Từ
Ukraine nhìn về Đông Á, đâu là cuộc khủng hoảng kế tiếp?
Hiếu
Chân/Người Việt
March 22, 2022
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tu-ukraine-nhin-ve-dong-a-dau-la-cuoc-khung-hoang-ke-tiep/
Cuộc chiến tranh xâm lược của ông Vladimir
Putin, tổng thống Nga, tại Ukraine làm cho dư luận quốc tế phải nghĩ tới một
hành động tương tự của ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, ở Đông Á. Nhưng
trong hai khu vực bị Trung Quốc nhắm tới – đảo quốc Đài Loan và các nước Đông
Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ở Biển Đông như Philippines và Việt
Nam – giới phân tích ngày càng nghiêng về khả năng Việt Nam chứ không phải Đài
Loan mới là nơi xảy ra cuộc xung đột kế tiếp của thế giới.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/03/A1-Ukraine-nhin-ve-Dong-A-1536x1024.jpg
Có thể người dân Việt
bây giờ không còn hào hứng với lý tưởng cầm súng bảo vệ tổ quốc khi đất nước bị
xâm lăng để bảo vệ một chế độ Cộng Sản cực quyền. Trong hình, nhiều người dân
Việt Nam xuống đường hôm 10 Tháng Sáu, 2018, phản đối nhà cầm quyền CSVN cho
Trung Quốc thuê đất 99 năm. Từ những cuộc biểu tình này, nhiều người bị chế độ
bắt cầm tù. (Hình minh họa: AFP via Getty Images)
Trung Quốc và Nga
– bộ đôi bất hảo
Xét về nhiều mặt, Trung Quốc và Nga có nhiều
chỗ tương đồng. Cả Bắc Kinh và Moscow đều quyết chống lại vai trò lãnh đạo thế
giới của Hoa Kỳ và cái trật tự quốc tế mà Washington duy trì từ sau Đệ Nhị Thế
Chiến. Cả Trung Quốc và Nga đều nằm dưới sự cai trị của chế độ độc tài toàn trị,
trong đó hai ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin đều muốn làm “hoàng đế” trọn đời
và đều nuôi tham vọng khôi phục sự vĩ đại của các đế chế Trung Hoa và Nga xưa
cũ, thâu tóm những quốc gia mà họ coi là thuộc về các đế quốc của các triều đại
phong kiến Trung Hoa và Nga Sa Hoàng.
“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” – chính mối thâm
thù với Hoa Kỳ và tham vọng bành trướng lãnh thổ đã thúc đẩy Moscow và Bắc Kinh
đến gần nhau, hình thành một mối liên minh không chính thức, một “tình bạn
không có giới hạn” như tuyên bố chung mới đây của hai ông Tập và Putin, để cùng
hợp sức chống lại các quốc gia dân chủ.
Sự tương đồng này đã thúc đẩy ông Tập ngấm ngầm
tán thành cuộc xâm lược của ông Putin, lên án một cách sai lầm rằng chính Hoa Kỳ
và phương Tây gây ra vụ khủng hoảng Ukraine. Cả hai ông này đều cho rằng sự mở
rộng về phía Đông của Khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là nguyên nhân chủ
yếu dẫn tới xung đột. Nếu ông Tập phát động chiến tranh xâm chiếm lãnh thổ ở
Đông Á, ông ta chắc chắn cũng được ông Putin ủng hộ như vậy. Nếu ông Putin
thành công trong việc bẻ gãy sự kháng cự của người Ukraine và sáp nhập được vào
nước Nga toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ Ukraine, điều đó sẽ kích thích ông Tập
Cận Bình nhanh chóng ra tay ở phía Đông, tận dụng thời cơ Hoa Kỳ và phương Tây
đang bận tập trung lực lượng vào chiến trường Châu Âu. Nhưng thực tế, sự sa lầy
trầm trọng của quân đội Nga ở Ukraine đang khiến Trung Quốc phải tính toán lại
mưu đồ của họ.
Những ngày này, Bắc Kinh theo dõi sát các biến
cố ở Kiev, đặc biệt là phản ứng của Hoa Kỳ và phương Tây đối với tội ác chiến
tranh của ông Putin để lường trước những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt
một khi ông Tập Cận Bình có hành động tương tự. Một mặt, Trung Quốc phản đối
chiến tranh (chung chung), kêu gọi ủng hộ cuộc đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng
giữa Nga và Ukraine nhưng mặt khác Trung Quốc từ chối lên án cuộc xâm lược của
ông Putin và tuyên truyền cho dân chúng của mình rằng quan hệ với Nga là hết sức
thiết yếu cho sự phát triển của Trung Quốc.
Từ mở rộng NATO đến
chiến lược Thái Bình Dương
Nhìn về phương Đông, ông Tập Cận Bình cho rằng
chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà chính phủ Hoa Kỳ mới công bố gần đây
cũng nguy hiểm cho an ninh của Trung Quốc như kế hoạch mở rộng NATO đối với an
ninh của Nga. Quan điểm của ông Tập được ông Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng), thứ
trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, trình bày tại Diễn Đàn Quốc Tế Về An Ninh và
Chiến Lược lần thứ tư vừa được tổ chức ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm cuối tuần.
“Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương [của Hoa Kỳ] cũng nguy hiểm như chiến
lược mở rộng về phía Đông của NATO ở Châu Âu. Nếu cứ để xảy ra tình trạng không
được kiểm soát, nó sẽ mang lại những hậu quả không thể tưởng tượng được, và cuối
cùng đẩy Châu Á-Thái Bình Dương vào một hố sâu rực lửa,” ông Lạc phát biểu,
theo Bloomberg.
Việc đánh đồng hai chiến lược của NATO và Hoa
Kỳ tạo thành cái cớ biện minh cho hành động quân sự mà Trung Quốc có thể thực
hiện trong tương lai, giống như nó biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine hiện thời
của ông Putin. Khi đánh đồng như vậy, rõ ràng giới lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn
bị dư luận cho hành động quân sự cưỡng chiếm Đài Loan hoặc các lãnh thổ tranh
chấp ở Biển Đông.
Thêm vào đó, đáng chú ý là Trung Quốc thường
xuyên phản bác các nhận định về sự tương đồng trong số phận của Ukraine và Đài
Loan – cả hai là những nước nhỏ nằm bên cạnh các nước lớn theo chế độ độc tài
và có tham vọng bành trướng lãnh thổ bằng sức mạnh quân sự.
Luận điểm chính của Trung Quốc về sự khác nhau
là ở chỗ Ukraine là một nước độc lập, có chủ quyền trong khi Đài Loan chỉ là một
phần lãnh thổ của Trung Quốc “ly khai” mà Bắc Kinh quyết “thu hồi” bằng được, kể
cả bằng sức mạnh quân sự. Nếu “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông Putin vào
lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền còn biện minh được thì không có lý do gì để
ông Tập không ra tay giành lại các vùng lãnh thổ vốn thuộc về Trung Quốc.
Những yếu tố trên cho thấy, kế hoạch xâm lược
Đài Loan và Biển Đông đã ăn sâu trong đầu óc giới lãnh đạo Trung Quốc, chỉ còn
vấn đề thời gian và chờ xem kết quả vụ xâm lược Ukraine của ông Putin như thế
nào.
Đài Loan không dễ
xơi
Nhưng cuộc bành trướng tương lai của Trung Quốc
sẽ nhắm vào đâu? Đâu sẽ là điểm bùng phát cuộc khủng hoảng kế tiếp của thế giới
sau Ukraine?
Tất nhiên Trung Quốc sẽ nhắm tới các khu vực
mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của họ. Đài Loan là một khu vực như vậy. Và Biển
Đông và các quần đảo trong “đường lưỡi bò chín đoạn” do Trung Quốc vẽ ra cũng bị
Bắc Kinh cho là lãnh thổ của họ.
Những bước đi của Trung Quốc hiển nhiên là xâm
chiếm lãnh thổ của các nước khác để bành trướng thế lực quân sự; và nhìn theo
quan điểm của Bắc Kinh, hiện Việt Nam và Philippines đang chiếm đóng “bất hợp
pháp” lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông mà Bắc Kinh có thể sử dụng sức mạnh
quân sự để đòi lại.
Chính vì thế, không chỉ Đài Loan mà cả quần đảo
Trường Sa, thậm chí Việt Nam và Philippines cũng có thể là nơi Trung Quốc thực
hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” theo kiểu Putin để chiếm lại.
Nhìn bề ngoài, Đài Loan có vẻ như là một mục
tiêu dễ chiếm đoạt: một hòn đảo nhỏ chơ vơ giữa biển khơi với 24 triệu dân và lực
lượng quân đội chỉ bằng một phần mười so với Trung Quốc. Nhưng thực tế, Đài
Loan là một mục tiêu khó nhằn, không chỉ vì eo biển Đài Loan rộng 100 dặm là
chướng ngại khó vượt qua cho những cuộc tấn công đổ bộ của Trung Quốc mà còn do
nhiều yếu tố khác.
Cũng như Ukraine, Đài Loan là một quốc gia dân
chủ, chính phủ được người dân bầu lên một cách tự do và minh bạch. Đại bộ phận
người dân Đài Loan, hơn 75%, tự coi mình là người Đài Loan (Taiwanese), không
phải là người Trung Quốc (Chinese) nên cuộc xâm lược của Trung Quốc khó mà biện
minh được về mặt dân tộc và văn hóa.
Kinh tế Đài Loan có sự gắn bó chặt chẽ với Hoa
Kỳ và phương Tây, đặc biệt hòn đảo này cung cấp tới hai phần ba số vi mạch bán
dẫn tân tiến cho các nền kinh tế lớn, kể cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và Châu Âu.
Đài Loan không chỉ là đối tác kinh tế quan trọng
của Hoa Kỳ mà Hoa Kỳ luôn cam kết bảo vệ Đài Loan theo những hiệp định đã ký kết
giữa đôi bên, đặc biệt là theo Luật Quan Hệ Đài Loan (Taiwan Relation Act –
TRA) mà Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành năm 1979, trong đó trao quyền cho tổng thống
Hoa Kỳ quyết định bảo vệ Đài Loan, cả bằng quân sự, một khi hòn đảo này bị xâm
lược và được Quốc Hội cho phép.
Tháng Mười 2021, Tổng Thống Mỹ Joe Biden đã
hai lần tuyên bố sẽ bảo vệ Đài Loan nếu bị Hoa Lục tấn công bằng quân sự. Mỹ đã
cung cấp cho Đài Loan rất nhiều loại vũ khí tối tân. Chính sách “mơ hồ chiến lược”
của Hoa Kỳ với Đài Loan làm cho Trung Quốc không thể nào xác định được Hoa Kỳ sẽ
làm gì nếu Bắc Kinh nổ súng xâm lược hòn đảo dân chủ này. Gần đây Nhật và Úc
cũng đã công khai lên tiếng bảo vệ Đài Loan trước âm mưu thôn tính của Trung Quốc.
Đây là những thứ mà Ukraine không có trước khi nổ ra cuộc xâm lăng của ông
Putin.
Tính toán của ông Tập Cận Bình rằng ông ta có
thể chiếm Đài Loan trong một cuộc tấn công chớp nhoáng và do sự ràng buộc về
kinh tế với Hoa Lục, phương Tây cần Trung Quốc hơn Đài Loan nên sẽ không phản ứng
mạnh với hành động quân sự của Bắc Kinh đang càng lúc càng tỏ ra không thực tế
sau những diễn biến gần đây ở Ukraine. Nga đã không nhanh chóng chiếm được
Ukraine dù có lợi thế lớn hơn nhiều về quân sự và phương Tây đã nhanh chóng
đoàn kết thành một khối trừng phạt Nga với những biện pháp cấm vận kinh tế nghiệt
ngã mà Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng.
Tất cả những yếu tố đó buộc ông Tập phải tính
toán lại kế hoạch tấn công Đài Loan.
Việt Nam mới đáng
lo
Philippines có hiệp định an ninh hỗ tương với
Hoa Kỳ từ năm 1951, theo đó Washington sẽ ra tay bảo vệ Manila nếu đảo quốc này
bị tấn công. Cho dù chính quyền hiện thời của Tổng Thống Rodrigo Duterte thường
xuyên có những phát biểu phản đối người Mỹ, ngả về Trung Quốc nhưng khi chiến sự
nổ ra, Philippines dứt khoát phải dựa vào Mỹ để tồn tại và người Mỹ cũng có
nghĩa vụ cùng người Phi chống xâm lược.
Chỉ có Việt Nam, với thể chế Cộng Sản độc tài
giống Trung Quốc, với đường lối quốc phòng “bốn không,” với một chính phủ và
quân đội yếu kém, tham nhũng tràn lan và lòng dân ly tán, mới là miếng mồi ngon
cho tham vọng bành trướng của ông Tập Cận Bình. Vì Hà Nội không liên minh quân
sự với nước nào, cũng không nằm trong một liên minh quân sự nào, nên nếu Việt
Nam bị Trung Quốc tấn công, Bắc Kinh không sợ bị nước nào chen vào can thiệp hoặc
cung cấp vũ khí tân tiến như thế giới đang làm với Ukraine.
Quân đội Việt Nam – vẫn thường vỗ ngực tự hào
đã đánh thắng các “đế quốc” to – hiện là một ổ tham nhũng và bất lực. Cư dân mạng
những ngày này thường chế giễu quân Nga mất sáu tướng trên chiến trường
Ukraine, còn quân đội Việt Nam chưa vào cuộc chiến tranh đã có hàng chục tướng
lĩnh phải vào tù vì tham nhũng! Nếu chiến tranh với một đội quân Trung Quốc
không chỉ đông hơn gấp nhiều lần mà còn có kho tàng hỏa tiễn hành trình, hỏa tiễn
đạn đạo, oanh tạc cơ, chiến đấu cơ, tàu ngầm, tàu chiến và đủ thứ vũ khí tân tiến
khác, quân đội Việt Nam chắc chắn sẽ thảm bại nhanh chóng.
Sau nhiều thập niên bị đàn áp tàn bạo dưới
chính thể Cộng Sản – mà ngay cả hành động thể hiện lòng yêu nước cũng bị coi là
tội hình sự, bị bắt giam, bị đánh đập và tù tội – có thể người dân Việt bây giờ
không còn hào hứng với lý tưởng cầm súng bảo vệ tổ quốc khi đất nước bị xâm
lăng.
Người ta không thấy ý nghĩa nào trong việc bảo
vệ một chế độ Cộng Sản cực quyền, đi ngược những giá trị tự do, dân chủ, nhân
quyền mà cả nhân loại theo đuổi – nhất là khi chế độ đó tỏ ra ngày càng khom
lưng uốn gối trước kẻ thù chỉ để duy trì quyền cai trị trên đầu trên cổ người
dân. Không nên kỳ vọng người dân thường Việt Nam sẽ cầm súng ra trận, đổ máu để
ngăn chặn quân xâm lược như người dân Ukraine đang làm và được cả thế giới cảm
phục hiện nay.
Nguy cơ đụng độ từ
nhỏ đến lớn
Hiện nay Trung Quốc ngày càng lấn lướt trên Biển
Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không loại trừ khả năng những
va chạm trên biển có thể dẫn tới những xung đột lớn hơn, thậm chí chiến tranh,
cả trên quần đảo Trường Sa lẫn trên đường biên giới dài gần 1,300 cây số giữa
hai nước. Nếu chiến tranh Trung-Việt nổ ra một lần nữa, Việt Nam sẽ không có sức
kháng cự, và cũng không được quốc tế ủng hộ, tiếp sức như trường hợp Đài Loan
hay Ukraine hiện nay cho dù thế giới có phản đối hành động của Bắc Kinh đi nữa.
Tất cả những yếu tố trên chắc chắn đang được
ông Tập Cận Bình và đội ngũ tham mưu của ông ta tính toán, cân nhắc, tìm điểm yếu
để ra tay, nhất là khi cuộc chiến Ukraine kết thúc mà nước Nga của ông Putin
giành được một số sự nhượng bộ nào đó từ Ukraine. Nhìn từ hướng nào đều thấy số
phận nước Việt Nam đều rất bi thảm dưới sự cai trị của tập đoàn Cộng Sản Hà Nội
và trước tham vọng bá quyền của Bắc Kinh. [qd]
No comments:
Post a Comment