Sunday, May 29, 2022

BẠO LỰC SÚNG Ở MỸ : MỐI ĐE DỌA AN NINH QUỐC GIA THẬT SỰ (Đại tướng John Allen, Chủ tịch Viện Brookings)

 



NỘI DUNG :

 

Bạo lực súng ở Mỹ: Mối đe dọa an ninh quốc gia thật sự

Đại tướng John Allen, Chủ tịch Viện Brookings (*)

.

Thượng Viện ngăn chặn dự luật chống khủng bố nội địa

Hiếu Chân

.

Nước Mỹ sẽ tiếp tục để tang vì vấn nạn xả súng!

Mỹ Anh

.

Lý do Mỹ không giải quyết được khủng hoảng bạo lực súng đạn

Đơn Dương

==========================================================

.

.

Bạo lực súng ở Mỹ: Mối đe dọa an ninh quốc gia thật sự

Đại tướng John Allen, Chủ tịch Viện Brookings (*)

Hiếu Chân dịch
28 tháng 5, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/bao-luc-sung-o-my-moi-de-doa-an-ninh-quoc-gia-that-su/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1399808019.jpg

Sinh viên biểu tình trước trụ sở Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ sáng nay 28 tháng Năm 2022 đòi chấm dứt bạo lực súng đạn và tôn trọng quyền sinh sản an toàn. Ảnh Tasos Katopodis/Getty Images

 

Vụ thảm sát kinh hoàng ở trường tiểu học Robb Elementary School tại thị trấn Uvalde, Texas hôm thứ Ba vừa qua gây chấn động nước Mỹ. Đã có nhiều ý kiến phân tích, bình luận về sự kiện này, tình trạng bạo lực súng đạn ngày càng tăng và giải pháp cho vấn đề. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến sâu sắc của Đại tướng John Allen, nguyên chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ và NATO tại các chiến trường Iraq, Afghanistan và hiện là Chủ tịch Viện Brookings, cơ quan nghiên cứu chính sách hàng đầu Hoa Kỳ. Ông Allen viết bài này từ tháng Tám 2019, cách đây ba năm, nhưng đến nay vẫn đầy tính thời sự.

 

                                                                               ***

Đó là tháng Tư năm 2007 và tôi đang ở sở chỉ huy của mình ở tỉnh Al Anbar, khu vực bạo lực nhất Iraq trong năm bạo lực nhất của cuộc chiến. Trong một cuộc điện thoại từ Hoa Kỳ, tôi được trấn an rằng con gái tôi ở Đại học Virginia Tech còn sống và không hề hấn gì nhưng một trong những bạn thân của cô bé đã thiệt mạng, một số bạn bè khác đang vật lộn giành sự sống trong các ca phẫu thuật khẩn cấp. Ngày hôm đó, 32 người đã bị sát hại trong khuôn viên trường đại học, nhiều hơn rất nhiều so với số thương vong của chúng tôi ở Iraq và Afghanistan trong cùng ngày.

 

Bạo lực súng đạn ở Mỹ đã trở thành vấn đề khẩn cấp về an ninh quốc gia. Chỉ trong tuần qua, đã có ít nhất 36 người thiệt mạng và 50 người khác bị thương trong bốn vụ xả súng hàng loạt riêng biệt. Trong hai thập niên qua, hàng trăm nghìn người Mỹ đã bị giết bởi súng đạn – và mặc dù số liệu thống kê khác nhau tùy từng nguồn dữ liệu, nhiều ước tính cho rằng số người chết vì bạo lực súng đạn đã ngang bằng với tổng số quân nhân thiệt mạng của quân đội Hoa Kỳ kể từ khi Thế chiến thứ Nhất bắt đầu.

 

Là một cựu chiến binh trong các cuộc chiến Iraq và Afghanistan – và đã chỉ huy các lực lượng Hoa Kỳ và NATO ở Afghanistan – tôi đã quá quen thuộc với mối đe dọa của bạo lực súng đạn vô cớ và sự lan tràn của vũ khí giết người. Từ kinh nghiệm đó, tôi càng thấy xót xa khi người Mỹ ngày nay có nhiều khả năng phải hứng chịu bạo lực súng đạn hơn cả ở những nơi mà tôi được cử đến với danh nghĩa bảo vệ đất nước của chúng ta.

 

Không quốc gia nào khác có số người chết vì súng đạn thậm chí chỉ bằng một nửa Hoa Kỳ và không quốc gia nào sánh được với Hoa Kỳ về số lượng súng đạn đang lưu hành bên trong biên giới. Về vấn đề này Hoa Kỳ là một ngoại lệ trong cộng đồng các quốc gia và bất kể quan điểm về Tu chính án thứ Hai như thế nào, chỉ riêng dữ kiện đó cũng phải khiến mọi người Mỹ phải dừng lại và suy nghĩ.

 

Hơn nữa, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa dân tộc da trắng cũng như thượng tôn da trắng đang gia tăng ở Hoa Kỳ — và nhiều vụ xả súng hàng loạt gần đây nhất đã được thúc đẩy bởi những lời lẽ bạo lực, phân biệt chủng tộc. Vụ xả súng ở El Paso diễn ra sau khi [hung thủ] đăng một bản tuyên ngôn nêu rõ “cuộc xâm lược của người gốc Tây Ban Nha tại Texas” và các chi tiết nhằm phân chia nước Mỹ thành các vùng lãnh thổ theo chủng tộc. Những ý tưởng đáng khinh bỉ và hoàn toàn đáng lên án này đang được nuôi dưỡng trong những cái đầu xấu xa ở ngày càng nhiều nơi; các chuyên gia dự đoán rằng xu hướng này sẽ tiếp tục. Và trên thực tế, chính luận điệu phân biệt chủng tộc của tổng thống [Donald Trump] đã làm trầm trọng thêm động lực này, làm tê liệt các hành động có trách nhiệm của các đại diện dân cử và củng cố sự chia rẽ trong xã hội chúng ta.

 

Trong ​​cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (Islamic State – ISIS) tôi đã tận mắt chứng kiến bằng cách nào mà sự cực đoan hóa – đặc biệt là thông qua internet – có thể là một nhân tố chính trong việc tuyển mộ quân khủng bố. Chúng ta cần thành thật về thực tế là người Mỹ đang bị cực đoan hóa ngay tại thời điểm này trên các nền tảng Internet như mạng 4chan, hoặc gần đây là mạng 8chan. Chúng ta cần thức tỉnh trước thực tế rằng sự khoan dung của quốc gia chúng ta đối với bạo lực và sự cực đoan hóa trên mạng của người Mỹ — và đặc biệt là của những người đàn ông da trắng bất mãn — là mối đe dọa an ninh quốc gia trước mắt và ngày càng gia tăng. Hiến pháp mà tôi và rất nhiều người khác đã tuyên thệ bảo vệ đã bảo vệ quyền sở hữu và sử dụng súng của người Mỹ. Điều đó không phải nghi vấn. Nhưng chúng ta không thể cho phép sự tự do đó ngăn cản chúng ta cứu mạng sống và bảo vệ đất nước.

 

Nếu 36 người bị giết trong một tuần bởi các tổ chức al Qaeda, ISIS, Boko Haram hoặc bất kỳ nhóm khủng bố nào khác mà tôi đã chiến đấu chống lại trong sự nghiệp của mình, thì bất kỳ tổng thống nào – kể cả tổng thống hiện nay – sẽ ra lệnh cho quân đội Mỹ ra nước ngoài để loại bỏ tận gốc mối đe dọa đó. Các nhóm thánh chiến Hồi Giáo (jihadist) cực đoan hóa những người đi theo họ để chúng căm ghét và hành động theo sự căm ghét nhằm tiêu diệt toàn bộ cộng đồng và dân tộc. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, khi mối đe dọa giống như vậy đến từ bên trong thì chúng ta không thể huy động các nguồn lực và tiềm năng đáng kể của chúng ta để xử lý chúng một cách có ý nghĩa. Sự thật khủng khiếp là kể từ sự kiện ngày 11 tháng Chín, nhiều người Mỹ bị giết bởi những kẻ khủng bố trong nước và những kẻ cực đoan da trắng dưới nhiều hình thức kỳ dị hơn là số người Mỹ bị giết bởi những kẻ khủng bố nước ngoài. Hậu quả là, trên khắp nước Mỹ, các không gian công cộng, bao gồm cả những nơi thờ tự, đang phải lập ra các kế hoạch an ninh tương tự như kế hoạch của các căn cứ quân sự của chúng ta.

 

Nếu đó không phải là mối đe dọa đối với cuộc sống của chúng ta, đối với an ninh quốc gia của chúng ta, thì tôi không biết cái gì mới là mối đe dọa.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1399485366.jpg

Người biểu tình ở New York hôm 26 tháng Năm 2022 mang hình ảnh những học sinh bị giết chết trong vụ xả súng hàng loạt ở Texas hai ngày trước đó để đòi hỏi chấm dứt bạo lực súng đạn. Ảnh Alexi Rosenfeld/Getty Images

 

Phản ứng của chúng ta với tư cách một quốc gia là phải có cả các biện pháp bảo vệ và phòng ngừa để các trường học và cộng đồng của chúng ta được an toàn. Các cộng đồng thực thi pháp luật và an ninh quốc gia của chúng ta có các hướng dẫn rất rõ ràng và các phản ứng thậm chí rõ ràng hơn đối với các kiểu đe dọa như vậy và rất nhiều công việc về bảo vệ đã được tiến hành. Khu vực dân sự trong nước – những người sản xuất, mua hoặc bán súng – cũng có nghĩa vụ đạo đức phải tham gia thành một phần của giải pháp. Nhưng chúng ta chưa được tổ chức hiệu quả ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương để thực hiện nhiệm vụ to lớn là bảo vệ một danh sách gần như vô tận các mục tiêu tiềm năng trong khắp xã hội mở của chúng ta.

 

Các biện pháp ngăn chặn phải được thực hiện ngay lập tức để ngăn chặn những kẻ xấu có được vũ khí tấn công hỏa lực lớn. Không người dân nào cần sở hữu một vũ khí tấn công giống với vũ khí mà tôi đã mang ở Iraq. Và cũng vậy, không người Mỹ nào cần sở hữu một kiểu súng trường mà kẻ thù của chúng ta đã mang ở Iraq và Afghanistan. Việc bạn và tôi thấy những thứ này và những vũ khí nguy hiểm tương tự được mua bán dễ dàng trên khắp nước Mỹ là một chuyện hết sức điên rồ.

 

Chúng ta phải phẫn nộ khi các đơn vị SWAT tinh nhuệ lao đến bảo vệ chúng ta nhưng họ phải đối đầu với những sát thủ mặc áo giáp và có hỏa lực gần tương đương với hỏa lực của họ. Nhưng thay vì phẫn nộ, chúng ta đã trở nên vô cảm. Chúng ta đã bị điều kiện hóa và thích nghi với thực tế đó và giờ đây chúng ta đã quen với những cuộc tranh luận vô tận, được diễn tập kỹ lưỡng diễn ra trên các mạng trực tuyến và trong hội trường Quốc Hội. Những lời hùng biện đau buồn và phẫn nộ của các chính trị gia là vô nghĩa khi họ không thông qua luật và thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ người Mỹ. Chúng ta không thể để chu kỳ này tiếp tục và nếu chúng ta không sẵn sàng làm mọi thứ trong khả năng của chúng ta để kết thúc cái vòng luẩn quẩn này, thì thật là xấu hổ cho chúng ta với tư cách một dân tộc.

 

Bạo lực súng đạn là tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, hòa bình và thịnh vượng trong tương lai của người Mỹ phụ thuộc vào việc tìm ra các giải pháp có ý nghĩa.

 

                                                                   ***

 

(*) John Rutherford Allen hiện là Chủ tịch Viện Brookings – một cơ quan nghiên cứu tầm cỡ về chính sách, chiến lược và quốc tế tại Washington. Trước khi nghỉ hưu và hoạt động dân sự, ông là đại tướng (bốn sao) chỉ huy lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế của NATO (ISAF) và tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ ở Afghanistan; phó tư lệnh Lực lượng Đa quốc ở Iraq. Ông cũng là tác giả nhiều công trình nghiên cứu về địa chính trị, chiến tranh tương lai và tham gia nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng của Mỹ ở châu Âu, Israel-Palestine và Đông Á. 

 

------------

Đọc thêm:

Thảm sát ở New York và nguy cơ của lý thuyết thượng tôn da trắng 

Thượng Viện ngăn chặn dự luật chống khủng bố nội địa

Nước Mỹ sẽ tiếp tục để tang vì vấn nạn xả súng!

 

===============================

.

.

Thượng Viện ngăn chặn dự luật chống khủng bố nội địa

Hiếu Chân
26 tháng 5, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/thuong-vien-ngan-chan-du-luat-chong-khung-bo-noi-dia/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1399456640.jpg

Sáng nay thứ Năm 26 tháng Năm 2022, những người ủng hộ kiểm soát súng đạn đã tuần hành ở New York đòi chấm dứt bạo lực súng đạn. Khắp nước đã có nhiều cuộc biểu tình đòi các chính trị gia phải hành động sau vụ một tay súng 18 tuổi thảm sát 21 người, trong đó có 19 học sinh ở trường tiểu học Robb thị trấn Uvalde, Texas cách đây hai ngày. Ảnh Spencer Platt/Getty Images)

 

Các thượng nghị sĩ Cộng Hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm đã chặn thành công một dự luật về chống khủng bố nội địa, từ đó chặn luôn cuộc tranh luận về một dự luật giải quyết các vụ xả súng hàng loạt sau khi một kẻ cực đoan da trắng giết 10 người da đen ở New York tuần trước và một tay súng thảm sát 19 học sinh và hai giáo viên ở Texas tuần này.

 

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã cố gắng thúc đẩy các đồng viện Cộng Hòa thông qua một dự luật chống khủng bố nội địa đã được Hạ Viện nhanh chóng bỏ phiếu thuận vào tuần trước sau vụ xả súng hàng loạt tại một cửa hàng tạp hóa ở Buffalo, New York và một nhà thờ ở Nam California nhằm vào người da màu. Dự luật có tiêu đề Đạo luật Phòng chống Khủng bố Nội địa cho phép các cơ quan liên bang giám sát và báo cáo về các âm mưu khủng bố trong nước ở Hoa Kỳ, đặc biệt là hành vi khủng bố do thù hận sắc tộc của những kẻ phát-xít mới và thượng tôn da trắng. Nếu được thông qua, dự luật này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc thảo luận về các dự luật an toàn súng đạn. Tuy nhiên, nỗ lực lập pháp của đảng Dân Chủ đã một lần nữa thất bại.

 

Kết quả bỏ phiếu ở Thượng Viện sáng nay là 47-47, còn xa tỷ lệ 60-40; tất cả 47 phiếu chống đều thuộc về đảng Cộng Hòa.

 

Các thượng nghị sĩ Dân Chủ cho rằng cần có một đạo luật như vậy để tăng cường phản ứng của chính phủ liên bang trước tình trạng các vụ bạo lực cực đoan đang gia tăng.

 

Các thượng nghị sĩ Cộng Hòa lại cho rằng đạo luật như vậy là không cần thiết vì Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân Chủ đã có đầy đủ thẩm quyền để tổ chức phản ứng của chính quyền đối với chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

 

Dự luật chống khủng bố trong nước đã được giới thiệu từ năm 2017, khi Dân biểu Brad Schneider (Dân Chủ – Illinois) lần đầu tiên đề nghị một dự luật phối hợp hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật như Bộ Tư pháp, Bộ An ninh Nội địa và Cục Điều tra Liên bang FBI nhằm phát hiện và ngăn chặn các âm mưu khủng bố như vụ xả súng hàng loạt ở Las Vegas và ở Sutherland Springs, Texas. Tuy nhiên, dự luật của ông Schneider nhanh chóng rơi vào quên lãng và mới được đưa ra bỏ phiếu vào tuần trước, sau các vụ giết người do thù hận chủng tộc ở New York và California và được thông qua chỉ với một phiếu thuận của đảng Cộng Hòa. Đến sáng nay thì nó bị chặn tại Thượng Viện.

 

Các vụ giết người hàng loạt bằng súng đạn trong những năm gần đây đã dẫn tới nhiều cuộc thảo luận tại Quốc Hội về chuyện phải làm gì với bạo lực súng đạn. Nhưng Quốc Hội Mỹ có rất ít hành động do hai đảng bị chia rẽ sâu sắc về các biện pháp an toàn súng đạn. Theo Washington Post, trong hai thập niên qua, các dân biểu và nghị sĩ Dân Chủ đã trình ra Quốc Hội 121 dự luật về kiểm soát chặt chẽ quy trình mua bán súng đạn, kiểm tra nhân thân và sức khỏe tâm thần của những người mua bán súng. Tuy nhiên tất cả các nỗ lực pháp lý này đều thất bại vì các vị dân cử của đảng Cộng Hòa liên tục bỏ phiếu chống, tiêu diệt những đề án đó ngay từ trong trứng nước.

 

Hậu quả là người dân Mỹ không mấy tin tưởng vào khả năng của Quốc Hội giải quyết vấn đề bạo lực súng đạn. Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos hôm thứ Ba cho thấy chỉ 35% người dân Mỹ tin rằng các nhà lập pháp sẽ hành động.

 

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói: “Chúng tôi rất thất vọng” với kết quả bỏ phiếu ở Thượng Viện.“Tổng thống đã nói rất rõ ràng rằng đã đến lúc chúng ta phải hành động,” cô Jean-Pierre nói với hãng tin AP.

 

Tại Thượng Viện, ông Schumer thừa nhận “Không ai trong chúng tôi ảo tưởng rằng điều này [việc thông qua luật chống khủng bố] sẽ dễ dàng”, và ông cáo buộc các thượng nghị sĩ Cộng Hòa đang ở trong “thế bị kìm kẹp” bởi sự vận động hành lang của các tổ chức ủng hộ quyền sử dụng súng ở Hoa Kỳ. Ông Schumer cho rằng cần có thêm thời gian và đàm phán giữa hai đảng để tháo gỡ bế tắc.

 

Ông Schumer đã yêu cầu Thượng Nghị Sĩ Chris Murphy (Dân Chủ-Connecticut) cùng năm nghị sĩ Dân Chủ khác làm việc với các đồng viện Cộng Hòa để dung hòa các quan điểm khác biệt, tiến tới một dự luật lưỡng đảng về kiểm soát súng đạn và chống khủng bố. Có 10 thượng nghị sĩ của cả hai đảng đã họp với nhau ngay trong buổi chiều này thứ Năm 26 tháng Năm và chia thành các nhóm thảo luận ba nội dung chính của dự luật kiểm soát súng đạn trong tương lai; đó là vấn đề kiểm tra lý lịch người mua súng; luật cờ đỏ (red flag law) cho phép tịch thu súng khỏi những người có thể gây hại cho bản thân hoặc người khác và các chương trình tăng cường an ninh tại trường học và các tòa nhà khác.

 

Ông Murphy, một người ủng hộ hàng đầu cho việc hạn chế súng, nói trong một cuộc họp báo rằng các cuộc đàm phán với các nghị sĩ Cộng Hòa dự kiến sẽ tiếp tục đến hết tuần tới và sẽ có một dự thảo luật mới. Nhưng khả năng Thượng Viện sẽ ban hành một dự luật hạn chế sở hữu súng đạn là rất thấp.

 

------------------

Đọc thêm:

 

Vụ thảm sát trong trường học ở Texas: Nỗi đau còn lại!

Từ vụ xả súng ở Texas: Tiền và máu

Nước Mỹ sẽ tiếp tục để tang vì vấn nạn xả súng!

Kiểm soát súng – nước Mỹ cần hành động hơn là tranh cãi

Lý do Mỹ không giải quyết được khủng hoảng bạo lực súng đạn

 

 

======================================================

.

.

Nước Mỹ sẽ tiếp tục để tang vì vấn nạn xả súng!

Mỹ Anh
25 tháng 5, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/nuoc-my-se-tiep-tuc-de-tang-vi-van-nan-xa-sung/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1240886339.jpg

Sẽ còn bao nhiêu phụ huynh Mỹ khóc vì những vụ xả súng kinh hoàng? (ảnh: Jordan Vonderhaar/Getty Images)

 

Việc mua súng tại Mỹ không dễ như mua đồ chơi như nhiều người từng tưởng nhưng thật ra chẳng khó hơn mấy! Tu chính luật thứ hai trong Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép công dân Mỹ quyền tự vệ chính đáng và do đó có quyền sở hữu vũ khí hợp pháp. Tổ chức Thăm dò xã hội tổng quát (GSS) cho biết hiện có 36.5% người Mỹ sở hữu vũ khí tại nhà. Vấn đề sở hữu và kiểm soát vũ khí Mỹ chưa bao giờ nguôi với tỉ lệ xả súng bừa bãi mỗi lúc mỗi tăng…

 

Hàng ngàn luật sở hữu và sử dụng súng

 

Điều luật cấp quốc gia đầu tiên liên quan quyền sở hữu vũ khí tại Mỹ là Tu chính luật thứ hai được chuẩn y năm 1791. Trong 231 năm, đó là qui định duy nhất tại Mỹ về quyền sở hữu vũ khí của công dân. Năm 1934, Đạo luật vũ khí quốc gia ra đời, với những qui định về mua bán vũ khí, thuế kinh doanh vũ khí và việc bắt buộc đăng ký sử dụng một số loại vũ khí hạng nặng chẳng hạn súng máy. Sau vụ ám sát Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy và Mục sư Martin Luther King Jr, năm 1968, Đạo luật kiểm soát vũ khí ra đời, liên quan việc kinh doanh vũ khí, cấm bán súng qua đơn đặt hàng bưu điện và chỉ cho phép vận chuyển vũ khí đối với các nhà buôn có giấy phép.

 

Luật này cũng cấm sử dụng vũ khí đối với đối tượng tiền án hình sự, kẻ đang bị kết án, kẻ đào tẩu, người sử dụng ma túy, thành phần bị sa thải khỏi quân ngũ và bệnh nhân tâm thần. Luật cũng hạn chế việc bán súng tự động và súng bán tự động. Tiếp đó, năm 1986, Đạo luật bảo vệ người sở hữu súng (còn được gọi là Đạo luật McClure-Volkmer) được thông qua, điều chỉnh một số qui định trong Đạo luật 1968, cho phép người bán súng có giấy phép kinh doanh hay các cá nhân không giấy phép đều được bán súng tại các cuộc triển lãm vũ khí. Đạo luật 1986 cũng hạn chế sự tác nghiệp của Cơ quan quản lý vũ khí, thuốc lá và rượu (yêu cầu giảm tiến trình kiểm tra liên tục và thường xuyên); giảm qui định về hồ sơ lưu đối với giới kinh doanh hợp pháp…

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1399085208.jpg

Tòa Bạch Ốc để cờ rũ trước vụ xả súng tại một trường tiểu học ở Texas ngày 24 Tháng Năm 2022 (ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

 

Năm 1993, Quốc hội Mỹ thông qua Dự thảo luật Brady (gọi theo tên James Brady, người bị John Hinckley bắn suýt chết trong vụ ám sát Tổng thống Ronald Reagan năm 1981). Nội dung Đạo luật ngăn ngừa bạo động bằng súng ngắn Brady (từ dự luật trên) yêu cầu người mua phải chờ năm ngày để được kiểm tra hồ sơ trong hệ thống lưu trữ quốc gia. Qui định năm ngày trong Đạo luật Brady bắt đầu hết thời hạn vào ngày 30 Tháng Mười Một 1998 và được thay bằng qui trình kiểm tra vi tính hóa do người bán thực hiện (người bán phải có Giấy phép vũ khí liên bang; Federal Firearms License-FFL). Người bán phải lập tức kiểm tra thông tin về khách hàng và nhận được chuẩn thuận từ Hệ thống kiểm tra tức thì quốc gia (National Instant Check System-NICS) thường chỉ mất vài phút.

 

Tuy nhiên, người bán không thuộc đối tượng FFL lại không nằm trong phạm vi Luật Brady mà có thể chịu sự kiểm soát của một số qui định khác thuộc cấp quốc gia hoặc cấp bang. Trở lên là một số luật cấp quốc gia về sở hữu vũ khí tại Mỹ (cấp bang lại có luật riêng mà thậm chí hiếm người Mỹ nào có thể rành rẽ tất cả luật súng của từng bang). Đã có luật cho sắm súng thì cũng phải có luật cho phép mang súng. Vấn đề luật sở hữu đã phức tạp, luật về quyền được mang súng cũng rối rắm không kém.

 

Quyền được mang súng bắt đầu được mở rộng khi tỉ lệ tội phạm liên quan súng tăng nhanh vào thập niên 1990, như một cách phản hồi từ những sự kiện bạo động kinh hoàng chẳng hạn vụ George Hennard xộc vào quán Luby’s Cafeteria (Killeen, Texas) xả súng giết 23 người (làm bị thương 20 nạn nhân và sau đó hung thủ tự tử). Sau vụ này, Cơ quan lập pháp Texas thông qua luật mang súng giấu kín (carrying concealed weapon-CCW) áp dụng cho tất cả cư dân Texas, bất chấp sự phủ quyết của Thống đốc Ann Richards. Sau khi Texas tung ra CCW, loạt bang khác cũng noi theo. Có tiểu bang áp dụng CCW cho một khẩu nhưng có bang cho phép mang theo nhiều khẩu, miễn là giấu kín.

 

Như nói ở trên, nghiên cứu luật súng tại Mỹ chẳng khác gì đi vào khu rừng thông tin phức tạp. Tính phức tạp vấn đề ở chỗ mỗi bang hoặc thậm chí mỗi vùng đều có luật riêng. Tại Washington DC chẳng hạn, Đạo luật qui định kiểm soát vũ khí 1975 cấm tất cả cư dân trong vùng quyền sở hữu vũ khí, trong khi với một số đối tượng đặc biệt được sử dụng vũ khí thì súng của họ phải được tháo rời (khi không dùng) hoặc được khóa cò. Ngày 9 Tháng Ba 2007, Tòa phúc thẩm khu vực liên bang Washington DC từng nói việc cấm súng tại Washington DC là vi hiến.

 

Cần để ý chi tiết rằng, một trong những lý do khiến Al Gore thất cử trong chiến dịch bầu cử tổng thống 2000 là bởi chủ thuyết chống súng của ông. Khoảng 48% cử tri thời điểm đó là những người sở hữu vũ khí (so với 37% năm 1996) và trong số những người sở hữu súng, 61% đã bỏ phiếu cho George W. Bush!

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1399204782.jpg

Nhân viên sàn chứng khoán New York (NYSE) mặc niệm trước những nạn nhân bị giết trong vụ xả súng chấn động nước Mỹ tại một trường tiểu học ở Uvalde, Texas ngày 24 Tháng Năm 2022 (ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

 

Tại sao không bao giờ có thể loại bỏ súng khỏi xã hội Mỹ?

 

Với giới ủng hộ súng, họ tất nhiên có lý lẽ riêng không phải thiếu tính thuyết phục. Năm 1991, khi Suzanna Gratia Hupp (nguyên Dân biểu Cộng hòa tại Hạ viện cấp bang Texas, vốn là gương mặt nổi tiếng về ủng hộ súng cho tự vệ cá nhân) đang ăn tối cùng bố mẹ, tên sát nhân George Hennard bất ngờ đâm sầm chiếc xe tải vào cửa sổ tiệm Luby’s Cafeteria. Vừa thấy bố Hupp, hắn bắn thẳng vào ngực nạn nhân. Khi mẹ Hupp bò đến nâng xác chồng, Hennard giết luôn người phụ nữ 47 tuổi này. Hupp hoảng hốt sộc vào ví tìm khẩu .38 Smith & Wesson nhưng nhận ra rằng mình đã bỏ nó trong cốp xe hơi bởi không thể mang súng ở nơi công cộng, theo luật Texas thời điểm đó. Thế là Hupp chết lặng nhìn cảnh bố mẹ bị giết. Sau đó, bà tung ra cuộc chiến cho luật CCW (nói ở trên)…

 

Các nhóm vận động hành lang cho những tổ chức ủng hộ súng vẫn hoạt động sôi nổi và thậm chí thành công trong việc thúc đẩy áp dụng luật “học thuyết lâu đài”, mang nội dung rằng chủ nhà được quyền bắn kẻ xâm nhập. Cần nhắc lại, tại Texas, Tháng Ba 2007, chính quyền địa phương đã áp dụng luật không chỉ cho phép chủ bất động sản bảo vệ nhà mình bằng súng mà cả xe cộ và nơi làm việc!

 

Thời điểm đó, Tổng giám đốc điều hành Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA), Wayne LaPierre, từng phát biểu: “Chúng ta sẽ thúc đẩy việc áp dụng luật Học thuyết Lâu đài khắp đất nước. Chúng ta thúc đẩy để bảo vệ quyền lợi chúng ta, bản thân chúng ta và sẵn sàng chống lại những người sử dụng lao động có chủ trương chống sử dụng súng, khiến các bạn trở nên mất khả năng tự vệ trên đường đến công sở cũng như khi về nhà. Chúng ta sẽ thúc đẩy để bảo vệ và nâng cao sự tự do của chúng ta và chúng ta sẽ không dừng lại cho đến khi chúng ta chiến thắng”!…

 

Tất cả chi tiết kể trên về yếu tố xã hội lẫn chính trị liên quan sở hữu và sử dụng súng tại Mỹ cho thấy rằng luật súng tại Mỹ lại lộn xộn như bây giờ và yếu tố chính trị hóa lại nặng nề chia rẽ như bây giờ. Những giọt nước mắt khó có thể ngưng, bất chấp bao nhiêu cái chết thảm khốc mà nước Mỹ đã để tang…

___________

Tweet

 

CSPAN

@cspan

 

Senator Chris Murphy (@ChrisMurphyCT): "The 14 kids dead in an elementary school in Texas right now. What are we doing? What are we doing? Just days after a shooter walked into a grocery store to gun down African American patrons we have another Sandy Hook on our hands."

 

https://twitter.com/cspan/status/1529215874808197120?ref_src=twsrc%5Etfw%7Ctwcamp%5Etweetembed%7Ctwterm%5E1529215874808197120%7Ctwgr%5E%7Ctwcon%5Es1_&ref_url=https%3A%2F%2Fsaigonnhonews.com%2Fthoi-su%2Fhoa-ky%2Fnuoc-my-se-tiep-tuc-de-tang-vi-van-nan-xa-sung%2F

 

“Chúng ta đang làm gì? Chúng ta đang làm gì?” – Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy (Connecticut) đặt câu hỏi. Và câu hỏi này sẽ vĩnh viễn ám ảnh nước Mỹ, ám ảnh lương tâm nước Mỹ, ám ảnh lịch sử nước Mỹ…

 

,

=========================================================

,

.

Lý do Mỹ không giải quyết được khủng hoảng bạo lực súng đạn

Đơn Dương
17 tháng 4, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/ly-do-my-khong-giai-quyet-duoc-khung-hoang-bao-luc-sung-dan/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-458861650.jpg

Trong một cửa hàng súng tên Metro Shooting Supplies tại Bridgeton, Missouri (ảnh: Scott Olson/Getty Images)

 

Trung bình một ngày ở Mỹ có hơn 100 người thiệt mạng vì súng. Có phải vì do bệnh tâm thần gia tăng? Do Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan? Hay nhiễm trò chơi điện tử?

 

Chưa có lời giải đáp. Nhưng khi tìm hiểu vấn đề bạo lực súng đạn của Mỹ, Spencer Bokat-Lindell, tác giả bài viết trên New York Times đưa ra con số ấn tượng: 393 triệu!  Đó là số lượng súng mà Hoa Kỳ có, theo một khảo sát về vũ khí thực hiện năm 2018. Tính ra mỗi người Mỹ có hơn một khẩu súng. Nhưng những vụ xả súng hàng loạt chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Như German Lopez giải thích trên Vox, “Khi các nhà nghiên cứu kiểm soát các biến số gây nhiễu khác, họ đã hết lần này đến lần khác nhận thấy rằng mức độ sở hữu súng cao của Mỹ là lý do chính khiến Mỹ tệ hơn nhiều về bạo lực súng so với các nước phát triển khác.”

 

Biết rõ nguyên nhân gây ra vấn đề bạo lực súng đạn ở Mỹ. Tại sao, [dường như] chẳng ai có thể làm gì với nó? Spencer Bokat-Lindell đưa một số lời giải thích phổ biến và có vẻ thuyết phục nhất.

 

Tâm lý súng đạn

 

Trong suy nghĩ của nhiều người ủng hộ việc kiểm soát súng, cuộc sống của người Mỹ – hoặc có lẽ luôn luôn là một trò chơi có tổng bằng 0, trong đó quyền tự do tồn tại trong hòa bình của một bên bị mất đi đặc quyền giết người của bên khác. Theo quan điểm này, cái chết hàng loạt chỉ đơn giản là cái giá mà các chủ sở hữu súng sẵn sàng gây ra để có quyền sở hữu vũ khí.

 

Nhưng nhiều người Mỹ không nhìn nhận bạo lực súng đạn theo nghĩa đen trắng như vậy, bởi vì họ không coi bạo lực súng đạn liên quan đến súng đạn. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học xã hội hàng quý vào năm 2017, sau khi một vụ xả súng hàng loạt xảy ra, những người không sở hữu súng có xu hướng xác định tình trạng sẵn có của súng là thủ phạm. Mặt khác, chủ sở hữu súng có nhiều khả năng đổ lỗi cho các yếu tố khác, chẳng hạn như văn hóa đại chúng hoặc cách nuôi dạy con cái.

 

Những câu chuyện khác nhau mà người Mỹ tự kể về cội nguồn của bạo lực súng không bao gồm sự hiểu biết chung: Miễn là họ không đồng ý về nguyên nhân của vấn đề, họ sẽ không đồng ý về cách khắc phục nó. Các tác giả kết luận: “Với tỷ lệ công dân sở hữu súng đáng kể, triển vọng cho những thay đổi chính sách nhằm giải quyết các nguyên nhân liên quan đến súng gây ra các vụ xả súng hàng loạt là khó có thể xảy ra.”

 

Vũ khí và chính trị

 

Nếu Hoa Kỳ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc vào ngày mai, một số biện pháp kiểm soát súng có thể sẽ được thông qua: kiểm tra lý lịch súng và cấm sử dụng, không cho quảng cáo vũ khí. Nếu đề xuất này đưa ra, chắc chắn nhận được sự ủng hộ của ít nhất 50% cử tri. Vậy tại sao không kiểm soát súng chặt chẽ hơn? Theo Robert Gebelhoff của The Washington Post, đơn giản là người Mỹ chỉ không quan tâm đến điều đó. Ông viết: “Hiếm khi những người Mỹ ủng hộ việc kiểm soát súng lại coi đó là ưu tiên hàng đầu của họ – và điều này đặc biệt đúng với những người không có đảng phái mạnh. Ngược lại, những người Mỹ phản đối việc kiểm soát súng lại tập trung cao độ; đến nỗi đối với một số người, đó là một phần cốt lõi trong bản sắc chính trị của họ. Trong một hệ thống bầu cử được định hướng chính như của chúng tôi, nhóm thứ hai luôn giành chiến thắng.”

 

Sự chuyên chế của thiểu số

 

Có những lý do khác khiến chính sách của chính phủ không theo quan điểm của công chúng, và một số lý do trong số đó là cố hữu trong cấu trúc của chính phủ Mỹ. Thượng viện, ví dụ, bằng cách trao quyền đại diện bình đẳng cho các tiểu bang, đấu tranh chống lại quy tắc đa số. Như Harry L. Wilson viết trong The Conversation, “California và New York, những tiểu bang lớn thứ nhất và thứ tư và những tiểu bang ủng hộ luật súng chặt chẽ hơn, chiếm khoảng 18% dân số Hoa Kỳ, nhưng chỉ có 4% số thượng nghị sĩ.” Vốn đã là một thể chế phản chuyên chế, Thượng viện thậm chí còn được tạo ra nhiều hơn thế bởi sự trỗi dậy của hệ thống phi chính phủ hiện đại trong thế kỷ 20, cho phép thiểu số ngăn chặn luật được đa số ủng hộ. Điều đó có nghĩa là hầu hết các đạo luật phải nhận được 60 phiếu bầu tại Thượng viện để thông qua – thường là một ngưỡng cực kỳ khó đạt được.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1239181807-1.jpg

Manuel Oliver, cha của một nạn nhân bị giết trong vụ thảm sát tại Marjory Stoneman Douglas High School ở Parkland (Florida) trong một cuộc biểu tình tại Washington DC ngày 14 Tháng Hai 2022, kêu gọi chính quyền phải có giải pháp chấm dứt tình trạng bạo lực súng đạn bừa bãi (ảnh: Craig Hudson for The Washington Post via Getty Images)

 

N.R.A.

 

Sau vụ xả súng ở Gilroy, California, vào tháng 7 năm 2019, khiến bốn người thiệt mạng, thành phố San Francisco tuyên bố N.R.A. (The National Rifle Association), đưa ra tuyên bố “không ai làm nhiều hơn để thổi bùng ngọn lửa bạo lực súng đạn, hơn N.R.A.”

 

Lời tuyên bố thể hiện sự bế tắc của chúng phủ về vấn đề này. Như Nicholas Kristof của New York Times giải thích, N.R.A. từng là một tổ chức ôn hòa. Họ ủng hộ luật súng chặt chẽ hơn trong những năm 1920 và 1930, và gần đây là những năm 1960, mặc dù miễn cưỡng hơn. “Nhưng vào năm 1977, đã có một cuộc đảo chính trong N.R.A.,” Nicholas Kristof viết. “Trái ngược với Canada, Hoa Kỳ hiện có văn hóa sử dụng súng, tập trung vào súng ngắn, vũ khí tấn công và chứng hoang tưởng, và điều đó phần lớn là từ N.R.A.” Nhưng nhiều người khác lại nói rằng nếu nói việc sử dụng súng là ảnh hưởng của N.R.A. có vẻ như bị phóng đại quá mức, hoặc ít nhất là bị hiểu nhầm. Theo quan điểm của Kristof, N.R.A. không lôi kéo mọi người ủng hộ quyền sử dụng súng; thay vào đó, nó phản ánh và chuyển tải mong muốn của những người sử dụng súng.

 

‘Kiểm soát’ súng thôi, chưa đủ!

 

Các đảng viên Dân chủ, bất chấp sự chuyển hướng sang trái của họ trong các vấn đề khác, đã đề xuất các chính sách kiểm soát súng theo “lẽ thường” tương tự trong 25 năm qua. Nhưng không ai trong số họ, không phải kiểm tra lý lịch, không phải luật cờ đỏ, thậm chí không phải lệnh cấm vũ khí kiểu tấn công – sẽ đối đầu với vấn đề cốt lõi: đơn giản là Mỹ có quá nhiều súng.

 

Đó là quan điểm của ông Lopez, người cho rằng việc dập tắt bạo lực súng đạn sẽ đòi hỏi một kế hoạch có quy mô như Green New Deal (GND) để có các giải pháp theo quy mô của từng vấn đề. [Các đề xuất của GND kêu gọi chính sách công nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cùng với việc đạt được các mục tiêu xã hội khác như tạo việc làm và giảm bất bình đẳng kinh tế. Tên gọi này đề cập đến “Green Deal”, một tập hợp các dự án cải cách kinh tế và xã hội cũng như các dự án công trình công cộng do Tổng thống Franklin D. Roosevelt thực hiện để đối phó với cuộc Đại suy thoái.]

“Nếu sự khác biệt chính giữa Mỹ và các nước khác là Mỹ có bao nhiêu súng, thì cần phải làm gì đó để nhanh chóng giảm số lượng súng ở đây,” Lopez viết. “Nó có thể có nghĩa là cấm nhiều loại súng hơn – có thể là tất cả vũ khí bán tự động hoặc tất cả súng ngắn – và kết hợp với chương trình mua lại súng bắt buộc kiểu Úc.”

 

Nhưng rồi ông Lopez thừa nhận rằng sẽ không có luật nào tước súng khỏi tay người Mỹ sớm được thông qua. Và như thế, cuộc khủng hoảng bạo lực súng đạn vẫn sẽ là nỗi ám ảnh từng ngày, từng giờ của hơn 300 triệu người đang sống trên đất nước này.





No comments: