Hóa Đơn Chiến Tranh
Ukraine-Russia
04/03/2022
https://vietbao.com/p301436a311336/hoa-don-chien-tranh-ukraine-russia
Benjamin
Franklin nói: “Wars are not paid for in wartime, the bill comes later.”
(Giá chiến tranh không trả trong thời chiến, hóa đơn sẽ gửi sau.) Chúng
ta hiểu câu này khá rõ ràng, nhưng có lẽ, hầu hết chúng ta cho rằng hóa đơn đó,
liệt kê toàn những thiệt hại và thảm họa; những thế hệ sau phải trả góp cái giá
đắt đỏ để được hưởng hòa bình.
Trong thực
tế, không có chuyện gì, việc gì, thoát ra khỏi định luật “âm dương”. Đã có thiệt
hại, tất phải có đền bù. Đã có thảm họa, tất phải có sự cảm nhận sâu sắc về khổ
đau và tìm thấy những gì để chữa lành thương tích. Nói một cách khác, tâm tư
nhân loại sẽ lớn lên từ đám tàn tro của tàn phá.
Chiến
tranh Ukraine-Russia cũng không ngoại lệ. Những ngày qua, chúng ta theo dõi,
nghe ngóng, bàn thảo, biết bao nhiêu tin tức thời sự, lý luận biết bao nhiêu lời
nói, chia sẻ biết bao nhiều điều cảm động, cảnh tang thương. Người Việt trải
qua những kinh nghiệm sống, mất còn, ly tán, thảm thiết của chiến tranh. Mới
đây thôi, hơn ai hết, chúng ta đồng cảm tận tình với những gì người dân Ukraine
đang trải qua, như hôm nào xe tăng miền bắc tiến vào phố nhỏ phố lớn rồi vào đến
thủ đô miền Nam. Thủ đô Kyiv vẫn thoi thóp, vẫn chiến đấu như chúng ta đã từng
chiến đấu để bảo vệ Sài Gòn. Người Việt miền Nam không nhận Cộng Sản Bắc Việt
là anh hùng, mà chúng ta xem họ là những kẻ xâm lăng. Thế giới tự do không ai có
thể xem Nga là anh hùng, là có một kế hoạch quân sự kỳ diệu, ngoại trừ những ai
chưa thực sự có kinh nghiệm về chiến tranh và nỗi tàn khốc của nó. Nga và Putin
là kẻ xâm lăng. Chiếm đoạt sự bình an và hạnh phúc của dân tộc Ukraine. Lạ lùng
làm sao, một cựu tổng thống của xứ sở đứng đầu tự do và nhân quyền lại cổ võ kẻ
xâm lăng, tạo ra nghi vấn về phẩm chất cá tính và lòng nhân ái của một lãnh tụ.
Người nghệ sĩ nhạy cảm của nhân loại, Paul Valery, nhận xét, “War: a
massacre of people who don’t know each other for the profit of people who know
each other but don’t massacre each other.” (Chiến tranh: một cuộc tàn sát của
những người không biết nhau vì ích lợi của những người biết nhau nhưng không
tàn sát nhau.) Ngẫm nghĩ xem, đúng thật là đúng. Nhà thơ triết gia
Paul Valery (1871-1945) chưa hề gặp Donald Trump và Vladimir Putin lần nào, làm
sao ông có thể tiên đoán?
NGHỆ
SĨ VÀ CHIẾN TRANH UKRAINE-RUSSIA
Hầu hết
các nghệ sĩ đều chống chiến tranh vì họ có khả năng nhạy cảm về khổ đau và có
lòng nhân ái. Họ yêu chuộng hòa bình, chủ yếu là bình an. Tôi không tin, bất kỳ
nghệ sĩ nào không có đủ phẩm chất nhân tính, có thể sáng tác những tác phẩm lớn.
Đa số các nghệ sĩ tham dự chiến tranh vì bảo vệ quê hương hoặc giành lại đất nước
từ những kẻ ngoại xâm. Một số ít tham gia vì lý tưởng. (Bản tin của The Art
Newspaper / Russia-Ukraine Crisis 2022//News ngày 8 tháng 2, cho biết, chính
quyền Nga hiện đang cấm đoán và trừng phạt những người dân chống đối lại cuộc
chiến Ukraine-Russia. Hôm 26 tháng 2 vừa qua một cơ sở tại Nga nổi tiếng trên
quốc tế, the Garage Museum of Contemporary Art, do Roman Abramovich và Dasha
Zhukova thành lập, đã tuyên bố đình chỉ mọi hoạt động để chống lại cuộc chiến
đang tiếp diễn cho đến khi nào chấm dứt, mới hoạt động lại. Cũng trong tinh thần
chống chiến tranh, ngày 25 tháng 2, một lá thư với nội dung: một thảm kịch khủng
khiếp đối với cả dân Nga và dân Ukraine. Có 17. 000 người yêu văn học
nghệ thuật đã ký tên phản kháng.)
Kết quả sản
phẩm, tác phẩm nghệ thuật, thông thường đến sau hơn cả hóa đơn, vì trái cây nghệ
thuật cần thời gian để chín. Phẩm chất và giá trị của những trái cây này chính
là sự bù trừ tương đối cho những gì chiến tranh đã cướp mất của nhân loại. Dĩ
nhiên, đối với những ai trực diện với cuộc chiến, đã nhận lãnh những khổ đau,
thảm họa, tàn tật, chết chóc, hải tặc … không có gì có thể bù đắp. Những thương
tích đó ung thư suốt một đời người. Họ chỉ có thể tìm ra sự an ủi bằng tình
thương, tôn giáo và nghệ thuật. Trong một tương lai nào đó chúng ta sẽ đón nhận
những trái cây chín mùi có nhãn hiệu và tâm tư của chiến tranh Ukraine-Russia.
Tuy nhiên,
nghệ thuật xuất hiện từ rung động. Cảm động là một tình cảm, động cơ mạnh nhất
để thôi thúc sáng tạo thành hình. Sống trong chiến tranh, theo dõi chiến tranh,
suy tư về thời sự chiến tranh, xem truyền hình, video, cảnh chiến tranh, tự
dưng sẽ khởi động sự nhạy cảm của người nghệ sĩ. (Tôi muốn nói đến cảm xúc cảm
động trung thực, không phải thừa gió bẻ măng.) Tôi sẽ mời các bạn xem qua bài
thơ và vài sáng tác về thảm họa Ukraine-Russia.
Hôm thứ
Sáu, 25 tháng 2, 2022, nhà thơ Bernedita Rosinha Pinto đã đưa lên
PoemHunter.com một bài thơ trong tựa đề: Russia-Ukraine War – May
Humanity and Compassion Prevail.
CẦU MONG LÒNG NHÂN ĐẠO VÀ NHÂN ÁI CHIẾN
THẮNG TRONG CUỘC CHIẾN NGA-UKRAINE
Họ chạy
nơi nào, núp chốn nào?
lánh nạn
bao xa, đến đâu mới thoát?
thấy
trước về đâu, thận trọng về đâu?
khi gió
chiến tranh vần vù tốc độ,
khi kẻ
thù đang siết chặt đôi bàn tay?
Chiến
tranh bắt đầu
mắt rơi
lệ ướt niềm sợ hãi
mở từng
ngày đếm thương tích với tử vong
không
ai mong đợi, không ai đoán biết
Chiến
tranh dã man tàn phá rất nhanh.
Không
ai lường được mức độ nào hung bạo
không
ai tình nguyện tính toán thiệt hại, hiểm nguy
rồi khi
chiến tranh sải bước sang nơi khác
nó phủi
vai oán hận, căm hờn vào kẻ thù.
Biển
hòa bình gầm thét rồi rời xa chính nghĩa,
tâm trí
hy vọng lu mờ xung quanh sợ hãi triền miên;
mọi người
băn khoăn, trốn ra khỏi nhà vội vã
ước ao
đến nơi nào tị nạn không đạn bom.
Chiến
tranh không giới hạn tốc độ,
nó chạy
đua với vận tốc trên bản đồ,
sợ gia
tăng cường độ theo nhịp mạch
khiến
người ta chạy trốn
hoặc
lái xe tìm nơi an toàn
sống
sót qua thử thách
hoặc định
mệnh khắc khe.
Đến lúc
chiến tranh gia tốc thịnh nộ và tàn nhẫn;
nhân ái
giấu mặt, giấu khả năng trắc ẩn nơi nào
vì sao
Thượng Đế quên nghĩa vụ xót thương nhân loại
như cha
mẹ đùm bọc con lo lắng suốt đêm?
Người
già người bệnh phiền não nguyện cầu
khi
lính trẻ chiến đấu gục đầu vào cõi chết;
anh em
gia đình tiếp tục ly tan.
khi
đành lòng tìm nơi an bình hoặc rời đất nước.
Rồi phụ
nữ trẻ trở thành góa phụ xinh tươi
gia
đình tị nạn tạm cư vào xứ sở khác;
nào phải
họ sinh ra để đối phó, chịu đựng thiệt thòi
phải
chăng đời sống họ tươi đẹp, vui sướng
mới vài
ngày, vài giờ, vài năm trước đây?
( https://www.poemhunter.com/poem/russiaukraine-war-may-humanity-and-compassion-prevail/ )
Tôi lục
tìm từ báo chí, tạp chí, internet và các bản thông tin của các đại học, nhưng
chưa thấy một bức họa nào có phẩm chất về cuộc chiến này, có lẽ, còn quá sớm,
các nghệ sĩ cũng như dân chúng đang phải đối phó với hiện thực đầy dao động và
kinh hãi.
Trong thực
trạng này, không phải truyện, không phải họa, ngay cả video cũng chưa đủ phẩm
lượng, (trên mạng lưới rất nhiều video giả. Họ dùng video cũ về chiến tranh
cũng như các biến cố xảy ra ở những nơi khác, rồi ghép vào trận chiến đang sôi
động), nhưng chính là nhiếp ảnh, nguồn duy nhất chụp bắt nhanh chóng, đích xác,
có ý nghĩa và tạo ra cảm xúc trung thực.
https://vietbao.com/images/file/k6bWzY392QgBAOZp/1.jpg
(Ảnh của Rajanish chụp Sagar Kambli, giáo sư
dạy nghệ thuật người Ấn, đang vẽ trên vỉa hè bên ngoài trường nghệ thuật ở
Mumbai, Ấn Độ. ngày 24 tháng 2, 2022.)
Hầu hết
các tác phẩm xuất hiện trong lúc biến cố đang diễn tiến, thường nghiêng về chủ
nghĩa Hiện Thực hoặc chủ nghĩa Biểu Tượng Hiện Thực. Rồi sau đó, từ từ hư cấu mới
xâm nhập vào sáng tạo để biến dạng hiện thực vào tác phẩm qua những hình thức ảo.
https://vietbao.com/images/file/NHOg4I392QgBAMJX/2.jpg
(Ảnh từ Peak Prosperity. Feb. 22. Bà
Valentina Cons tantinovska với Ak-47. Giặc đến nhà bà già phải đánh. Người xưa
nói quả không sai.)
The Art
Newspaper 25 tháng 2, giới thiệu tám nhà nhiếp ảnh đang nỗ lực thực hiện những
bộ ảnh mang tính nghệ thuật và hiện thực. Nét đẹp của chiến tranh khó tìm, khó
giải thích, thường hay bị hiểu lầm hơn nét đẹp của hòa bình. Tương tựa như vẻ đẹp
của cô gái xấu, khó tìm, trong khi vẻ đẹp của mỹ nhân thì vô số: đi đứng nằm ngồi
gì cũng đẹp.
Tôi xin giới
thiệu hai nhiếp ảnh gia trong nhóm này:
1.
Lynsey Addorio.
Ảnh của cô
chú tâm vào phụ nữ và trẻ em đang chạy loạn ở Ukraine. Được liệt kê là một
trong vài nhà nhiếp ảnh báo chí có uy tín. Ảnh trên New York Times và National
Geographíc.
https://vietbao.com/images/file/pTft94392QgBAKQT/3.jpg
2.
Wolfgang Schwan.
https://vietbao.com/images/file/jCUECo792QgBAMsY/4.jpg
The Sun đã
chạy hình này lên trang đầu, Helena, một cô giáo dạy học tại Chuhuiv, đang có một
đời sống bình an, bỗng dưng trở thành mất mát, lạc lõng và thương tích. The
Sun, đăng tấm ảnh với hàng chữ: “Máu của bà dính trên tay ông”, và có hình
Putin bên cạnh.
Sau đây là một số ảnh sưu tập về chiến
tranh Ukraine-Russia qua góc nhìn nghệ thuật:
https://vietbao.com/images/file/yF6xM4792QgBAKU-/6-daniel-leal.jpg
(Ảnh:
Daniel Leal)
(Ghi chú: Ảnh
đẹp chưa hẳn đã hội đủ yếu tố để trở thành ảnh nghệ thuật cao. Đẹp chỉ kích động
được mỹ cảm, bất kỳ nghệ thuật gì, hôm nay, đều đòi hỏi mỹ ý, mỹ tưởng, mỹ
nghĩ, chung với mỹ cảm. )
https://vietbao.com/images/file/ES2MSo792QgBAGIs/5-sergey-bobok-.jpg
(Ảnh:
Sergey Bobok.)
https://vietbao.com/images/file/sXfpWI792QgBAJEM/7.jpg
(Ảnh:
Evgeniy Maloletka)
https://vietbao.com/images/file/0swjY4792QgBAFMg/8.jpg
(Ảnh:
Oleksandr Ratushniak.)
https://vietbao.com/images/file/-cLQdY792QgBAHdv/9-andriy-andriyenko.jpg
(Ảnh:
Andriy Andriyenko.)
Trong khi chúng ta chờ đợi những sản phẩm và tác phẩm nghệ thuật có giá
trị về Ukraine-Russia War từ những khả năng cảm thông, tư duy nhân tính, và cảm
xúc nhân ái thúc đẩy hiệu quả sáng tạo của các nghệ sĩ trải dài theo thời gian,
có thể nay mai, có thể năm, mười năm nữa.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Nhưng có một cơ hội, một đặc phẩm không bao giờ chậm chạp. Chiến tranh
trao nó cho con người trước khi nó xuất hiện, đang lúc nó xuất hiện, và ngay cả
sau khi nó đã ra đi. Đó là thị trường chứng khoán nói riêng, và các thể loại thị
trường trao đổi trên thế giới, như Global Commodity Market, Currency Exchange,
Energy Market …
Cuối cùng rồi, cũng là tiền. Tiền tạo ra chiến tranh, rồi chiến tranh tạo
ra tiền. Chiến tranh tạo chứng khoán, rồi chứng khoán tạo chiến tranh. Dường
như, có thể tôi hiểu lầm, hầu hết phẩm chất người thua phẩm chất tiền. Lòng yêu
tiền cao hơn lòng nhân ái. Không cần biết ai yêu tiền hay không, nhưng 99%
chúng ta cần tiền. 1% còn lại dành cho các bậc tu hành chân chính và xác chết.
Vì vậy, chúng ta xem xét cơ hội “tiền ăn liền” của thị trường.
CHỉ SỐ DOW JONES, S&P 500, VÀ NASDAQ
Chiến tranh là một trong vài biến động lớn có uy lực làm thay đổi đời sống
con người, nhất là những chiến tranh có tính thế giới, như chiến tranh
Ukraine-Russia hiện nay.
Đối với thị trường chứng khoán, chiến tranh tạo ra nỗi sợ mất tiền, mất
tài sản; đồng thời, tạo ra lòng tham của một số người muốn nhân cơ hội này, kiếm
thêm lợi ích. Sợ và tham, chỉ đơn giản như vậy, gây ra sóng gió trên thị trường.
Càng lớn sóng gió, cơ hội kiếm tiền càng lớn.
Thị trường chứng khoán mua/bán trên căn bản stock, ETF, option, và
Index (chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq.) Đây là một nơi rất phức tạp có
khả năng làm cho một người trở nên giàu có hoặc khánh tận. Một loại dao hai lưỡi,
lưỡi nào cũng bén.
Tuy khó hiểu và nhiều cạm bẫy, nhưng nếu nhìn thị trường bằng năm cặp
đơn giản, sẽ cho chúng ta một tầm nhìn xuyên suốt nơi thiên la địa võng này.
- Sợ và tham.
- Bán và mua.
- Lỗ và lời.
- Kỷ luật và liều lĩnh.
- Ba mươi sáu chước, chạy là thượng sách.
Chiến tranh tạo ra sợ và tham: nếu số đông người đầu tư sợ, thị trường
tụt xuống vì số bán nhiều hơn số mua. Giá tiền xuống thấp kích động lòng tham,
số mua sẽ gia tăng lên, nhiều hơn số bán, thị trường sẽ leo cao. Bán và mua
mang đến lỗ hoặc lời. Thành công thường rơi vào tay những ai biết giữ kỷ luật của
phương pháp mua bán và biết liều lĩnh khi “gần đúng” đúng thời cơ. Sau cùng, nếu
nằm trong thế tấn thối lưỡng nan, không thể làm quyết định, mở sách mưu kế ra,
sẽ thấy: tam thập lục kế, tẩu đào vi thượng.
Tôi xem việc trao đổi “trade” index của thị trường chứng khoán là một
nơi rèn luyện trí tuệ, rèn luyện kỷ luật, thách thích sự nhạy cảm, quyết định
tiến tới hoặc chạy làng, quyết định chọn thứ gì có giá trị mai sau. Như bạn thấy,
tất cả những điều tôi vừa nói là những điều áp dụng trong sáng tác nghệ thuật.
Nếu kiếm được ít tiền như được bài thơ hay, vui sướng, vỗ bụng khen thầm. Nếu lỗ
tiền, làm bài thơ dở, bỏ chạy. Đi đánh đàn.
Tuy nhiên, nếu bạn là người yêu thích tiền và danh tiếng tài năng, thì
chiến tranh và thị trường chứng khoán là vương triều và cơ hội của bạn. Xin nhớ:
Kiếm tiền là chuyện đương nhiên. Tham tiền là chuyện bất tường. (Xin hẹn lần
sau, sẽ bàn thảo sâu rộng hơn về thị trường và tiền ăn liền cùng với lòng người
hố sâu thăm thẳm.)
Khi nói lên cụm từ “chiến tranh”, người tinh ý sẽ nhận ra tiếng rít của
con rắn độc, khè hơi trước khi phóng đến cắn đối phương; nghe được tiếng hú của
con chó sói đói, và nghe được tiếng bánh xe thắng gấp lết trên mặt đường trước
khi tai nạn. Những loại âm thanh kinh hãi đó phát xuất từ chữ “chi…ế…”, khi
phát âm chữ “chiến tranh”, âm thanh của bốn chữ cái “chiế…” kéo dài trước khi rớt
xuống chữ “tranh”. Là một ngẫu nhiên trùng hợp hoặc một sự chọn lựa của bậc cao
nhân? Điều này không quan trọng. Nhưng để nhắc nhở những ai ủng hộ chiến tranh,
thì ngay trong miệng họ sẽ bật ra tiếng rít, tiếng hú, tiếng bánh xe lết trên
đường, rồi sau đó, họ sẽ nhận được hóa đơn tính sổ. Tôi tin, trời đất rất công
bằng.
No comments:
Post a Comment