Thursday, May 26, 2022

LUẬT BẢO VỆ NGƯỜI DÁM NGHĨ, DÁM LÀM : SAO VẪN CÒN TRÊN GIẤY? (RFA)

 



Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm: sao vẫn còn trên giấy?

RFA
2022.05.25

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/law-to-protect-those-who-dare-to-think-dare-to-do-lthere-is-a-long-way-to-go-dt-05252022132043.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/law-to-protect-those-who-dare-to-think-dare-to-do-lthere-is-a-long-way-to-go-dt-05252022132043.html/@@images/91f606c9-4f1a-4047-8039-5128673a0473.jpeg

Những vị đại biểu tham gia đại hội Đảng lần thứ 13 đang xếp hàng vào hội trường. Ảnh minh họa.  REUTERS

 

Mới đây, trong buổi thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại Quốc hội sáng 24 tháng 5 năm 2022, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh tiếp tục đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xây dựng Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm để tạo đột phá tăng trưởng cho đất nước. 

 

Một số người từng gặp rắc rối vì dám nói, dám làm không tin những người như họ sẽ được pháp luật bảo vệ, như chia sẻ của nhà giáo Đỗ Việt Khoa sáng 25 tháng 5 năm 2022: 

 

“Cả 10, 20, 30 năm trước các vị lãnh đạo đều có nói nhưng thực hiện như thế nào thì chúng ta thấy rồi đến mấy chục năm sau thì hậu quả vẫn còn nguyên. Nó xuất phát từ rất nhiều lý do lý do. Thật sự mà nói thì pháp luật Việt Nam không phải là không có những biện pháp để xử lý những kẻ làm sai, bảo vệ những người tố cáo hay những người dám nói dám làm. Vấn đề là những người vận dụng luật Việt Nam là cá nhân các quan chức thì cái xấu, cái ti tiện, cái ích kỷ cá nhân của họ rất lớn, và chính họ là những kẻ thay đổi, lật lọng cả pháp luật. Họ quy định một nẻo nhưng làm một nẻo, bất chấp tất cả, cho nên đừng có tin những gì họ nói bởi vì họ không thể thực hiện được đâu.” 

 

Câu chuyện phải bảo vệ những người dám nói, dám làm không phải bây giờ mới có đề xuất, mà từ buổi thảo luận các văn kiện trình Đại hội Đảng 13 chiều ngày 10 tháng 11 năm 2020, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội cho rằng, nhiều cán bộ đảng viên không dám đổi mới, sáng tạo và đột phá. Ông lý giải, ranh giới giữa đúng và sai trong đổi mới, sáng tạo và đột phá “vô cùng mong manh”. Ranh giới giữa được khen thưởng và bị quy trách nhiệm nặng nề cũng rất mong manh, dù nguyên nhân không thành công có thể do yếu tố khách quan nào đó. Theo Thiếu tướng Đào Thanh Hải, nếu không bảo vệ được cán bộ thì chắc chắn không ai dám sáng tạo, không ai dám đột phá. 

 

Tám tháng sau, ngày 28 tháng 7 năm 2021, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam - ông Nguyễn Phú Trọng - ký ban hành Quy định số 22 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.

 

Nói thêm về đề xuất Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm sáng 24 tháng 5 năm 2022, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, đề xuất này nhằm thể chế hóa chủ trương bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. 

 

Trung tá Quân đội Đinh Đức Long nêu quan điểm của ông: 

 

“Trên thực tế thì những việc này xảy ra từ lâu rồi. Không có luật thì người ta vẫn dám nghĩ, dám làm. Nhưng nếu có luật thì về pháp lý, nó là một hình thức ‘bảo hiểm’ cho những hành vi của người ta. Khuyến khích người ta dám nói, dám làm thì nếu có chuyện gì xảy ra sẽ xử theo luật chứ không xử theo cảm tính. Như thế người ta sẽ yên tâm hơn. 

Luật ra được hay không thì thực ra là do ý muốn chủ quan của người làm luật thôi. Luật về Đảng, luật biểu tình, lập hội có dễ không sao người ta không làm? Người ta làm được hết. Việt Nam không phải là nước đầu tiên đi đầu về luật. Là nước đi sau nên có cái lợi là thấy cái hay, cái dở của người đi trước. Thế giới người ta làm cả rồi. Vấn đề là mình có muốn làm không chứ trong chế độ có người làm, có người phá thì sao mà xong được.” 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/law-to-protect-those-who-dare-to-think-dare-to-do-lthere-is-a-long-way-to-go-dt-05252022132043.html/000_8zb8al.jpg/@@images/13e13f3b-80c1-4ff2-b924-25659a50a613.jpeg

Hình minh họa: Tấm biển cổ động cho Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội hôm 22/1/2021. AFP

 

Nhận thấy việc bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để đưa đất nước phát triển là việc làm thiết thực, tháng 10 năm 2020 báo VietNamNet mở “Diễn đàn khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám đổi mới vì lợi ích chung”. 

 

Tham gia ý kiến vào diễn đàn, GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, trong bối cảnh hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa thật sự đầy đủ, đồng bộ dẫn đến ranh giới giữa đột phá và sai lầm, giữa đúng và sai rất mong manh. Do đó, phải kiên quyết bảo vệ và có cơ chế đủ mạnh để bảo vệ những người làm đúng, dám làm với động cơ trong sáng. 

 

Có thể thấy, để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm hay dám nói thì điều cốt yếu là làm sao phân biệt đúng, sai trong cái ranh giới mong manh đó; ai là người thẩm định và thẩm định dựa trên tiêu chí nào? 

 

Ông Vũ Minh Trí, trước đây là cán bộ Tổng cục Tình báo quân đội - Tổng cục II, chia sẻ quan điểm của ông với RFA vào tháng 10 năm 2020: 

 

“Tôi cũng đã từng 21 năm làm đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì tôi thấy một điều là nói để cho hay, cho đẹp thì không ai hơn cộng sản. Tuyên truyền thì cộng sản là số một nên những lời của Phùng Hữu Phú thì tôi nghĩ chẳng có giá trị gì và hoàn toàn không đáng tin cây, đấy là cái thứ nhất. Cái thứ hai thì dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nghe thì có vẻ hay nhưng tất cả đều nằm trong vòng kim cô của Đảng Cộng sản nên không thể có người nào làm được như vậy, thực tế không thể có. Những người chưa nói đến làm, đến chịu trách nhiệm mà chỉ cần phản biện trái ý của họ là họ đã cho vào tù, thậm chí rất lâu, điển hình như trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức và nhiều nhân sĩ trí thức, người có trình độ, tâm huyết với đất nước.” 

 

Chuyện khuyến khích cán bộ có những đột phá để đưa đất nước tiến lên không chỉ có văn bản quy định mà ngay cả những vị lãnh đạo trong Đảng, Nhà nước cũng hô hào. Thực tế, ở Việt Nam có một rừng luật, một núi quy định, trong đó cũng có quy định bảo vệ những người tiên phong làm những điều khác biệt có lợi cho quốc gia, dân tộc … nhưng vấn đề là cơ chế để bảo vệ như thế nào mà thôi!

 

--------------------

Tin, bài liên quan

 

“Phải dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng” tiếp tục là lời sáo rỗng, giáo điều!

Bắt các lãnh đạo cấp cao tham nhũng trước hội nghị Trung ương 5 có thể hiện quyết tâm của Đảng?

Đảng cho từ chức cán bộ thiếu năng lực, mất uy tín: biện pháp cấp thời?

Tại sao Việt Nam nên để “thành phần trung lưu khá giả” dẫn dắt tăng trưởng?

Không ai có thể chống chính quyền chỉ bằng miệng!

 





No comments: