Mục tiêu của cấm vận năm 2022 để trục xuất Nga ra khỏi Ukraine. Nếu không đạt được, Nga cũng phải trả một giá rất đắt về mặc kinh tế cũng như quân sự.

 

Khi những thẻ tín dụng không sử dụng được, thực phẩm biến mất trong các kệ hàng, lạm phát lên cao, nạn thất nghiệp trở nên trầm trọng, nhiều bao bọc xác chết của các quân nhân tử trận trở về, đó là lúc nội bộ Nga có vấn đề.

 

Elvia Nabiullina, Chủ Tịch Ngân Hàng Trung Ương Nga, nói hệ quả của cấm vận chỉ mới bắt đầu. Thật vậy, Nga sẽ tiếp tục bị cô lập về kinh tế và mức sống của dân Nga sẽ suy giảm ít nhất trong 5 năm tới.

 

Cấm vận Nga cũng là để răn đe Trung Quốc nếu nước này mang tham vọng chiếm Đài Loan bằng võ lực.

 

--------------

 

THAM KHẢO

 

1. Aljazeera, “What is behind Putin’s demand for Russian gas to be paid in roubles?” April 1, 2022.

 

2. BBC, What sanctions are being imposed on Russia over Ukriane Invation?,” April 11, 2022.

 

3. Douglas Broom, “What else does Russia export, beyond oil and gas?,” World Economic Forum, March 18, 2022.

 

4. Alisa Chang, et al, “A look at whether the sanctions on Russia are actually working,” NPR, April 7, 2022.

 

5. Rob Davies, Andrew Roth, “Putin signs order demanding gas payments in Roubles from Friday,” The Guardian, March 31, 2022.

 

6. Livvy Doherty, Anna Cooban, “World’s top oil trader will stop buying Russian crude,” CNN, April 13, 2022.

 

7. Kevin T. Dugan, “Are the sanctions against Russia working or not?,” The Money Game, April 9, 2022.

 

8. Daniel Estrin, “How sanctions have impacted Russia’s economy – and weather that will help end the war,” NPR, April 13, 2022.

 

9. Kevin Freking, “Congress votes to suspend Russia trade status, enact oil ban,” The Washington Post, April 7, 2022.

 

10. Paddy Hirsch, “How Russia rescued the ruble,” NPR, April 5, 2022.

 

11. Gary Clyde Hufbauer, Megan Hogan, “How effective are sanctions against Russia?,” Peterson Institute for International Economics, March 16, 2022.

 

12. Irina Ivanova, “Western sanctions are pummeling Russia’s economy,” Money Watch, April 6, 2022.

 

13. Nguyễn Quốc Khải, “Những trừng phạt kinh tế Nga vì chiến tranh xâm lược Ukraine,” VOA, April 1, 2022.

 

14. Julia Kollewe, “Russian default on debts no longer ‘improbable’, say IMF head,” The Guardian, March 13, 2022.

 

15. Cade Metz, Adam Satariano, “Russian tech industry faces ‘brain drain’ as workers flee,” April 13, 2022.

 

16. Editor OilPrice.com, “Russian oil continues to flow to India and China,” April 9, 2022.

 

17. Brian Picone, Dean A. Barclay, “President Biden signs bills to suspend permanent Normal Trade Relations with Russia, codify import ban on Russian oil, and reauthorize Magnitsky sanction law,” White & Case, April 11, 2022.

 

18. Reuters, “Analysis: Russian workers face new reality as Ukraine war sanctions sap job prospects,” April 13, 2022.

 

19. Reuters, “Russia’s economy set for biggest contraction since 1994, Kudrin says,” April 12, 2022.

 

20. Reuters, “Who is buying Russian crude oil and who has stopped,” April 6, 2022.

 

21. Erin Snodgrass, “Putin acknowledges that Western sanctions have started to hurt Russia’s oil and gas industry,” Business Insider, April 14, 2022.

 

22. Anton Troianovski, “Bleak assessments of the Russian economy clash with Putin’s rosy claims,” Reuters, April 18, 2022.

 

23. Alex Seitz Wald, “After another round of Russia sanctions, what are they, and do they work?” NBCNews, April7, 2022.

 

24. Deutsche Welle, “Bosch faces probe over possible Russia sanctions violations – report,” March 18, 2022.

 

25. Christina Wilkie, “Putin’s invasion of Ukraine will knock 30 years of progress off the Russian economy,” CNBC, March 14, 2022.

 

26. Tommy Wilkes, “Analysis: Russia’s rouble rebound is not as real as it seems,” Reuters, April 1, 2022.





No comments: