Thursday, March 24, 2022

TỪ CHIẾN TRANH UKRAINE LO SỐ PHẬN VIỆT NAM (Hiếu Chân - Saigon Nhỏ)

 



Từ chiến tranh Ukraine lo số phận Việt Nam

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ

23 tháng 3, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/tu-chien-tranh-ukraine-lo-so-phan-viet-nam/

 

Cuộc xâm lược của Vladimir Putin tại Ukraine làm cho dư luận quốc tế nghĩ tới một hành động tương tự của Tập Cận Bình ở Đông Á.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1238951682-1-1024x683.jpg

Quân đội Ukraine thắt chặt các tuyến phòng thủ quanh Kyiv (ảnh: Wolfgang Schwan/Anadolu Agency via Getty Images)

 

uộc xâm lược của Vladimir Putin tại Ukraine làm cho dư luận quốc tế nghĩ tới một hành động tương tự của Tập Cận Bình ở Đông Á. Nhưng trong hai khu vực bị Trung Quốc nhắm tới – đảo quốc Đài Loan và các nước Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ở Biển Đông như Philippines và Việt Nam – giới phân tích ngày càng nghiêng về khả năng Việt Nam mới là nơi xảy ra cuộc xung đột kế tiếp của thế giới.

 

Trong một bài bình luận đăng trên báo Nikkei Asia Review hôm thứ Hai 21 Tháng Ba, ông Derek Grossman, chuyên viên phân tích quốc phòng tại tổ chức nghiên cứu RAND Corp., cựu cố vấn tình báo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, cho rằng khả năng xảy ra xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc cao hơn là giữa Trung Quốc với Đài Loan. Điều đó có nghĩa là Việt Nam chứ không phải Đài Loan có nguy cơ trở thành miếng mồi ngon của Trung Quốc trong tương lai, giống như Ukraine đang là mục tiêu xâm lược của Putin.

 

Ông Grossman nhận định: “Là nhà nước xã hội chủ nghĩa anh em được cai trị bởi một đảng Cộng sản chuyên chế, Hà Nội đang chịu áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc, nhất là chung quanh những yêu sách chủ quyền chồng lấn nhau ở Biển Đông. Trong khi Trung Quốc chưa đe dọa xâm lăng Việt Nam như cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine, nhưng hai quốc gia châu Á thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ va chạm  chết người trên biển. Một sự cố trên biển có thể lan tới đất liền, làm gián đoạn không khí hòa bình kéo dài vài thập niên nay trên biên giới chung của hai nước là điều không phải không hình dung được. Trái lại, một kịch bản như vậy có khả năng xảy ra nhiều hơn là một cuộc xâm lăng Đài Loan trong thời gian trước mắt”.

 

Có nhiều căn cứ thực tế ủng hộ lập luận của ông Grossman.

 

Sợi dây trói “Bốn không”

 

Đảng Cộng sản Việt Nam có đường lối quốc phòng “bốn không” (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Nhiều người cho rằng, đường lối “bốn không” là cái sợi dây trói mà Hà Nội tự buộc vào trong một thế giới nhiều biến động khó lường.

 

Do Việt Nam không là thành viên của liên minh quân sự nào, không có hiệp ước phòng thủ chung với bất kỳ cường quốc nào nên nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam thì Bắc Kinh không sợ bị nước nào chen vào can thiệp. Mặc dù quan hệ Mỹ-Việt Nam phát triển mạnh trong các năm gần đây, nhưng quan hệ Việt-Mỹ vẫn nằm ở vị trí thứ yếu so với quan hệ Việt-Nga, Việt-Trung và Việt-Ấn. Việt Nam thậm chí cũng không có hiệp ước an ninh chung với Nga dù mua rất nhiều vũ khí của Nga. Nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông thì Việt Nam chỉ có thể tự lực đương đầu với Trung Quốc mà không thể “cầu viện” sự hỗ trợ của bất kỳ nước nào. 

 

Philippines cũng là nước có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc nhưng giữa Phi và Mỹ có hiệp ước phòng thủ chung từ năm 1951, theo đó Mỹ có nghĩa vụ hỗ trợ trong trường hợp lãnh thổ Phi bị tấn công quân sự.

 

Đài Loan không có hiệp ước an ninh với Mỹ như Philippines. Nhưng đạo luật Quan Hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act-TRA) mà Quốc Hội Mỹ ban hành năm 1979, trao quyền cho tổng thống Hoa Kỳ được quyết định sử dụng quân đội để bảo vệ Đài Loan khi được Quốc Hội chấp thuận và hòn đảo này bị tấn công.

 

Các chính phủ Mỹ từ 1979 đến nay, dù thuộc Dân Chủ hay Cộng Hòa, đều ủng hộ Đài Loan, cung cấp cho đảo quốc này nhiều vũ khí tân tiến để tự vệ chống Trung Quốc. Mới đây Tổng thống Joe Biden đã hai lần khẳng định Hoa Kỳ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công quân sự. Việt Nam không hề có được sự bảo đảm như vậy.

 

Thể chế và giá trị

 

Đài Loan – và Ukraine – là những nước nhỏ nhưng theo thể chế dân chủ tự do, chính phủ được người dân bầu lên một cách tự do và minh bạch. Cuộc xâm lăng Ukraine bị thế giới văn minh coi là hành động của nhà độc tài Vladimir Putin chống lại những giá trị phổ quát về nhân quyền và thượng tôn pháp luật, xâm phạm quyền tự quyết và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

 

Vì vậy, thế giới đã gần như đồng lòng đứng về phía Ukraine, viện trợ khí giới, quân nhu cho cuộc kháng chiến và sẵn sàng tiếp đón bảo bọc người dân Ukraine tị nạn chiến tranh; coi đó là cuộc chiến của văn minh chống lại sự dã man, chuyên chế. Nếu bị Trung Cộng xâm lược trong tương lai thì có thể Đài Loan cũng nhận được sự ủng hộ tương tự. Gần đây nhất, chính phủ các nước Nhật và Úc đã công khai tuyên bố ủng hộ Đài Loan chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc chỉ vì thể chế chính trị của Đài Loan phù hợp với hệ giá trị mà các nước này theo đuổi.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1384654718.jpg

Người biểu tình ủng hộ Ukraine ở Times Square New York hôm 12 Tháng Ba Ảnh Alexi Rosenfeld/Getty Images

 

Khác với Đài Loan và Ukraine, Việt Nam cho đến nay vẫn đi theo mô hình độc tài đảng trị chuyên chế giống hệt Trung Quốc và Nga, bị coi là “đứng về phía sai lầm của lịch sử”. Chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam – như đã xảy ra năm 1979 – sẽ bị coi là xung đột giữa những người “cộng sản anh em”, giữa các thế lực chuyên chế mà thế giới bên ngoài không muốn can thiệp. Việt Nam do vậy sẽ không nhận được sự hỗ trợ của thế giới văn minh trong cuộc đối đầu với Trung Quốc chừng nào Hà Nội vẫn còn kiên trì đi theo mô hình toàn trị độc đảng, quay lưng với tiến bộ của nhân loại.

 

Nếu không tham gia liên minh quân sự nào nhưng đi theo con đường dân chủ và tự cho, tôn trọng nhân quyền và các giá trị phổ quát của nhân loại, Việt Nam vẫn có cơ may được thế giới văn minh ủng hộ như trường hợp Ukraine. Nhưng tiếc thay, đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn con đường khác.

 

Thực lực quân sự

 

Chiến tranh trước hết là sự đụng độ của các thế lực quân sự. Xét về quân sự Việt Nam hiện nay không phải là đối thủ của Trung Quốc như vài chục năm trước. Chi tiêu quốc phòng hằng năm của Trung Quốc hiện chỉ đứng sau Hoa Kỳ, ở mức $230 tỷ, gấp 32 lần so với ngân sách $7 tỷ hàng năm của Việt Nam. Sau thất bại của Chiến tranh Biên giới 1979, Bắc Kinh đã dốc sức hiện đại hóa quân đội, tham vọng xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới đủ sức đối đầu với Hoa Kỳ.

 

Từ một đội quân nông dân sử dụng chiến thuật “biển người” để áp đảo đối phương, Trung Quốc đã có một quân đội hiện đại sở hữu nhiều vũ khí tân tiến, nhiều hỏa tiễn hành trình, hỏa tiễn đạn đạo tầm trung và tầm xa, máy bay ném bom cỡ lớn, chiến đấu cơ tàng hình, tàu ngầm, hàng không mẫu hạm và chiến hạm các kiểu – tất cả đều khá tân tiến và có số lượng áp đảo, thậm chí hải quân Trung Quốc có số tàu chiến nhiều hơn cả Hoa Kỳ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/china-df-31-770x385@2x.jpg

Hỏa tiễn liên lục địa Đông Phong 31 (DF-31) của Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh. Ảnh MDAA

 

Đối đầu với một đội quân như vậy, Việt Nam có gì? Hầu hết vũ khí của Việt Nam đều nhập cảng từ Nga, Theo một thông tin của đài RFA về quân đội Việt Nam, về không quân đáng kể nhất có khoảng 34 phi cơ Su-22, 43 phi cơ Su-27 và Su-35, 12 phi cơ Su-30; trong đó các mẫu Su-22 và Su-27 đã ngừng sản xuất, nghĩa là đã quá cũ kỹ. Về hải quân, Việt Nam mua sáu tàu ngầm lớp Kilo của Nga, bàn giao năm 2017, hiện đóng tại Cam Ranh.

 

Về bộ binh, chủ lực của Việt Nam là khoảng 80 xe tăng T-90 mới mua về, bổ sung cho đội tăng cũng của Nga còn lại từ thời nội chiến trước 1975. Tất cả các loại máy bay tàu ngầm xe tăng này đều phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp thiết bị phụ tùng và vũ khí chủ lực của Nga – mà trong hoàn cảnh nước Nga bị thế giới cấm vận ngặt nghèo do vụ xâm lược Ukraine, nguồn cung phụ tùng và vũ khí của Nga cho Việt Nam chắc chắn bị đứt quãng.

Chưa kể rằng, về vũ khí, Moscow bán cho Hà Nội loại gì thì cũng bán cho Bắc Kinh loại đó, phiên bản tối tân hơn và số lượng lớn hơn nhiều. Thực tế chiến trường Ukraine còn cho thấy các loại vũ khí của Nga, dù được quảng cáo rùm beng, chỉ là những miếng mồi ngon cho các loại hỏa tiễn phòng không, hỏa tiễn chống tăng mà phương Tây viện trợ cho Kyiv.   

 

Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam; cho phép Việt Nam được mua sắm vũ khí sát thương của Mỹ. Nhưng đến nay, hầu như Hà Nội không mua các loại vũ khí Mỹ với lý do giá đắt, không tương thích với các hệ thống vũ khí Nga mà Việt Nam hiện có. Nhưng cũng có lý do ngầm là mua vũ khí của Mỹ các quan chức Bộ Quốc Phòng Việt Nam không có được khoản “lại quả” béo bở để bỏ túi như mua vũ khí của Nga.

 

Chiếc thòng lọng của Trung Quốc

 

Tuy chưa đe dọa xâm lăng Việt Nam nhưng trong những năm gần đây Trung Quốc đã lập ra một chuỗi căn cứ quân sự bao vây Việt Nam từ nhiều hướng. Sau khi chiếm bảy đảo đá ở Trường Sa năm 1988, Trung Quốc đã thực hiện bồi đắp chúng thành những hòn đảo nhân tạo và xây dựng trên đó những căn cứ quân sự hiện đại, cùng với căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa khống chế hoàn toàn bờ biển Việt Nam.

 

Mới đây nhất, hôm 21 Tháng Ba 2022, Đô Đốc Hải Quân Mỹ John C. Aquilino, tư lệnh bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM), đã có chuyến thị sát vùng Biển Đông trên phi cơ tuần thám và cho biết Trung Quốc đã hoàn toàn “quân sự hóa” ít nhất ba trong số các hòn đảo họ xây dựng bất hợp pháp, bố trí các hệ thống hỏa tiễn chống chiến hạm và chống phi cơ, súng laser và hệ thống gây nhiễu điện tử, cùng là các chiến đấu cơ, đe dọa tất cả mọi quốc gia hiện diện quanh đó.

 

Ở hướng Tây, Trung Quốc đã thu phục được Lào và Cambodia – quân đội Trung Quốc núp dưới vỏ bọc công ty nông nghiệp, đã thuê mướn nhiều ngàn héc ta đất rừng giáp biên giới Việt-Lào, Việt-Cambodia, xây dựng những công trình mà không ai biết rõ để phòng khi hữu sự sau này. Trung Quốc còn đầu tư nâng cấp, cải tạo bến cảng và căn cứ hải quân Ream của Cambodia trên vịnh Thái Lan, có thể phục vụ cho hải quân Trung Quốc sau này, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Hoa Kỳ.

 

Ở hướng Bắc, năm ngoái Trung Quốc công khai thừa nhận đã xây dựng hai căn cứ quân sự quan trọng sát biên giới Việt-Trung, gồm một căn cứ hỏa tiễn và một căn cứ cho phi cơ trực thăng. Bề ngoài, Trung Quốc nói đây là các cơ sở phòng thủ nhưng giới phân tích quân sự đều cho rằng sự ra đời của chúng là nhằm gây sức ép lên chính quyền Việt Nam.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/image-1.gif

Một chiếc thòng lọng đã tròng vào cổ Việt Nam, chỉ cần có cơ hội là siết lại.

 

Và một quân đội rệu rã vì tham nhũng

 

Đối đầu với một kẻ thù “truyền kiếp” có âm mưu thâm độc và sự chuẩn bị dài hơi như vậy, có thể trông mong quân đội Việt Nam có năng lực bảo vệ tổ quốc, bảo vệ giang sơn mà tổ tiên để lại hay không?

 

Việt Nam là một trong số vài quốc gia cho phép quân đội “làm kinh tế”, và hiện quân đội Việt Nam sở hữu rất nhiều tập đoàn, tổng công ty kinh doanh tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ, từ viễn thông, xây dựng công trình, kinh doanh khách sạn, khu nghỉ mát, nhà hàng tiệc cưới đến vận tải hàng hóa v.v… “Nước sông, công lính” – lợi dụng sức lao động miễn phí của binh sĩ và những lợi thế riêng của quân đội, các tập đoàn này cạnh tranh không sòng phẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, tạo ra một thị trường méo mó và bất công.

 

Nhiều doanh trại quân đội có diện tích đất rộng lớn ở nội thành các thành phố lớn như Sài Gòn nay bỗng biến thành các khu thương mại, khu dân cư cao cấp, thậm chí thành khu giải trí, sân golf… chỉ nhằm kinh doanh thu tiền mà không liên can gì tới hoạt động của quân đội. Chỉ cần dạo một vòng quanh các khu đô thị lớn đã có thể thấy “quân đội làm kinh tế” có quy mô khủng khiếp như thế nào.

 

Quân đội làm kinh tế là môi trường đẻ ra và nuôi dưỡng tệ nạn tham nhũng, từ tham nhũng đất đai, tiền bạc tới mua quan bán chức. Và tham nhũng xói mòn uy tín của quân đội, triệt tiêu sức chiến đấu của nó khi các sĩ quan không quan tâm tới việc tập luyện nâng cao sức chiến đấu của quân đội mà chỉ tập trung kiếm thật nhiều tiền cho bản thân, cho đơn vị và gia đình. Hàng chục sĩ quan cấp tướng thuộc nhiều binh chủng, nhiều quân khu gần đây đã bị đưa ra tòa án binh, bị tù tội vì ăn chia không đồng đều trong các phi vụ “quân đội làm kinh tế”. Hiện người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam liên tục chế giễu cái thực tế phũ phàng rằng, sau một tháng chiến tranh Ukraine, quân Nga có sáu tướng lĩnh bỏ mạng trên chiến trường, còn Việt Nam chưa chiến tranh mà đã có hàng chục tướng lĩnh gục ngã, vào tù đếm kiến vì tham nhũng.

 

Với phương châm “Trung với Đảng”, quân đội Việt Nam thực chất chỉ là cánh tay bạo lực của đảng Cộng sản, chống lại và đè bẹp mọi biểu hiện phản kháng của người dân. Quân đội đó không được người dân ủng hộ và cũng sẽ không nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng thế giới như quân kháng chiến Ukraine hiện nay. 

 

Một đội quân như vậy chưa ra trận đã nắm chắc phần thất bại, nhất là khi đối đầu với một kẻ thù hùng mạnh và vô cùng xảo quyệt như Trung Quốc.

 

Lòng dân ly tán

 

Thế mạnh của Việt Nam là chiến tranh du kích khi đất nước bị xâm chiếm, nói theo ngôn ngữ của nhà cầm quyền cộng sản là “chiến tranh nhân dân”, trong đó mỗi người dân là một chiến sĩ chống quân xâm lược. Nhưng sau nhiều thập niên bị đàn áp tàn bạo dưới chính thể cộng sản, người Việt Nam bây giờ hầu như không muốn cầm súng, dù cầm súng để bảo vệ đất nước.

 

Khi nhà cầm quyền cộng sản kết án cả những hành động thể hiện lòng yêu nước như biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, tập trung dâng hương tưởng niệm những tử sĩ chống Trung Quốc đã bỏ mình ở Hoàng Sa, Trường Sa, biên giới phía Bắc thì người dân không còn tin vào những lời tuyên truyền đường mật của nhà cầm quyền về lòng ái quốc, về sự hy sinh nữa. 

 

Người ta không thấy ý nghĩa nào trong việc đổ máu để bảo vệ một chế độ cộng sản cực quyền, một tập đoàn những tên tham nhũng cánh hẩu, đi ngược những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền – nhất là khi chế độ đó tỏ ra ngày càng khom lưng uốn gối trước kẻ thù chỉ để duy trì quyền cai trị trên đầu trên cổ người dân. Không nên kỳ vọng người dân thường Việt Nam sẽ cầm súng ra trận, đổ máu để ngăn chặn quân xâm lược như người dân Ukraine đang làm và được cả thế giới cảm phục hiện nay. Lòng dân ly tán, ngán ngẩm là điểm yếu nhất trong công cuộc phòng thủ Việt Nam trước âm mưu bành trướng của Trung Quốc hiện nay.

 

Triển vọng u ám của Việt Nam

 

Một số quan sát viên cho rằng, Trung Quốc không cần phải dùng sức mạnh quân sự để xâm lược Việt Nam khi Bắc Kinh đã thâu tóm bộ máy lãnh đạo chóp bu của đảng Cộng sản và cài cắm tay chân của họ vào bộ máy đảng và chính quyền Việt Nam các cấp, khống chế và buộc chúng thực thi các ý định của “thiên triều”. Nhưng một khi có dấu hiệu Hà Nội đi chệch ra khỏi con đường đã định, gần gũi với Hoa Kỳ và phương Tây, có thể Trung Quốc sẽ không để yên.

 

Trung Quốc ngày càng lấn lướt trên Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không loại trừ khả năng những va chạm trên biển có thể dẫn tới những xung đột lớn hơn, thậm chí chiến tranh, cả trên quần đảo Trường Sa lẫn trên đường biên giới dài gần 1,300 cây số giữa hai nước. Nếu chiến tranh Trung-Việt nổ ra một lần nữa, Việt Nam sẽ không có sức kháng cự, và cũng không được quốc tế ủng hộ, tiếp sức như Đài Loan hay Ukraine cho dù thế giới có phản đối hành động của Bắc Kinh đi nữa.

 

Tất cả những yếu tố trên chắc chắn đang được Tập Cận Bình và đội ngũ tham mưu của ông ta tính toán, cân nhắc, tìm cơ hội để ra tay. Nếu cuộc chiến Ukraine kết thúc mà nước Nga của Putin giành được một số sự nhượng bộ nào đó từ Ukraine thì Tập sẽ có động lực để thực hiện một “chiến dịch quân sự đặc biệt” kiểu Putin ở khu vực Đông Á. Nhìn từ hướng nào đều thấy số phận nước Việt Nam đều rất bi thảm dưới sự cai trị của tập đoàn cộng sản Hà Nội và trước tham vọng bá quyền của Tập Cận Bình.

 

--------------

Đọc thêm:

·         Loạt bài “Cuộc chiến của Putin” trên Saigon Nhỏ

 

Chiến trường Ukraine: Lấy mỡ nó rán nó!

Saigon Nhỏ

Hiếu Lê, chiến binh Mỹ gốc Việt ở Ukraine: “Mọi thứ hết sức kinh khủng”

Tuấn Khanh

Putin và đám Siloviki trung thành

P. Nguyễn Dũng

Bom nguyên tử và bom hạt nhân: Thứ nào đáng sợ hơn?

Hiếu Chân

Bandura và câu chuyện tiêu diệt văn hóa Ukraine của Liên Xô

Nguyễn Thị Hải Hà

Tập cùng Putin chống Mỹ khiến Trung Quốc bị cô lập

Hiếu Chân

Nga thuê lính Trung Đông $400/tuần đánh nhau ở Ukraine 

Bình Phương

Ukraine: Cuối tuần chiến sự leo thang dữ dội

Hiếu Chân

Ukraine: Quân Nga đổi chiến thuật, sử dụng bom và hỏa tiễn

Hiếu Chân

Ra đi, để trở về

Nguyễn Hồng Giang

Putin được gì khi đi xâm lược?

Thu Dương

Điện đàm với Biden về Ukraine, Tập Cận Bình lo ngại Đài Loan

Hiếu Chân





No comments: