Nhiệm
vụ của trường chuyên không phải để thi học sinh giỏi!
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=357536946253331&id=100059910855657
Sự kiện
UBND tỉnh Hòa Bình trình dự thảo chi 1.3 tỉ đồng để mời giáo sư - tiến sĩ về dạy
trường THPT chuyên trên địa bàn đang thu hút sự quan tâm và bàn luận đặc biệt của
xã hội. Tuy nhiên, cái làm chúng tôi băn khoan nhiều nhất không phải là số tiền,
cách chi tiền cũng như mục đích của nó, mà là quan điểm của những người làm
giáo dục về vấn đề này.
Trên tờ Tuổi
trẻ, bà TS Nguyễn Kim Dung – viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Nam Việt – nhận
định rằng chủ trương này là “chưa phù hợp lắm”. Bà đưa ra 3 lý do, trong đó 1
và 3 là liên quan đến nhiệm vụ/chức năng của trường chuyên*. Điều đáng ngạc
nhiên nằm ở chỗ bà xác định rằng trường chuyên thực hiện “chức năng là để bồi
dưỡng nhân tài, định hướng học sinh chọn lĩnh vực phát triển trong tương lai,
bên cạnh nhiệm vụ có nhiều học sinh giỏi mang thành tích cho trường” (lý do thứ
nhất); và được nhấn mạnh lại một cách đầy đủ, trọn vẹn trong lý do thứ ba:“Chức
năng trường chuyên có thể tạo nghiên cứu, hướng dẫn học sinh vào mảng thi học
sinh giỏi. Đặc trưng này không phải là điểm mạnh của giáo sư, phó giáo sư. Giải
một đề toán, đề văn, phát huy năng khiếu phải là người hướng về năng lực giảng
dạy hơn năng lực nghiên cứu”. Nói cho giản dị, thì bà Viện trưởng coi nhiệm vụ thi và lấy giải học
sinh giỏi là trọng tâm của trường chuyên.
Cũng trong
bài báo trên, GS Nguyễn Đức Dân nêu quan điểm: "Môi trường THPT mà cần đến
cả những người có hàm giáo sư, phó giáo sư là không cần thiết. Chắc gì khi họ đứng
lớp dạy tốt hơn giáo viên trường THPT. Môi trường này cần người tài ở cơ sở
giáo dục khác đưa về.
Chẳng hạn,
họ là nhà giáo có thành tích trong dạy học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, khu vực...
Dùng chế độ này để thu hút hơn nữa giáo viên có tài về THPT chuyên thì đúng
hơn. Đồng thời đãi ngộ để khuyến khích, động viên tinh thần của giáo viên dạy
đã tốt thì càng tốt hơn nữa". Một lần nữa chúng ta thấy cái lý do về
“thành tích trong dạy học sinh giỏi” lại được nhắc đến, và nhất là còn là lý do
duy nhất trong lời phát biểu của này!
Điều này
(nhiệm vụ thi học sinh giỏi) không tìm thấy trong các văn bản pháp quy của
ngành Giáo dục. Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông
chuyên quy định rõ “mục tiêu, nhiệm vụ, quyền hạn” của trường chuyên cũng không
hề có dòng nào nói đến nhiệm vụ “thi học sinh giỏi” và “mang thành tích về cho
trường” như Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhấn mạnh tới 2 lần như
trên cả.
Nếu là một
người dân bình thường, một người làm trong các ngành nghề khác, thậm chí là
giáo viên phổ thông mà nhìn nhận như thế thì cũng không làm chúng ta băn khoăn
nhiều lắm nhưng quan điểm của những người ở cương vị như TS Nguyễn Kim Dung
(hay GS Dân) thì lại là chuyện khác. Đành rằng, dù nói dù không, thì trên thực
tế đã từ rất lâu rồi, “thi học sinh giỏi” gần như đã là một thứ “luật bất thành
văn” trong quan điểm, tổ chức, điều hành và vận hành của hệ thống trường
chuyên. Đây gần như là lý do mạnh nhất chi phối đến sự tồn tại và tính hợp lý của
nó trong hiện thực. Nhưng đó là chuyện khác.
Có nhiều
lý do dẫn đến việc “lái chệch mục tiêu” này của hệ thống trường chuyên. Tuy
nhiên, nó có thể hiểu được một khi đó là do sức mạnh có tính khách quan vượt ra
khỏi ý chí của những người làm giáo dục. Nhưng đây, qua phát biểu của Viện trưởng
Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thì dường như vấn đề không phải chỉ có thế.
Hay là những
“yếu nhân” trong nền giáo dục Việt Nam đã và đang chủ động lái nó theo quan điểm
của họ? Bằng chứng là từ phát ngôn đã dẫn, bà Viện trưởng đã công khai coi thi
học sinh giỏi và thành tích từ các cuộc thi học sinh giỏi ấy là chức năng chủ yếu
của trường chuyên khi có đến hai trong ba lý do được đưa ra là thuộc vào nội
dung này.
Theo Quy
chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên, “Mục tiêu của
trường chuyên là phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất
sắc trong học tập và phát triển năng khiếu của các em về một số môn học trên cơ
sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện; giáo dục các em thành người có lòng
yêu nước, tinh thần vượt khó, tự hào, tự tôn dân tộc; có khả năng tự học,
nghiên cứu khoa học và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tiếp tục đào tạo thành nhân
tài đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”. Rõ ràng, chúng ta đang có quan điểm
đúng về giáo dục, tuy nhiên không hiểu vì sao mà những người làm giáo dục, thậm
chí trực tiếp thiết kế nền giáo dục lại có nhìn nhận sai khác đến như vậy khi
coi trường chuyên là nơi để “thi học sinh giỏi” và “mang thành tích về cho trường”?
Xin nói
thêm, quan điểm của bà Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam không phải
là thiểu số, nếu không nói rằng nó đại diện cho đa số. Dù nói ra hay không thì
hầu hết những người đang trực tiếp làm công tác giáo dục tại các trường chuyên
đều bám sát mục tiêu “thi học sinh giỏi” ấy. Không những thế, cái “dự thảo”
UBND tỉnh Hòa Bình cũng là một đại diện cho tư duy của lãnh đạo các địa phương
trên hầu khắp cả nước. Đã từ rất lâu, việc chi hàng trăm triệu đồng để mời giáo
sư, tiến sĩ hoặc cho học sinh đi học giáo sư, tiến sĩ trước mỗi kỳ thi học sinh
giỏi quốc gia vẫn diễn ra như một lẽ thường tình và đương nhiên rồi. Chỉ khác
là lần này nó được nói công khai trên báo chí mà thôi.
Phát biểu
của bà Viện trưởng buộc chúng ta phải suy nghĩ. Sự vận hành của nền giáo dục
nói chung và hướng đi của trường chuyên nói riêng suốt bao nhiêu năm qua đã bắt
đầu chệch hướng từ khi nào và bởi ai? Tại sao lại có sự “mất lái” ấy? Nó có thể
quay lại được không? Và làm cách nào để quay lại? Chúng tôi mong câu trả lời ở
những người có trách nhiệm cao nhất với nền giáo dục nước nhà và cả ở tất cả
chúng ta, vì nó không phải việc đơn giản.
Điều mà
chúng tôi lo lắng nhiều nhất, sau khi đọc được lời phát biểu của Viện trưởng Viện
Khoa học giáo dục Việt Nam, là đối với Chương trình giáo dục phổ thông mới
(2018). Với những mục tiêu tốt đẹp và rõ ràng (như đã từng) có khi nào, một lần
nữa nền giáo dục lại bị lái đi chệch hướng, để chúng ta phải mất thêm 20 năm tiếp
theo cho một cuộc đổi mới sau lần đổi mới này, bởi chính những người đang làm
giáo dục khi mà tư duy, quan niệm và ám ảnh thành tích đã bắt rễ qua sâu như
trong não trạng của những người có học hàm, học vị và vị trí cao đến thế?
Điều cuối
cùng, chúng tôi không có ý “đổ lỗi” cho các cá nhân đã nêu, mà chỉ muốn thông
qua đó để gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh; còn trách nhiệm và sứ mạng thay
đổi nền giáo dục – trước hết, cao nhất và quyết định – mãi thuộc về bộ chủ quản
và nhà nươc nói chung.
--------------
Chú thích:
* https://tuoitre.vn/chi-tien-ti-moi-giao-su-ve-truong...
Thái Hạo
.
No comments:
Post a Comment