SOLZHENITSYN,
PUTIN VÀ CHỦ NGHĨA DÂN TỘC TẠI NGA
https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao/posts/931642654136911
Quá khứ bao giờ cũng là bài học quý giá cho
tương lai. Học để tránh hay học để vượt qua. Tuy nhiên, nhiều nhà chính trị
không chỉ học mà tai hại hơn còn vận dụng quá khứ như một vũ khí để thực hiện
tham vọng bành trướng của riêng họ.
Có người như Hitler nhắc nhở người dân về một
quá khứ vàng son Tổ Quốc Đức cần được phục hồi.
Có người vận dụng nỗi đau quá khứ như trường hợp
Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình dùng khẩu hiệu “một trăm năm sỉ nhục” để khiêu
khích lòng tự ái dân tộc của người Trung Hoa.
Cũng có người như Alexander Solzhenitsyn và
Putin xem quá khứ Đế Quốc Nga như một lâu đài cổ mà các thế hệ phải bảo vệ và nếu
cần phải chết trong đó không được phép thoát ra.
Theo Stanford Encyclopedia of Philosophy, mặc
dù thuật ngữ “chủ nghĩa dân tộc” (nationalism) có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng
tựu trung nó bao hàm hai hiện tượng: (1) thái độ mà các thành viên của một quốc
gia quan tâm đến danh tính của họ với tư cách là thành viên của quốc gia đó và
(2) các hành động của các thành viên của một quốc gia đang tìm cách đạt được
(hoặc duy trì) một số hình thức chủ quyền chính trị.”
Trong một cách đơn giản và dễ hiểu hơn, chủ
nghĩa dân tộc, không phải là một hệ tư tưởng (ideology) giống như chủ nghĩa cộng
sản hay chủ nghĩa tư bản và cũng khác với lòng yêu nước (patriotism), là một
cách suy nghĩ của một người hay một số người cho rằng dân tộc của người đó hay
những người đó có phẩm chất cao hơn các dân tộc khác và do đó quyền lợi dân tộc
của người đó hay những người đó nên được đặt lên trên quyền lợi các dân tộc
khác thường là có chung biên giới đất hay biển.
Hitler, ngay trong trang đầu của chương thứ nhất
trong tác phẩm Đời Tranh Đấu Của Tôi (Mein Kampf), viết về Áo, một Ukraine của
Nga như sau: Nước Đức-Áo phải được phục hồi về một Tổ Quốc Đức vĩ đại. Điều đó,
thực sự, không đặt trên cơ sở của bất cứ một tính toán kinh tế nào. Không,
không. Ngay cả khi thống nhất là một vấn đề ít được quan tâm về kinh tế, và
ngay cả khi điều đó có thể gặp bất lợi từ quan điểm kinh tế, vẫn nên diễn ra.
Những người cùng huyết thống nên cùng chung một nước Đức. “ (Mein Kampf Adolf
Hitler Translated into English by James Murphy).
Nhà văn Nga nổi tiếng thế giới Alexander
Solzhenitsyn viết về Ukraine không khác gì Hitler viết về Áo trong tác phẩm
Tái Dựng Nước Nga (Rebuilding Russia) như sau: “Tất cả chúng ta đều phát xuất từ
Kiev quý giá, nơi mà từ đó “đất Nga bắt đầu hình thành” (như Nestor đã ghi
trong biên niên sử của mình) và từ đó chúng ta nhận được ánh sáng của Cơ đốc
giáo. Chính các hoàng tử đã cai trị tất cả chúng ta”.
Ông không quên đưa ra một đề nghị về một
Ukraine tương lai: “Các nhà sử học và nhà lý luận chính trị Ukraine ủng hộ quyền
tự trị cho Ukraine nhưng tôi tin rằng điều này sẽ đạt được tốt nhất trong khuôn
khổ liên minh liên bang với Nga.” (Alexander Solzhenitsyn, “Rebuilding Russia,
Reflections And Tentative Proposals”, Moscow 1990, London 1991).
Cũng trong tác phẩm này , Solzhenitsyn viện dẫn
lý do cho việc Ukraine nên là một tiểu bang hơn là một quốc gia vì “tách khỏi
Ukraine có nghĩa là cắt ngang cuộc sống của hàng triệu cá nhân và gia đình: hai
quần thể này hoàn toàn xen kẽ với nhau; có toàn bộ khu vực mà người Nga chiếm
ưu thế; nhiều người sẽ khó lựa chọn giữa hai quốc tịch; nhiều người khác có nguồn
gốc hỗn hợp, và có rất nhiều cuộc hôn nhân hỗn hợp…..”
Solzhenitsyn
không hiểu hay cố tình không muốn hiểu sự khác nhau căn bản giữa quyền công dân
của một nước và nguồn gốc văn hóa người đó.
Một người dân bình thường đưa ra những lý lẽ
trên có thể sẽ được quên nhanh, nhưng Solzhenitsyn thì khác. Solzhenitsyn không
chỉ là nhà văn nổi tiếng nhất của Nga mà còn là biểu tượng cho dòng lịch sử chảy
qua nhiều biến cố của Nga từ Thế Chiến Thứ Hai đến khi ông qua đời ngày 3 tháng
8, 2008. Quan điểm chủ
nghĩa dân tộc của ông là chỗ dựa tinh thần và lý luận chủ đạo cho các chính
sách đối ngoại với các nước cựu CSLX của Putin.
Putin xem Solzhenitsyn như một bậc thầy. Theo nhà
nghiên cứu Peter Eltsov, thuộc National Defense University, Putin bày tỏ lòng
thán phục dành cho Solzhenitsyn và đến tận tư gia của ông ta để thông báo các
chương trình Putin đã đạt được dựa theo những điều Solzhenitsyn đã viết.
Putin lập lại quan điểm của Solzhenitsyn khi
viết về Ukraine: “Để hiểu rõ hơn về hiện tại và nhìn về tương lai, chúng ta cần
đọc lại lịch sử. Chắc chắn không thể kể hết trong bài viết này những diễn biến
diễn ra hơn một nghìn năm. Nhưng tôi sẽ tập trung vào những khoảnh khắc quan trọng,
then chốt điều quan trọng mà chúng ta cần ghi nhớ, cả ở Nga và Ukraine. Người
Nga, người Ukraina và người Belarus đều là hậu duệ của Rus cổ đại, vốn là bang
lớn nhất ở Châu Âu. (Vladimir Putin ”On the Historical Unity of Russians and
Ukrainians“ July 12, 2021)
Putin ca ngợi Solzhenitsyn: "Solzhenitsyn
là một người yêu thích lịch sử Nga và dựa vào đó trong khi phân tích các diễn
biến hiện tại và nhìn vào tương lai của đất nước. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng."
(Phỏng vấn với đài truyền hình Ba Lan’s Gazeta Wyborcza và TVP ngày 15 tháng 1,
2002).
Cả ba, một Hitler diệt chủng, một Solzhenitsyn
nhà văn, một Putin độc tài nhưng chia sẻ nhau một quan điểm dân tộc, đó là “những
người cùng huyết thống nên cùng chung một nước.”
Hitler được nhân loại biết nhiều qua Thế Chiến
Thứ Hai với Holocaust. Putin đang được nhắc gần như hai mươi bốn giờ một ngày
trên mọi nguồn tin thế giới. Alexander Solzhenitsyn có thể là một ngạc nhiên với
nhiều độc giả, nhất là những độc giả từng yêu mến tài năng và thán phục lòng
can đảm của ông qua các tác phẩm như Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle), Quần
Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago ) , Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denisovich
(One Day in the Life of Ivan Denisovich) v.v..
Nhưng khiếu văn chương và lòng can đảm chưa đủ
để minh định giá trị của một con người và cũng không thể dùng để biện minh cho
những nhận thức sai lầm về lịch sử.
Quan điểm của Solzhenitsyn cho thấy một người
yêu dân chủ chắc chắn sẽ chống lại mọi chế độ độc tài nhưng một người chống độc
tài chưa hẳn phát xuất từ tình yêu dân chủ.
Ngoài Solzhenitsyn, Boris Yeltsin của Nga là một
bằng chứng khác. Một Yeltsin hai năm trước đứng trên xe tăng công khai thách thức
các thành phần CS tàn dư bảo thủ cũng chính là Yeltsin hai năm sau ra lệnh xe
tăng tấn công quốc hội gây ra hàng trăm người bị giết và bị thương. Dù biện
minh bằng lý do gì hay nhân danh mục đích gì, hành động của Boris Yeltsin là
hành động phi dân chủ. Do đó không ngạc nhiên, để trả ơn, một trong những sắc lệnh
đầu tiên khi nhậm chức tổng thống của Vladimir Putin là miễn truy tố Yeltsin.
Vài nét về Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn
Theo tiểu sử do chính ông gởi cho Hội Đồng Giải
Nobel và theo tác phẩm Alexander Solzhenitsyn của Kodjak, Andrej, nhà văn một
thời là biểu tượng của khát vọng tự do sinh ngày 11 tháng 12, 1918 tại
Kislovodsk. Cha là một người có trình độ đại học nhưng phải bỏ dở để tình nguyện
vào quân đội Nga trong Thế Chiến Thứ Nhất như một sĩ quan pháo binh. Cha ông
qua đời khi Solzhenitsyn còn trong bụng mẹ. Ông lớn lên với người mẹ, người
Ukraine, thường hay bệnh và đời sống khó khăn. Solzhenitsyn theo học ban toán tại
đại học Rostov. Dù không thích toán học nhưng cũng nhờ toán mà ông đỡ vất vả
trong thời gian tám năm ở trại tù khổ sai. Dù giỏi toán, Solzhenitsyn vẫn mơ ước
trở thành nhà văn. Trong giai đoạn từ 1939 đến 1941, bên cạnh các môn toán và
lý, ông dành thời gian để nghiên cứu về văn chương tại Học viện Văn Chương, Triết
Học và Lịch Sử ở Moscow. Khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, ông tham gia vào binh
chủng pháo binh và chiến đấu một cách dũng cảm.
Trong thời gian ở mặt trận, Solzhenitsyn và một
người bạn tâm giao từ thời trung học cho tới đại học thường hay trao đổi nhau
thư từ. Một trong những lá thư đó, Solzhenitsyn phê bình Stalin. Mặc dù ông viết
rất khéo nhưng cũng bị khám phá. Tháng 7, 1945 Solzhenitsyn bị kết án tám năm
lao động khổ sai. Bạn ông ta bị kết án mười năm. Ra tù, Solzhenitsyn bị chỉ định
cư trú tại miền nam Kazakhstan. Năm 1961, trong giai đoạn tương đối cởi mở dưới
thời Khrushchev hai tác phẩm của Solzhenitsyn được in. Khi Khrushchev bị hạ bệ,
các tác phẩm của Solzhenitsyn cũng bị hạ bệ theo. Cánh CS tôn thờ Stalin tấn
công ông liên tục. Dù vậy, thời gian này cũng là đỉnh cao trong sự nghiệp văn
chương của Solzhenitsyn. Tên tuổi của ông không chỉ được biết nhiều tại Liên Xô
mà nhiều hơn bên ngoài Liên Xô. Năm 1969, ông bị trục xuất ra khỏi Hội Nhà Văn
Liên Xô nhưng năm sau, 1970, ông lại được trao giải văn chương cao quý nhất thế
giới: Nobel Văn Chương.
Khi tác phẩm Quần Đảo Ngục Tù được in tại hải
ngoại, Solzhenitsyn bị tố cáo là “phản quốc”. Ông bị bắt giữ ngày 12 tháng 2,
1974 và hôm sau bị trục xuất đến Đức. Ông di chuyển vài nơi trên quãng đời lưu
vong trước khi chọn một làng nhỏ thuộc tiểu bang Vermont để định cư.
Solzhenitsyn và gia đình sống ở đó gần hai mươi năm cho tới khi hồi hương về
Nga, 1994. Solzhenitsyn qua đời ngày 3 tháng 8, 2008.
Với tất cả sự kính trọng dành cho nhà văn
Solzhenitsyn, đề nghị “Ukraine nên nằm trong liên
bang Nga”, về lịch sử và dân tộc học thể hiện một quan điểm sai lầm và lạc hậu.
Quan điểm dân tộc cực đoan đó là nguồn gốc của không biết bao nhiêu tai
họa đã diễn ra trong lịch sử nhân loại, cụ thể nhất là trong cuộc chiến thế giới
từ 1939 đến 1945 mà ông đã từng chiến đấu chống lại.
Dân tộc là gì? Nói một cách dễ hiểu, dân tộc
là một khái niệm để chỉ tập thể của những người chia sẻ một dòng máu, có cùng
nguồn gốc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống và gắn bó nhau qua những thăng trầm
trong lịch sử.
Phần lớn các định nghĩa về dân tộc đều dừng lại
ở đó. Và nếu vậy, dân tộc chỉ là một căn nhà đồ sộ nhưng khô cứng và cũ dần
theo thời gian. Căn nhà đó thực chất chỉ là một đống gạch đá vô hồn. Truyền thống
chỉ là một thói quen lạc hậu.
Không. Dân tộc phải là một thực thể sống động,
phải biết thở như con người và phải luôn đổi mới theo đà phát triển của văn
minh nhân loại. Dân tộc phải có quyền tự quyết và vươn lên cùng thời đại và thời
đại này là thời đại tự do.
Bởi vì ước muốn của con người hôm nay không những
khác với ước muốn con người ngàn năm trước mà khác ngay cả trong vòng thế kỷ
trước đây. Văn hóa là một dòng sông chảy ngang qua đời sống con người mang theo
các giá trị tự do, dân chủ, độc lập và quyền tự quyết được sống trong xã hội mà
họ chọn lựa.
Tự do là quyền bẩm sinh của con người và không
một ai, không một tổ chức, không một đảng phái nào có quyền tước đoạt.
Chưa bao giờ trong lịch sử loài người khát vọng
tự do dân chủ bùng cháy mạnh hơn.
Phong trào Mùa Xuân Ả Rập (Arab Spring) 2011 bắt
đầu với cuộc Cách mạng Hoa lài (Jasmine Revolution) cho thấy con người sẵn sàng
chết vì tự do dân chủ, những giá trị mà trước đó không lâu còn được xem như những
xa xỉ phẩm. Nhiều nhà độc tài không trực tiếp ảnh hưởng bởi phong trào Mùa Xuân
Ả Rập đã vẫn phải tự thay đổi đường lối lãnh đạo và cai trị để thỏa hiệp với đà
tiến của nhân loại.
Phim Blood Diamond là phim hư cấu nhưng được dựng
từ nhiều cảnh thật đã diễn ra ở Sierra Leone trong đó có cảnh chặt tay rùng rợn.
Một hình ảnh mà người viết đã dùng để ca ngợi nhiều lần là trường hợp anh nông
dân Ismail Darramy bị chặt tay vì từ chối không bỏ phiếu cho các lãnh tụ độc
tài phiến loạn. Bàn tay của anh nông dân quan trọng đến dường nào. Không chỉ bản
thân mà cả gia đình anh sống nhờ bàn tay đó. Nhưng anh chấp nhận bị chặt tay vì
anh yêu dân chủ. Thói quen chặt tay dã man này là di sản còn lại từ thời vua thực
dân Bỉ King Leopold II tàn ác nghĩ ra để trừng phạt những người dân thuộc địa
Congo không theo kịp chỉ tiêu sản xuất.
Dân tộc Ukraine đã đấu tranh cho độc lập, dân
chủ và tự quyết suốt nhiều trăm năm qua nhiều triều đại Nga. Nền độc lập thực sự
đến khi chế độ CS Liên Xô sụp đổ.
Năm 1990, cánh cửa tự do mở ra không chỉ cho
51 triệu dân Ukraine mà còn cho cộng đồng người Ukraine lang bạt trên nhiều quốc
gia khác có cơ hội hồi hương.
Ngày 24 tháng 8, 1991, quốc hội Ukraine tuyên
bố “Ukraine là một quốc gia dân chủ độc lập” phù hợp với “quyền tự quyết dân tộc”
ghi rõ trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và ấn định ngày 1 tháng 12, 1991 là
ngày trưng cầu dân ý.
Ngày 1 tháng 12 đến, 92 phần trăm dân số
Ukraine bỏ phiếu đồng ý Ukraine độc lập. Ngay cả trong các khu vực được xem như
đã bị Nga hóa ở miền Đông Ukraine cũng có trên 80 phần trăm đồng ý Ukraine là một
quốc gia dân chủ và độc lập. (Paul R. Magocsi, A history of Ukraine, University
of Washington Press, 1996)
Ngày
24 tháng 8 (Lễ Độc Lập) và ngày 28 tháng 6 (Lễ Công Bố Hiến Pháp Dân Chủ) là
hai trong số những ngày quốc lễ lớn nhất của Cộng Hòa Ukraine.
Nếu Vladimir Putin là một người học trò tận tụy
của lịch sử Nga, lẽ ra ông ta nên chào đón cơ hội Ukraine trở thành một nước độc
lập, tự do dân chủ và mở rộng vòng tay hợp tác để cùng phát triển trong tình
huynh đệ cùng một nguồn gốc Rus, không nhất thiết phải liên bang hay nhập hẳn
vào Nga.
Nếu Solzhenitsyn là người quan tâm đến nguyện
vọng của người dân Ukraine, lẽ ra ông ta nên dùng ảnh hưởng của mình để bênh vực
khát vọng tự do của 50 triệu người đã chứng minh qua hai cuộc bầu cử công khai
và dân chủ thay vì đi ngược lại chiều kim lịch sử với âm mưu tái lập một đế quốc
Nga đã tàn lụi từ lâu.
Solzhenitsyn ca ngợi Putin bằng những lời nịnh
hót tầm thường đến độ khó tin là đã phát ra từ cửa miệng của tác giả Quần Đảo
Ngục Tù:”Tổng thống biết quá rõ những khó khăn đáng kinh ngạc, cả đối nội và đối
ngoại, ông ta đã phải thừa hưởng và những khó khăn cần phải tránh ngày nay. Tôi
muốn ca ngợi sự thận trọng và đúng đắn trong các quyết định và nhận định của tổng
thống. Nhìn chung, ông ta có một đầu óc nhanh nhẹn, thông minh nhanh nhẹn và
không có ham muốn quyền lực cá nhân, không thích quyền lực …thực sự làm việc
chăm chỉ. Chăm chỉ vì nhiệm vụ khó hoàn thành lắm. ” (Phỏng vấn đài truyền hình
Nga ngày 21-9-2000).
Yevhen Sverstiuk, một nhà thơ Ukraine bất đồng
chính kiến và từng bị chế độ CSLX bỏ tù trong thập niên 1970 phê bình luận điệu
chủ nghĩa dân tộc của Solzhenitsyn: “Ukraine là một chủ đề riêng biệt vì
Solzhenitsyn, có mẹ là người Ukraine, có thái độ đặc biệt đối với Ukraine. Ông
ta đã tìm cách từ chối nửa người Ukraine của mình và đề cao một nửa chủ nghĩa
dân tộc Nga của mình. Theo nghĩa này, ông ta đã đánh mất tầm vóc của mình. Kiến
thức của ông ta rất hạn hẹp, phản tiến bộ và rất sơ sài về hệ tư tưởng đế quốc
Nga. Các bài phát biểu của ông ấy về Ukraine thật kinh khủng. Chúng sai, chúng
đầy rẫy những thông tin sai lệch, loại thông tin mà xã hội Nga đang được nuôi
dưỡng." (Claire Bigg, Solzhenitsyn Leaves Troubled Legacy Across Former
Soviet Union, Radio Free Europe, August 6 2008)
Solzhenitsyn
không cầm súng, không bắn chết ai nhưng quan điểm của ông ta đang góp phần tàn
phá quê mẹ ông (mẹ của Solzhenitsyn là người Ukraine).
Ông không còn sống để thấy cảnh hàng triệu ông
bà già, phụ nữ và trẻ em Ukraine đang lâm cảnh màn trời chiếu đất trong các trại
tị nạn, hàng ngàn người Ukraine phải chết mỗi ngày ngoài mặt trận, một đất nước
do những suy nghĩ sai lầm của chính ông góp phần tàn phá.
Hôm nay trước cảnh máu chảy thịt rơi, nhà tan
cửa nát, những khái niệm gọi là "tình anh em", "tình dân tộc
Rus" đã trở thành vô nghĩa. Đây không phải là nội chiến giữa nước “Nga lớn”
và “Nga nhỏ”, không phải là cuộc chiến “cốt nhục tương tàn”, “nồi da xáo thịt”
mà là một cuộc chiến tự vệ chống xâm lăng của Cộng Hòa Ukraine.
Những người lính Ukraine không chiến đấu vì
quá khứ. Họ chiến đấu cho quyền sống, quyền làm người, quyền tự do và dân chủ của
chính họ, gia đình họ hôm nay và các thế hệ Ukraine tương lai.
Trần Trung Đạo
VLADIMIR PUTIN, THAM VỌNG VÀ HẬU QUẢ
Tháng 4, 2014, một tháng sau khi Nga cưỡng chiếm
bán đảo Crimea, trong một bài viết về chính sách đối ngoại của Mỹ, người viết
có nhấn mạnh “Rất nhiều bài viết và phân tích về tham vọng bành trướng của
Putin. Điều quan trọng nên nhớ, tham vọng của Putin không dừng lại ở bán đảo
Crimea mà là Ukraine.” (Chính Luận Trần Trung Đạo, Cổ Loa xuất bản 2014, trang
149)
Nhận định “tham vọng của Putin không dừng lại ở
bán đảo Crimea mà là Ukraine…
Xem thêm
.
VLADIMIR PUTIN, THAM VỌNG VÀ HẬU QUẢ
Tháng 4, 2014, một tháng sau khi Nga cưỡng chiếm
bán đảo Crimea, trong một bài viết về chính sách đối ngoại của Mỹ, người viết
có nhấn mạnh “Rất nhiều bài viết và phân tích về tham vọng bành trướng của
Putin. Điều quan trọng nên nhớ, tham vọng của Putin không dừng lại ở bán đảo
Crimea mà là Ukraine.” (Chính Luận Trần Trung Đạo, Cổ Loa xuất bản 2014, trang
149)
Nhận định “tham vọng của Putin không dừng lại ở
bán đảo Crimea mà là Ukraine…
Xem thêm
.
NHÂN XUNG ĐỘT NGA-UKRAINE, ĐỌC LẠI
BÀI HỌC 60 NĂM CHƯA THUỘC CỦA ẤN ĐỘ
Trong quyết nghị LHQ ủng hộ Ukraine “đòi Nga
rút ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện tất cả các lực lượng quân sự của
mình khỏi lãnh thổ Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận"
ngày 2 tháng 3 vừa qua vỏn vẹn có bốn nước ngoài Nga chống lại quyết nghị gồm
Belarus, Syria, North Korea và Eritrea.
Ba nước Belarus, Syria, North Korea chắc nhiều
độc giả đã biết, nước ít được biết là Eritrea. …
Xem thêm
.
BÀI HỌC THỔ NHĨ KỲ TRONG XUNG ĐỘT
NGA-UKRAINE
Tổng thống thứ 14 củaThổ Nhĩ Kỳ hiện nay là
Recep Tayyip Erdogan. Vị trí của Thổ rất tế nhị. TT Erdogan có quan hệ tốt với
cả Vladimir Putin lẫn Volodymyr Zelenskyy. Cộng hòa Thổ chia sẻ biên giới trên
biển Hắc Hải với hai quốc Nga và Ukraine. Trong thời gian đầu cuộc chiến Nga
xâm lăng Ukraine, Erdogan chọn vị trí trung lập. Tuy nhiên trong ba ngày qua,
quan điểm của ông ta thay đổi. Lập trường của Ordogan nghiêng dần về phí…
Xem thêm
No comments:
Post a Comment