24/05/2022
https://vietbao.com/a312217/suy-thoai-muon-nam
“Trước
tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận
không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, hơn lúc nào hết, công tác xây dựng, chỉnh
đốn Đảng và hệ thống chính trị về đạo đức, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân
càng phải được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, đúng với vị trí và tầm quan trọng
của nó.”
Đó là lới nói của ông Võ Văn Thưởng, Bí thư thường trực Trung ương đảng CSVN tại
cuộc hội thảo vào dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh ông Hồ Chí Minh
(19/5/1890– 19/5/2022); kỷ niệm 53 năm Ngày ra đời tác phẩm "Nâng cao đạo
đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân".
Nội dung phát biểu của ông Thưởng, ngưởi chỉ đứng sau Tổng Bí thư Nguyện Phú Trọng
còn được phổ biến dưới dạng “bài viết” trên Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận
hàng đầu của Ban Tuyên giáo và Hội đồng lý luận Trung ương.
Nhưng tại sao vào thời điểm “giữa nhiệm kỳ 5 năm” của khóa đảng XIII (2021–
2026), khi những vận động kế vị ông Trọng diễn ra âm thầm nhưng gay gắt trong nội
bộ, thì ông Thưởng lại nhắc đến lời dậy của ông Hồ về “đạo đức cách mạng”
và “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” trong cán bộ, đảng viên?
Phải chăng đây là dấu hiệu không hay, báo trước hai mục tiêu chính trị của khóa
đảng XIII không đạt được, đó là:
– Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh.
– Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu
cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến",
"tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Hai vấn đề này đã theo đuổi đảng như hình với bóng từ khóa đảng XI, khi ông
Trọng lên cầm quyền thay Tổng Bí thu Nôn Đức Mạnh. Nay đã quá 10 năm mà chuyện
đâu vẫn còn đó là thế nào?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng giải thích: “Sự suy thoái về đạo đức,
lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám
quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa
dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân. Từ suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển
hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể
dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại
lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc…”
Ông Trọng nói: “Một trong những nguyên nhân chủ yếu của sự suy thoái ấy
chính là “bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên
thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ
nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân”
Nhưng tại sao vấn đề “suy thoái tư tưởng chính trị” và “đạo đức lối sống”
trong đảng đã được thảo luận và ra Nghị quyết phải chỉnh đốn và xây dựng từ năm
2012 mà đến năm 2022 vẫn chưa đâu vào đâu là vì sao?
Có 3 lý
do:
Thứ nhất,
đảng từng thừa nhận đã có “một số không nhỏ” cán bộ dảng viên cấp lãnh đạo lười
học và không học làm theo Nghị quyết, chỉ thị của đảng, hoặc có làm thì
cũng chỉ hình thức cho xong để báo cáo lấy điểm. Thêm vào đó là tình trạng “dĩ
hòa vi quý, nay anh mai tôi cùng hưởng lợi” đã được nuôi dưỡng, phát triển
trong nội bộ để vô hiệu hóa Nghị quyết đảng.
Thứ hai, đảng hô hào toàn đảng, toàn dân “chống tham nhũng, tiêu cực”, nhưng
tham nhũng khi nào cũng “vẫn còn nghiêm trọng và tinh vi” năm này qua năm khác,
năm sau lại cao hơn năm trước “không ai chịu trách nhiệm”, hay bị “quy trách
nhiệm”,nên ai cũng phó mặc cho đảng vật lộn với con bệnh trầm kha này.
Thứ ba, ở
Việt Nam không ai còn mơ màng Thế giới Cộng sản lạc hậu do Nga lãnh đạo như hồi
chiến tranh lạnh sẽ được phục hồi như đảng tuyên truyền. Ngược lại, chủ nghĩa
Mác– Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh đã thật sự chết ở Việt Nam từ năm
1986, khi đảng CSVN phát động chính sách “đổi mới”, từ bỏ làm Kinh tế bao cấp,
chỉ huy theo mồ hình Liên Xô để sang Kinh tế thị trường của Chủ nghĩa Tư bản,
được che đậy bằng cái đuôi “theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa”.
Để có bằng chứng đảng chưa làm ra cơm cháo gì, tay hãy theo dõi từng giai đoạn
cầm quyền của ông Nguyễn Phú Trọng xem ông có hơn gì những người tiền nhiệm
không.
TRUNG ƯƠNG 4/XI
Hồi đó, tại Hội nghị
Trung 4/XI, Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện
nay” đã báo động: “ Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế,
yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm
được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được
sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của
chế độ.”
Theo kết luận của đảng thì đã có: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng
viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số
cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu
hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội,
thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng,
lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”
Mặc dù Nghị quyết này không nói đến trách nhiệm của hai khóa IX và X thời
Nông Đức Mạnh, nhưng gay gắt vạch ra: “Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá
nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định
rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết
điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể,
không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt
tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì
trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.”
Đảng kết luận: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ
phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn
còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.”
TRUNG ƯƠNG 4/XII
Năm năm
sau, Bước qua khóa đảng XII, đảng lại họp Hội nghị Trung ương 4 và ra Nghị quyết
“Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa" trong nội bộ.”
Từ “những hạn chế” 5 năm trước, đảng tụt xuống “ "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa" trong nội bộ.”
Đảng than: “Công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy
và học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu.
Nội dung sinh hoạt đảng ở nhiều nơi còn đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí
có nơi mất sức chiến đấu. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên
còn yếu kém. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện
tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự
sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức
răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận
không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến
tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập
trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.”
Từ bước
lùi này, đảng cảnh cáo: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn,
thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với
các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng
và dân tộc.”
TRUNG ƯƠNG 4/XIII
Như vậy, tất
cả những “xuống cấp” về đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, tiêu cực và tình
trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong hàng ngũ đảng đã diễn ra trầm trọng
hơn từ khi ông Nguyễn Phú Trọng nắm quyền năm 2011. Tuy nhiên ông vẫn được Đại
hội đảng XIII “đặc cách” tín nhiệm để giữ chức Tổng Bí thư lần thứ 3, một
hành động phá Điều lệ đảng không cho phép Tổng Bí thư “làm qúa 2 nhiệm kỳ”.
Ngày sau
đó, đảng lại họp Hội nghị 4 từ ngày 04/10/2021 đến ngày 07/10/2021, tại Thủ đô
Hà Nội để “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ; sửa đổi, bổ sung quy định về những điều đảng viên
không được làm.”
Trong số 19 Điều cấm kỵ, có 3 Điều quan trọng là:
Điều 1: Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ
Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm
những việc mà pháp luật không cho phép.
Điều 2:
Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; tự ứng cử, nhận đề
cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức
chính trị – xã hội, các tổ chức quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm
vụ khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép.
Điều 3:
Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi;
"tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng
không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời
quần chúng.
Nhưng một lần nữa, đảng
lại than to hơn anh mõ làng: “ Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một
bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, có
mặt, có lúc, có bộ phận còn diễn biến phức tạp, tinh vi hơn.”
SUY THOÁI MUÔN NĂM
Do đó, Trung
ương đảng đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng – chính
trị, đạo đức – lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự
chuyển hoá" trong nội bộ.
Trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đảng nhấn mạnh đến 5 trường
hợp, theo đó:
1) Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Marx
– Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
2) Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội; phụ hoạ theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.
3) Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận
chính trị; lười học tập chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ
trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
4) Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu,
không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung
bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết
lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
5) Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng,
làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không
nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu.
Từ những “suy thoái
chính trị” này, đảng viên còn có “9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống”:
1) Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén
cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh,
không muốn người khác hơn mình.
2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi
chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh
quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành.
3) Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
4) Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm,
thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi;
"chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu".
5) Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc,
không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu
trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
6) Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản,
ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp
hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công
quỹ tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời
gian lao động.
7) Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với
đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để
dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
8) Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân
chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi
ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình
để trục lợi.
9) Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức
tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục,
truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.
Cuối cùng là “9
biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ”,
theo đó đảng viên không còn sợ bị kỷ luật mà đã công khai qua những hành động:
1) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Marx– Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các
nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện
"đa nguyên, đa đảng".
2) Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", phát triển
"xã hội dân sự". Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.
3) Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng
khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ
tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
4) Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi
dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu,
bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ
trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
5) Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực
lượng vũ trang; đòi "phi chính trị hoá" quân đội và công an; xuyên tạc
đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với công
an; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an.
6) Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội,
bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức,
tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.
7) Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng
và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi
trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
8) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học– nghệ thuật. Tác
động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ suý cho
quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác,
quảng bá những tác phẩm văn hoá, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp
uy tín của Đảng.
9) Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề "dân chủ",
"nhân quyền", dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa
các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn
giáo với Đảng và Nhà nước.
Như vậy rõ ràng đảng CSVN thời ông Nguyễn Phú Trọng từ 2011 đến bây giờ (năm
2022), đã rữa nát từ nhân sự đến tổ chức, và từ lời nói đến việc làm
không còn “vì dân vì nước” như tuyên truyền bấy nay, mà là một tập thể
tham quyền cố vị, tham nhũng và tiếp tục suy thoái toàn diện.
Tuy nhiên nhiệm kỳ 3 của ông Trọng còn kéo dài đến năm 2026, và như vậy liệu
người kế vị có ngăn được cơn lũ suy thoái, hay những chứng hư tật xấu sẽ kéo
dài bất tận?
– Phạm Trần
(05/022)
No comments:
Post a Comment