Sau chuyến đi Châu Á của Tổng Thống
Mỹ
24/05/2022
https://www.danchimviet.info/sau-chuyen-di-chau-a-cua-tong-thong-my/05/2022/26212/
https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2022/05/2JIMT3EUSMRWQ6YIKBWDS4ILT4-696x525.jpeg
Lãnh đạo nhóm Quad tại Tokyo 24 tháng 5,
2022. Từ trái sang phải, Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Hoa Kỳ Joe
Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh
Sadayuki Goto/Kyodo News qua AP)
Khi kết
thúc chuyến công du châu Á đầu tiên, Tổng thống Joe Biden đã sử dụng cuộc xâm
lược Ukraine của Nga để gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc: một hành động
vi phạm trật tự quốc tế tương tự sẽ dẫn đến phản ứng gay gắt của Mỹ.
Phát biểu
tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ, gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản vào
lúc kết thúc chuyến đi, Tổng thống Mỹ nói: “Chúng ta đang len lỏi một thời điểm
đen tối trong lịch sử thế giới.”
Ông Biden
cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đang định tiêu diệt một nền văn hóa khi
nhắm mục tiêu vào các trường học, nhà thờ và bảo tàng của Ukraine; và cuộc chiến
tranh đã ảnh hưởng đến toàn thế giới, đây không chỉ là một vấn đề của châu Âu,
mà là một vấn đề toàn cầu.
Sau đây là
4 nhận xét của
CNN vào lúc chiếc Không Lực Một của tổng thống Mỹ cất cánh khỏi Tokyo
sau chuyến đi 7 ngày:
Tòa Bạch Ốc loay hoay “làm rõ” câu nói của Biden
về Đài Loan
Hôm thứ
Hai, ông Biden đưa ra lời cảnh báo rõ ràng nhất đối với Trung Quốc, nói rằng Mỹ
sẽ sẵn sàng phản ứng bằng quân sự nếu nước này xâm chiếm Đài Loan. Trong khi thừa
nhận Mỹ vẫn đồng ý với chính sách “Một Trung Quốc”, Biden hôm thứ Hai cho biết
ý tưởng về việc Đài Loan bị xâm chiếm bằng vũ lực “đơn giản là không phù hợp.”
Một ngày
sau, tại hội nghị của Bộ Tứ, Biden nói với các phóng viên rằng chính sách “mơ hồ
chiến lược” của Hoa Kỳ không thay đổi. Nhưng ông không nhắc đến chi tiết nào về
tuyên bố trước đó của mình, chỉ nói rằng lập trường của Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên.
Nhiều quan
chức Tòa Bạch Ốc đã bất ngờ trước tuyên bố hôm thứ Hai, nhiều người nói với CNN
rằng họ không ngờ tổng thống lại nói huỵch tẹt như vậy. Tòa Bạch Ốc đã
nhanh chóng làm giảm nhẹ tuyên bố này, nói rằng chính sách của Hoa Kỳ về Đài
Loan không thay đổi. Đây là lần thứ ba trong vài tháng tháng gần đây, Biden nói
rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công của Trung Quốc, để rồi
sau đó các nhân viên Tòa Bạch Ốc phải nói lại.
Theo chính
sách “Một Nước Trung Hoa”, Hoa Kỳ thừa nhận quan điểm của Trung Quốc rằng Đài
Loan là một phần của Trung Quốc nhưng chưa bao giờ chính thức công nhận yêu
sách của Bắc Kinh đối với hòn đảo này. Mỹ cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài
Loan nhưng vẫn cố tình mập mờ về câu hỏi liệu họ có can thiệp quân sự trong trường
hợp bị Trung Quốc tấn công hay không.
Trung Quốc tức giận vì Đài Loan
Bình luận
của tổng thống Mỹ nhanh chóng thu hút sự chú ý của chính phủ Trung Quốc, họ đã
tuyên bố “rất không hài lòng và kiên quyết phản đối” phát biểu của Biden, và sẽ
không cho phép bất kỳ thế lực bên ngoài nào can thiệp vào “công việc nội bộ” của
mình.
Uông Văn
Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “Liên quan đến chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích cốt lõi khác của Trung Quốc, không có cửa cho
thỏa hiệp.”
Ông nói tiếp:
“Chúng tôi kêu gọi phía Hoa Kỳ nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc Một Nước Trung
Hoa… thận trọng trong lời nói và hành động về vấn đề Đài Loan, và không gửi bất
kỳ tín hiệu sai trái nào tới các lực lượng ly khai và ủng hộ Đài Loan – để
không gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho tình hình qua eo biển Đài Loan và quan
hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ. ”
Châu Phượng
Liên, Người phát ngôn của cơ quan đặc trách các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc
nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ ngừng nói hoặc làm bất cứ điều gì vi phạm
nguyên tắc Một Nước Trung Hoa và ba Thông cáo chung Trung – Mỹ. … Những người
chơi với lửa chắc chắn sẽ bị bỏng trước tiên.”
Trung Quốc khó chịu vì Bộ Tứ
Bắc Kinh
cũng chỉ trích nhóm Quad là một “NATO của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”, cáo
buộc nhóm này “cổ vũ cho não trạng Chiến tranh Lạnh” và “gây ra sự cạnh tranh địa
chính trị.”
Trước hội
nghị thượng đỉnh hôm thứ Ba, một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ nhấn mạnh nhóm
này không phải là một khối liên minh chính thức, không có ban thư ký hoặc trụ sở
trung ương.
“Mục tiêu ở
đây không phải là tạo ra nhiều cơ quan chính thức. Mục tiêu là để tìm cách làm
việc cùng nhau về các vấn đề mà khu vực quan tâm, và hãy còn quá sớm để thảo luận
về việc mở rộng nhóm, ngoài bốn thành viên tham gia hiện tại.”
Tuy nhiên,
trong cuộc họp, Biden và ba nhà lãnh đạo kia đã công bố các chương trình mới
về chia sẻ thông tin hàng hải, vắc xin Covid và khí hậu; các trợ lý của Biden
coi Bộ Tứ là một thành phần quan trọng trong chiến lược đối ngoại đặt trọng tâm
vào việc vun đắp các mối quan hệ ở châu Á.
“Tôi
cho rằng tất cả chúng ta đều ấn tượng về mức độ thoải mái của các nhà lãnh đạo
giữa họ với nhau và họ cũng thoải mái khi trò chuyện rất, rất nghiêm túc,” quan chức này nói.
Biden cũng
đã gặp riêng tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese hôm thứ Ba, trước khi trở về
Washington. Các quan chức Hoa Kỳ đã phấn khởi khi thấy ông Albanese, mới đắc cử
hôm thứ Bảy, đã chọn chuyến đi Tokyo dự hội nghị Quad là chuyến đi
nước ngoài đầu tiên của ông.
Buổi nói
chuyện riêng với Thủ tướng với Narendra Modi của Ấn Độ có hơi căng vì ông này
chống lại áp lực của Hoa Kỳ muốn Ấn Độ lên án Nga về cuộc chiến ở
Ukraine. Ấn Độ mua nhiều vũ khí của Moscow, có một quan hệ đối tác lâu đời rất
khó thay đổi.
Biden cho
biết: “Mỹ và Ấn Độ sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ về cách giảm thiểu những tác động
tiêu cực cho trật tự thế giới.”
Biden củng cố các liên minh ở châu Á
Tổng thống
Biden đã dành chuyến đi châu Á để gặp nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản, thảo
luận về khả năng tăng cường các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và công bố dự
án hợp tác kinh tế trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Mặc dù tập
trung vào Ukraine, các quan chức Hoa Kỳ nói rằng Biden vẫn có ý định điều chỉnh
lại chính sách đối ngoại của Mỹ đối với những thách thức trong những thập niên
tới. Trước mắt, ông muốn xây dựng kiểu cấu trúc liên minh ở châu Á giống như
các đồng minh châu Âu theo cái nghĩa là nếu có “sự cố” xảy ra, liên minh này sẽ
đoàn kết tốt giống như đã hầu hết thống nhất chống lại Nga sau cuộc xâm lược
Ukraine.
Hiện nay,
không có một tổ chức châu Á nào tương đương với NATO, vì một số nước vẫn còn
“ngại” Trung Quốc, và trong những năm qua, Trung Quốc đang ra sức
phát triển sức mạnh khu vực của mình.
Biden đã
thực hiện một số bước để chống lại những động thái đó; ví dụ hồi sinh nhóm
Quad, lần đầu tiên chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân với Úc; và tuần trước tổ
chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN tại Washington để thảo luận về
thương mại và an ninh.
Tuy nhiên,
còn lâu mới rõ những bước đó có hiệu quả để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.
Một số nhà phân tích đã chỉ ra những điểm tương đồng giữa cuộc xâm lược của Nga
tại Ukraine và những lo ngại về tương lai của Đài Loan.
No comments:
Post a Comment