Các
cuộc chất vấn tại Quốc Hội Việt Nam làm lộ rõ tầm của đại biểu
RFA
2022.06.08
Ảnh minh họa: Một kỳ họp Quốc hội trước đây. AFP PHOTO
Lãnh đạo
Quốc hội Việt Nam mới đây cho rằng, các Đại biểu Quốc hội luôn nêu cao tinh thần
trách nhiệm để có một phiên chất vấn, trả lời chất vấn thực chất, hiệu quả. Chủ
tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu như vừa nêu tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội
Khóa 15 hôm 7/6/2022.
Theo ông
Huệ, phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, hoạt động
giám sát của Quốc hội và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn… để đáp ứng ngày
càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và cử tri.
Sử gia Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội, khi trả lời
RFA hôm 8/6/2022, giải thích về công việc chất vấn tại Quốc hội Việt Nam:
“Đối với
Việt Nam thì chất vấn là một hình thức giám sát tối cao nhất. Từ lâu Việt Nam
đã cho phép truyền hình trực tiếp nên hiệu ứng rất mạnh trong xã hội. Chất vấn
thì bao giờ cũng có người hỏi, người đáp, đó là cơ hội để cho người dân đánh
giá không chỉ các vị bộ trưởng hay các vị quan chức… mà họ đánh giá luôn cả đại
biểu nêu vấn đề. Tôi phải nói là sinh hoạt này bây giờ đã đi vào đời sống để
chúng ta theo dõi. Tôi không đủ khả năng đánh giá người dân quan tâm như thế
nào, nhưng qua những ý kiến trao đổi trên báo chí và các phương tiện mạng thì
nó cũng tạo nên sự giám sát rất chặt chẽ hay nói cách khác là cũng tạo áp lực
cho sinh hoạt này.”
Ông Quốc
cho biết thêm, hiện việc chất vấn đang diễn ra khi cuộc đấu tranh chống tham
nhũng tại Việt Nam đang quyết liệt, như việc bộ trưởng Y tế và chủ tịch Hà Nội
liên quan đến Việt Á… Thì có thể nói chất vấn đã thỏa mãn lòng dân. Nhưng mặt
khác theo ông Quốc, nó cũng đặt ra hàng loạt vấn đề về đội ngũ quan chức của Việt
Nam. Ông nêu dẫn chứng:
“Ví dụ
cùng cơ quan dân cử như Hội đồng Nhân dân hay Quốc hội chấp thuận đề bạt một
người vào chức vụ… thì chỉ một hai năm sau lại chính những con người ấy biểu quyết
để miễn nhiệm, thậm chí có thể bị tù. Người ta mới đặt vấn đề là năng lực giám
sát của cơ quan dân cử như thế nào? Quốc hội khóa 15 chỉ mới hơn một năm nay,
các đại biểu lần đầu tham dự thế nào cũng có những thiếu sót về kỹ năng, năng lực
thể hiện nhưng cũng có những ý kiến tạo ra dư luận xã hội, đó là biểu hiện tích
cực. Trong khi đó, cũng có thể nói một cái yếu của Quốc hội Việt Nam là tính
chuyên nghiệp không cao. Do cơ chế tổ chức, có người có năng lực thể hiện chưa
phát huy hết thì đã hết nhiệm kỳ. Có ra tiếp tục ứng cử hay không thì không thuộc
cái quyền của đại biểu đó, mà do cơ chế của tổ chức phân công. Cái đó ai cũng
nhìn thấy nhưng chưa được khắc phục một cách căn bản.”
Dư luận
trên mạng xã hội cũng cho rằng, các cuộc chất vấn gần đây đã hơn hẳn những lần
trước bởi tính chất thời sự, người trả lời chất vấn cũng đã tỏ ra có thiện chí
và không tránh né.
Tuy nhiên,
Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc khi nhận định với RFA hôm 8/6 thì cho rằng việc chất
vấn cũng chưa tốt hoàn toàn:
“Vấn đề chất
vấn các Bộ trưởng, Thủ tướng, Phó thủ tướng… trên Quốc hội Việt Nam trong nhiều
nhiệm kỳ qua, nhất là từ khi được trực tiếp truyền hình… Thì tôi thấy đảng và
nhà nước có một công thức, là chất vấn để làm rõ hơn sự điều hành của chính phủ,
để rút kinh nghiệm cùng nhau bắt tay xây dựng các thứ. Chứ không phải chất vấn
để tìm ra khuyết điểm của từng Bộ trưởng hoặc thành viên Chính phủ để cách chức.
Điều này hoàn toàn khác với các nước phương Tây. Nhưng nếu cử tri theo dõi những
buổi chất vấn thì thấy có những vấn đề nóng của đất nước được nêu trên diễn đàn
Quốc hội.”
Theo ông
Phúc, đó là một tín hiệu rất tốt so với 20-30 năm trước. Khi trả lời chất vấn
có những vấn đề được rõ hơn, nhưng cũng có những vấn đề không làm rõ được. Ông
Phúc giải thích:
“Chúng ta
biết rằng, tất cả sự vận hành của đất nước này đều do sự lãnh đạo của đảng Cộng
sản Việt Nam. Do đó có những vấn đề có thể nói và có những vấn đề không thể nói
rõ trên phương tiện truyền thông. Đó cũng là hạn chế, nhưng nhìn chung, tôi thấy
rằng những vấn đề nóng đã được đặt trên diễn đàn Quốc hội, dù Bộ trưởng có trả
lời được hay không cũng là một tín hiệu tốt, để cho thấy rằng sự bức xúc của cử
tri đối với các vấn đề chính phủ làm chưa được, hay những quyết định của từng Bộ
trưởng, để cho người dân đánh giá… Đó là một ưu điểm, không thể đòi hỏi hơn được
nữa.”
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng
phát biểu khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15 vừa được bầu tại Hà Nội
vào ngày 20 tháng 7 năm 2021. Nhac NGUYEN / AFP.
Trong thời
gian qua, không ít lần các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nêu lên công khai tại
nghị trường những đề xuất vô bổ, không thiết thực... thậm chí ngớ ngẩn... mà
chính truyền thông nhà nước loan tải. Tình trạng này khiến người dân không khỏi
thắc mắc: ‘Sao một vị ĐBQH, đa phần là cán bộ lãnh đạo các địa phương, lại ăn nói
như vậy?’
Nhà Nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban
Dân vận Trung ương, nói với RFA hôm 8/6/2022:
“Thật
ra chất lượng chất vấn của đại biểu Quốc hội hiện nay là rất thấp. Bởi vì vấn đề
họ có thật sự xứng đáng là đại biểu Quốc hội hay không? Hay chỉ là người của đảng
cử vào quốc hội. Với tư cách như thế đã làm cho người ta không thể tin được chất
lượng đại biểu của họ. Cho nên Đại biểu Quốc hội này thật ra là cơ quan của đảng
phân công, để mà nói một vài ý kiến hợp thức hóa lãnh đạo của đảng mà thôi. Cho
nên về nguyên tắc nó là vô nghĩa, tôi phải đánh giá chất lượng ý kiến của Quốc
hội không đáng kể đối với nhu cầu của xã hội, của dân tộc.”
Quốc hội
là nơi hoạt động lập pháp, giám sát các hoạt động hành pháp và tư pháp... trong
việc thực hiện các nghị quyết do Quốc hội đề ra. Ngoài ra, Quốc hội còn là nơi
đề xuất, thảo luận các vấn đề mang tầm vĩ mô về kinh tế-xã hội, quốc kế dân
sinh... Nói như thế để thấy rằng, các đại biểu khi họp Quốc hội không được sa
vào bàn luận những tiểu tiết hay quá cụ thể vì những công việc này sẽ do chính
phủ quy định cụ thể theo đặc thù từng ngành.
Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định thêm về vấn đề này:
“Chúng
ta cũng thấy rõ rằng, gần 500 đại biểu Quốc hội trình độ khác nhau, nhận thức
khác nhau, tiếp cận một vấn đề cũng khác nhau. Do đó có những câu hỏi rất chất
lượng đi vào việc quốc gia đại sự, quốc kế dân sinh… thấy rõ ràng trong thời
gian qua là đại biểu Trương Trọng Nghĩa, hay sử gia Dương Trung Quốc hay trước
đây giáo sư Nguyễn Minh Thuyết… Họ có những câu hỏi đi vào trọng tâm của vấn đề,
chứ không phải những câu hỏi minh họa cho các bộ trưởng trả lời. Có những câu hỏi
hết sức nhỏ, không đi vào đúng lĩnh vực Quốc Hội mà chỉ ở cấp phường xã hoặc quận
huyện, ví dụ như ‘khen hàng xóm đẹp là bạo lực gia đình’… rất vô duyên.”
Theo ông Phúc, hạn chế đó là do cơ cấu đại biểu Quốc
hội phải có đủ thành phần đại diện như công nhân, nông dân, trí thức… Trong khi
Mặt trận Tổ quốc đã có đại diện của tất cả thành phần rồi, thì Quốc hội cần
nâng cao chất lượng của đại biểu lên. Ông nói tiếp:
“Thời kỳ
này không phải thời kỳ Quốc hội sau năm 1975, một chị công nhân vệ sinh cũng được
cơ cấu vào Quốc hội. Khi được hỏi làm gì để tròn vai trò đại biểu thì bà ta lại
nói rằng: ‘em cố gắng đoàn kết nội bộ, nâng cao năng suất lao động’. Theo tôi
đã qua thời kỳ đó rồi, đại biểu Quốc hội hiện nay phải là những thành phần tinh
túy nhất, đại diện cho tiếng nói của cử tri, bàn những vấn đề quốc gia đại sự…
Chứ không phải những vấn đề ở quận mình, ở tỉnh mình cũng đem lên diễn đàn quốc
hội thì rất mất thời gian và cũng không giải quyết được.”
Nhà hoạt động
Trần Bang khi còn tại ngoại nói với RFA rằng, các Đại biểu Quốc hội vì không thể
nói gì hay hơn, mà chả lẽ trong năm năm làm đại biểu lại không nói gì, nên phải
nói, nhưng nói toàn điều ngớ ngẩn, và đúng là nghị gật theo nghĩa đen chứ không
phải nghĩa bóng nữa.
--------------------
Tin,
bài liên quan
Quốc
Hội Việt Nam: Cơ quan quyền lực cao nhất, hay là công cụ “luật hoá” của đảng?
Suy
nghĩ về bốn lãnh đạo cấp cao vừa được Quốc Hội bầu lại
Quốc
hội có thành công như báo đăng?
Vì
sao ba tháng nữa Quốc hội lại bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội?
Đến
khi nào Quốc hội Việt Nam mới thực sự ‘của dân, do dân và vì dân’?
No comments:
Post a Comment