Saturday, June 11, 2022

CUNG TIẾN và "HOÀI CẢM" (Nguyễn Thông)

 



Cung Tiến và “Hoài cảm”   

Nguyễn Thông

6/6/2022  18:46  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02H7eSqmgvkXMUSAJaS6dHzNvnKYzRMAeLucmoTXjRNkmEmPkPABkrLo7HDA7YEzFl&id=100024722048900

 

Nhạc sĩ danh tiếng ở miền Nam trước biến cố năm 1975 Cung Tiến, tên đầy đủ là Cung Thúc Tiến, vừa qua đời tại Mỹ.

 

Nhắc tới ông, tôi nhớ ngay mấy câu trong bài hát “Hoài cảm”, nghe bảo ông viết khi mới 14 - 15 tuổi. Ở tuổi ấy, tôi gần như chửa biết gì ngoài đi học và chăn trâu cắt cỏ, làm ruộng. Khôn chả ra khôn, dại thì đầy dại. Nhưng với Cung Thúc Tiến thì “chờ nhau hoài cố nhân ơi/sương buồn che kín nguồn đời/cố nhân xa rồi có ai về lối xưa”…

 

Hồi ở miền Bắc, tất nhiên trước năm 1975, đám chúng tôi bị phong tỏa trong vòng kim cô văn nghệ cách mạng, gần như rất ít biết những gì xảy ra trong đời sống văn học nghệ thuật ở miền Nam. Thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên thuộc làu, nhạc Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Xuân Giao hát suốt ngày, nhưng lại rất xa lạ, mơ hồ, nhợt nhạt với những Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, những Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Trịnh Công Sơn. Và gần như kiến thức cực mỏng về Cung Tiến. Thời chuyên chính nó thế, nếu tò mò tìm hiểu về văn nghệ “bên kia vĩ tuyến” có thể bị bắt, bị đi tù. Nghĩ mà thương cho những ca sĩ kiểu Lộc vàng, chỉ vì biết sớm quá mà lụy đến thân. Mọi thứ chỉ bị vỡ òa sau tháng 4.1975.

 

Năm 1977 tôi vào nhận việc ở Sài Gòn, do tổ chức phân công (thời ấy người ta hay gọi cơ quan nhà nước là tổ chức, nghe đã thấy khiếp). Năm 1978, một người bạn đồng môn là anh Bùi Trọng Cường, bộ đội đi học nhưng rất nghệ sĩ, say mê nhạc, và cực mê “nhạc vàng”, vào chơi. Anh rủ tôi đi tìm mua băng cassette nhạc vàng, thời ấy chưa có đĩa (CD, DVD), ngoại trừ đĩa than. Tôi mượn chiếc xe đạp chở anh đi. Dạy tới đại học nhưng chiếc xe đạp cũng không có. Hai anh em lang thang nhẩn nha đường Nguyễn Huệ quận 1, sục vào mấy cái ki ốt chuyên bán băng đĩa nhạc. Nếu hỏi mua nhạc cách mạng, nhạc Liên Xô thì đầy, nhưng hỏi băng Khánh Ly, Thanh Thúy, Lệ Thu, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Duy Khánh, người ta cảnh giác dòm ngó dò xét chán chê mới đem hàng “quốc cấm” cho coi. Về tới nhà, lần đầu tiên tôi được nghe “Sơn ca 7” Trịnh Công Sơn - Khánh Ly, nghe “Chuyến đò vĩ tuyến” Lam Phương, và “Hoài cảm” của Cung Tiến. Gần như lạc vào một thế giới tinh thần khác những gì mình đã có, được trang bị, bị áp đặt. Một cuộc tiểu giải phóng cá nhân, đưa mình thoát khỏi thế giới anh hùng để trở về cuộc sống bình thường của con người đủ mọi vui buồn.

 

Từ bấy giờ để ý tới cái tên Cung Tiến. Thầy Vy bạn tôi bảo nghe như ở chốn cung đình hoặc chùa chiền. Lần mò tìm hiểu thì ra họ Cung nguồn gốc bên Tàu. Đọc “Đông chu liệt quốc” thấy kể Thái Thúc Đoạn (Đoàn) là con vua Trịnh, do tranh giành ngôi vua với anh trai nên bị đánh đuổi, chạy ra ấp Cung, liền lấy họ Cung, thành Cung Thúc Đoạn.

 

Ở Việt Nam, người họ Cung nổi tiếng nhất có nhẽ là ông Cung Đình Vận tuần phủ Thái Nguyên. Hồi cách mạng cướp chính quyền tháng 8.1945, phủ Thái Nguyên bị thất thủ, ông Vận phải trốn. Đến tháng 12 cùng năm thì bị bắt, chính quyền cách mạng đem ông ra xét xử, tuyên án tử hình, thi hành án ngay lập tức. Ông Vận là người tài giỏi, chính cụ Hồ cũng định dùng, chả hiểu sao lại như thế. Chợt nghĩ đến trường hợp tương tự là cụ Phạm Quỳnh cha ông nhạc sĩ Phạm Tuyên. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

.

42 BÌNH LUẬN   

 

-----------------------------------------------

 

Cung Tiến và Hoài cảm (kỳ 2)   

Nguyễn Thông

7/6/2022  22:25  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02md8XhoELixZKTustkcMrkmR4wWDWZvb2CSMGYhJHd2YBbzaLPJ5fPrsySJqN8qRUl&id=100024722048900

 

Tôi biết những chuyện ấy (về Cung Đình Vận) qua lời kể của một đồng nghiệp cùng trường, thầy Cung Bỉnh Duyệt. Thầy là cháu gọi quan tuần Cung bằng bác, sau cơn gia biến, cả nhà phải trôi giạt vào Sài Gòn. Thầy từng học trường dòng nhưng không theo đến đầu đến đũa, người nửa chừng như vậy ta quen gọi là thầy tu xuất. Thầy xuất Duyệt học Đại học Khoa học Sài Gòn và thành giáo viên dạy vật lý. Một người giỏi chuyên môn, thạo tiếng Pháp tiếng Anh, làu tiếng Latinh. Những năm 80 Sài Gòn đói rài đói rạc, phòng thầy Duyệt ở tầng 5, phòng tôi ở tầng 4 ký túc xá lúc nào cũng quang quác tiếng gà. Chả là chúng tôi mỗi nhà nuôi gần chục con gà công nghiệp đẻ, lấy trứng đem ra chợ An Đông bán cho người Tàu, thêm chút ít tiền lời lãi vào đồng lương chết đói. Cám cảnh nhau, hễ có gì ngon, thầy lại lấy cọc màn dộng xuống nền nhà rủ tôi lên nhắm. Nhớ lần đàn gà của thầy chẳng biết trúng phải thứ chi đó bị động kinh, cứ đi giật lùi trong chuồng rồi lăn quay ra ngáp ngáp. Thầy tu xuất lo lắm. Một đứa học trò mách cho nó ăn thịt bò thì khỏi. Thầy ra ngã sáu Chợ Lớn mua 2 lạng thịt bò, thái nhỏ, bóp mỏ gà há ra nhét vào họng. Nhưng rồi thịt bò mất, đàn gà vẫn toi. Thầy Duyệt than với tôi, khổ, người bao nhiêu năm không dám ăn miếng thịt bò, nhường cho gà mà nó cũng không thương mình.

 

Có nhẽ dính tí lý lịch Cung Đình Vận nên thầy Duyệt dù rất giỏi vẫn không thăng tiến được thêm hạng nào, chỉ giáo viên quèn. Khoảng gần năm 1990 thầy xuất cảnh, sang Thụy Sĩ, nghe người ta kể lại mọi sự hanh thông lắm. Thầy Vy bảo tôi, người tài như thế thì làm sao chả phất lên được, chỉ tại xứ mình không thèm dụng thôi.

 

Nhắc đến họ Cung đất này cần kể thêm một vị danh tiếng nữa là Cung Khắc Lược. Tôi chưa gặp lần nào nhưng biết tên và sự nổi tiếng của cụ Lược. Thì ngay cả cụ Hồ đến 99,99 phần trăm người xứ ta đã nhìn tận mắt bao giờ nhưng nói về cụ chả khác gì đã đích mục sở thị. Tôi có lần xem tivi tường thuật buổi trao giải đợt học tập và làm theo phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, thấy có chị non choẹt kể bác như thế này, bác như thế kia, lòng thầm nghĩ hay đó là con cụ thì mới tường tận được vậy.

 

Nghe đám bạn ở thủ đô, nhất là mấy đứa theo nghề Hán Nôm kể cụ Cung Lược là một cây thư pháp chữ nho có hạng, hồi còn khỏe cứ dịp tết ta là cụ mở quầy bán chữ ở ven bức tường gạch cổ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, người đến xin chữ mua chữ nườm nượp. Râu tóc dài thượt bạc trắng, trông như ông tiên buôn chữ. Chữ cụ Lược rồng bay phượng múa. Trộm nghĩ, sau các cụ Nguyễn Văn Bách, Lê Xuân Hòa (đều đã quy tiên) thì cụ Lược là người cuối cùng của thế hệ ông đồ cũ “vẫn ngồi đấy/qua đường không ai hay/lá vàng rơi trên giấy/ngoài trời mưa bụi bay”. Đâu có như ông thư pháp viết bức cho thủ tướng ta tặng thủ tướng Nhật hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa rồi, chỉ nhõn 4 chữ thì 2 chữ thiếu nét. Lão bạn tôi, tay trùm Hán Nôm Cao Tự Thanh cười chua chát bảo nghĩ mà "ló" chán, cả ông viết lẫn ông tặng.

 

Giở lại chuyện Cung Tiến. Những bài hát của ông như thứ nước róc rách len nhẹ vào hồn. Lần nào cũng vậy, nghe xong “Hoài cảm” cứ man mác buồn, chả biết buồn bởi cái gì. Hình như con người ta, bản chất vốn cô đơn, mà nhạc Cung Tiến thì nhẹ nhàng phang vào đúng chỗ ấy. Bài nào của ông cũng vậy. Thế mới tài. Nhưng chả hiểu sao tôi chỉ thích “Hoài cảm”, thường lẩm nhẩm một mình, nhất là những lúc ngồi cô độc trước máy trong đêm như thế này.

 

Lại nhớ cái buổi chiều năm 1978 ở ký túc xá nghèo, nghe Lệ Thu hoài cảm xong, bác Cường trầm ngâm bảo rằng với Cung Tiến và “Hoài cảm” thì chỉ Lệ Thu là nhất. Rồi hai anh em lẩm nhẩm theo nàng “Chiều buồn len lén tâm tư/mơ hồ nghe lá thu mưa/dạt dào tựa những âm xưa/thiết tha ngân lên lời xưa/Quạnh hiu về thấm không gian/âm thầm như lấn vào hồn/buổi chiều chợt nhớ cố nhân/sương buồn lắng qua hoàng hôn/…còn đâu mùa cũ yên vui/nhớ thương biết bao giờ nguôi”.

 

(Buồn, không ngủ được, 3 giờ sáng, dậy biên nốt)

 

Nguyễn Thông

 

HOÀI CẢM - Nhạc Cung Tiến - Ca sĩ Lệ Thu – BP   

 

.

12 BÌNH LUẬN  

 

 

 


No comments: