Một Kỷ Nguyên Đang Tàn
Lụi Ở Nga
13/03/2022
https://vietbao.com/p301409a311448/mot-ky-nguyen-dang-tan-lui-o-nga
https://vietbao.com/images/file/9zO7M3gF2ggBADMs/w280/download-3-.jpg
Quyết định ngừng các hoạt động kinh doanh của
các thương hiệu quốc tế tại Nga - sau nhiều đợt trừng phạt của phương Tây và áp
lực lớn về lý do đạo đức - cho thấy một kỷ nguyên đang lụi tàn ở Nga (Nguồn:
Unsplash.com)
HOA KỲ –
Quyết định ngừng các hoạt động kinh doanh của các thương hiệu quốc tế tại Nga -
sau nhiều đợt trừng phạt của phương Tây và áp lực lớn về lý do đạo đức - cho thấy
sự kết thúc của một kỷ nguyên ở Nga, theo CNN đưa tin ngày Chủ Nhật, 13 tháng 3
năm 2022.
Ngày 31
tháng 1 năm 1990, hàng nghìn người Nga đã xếp hàng tại Quảng trường Pushkin sầm
uất của Moscow để vào chi nhánh McDonald's đầu tiên của đất nước, khoảnh khắc đại
diện cho một sự thay đổi lớn trong văn hóa.
Ba mươi
hai năm sau, McDonald's đã có gần 850 chi nhánh trên khắp đất nước Nga. Nhưng
vào ngày 8 tháng 3 năm 2022, McDonald's thông báo rằng các cửa hàng của họ sẽ
đóng cửa.
Cũng giống
như nhiều thương hiệu lớn khác của phương Tây, bao gồm IKEA, H&M, Coca-Cola
và Starbuck's, McDonald’s đã quyết định tạm ngừng hoạt động tại Nga để phản đối
việc Moscow xâm lược Ukraine. PepsiCo cũng cho biết họ sẽ ngừng bán một số sản
phẩm ở đó, bao gồm Pepsi Cola và 7-Up.
Tất nhiên,
người Nga có thể chọn ăn ở nơi khác và mua hàng hóa khác - nhiều chuỗi cửa hàng
‘cây nhà lá vườn’ đã mọc lên trên khắp đất nước rộng lớn kể từ khi Liên Xô tan
rã. Nhưng quyết định ngừng các hoạt động kinh doanh của các thương hiệu quốc tế
tại Nga - sau nhiều đợt trừng phạt của phương Tây và áp lực lớn về lý do đạo đức
- vẫn cho thấy sự kết thúc của một kỷ nguyên ở Nga.
“Coke,
Pepsi, McDonald’s là những biểu tượng của việc ‘Tây hóa’ nước Nga, nước Nga mở
cửa với thế giới. Và bây giờ, họ đang rời đi ... Tức là tín hiệu cho thấy Nga
đang dần bế quan tỏa cảng,” Gulnaz Sharafutdinova, giáo sư chính trị Nga tại
trường King's College London cho biết.
Trong
thông điệp gửi tới nhân viên thông báo về việc công ty tạm ngừng hoạt động tại
Nga, Giám đốc điều hành Chris Kempczinski của McDonald’s cho biết: “Với các giá
trị của chúng tôi, chúng tôi không thể làm ngơ trước sự đau khổ của người dân ở
Ukraine.” Ông cũng nói thêm rằng không thể đoán trước được khi nào các nhà hàng
của họ có thể mở cửa trở lại.
Nhiều thường
dân Nga vẫn đang quay cuồng với cú sốc của các sự kiện trong hai tuần qua. Các
tin tức về cuộc chiến được nhà nước kiểm soát chặt chẽ, thật khó để biết chính
xác thế giới của họ đã thay đổi thế nào với việc áp đặt các lệnh trừng phạt của
phương Tây.
Nhưng nỗi
đau kinh tế đang được cảm nhận khi giá trị của đồng Rúp giảm và các biện pháp
kiểm soát ngân hàng siết chặt. Trong khi một số nhà giàu Nga đang tranh nhau
bán tài sản ra nước ngoài và thậm chí rời khỏi đất nước, những người nghèo sẽ
có ít lựa chọn hơn.
Tác động
rõ ràng tức thời nhất là với những người đang làm việc cho các công ty phương
Tây, khi mà công ty họ đã tạm ngừng hoạt động. Ngoài ra, phải nói tới tác động
đối với “hàng trăm nhà cung cấp và đối tác địa phương ở Nga,” những người sản
xuất và cung cấp nguyên liệu cho McDonald’s.
Công ty đồ
nội thất Thụy Điển IKEA, lần đầu tiên mở cửa trên đất Nga vào năm 2000 và hiện
có 17 cửa hàng trên khắp đất nước, cũng đã quyết định tạm dừng tất cả xuất và
nhập cảng trong và ngoài Nga và Belarus. Việc ngừng tất cả các hoạt động của
IKEA tại Nga sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến 15,000 người lao động.
Tomas
Chamorro-Premuzic, giáo sư tâm lý kinh doanh tại trường University College
London, cho biết đối với những người dân Nga khác, tác động tuy ít trực tiếp
hơn nhưng có thể sẽ làm mất tinh thần ở 2 cấp độ. Thứ nhất, họ sẽ mất quyền
truy cập vào các sản phẩm và dịch vụ mà họ lẽ ra phải được hưởng. Và có lẽ đau
đớn hơn, họ sẽ cảm thấy tổn thương khi bị “cả thế giới tẩy chay và gièm
pha."
"Tất
nhiên, phản ứng giữa các bộ phận khác nhau của xã hội Nga sẽ không giống
nhau, Gulnaz Sharafutdinova, giáo sư chính trị Nga tại King's College
London cho biết. Một số các công ty tạm ngừng hoạt động là những thương hiệu xa
xỉ mà đại đa số dân Nga không có khả năng tiếp cận các sản phẩm của họ". Nhưng
vối một số khác, thì IKEA, Starbucks, hoặc thậm chí McDonald's, "là những
nơi được tầng lớp trung lưu của Nga đến thăm, sử dụng và tiêu dùng thường
xuyên" ở các khu vực thành thị, bà nói, và sự mất mát của họ sẽ ảnh hưởng
đến số lượng lớn người dân. "Sẽ có sự thay thế nhưng đó vẫn là những biểu
tượng của tầng lớp trung lưu Nga và họ sẽ mất quyền tiếp cận đó", bà nói.
Bên ngoài các khu vực đó, nơi mà các quan điểm mang tính quốc tế hơn, phản ứng
có thể sẽ là thách thức khi đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Những người
Nga đó “sẽ tự coi mình là người yêu nước, quan tâm đến lợi ích quốc gia hơn cả,
bởi vì đó là cách chính phủ thể hiện và trấn an mọi người ... Họ sẽ bật chế độ
thách thức và tự nhủ rằng chúng tôi sẽ tự xây dựng nền kinh tế của mình.”
Tổng thống
Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây tạo cơ
hội cho nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới phát triển mạnh hơn nữa. Ông nói:
“Đây là thời điểm để Nga tiến tới củng cố chủ quyền về công nghệ và kinh tế.”
Một số người
ở Nga đang phản ứng lại việc các thương hiệu phương Tây ‘nghỉ chơi’ họ bằng hài
hước và chế nhạo. Một người dùng Twitter đã đăng hình ảnh những người xếp hàng
bên ngoài cửa hàng McDonald's ở Quảng trường Pushkin vào năm 1990 với chú thích
mỉa mai (bằng tiếng Nga): “Moscow, khai trương nhà hàng McDonald, tháng 3 năm
2025.”
Tuy nhiên,
việc cả thế giới quay lưng lại với Nga sẽ có tác động không chỉ đến cảm xúc và
tâm lý của người dân.
Các công
ty quyết định đóng cửa hoạt động vĩnh viễn thay vì tạm ngừng hoạt động cũng có
thể gây ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Thất nghiệp thì dẫn tới nghèo đói.
Mà ‘bần cùng thì sanh đạo tặc.’
Giáo sư
Chamorro-Premuzic giải thích: “Đó không chỉ là việc người ta không phải trả nhiều
tiền hơn cho đồ đạc thương hiệu quốc tế, hoặc không còn được ăn bánh mì kẹp thịt
hoặc uống loại cà phê yêu thích. Mà trên thực tế là họ đã trở thành kẻ thù số một
của thế giới. Dưới bất kỳ chế độ nào mà lãnh đạo tệ hại hoặc cai trị hà khắc,
thì người dân của đất nước chính là những nạn nhân.”
No comments:
Post a Comment