The Economist
Đỗ
Đặng Nhật Huy, biên dịch
16/03/2022
https://nghiencuuquocte.org/2022/03/16/the-gioi-hom-nay-16-03-2022/
Giới chức
thành phố Mariupol ở Ukraine cho biết có khoảng 2.000 chuyến xe di tản
đã rời khỏi thành phố, với dự kiến 2.000 chuyến nữa theo sau. Đây là cuộc di tản
thành công thứ hai khỏi nơi này. Trong khi đó, một quan chức Ukraine cho biết
các hành lang sơ tán từ 4 thành phố ở vùng Sumy cũng sẽ được thiết lập từ
thứ Ba.
Tổng thống
Ukraine Volodymyr Zelensky nói nước này khó có thể gia nhập NATO.
“Ukraine không phải là thành viên của NATO… chúng ta đã nghe suốt nhiều năm qua
rằng các cánh cửa luôn mở sẵn, nhưng chúng ta cũng nghe rằng chúng ta sẽ không
thể gia nhập. Đó là sự thật cần được công nhận,” ông Zelenksy nói trước các
quan chức quốc phòng. Trước cuộc xâm lược, Nga đã yêu cầu Ukraine không tham
gia liên minh quân sự này.
Marina
Ovsyannikova, biên tập viên của đài Channel One ở Nga, người vào hôm thứ
Hai đã giơ biểu ngữ “Hãy dừng chiến tranh” ngay trên sóng truyền hình, bị phạt
30.000 rúp (280 đô la) vì “tổ chức sự kiện công cộng trái phép.”
Pierre
Zakrzewski, một nhân viên quay phim thuộc đài Fox News của Mỹ, đã thiệt
mạng ở Ukraine khi đang đưa tin ở ngoại ô thủ đô Kyiv. Phóng viên
Benjamin Hall của Fox cũng bị thương trong vụ tấn công. Trước đó, vào hôm Chủ
nhật, nhà báo Mỹ Brent Renaud thiệt mạng vì trúng đạn ở Ukraine.
Nhiều vụ nổ
lớn được ghi nhận ở thủ đô Kyiv của Ukraine vào hôm thứ Ba khi Nga đẩy mạnh
bắn phá. Một số tòa nhà, bao gồm cả ga tàu điện ngầm, đã bị tấn công. Trong khi
đó, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga đã dựng lên một thị trưởng thân Nga ở thành
phố Melitopol, sau khi người tiền nhiệm bị bắt cóc vào hôm thứ Sáu.
EU cấm các cơ quan xếp hạng tín dụng
hàng đầu, bao gồm Moody’s, S&P và Fitch, xếp hạng Nga và các công ty của nước
này, trong bối cảnh xếp hạng của Nga vốn đã rất tệ. Anh cũng công bố các biện
pháp trừng phạt mới đối với những cá nhân có liên hệ với tổng thống Nga
Vladimir Putin, bên cạnh một loạt các lệnh trừng phạt thương mại.
Thủ tướng
của Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovenia sẽ đến Kyiv vào thứ
Ba này để thay mặt EU bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine. Bộ ba cũng sẽ đề xuất một
“gói hỗ trợ rộng rãi” cho tổng thống Volodymyr Zelensky. Trong khi đó, các quan
chức Mỹ nói Trung Quốc đồng ý hỗ trợ kinh tế cho Nga. Mỹ cũng lo ngại Trung Quốc
đã đồng ý cung cấp cho Điện Kremlin các máy bay không người lái tấn công và tên
lửa đất đối không. Nga và Trung Quốc đều phủ nhận.
Tòa án Tối
cao ở Karnataka, một bang tây nam Ấn Độ, đã tán thành lệnh cấm của một số
trường đại học không cho phép các nữ sinh Hồi giáo mang khăn trùm đầu trong lớp
học. Lệnh cấm này đã gây biểu tình lớn ở Karnataka cũng như trên khắp Ấn Độ
trong những tháng gần đây • Trung Quốc báo cáo kỷ lục 5.280 ca mắc
covid-19 có triệu chứng — hơn một nửa trong số đó ở tỉnh Cát Lâm miền đông bắc.
Hiện chính sách “zero covid” của Bắc Kinh đang đứng trước thử thách lớn, với 11
thành phố bị phong toả • Iran cam kết tiếp tục đàm phán hướng đến khôi
phục thỏa thuận hạt nhân quốc tế. Đàm phán chậm lại từ tuần trước vì Nga yêu cầu
thương mại của họ với Iran không bị ảnh hưởng bởi những lệnh trừng phạt có liên
quan đến Ukraine.
Con số
trong ngày: 6.500
hryvnia (215 đô la), là số tiền chính phủ Ukraine trả cho các lao động bị mất
việc do chiến tranh.
TIÊU ĐIỂM
Sự trỗi dậy của một chính sách “ngăn chặn” mới
Cuộc xâm
lược Ukraine đã làm tan vỡ những nỗ lực gần đây của phương Tây nhằm “cài đặt lại”
quan hệ với Nga. Thay vào đó, các quan chức và chuyên gia đang xem xét lại
chính sách “ngăn chặn” (containment), vốn do George
Kennan, một nhà ngoại giao Mỹ trước đây đề ra, với mục tiêu đánh bại Liên
Xô trong Chiến tranh Lạnh mà không cần động binh. Lập luận rằng Nga sẽ chỉ phản
ứng theo “logic và luận điệu” của quyền lực, Kennan nói phải áp dụng một “lực đối
trọng không thể đánh bại” để đối phó với Nga.
Một chính
sách như vậy sẽ hoạt động như thế nào trong giai đoạn hiện nay? Nhiều học giả
cho rằng Mỹ phải tăng chi tiêu quốc phòng. Ukraine nên được cung cấp vũ khí để
tiêu hao ý chí và nguồn lực của Nga. Các biện pháp trừng phạt phải mạnh mẽ,
trong khi tăng cường liên minh của Mỹ ở Châu Âu và Thái Bình Dương. Đối với những
người lo ngại sự kiện Ukraine làm phân tâm khỏi Trung Quốc, các quan chức chính
quyền Biden nói việc Nga suy yếu kết hợp với hệ thống đồng minh châu Âu vững mạnh
rồi cũng sẽ “mang lại kết quả tốt đẹp” ở châu Á.
Các hãng thời trang đồng loạt ngừng kinh
doanh ở Nga
Kết quả
năm 2021 tốt đẹp của Inditex sẽ được công bố vào thứ Tư. Nhà bán lẻ thời trang nhanh
lớn nhất thế giới, với chuỗi Zara, được hưởng lợi từ việc “mua sắm trả thù” khi
người tiêu dùng đẩy mạnh chi tiêu hậu covid-19.
Nhưng cuộc
chiến ở Ukraine đã khiến công ty Tây Ban Nha, giống như nhiều hãng khác, phải
suy nghĩ lại về hoạt động kinh doanh của mình ở Nga – nơi chiếm 8,5% lợi nhuận
trước lãi vay và thuế, và là nơi họ thuê 9.000 lao động. Đến nay họ đã đóng cửa
502 cửa hàng và ngừng bán hàng trực tuyến ở Nga. Đối thủ lớn của Inditex,
H&M của Thuỵ Điển, cũng tạm thời ngừng kinh doanh ở Nga, tương tự như
Levi’s của Mỹ và các nhà sản xuất quần áo thể thao Adidas, Nike và Puma. Động
thái này có thể gây ra chi phí dài hạn lẫn ngắn hạn, nếu khách hàng Nga cho rằng
họ, chứ không phải chính phủ Nga, đang bị phương Tây trừng phạt.
“Khoảng khắc Falklands” của Boris Johnson
Một số nghị
sĩ đảng Bảo thủ cho rằng cuộc chiến ở Ukraine mang đến cho thủ tướng Anh Boris
Johnson một “khoảnh khắc Falklands”
hiếm hoi. Cách nói này đề cập đến tỉ lệ ủng hộ Margaret Thatcher tăng vọt sau
cuộc chiến với Argentina vào năm 1982. Đó chắc chắn là lời phóng đại, nhưng cuộc
xung đột vẫn mang lại cho ông Johnson một số phao cứu sinh rất cần thiết.
Chỉ mới
hai tháng trước ông hoàn toàn có nguy cơ bị lật đổ sau vụ Partygate – scandal về
một loạt các bữa tiệc vi phạm quy tắc Covid-19. Giờ đây nó đã hoàn toàn biến mất
khỏi tâm trí của công luận. Tỷ lệ người Anh muốn ông từ chức đã giảm 10 điểm phần
trăm kể từ tháng 1 xuống còn 53%, theo hãng thăm dò ý kiến Opinium, trong khi
cách biệt giữa Công đảng với đảng Bảo thủ thu hẹp. Song nó có thể không kéo dài
lâu, khi chiến tranh đẩy giá dầu và khí đốt tự nhiên lên cao, ngay trước thềm
việc tăng thuế vào tháng 4. Chi tiêu hộ gia đình eo hẹp sẽ gây nhiều khó khăn
cho ông Johnson.
Fed đang họp bàn về lãi suất
Cục Dự trữ
Liên bang chắc chắn sẽ tăng lãi suất vào thứ Tư, lần đầu tiên kể từ năm 2018.
Thông báo được đưa ra sau cuộc họp thường kỳ của uỷ ban nghiệp vụ thị trường mở
sẽ khởi động một chu kỳ thắt chặt mới nhằm kiềm chế lạm phát, vốn đang ở mức
cao nhất bốn thập niên qua.
Sẽ không
có nhiều bất ngờ: giá cả thị trường đều đang đặt xác suất hơn 99% là Fed sẽ
tăng lãi suất 0,25%. Do đó, thị trường sẽ tập trung vào tuyên bố sau cuộc họp của
chủ tịch Jerome Powell. Họ muốn tìm các manh mối về thời gian và tốc độ Fed rút
ngắn các khoản mua trái phiếu khổng lồ trong thời kỳ đại dịch. Họ cũng muốn
nghe quan điểm của ông Powell về ảnh hưởng của việc Nga xâm lược Ukraine đối với
chính sách tiền tệ. Giá dầu tăng cao dẫn đến lạm phát, trong khi bất ổn tài
chính làm tổn hại triển vọng kinh tế. Sẽ rất khó để Fed điều chỉnh giá cả mà
không làm suy yếu tăng trưởng.
No comments:
Post a Comment