Giai
cấp tiên phong của cách mạng - giai cấp cùng khổ nhất của Việt Nam hiện nay
Bình luận của Vũ
Hùng Huy
2022.03.03
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vn-revolution-class-becomes-hopeless-03032022093459.html
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Hưng Yên.
AFP
Nếu bây giờ
gả cưới con, hỏi nhà bên kia làm nghề gì mà được đáp “Làm công nhân”, tôi nghĩ
tuyệt đại đa số gia đình sẽ ngại ngần. Tất nhiên trừ những gia đình cũng làm
công nhân, hoặc buôn gánh bán bưng, có mức sống quá thấp ra.
Rất xin lỗi
những người công nhân, nhưng sự thực chính là như vậy. Làm công nhân bây giờ đồng
nghĩa với công việc vất vả mà thu nhập thấp, tương lai mờ mịt, thậm chí thuộc tầng
lớp nghèo khó nhất trong xã hội.
Hôm
02/3/2022, báo VnExpress đăng một bài báo có đầu đề ngắn gọn “Lương công nhân không đủ sống”. Bài báo viết:
“Chị Huỳnh Thị Mỹ Hiếu, 30 tuổi và chồng, 32 tuổi, cùng làm việc tại Công ty
TNHH Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức). Nếu trong tháng vợ chồng
Hiếu đi đủ 22 ngày công, mỗi ca làm việc 12 giờ, trong đó 2,5 giờ làm thêm thì
tổng thu nhập của cả hai tầm 14 triệu đồng.
Nhà trọ,
điện nước khoảng 2,5 triệu đồng. Hơn 2 triệu đồng để chủ nhà giúp đưa đón, cho
con gái 8 tuổi ăn uống khi vợ chồng tăng ca. Phần còn lại dành cho tiền học
hàng tháng, cơm nước cả nhà, xăng xe đi lại... Nữ công nhân xòe bàn tay liệt kê
gần chục khoản phải chi. Tháng nào không đau bệnh, tăng ca đều thì vừa
đủ, không phải vay mượn thêm. Nếu không làm thêm giờ, tổng thu nhập của hai vợ
chồng chưa đến 10 triệu đồng.
Dịch ập đến,
chị nhiễm COVID-19 nên cả hai tạm nghỉ việc. Không có tiền để dành, nữ công
nhân đành mượn tạm tiền của mẹ. Hơn nửa năm qua, chị vẫn chưa xoay được 10 triệu
đồng gửi lại cho mẹ.”
Công nhân là ai?
Khi Đảng Cộng
sản Việt Nam bắt đầu giành chính quyền, công nhân được tôn là giai cấp nòng cốt
của cách mạng.
Thế công
nhân bây giờ là ai?
Khác với
những thế hệ công nhân của những năm trước và ngay sau 1975, những thế hệ công
nhân sau này sa sút rất nhiều về chất lượng. Ở lứa tuổi trung niên, hầu hết họ
là những người không có nghề nghiệp (nếu là dân thành phố) hoặc không có cả nghề
nghiệp lẫn đất đai canh tác (nếu là dân nông thôn). Trong khi đó, hầu hết nhà
máy trong nước có nhu cầu tuyển dụng công nhân ở trình độ văn hóa rất thấp, nhiều
khi chỉ cần tốt nghiệp cấp 2 cũng được chấp nhận. Vì vậy, đi làm công nhân là
chọn lựa tốt nhất của đa số người ở lứa tuổi này.
Lứa tuổi
trẻ hơn, có nhiều người học cao hơn như đã học hết phổ thông trung học nhưng
không đậu đại học/cao đẳng, hoặc quá nghèo nên cũng chọn làm công nhân. Tuy
nhiên, ngoài nhu cầu mưu sinh thì thế hệ này còn có nhu cầu khác cấp bách không
kém. Đó là nhu cầu được sống ở nơi đông đúc và phát triển, có nhiều cơ hội, có
nhiều người cùng lứa tuổi với mình để kết bạn, yêu đương và lập gia đình. Nhiều
miền quê ở miền Tây hay các tỉnh cao nguyên đến mùa đồng áng hay thu hoạch trái
cây thì kiếm người làm đỏ con mắt, dù tiền công rất cao. Đó là vì tụi trẻ cả
xóm, cả xã kéo nhau lên thành phố làm công nhân hết rồi. Nhiều gia đình chỉ còn
người già và con nít (do cha mẹ làm công nhân gởi con về sống với ông bà). Hết
lớp nọ đến lớp kia kéo nhau đi, nông thôn vắng ngắt. Ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần
Thơ… đâu đâu cũng có những xóm sâu trong vườn, trong ruộng mà ở đó hàng chục
ngôi nhà cỏ mọc kín cửa vì cả nhà đã đi TPHCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang…
làm công nhân hết rồi. Thường họ mỗi năm chỉ quay về quê một lần để ăn Tết
Nguyên đán rồi lại đi. Giỗ chạp, cưới hỏi hay các công việc quan trọng khác đều
tổ chức ở nhà trọ-nơi cha mẹ, rồi đến gia đình nhỏ của các con sinh sống nhiều
năm.
Công nhân sống như thế nào?
Trong những khu nhà trọ.
Ở những địa
phương có nhiều khu công nghiệp và nhà máy như TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng
Nai, Tiền Giang… cứ gần các khu công nghiệp và nhà máy là vô vàn xóm trọ công
nhân. Hầu hết xóm trọ nằm ở rìa thành phố, xa trung tâm, thậm chí trong những
khu gần như mới khai hoang. Đại đa số chúng là những khu ổ chuột mới, nhếch
nhác, bẩn thỉu, chật chội và tối tăm. Nhiều khu trọ không có phòng vệ sinh
riêng trong phòng mà nam một dãy, nữ một dãy nhà vệ sinh chung bên ngoài. Cũng
có những xóm trọ công nhân tươm tất sạch sẽ, nhưng rất hiếm. Một phần do quan
niệm của người chủ trọ, phần khác do thực tế: nhu cầu tìm phòng trọ của công
nhân quá cao, nhưng họ chỉ cần điều kiện sinh hoạt tối thiểu, giá thuê càng thấp
càng tốt.
Dành đến
2,5 triệu đồng để thuê phòng ở như vợ chồng chị Hiếu ở đầu bài đã là thuộc lớp
“khá giả”. Phổ biến là những phòng trọ có giá 900.000 đ/tháng đến 1,5 triệu đồng
cho khoảng 14 m2 (tính cả gác xép) cho cả gia đình. Hoặc ba bốn người độc thân
thuê chung một phòng. Họ chọn giờ làm lệch nhau nên cùng một lúc thường xuyên
chỉ có 1-2 người ở nhà, cũng đỡ bí bách chật chội.
Đỉnh dịch
năm ngoái (2021) ở TPHCM, có những mạnh thường quân đã khá bối rối khi kêu gọi
giúp thực phẩm cho các xóm trọ công nhân bị phong tỏa. Đại đa số phòng trọ độc
thân không có bếp và dụng cụ nấu ăn. Nhiều người thậm chí không có cả bình đun
siêu tốc để nấu nước uống. “Đi làm và tăng ca nên tất cả các bữa đều ăn ở
ngoài. Mua bình nước đóng chai 20 lít giá 10.000 đ về uống”-nhiều người giải
thích.
Với một số
người khác, làm công nhân là nghề không ổn định. Họ nhảy việc khá thường xuyên
nên cũng không thấy cần phải sinh sống ổn định. Tóm lại, nhìn chung đó là một đời
sống rất bấp bênh, tạm bợ.
Lao động ngoại tỉnh sống suốt 10 năm trong một căn
phòng trọ trên thuyền ở sông Hồng, Hà Nội. AFP
Nhiều người
khác chịu khó và tiết kiệm hơn thì mua thức ăn ở những chợ công nhân gần các
khu công nghiệp, về phòng trọ nấu. Đó hầu hết là các chợ cóc tự phát, bán thực
phẩm chất lượng thấp, hàng dạt, hàng dội chợ với giá rẻ. Thịt, cá, đậu phụ… bày
ngay trên mặt đất, cạnh đường đi lối lại đầy bụi và rác. An toàn vệ sinh thực
phẩm là hết sức xa lạ và thừa thãi ở nơi này.
Ngày
23/10/2021, báo Lao Đông - tờ báo xưng danh “Tiếng nói của công nhân viên chức
lao động Việt Nam” đăng bài viết có đầu đề “Vòng quay ‘ăn, ngủ, đi làm’ của
công nhân khu công nghiệp". Bài báo thuật lại đời sống của những công nhân
hai tuần làm ca ngày, hai tuần làm ca đêm ở một nhà máy gần Hà Nội. Họ phải
tăng ca thường xuyên để có được thu nhập khoảng 15-17 triệu đồng/tháng. Khỏi phải
nói, đây là mức thu nhập trong mơ, được gọi là giàu có của những người công
nhân. Nhưng để có nó, “Suốt những năm tháng làm công nhân, ở trọ, cuộc sống của
tôi hầu như chỉ ăn, ngủ, rồi đi làm, không có thời gian đi đâu cả. Thi thoảng,
được ngày nghỉ, tôi về quê, rồi lại bắt đầu “điệp khúc” này” - người công nhân
trong bài viết kể. Anh đã sống bảy năm như thế.
Đó là sự
thật. Với đồng lương ít ỏi nhưng phải gánh quá nhiều khoản chi, công nhân không
có cả tiền lẫn thời gian để hưởng thụ được các thú vui tinh thần nếu nó tốn tiền.
Đàn ông hầu hết giải khuây bằng nhậu. Phụ nữ trung niên và trẻ em thì xem phim
bộ Hàn Quốc hay Ấn Độ trên TV/điện thoại, xem clip hài nhảm, xem Tik Tok của những
cá nhân nổi tiếng hoặc tai tiếng. Cái gì mang lại tiếng cười nhanh chóng dễ hiểu
thì được ưa chuộng nhất. Nhiều cô gái trẻ mê mẩn các clip đập hộp của “nữ hoàng
ngành” Ngọc Trinh để ao ước một ngày mình cũng được đổi đời giống vậy. Rất khó
tìm được sách báo trong những phòng trọ công nhân.
“Gái công nhân vừa rẻ, vừa ngoan”
Tôi từng
nghe nhiều người đàn ông là kỹ sư ở các khu công nghiệp/khu chế xuất nhận xét
như thế. Những gã đàn ông ô trọc và lọc lõi thích các cô gái nông thôn mới chân
ướt chân ráo lên thành phố vì họ còn quê mùa dễ thương và dễ dụ, ngây ngô, ít
đòi hỏi. Với chênh lệch rất lớn giữa đời sống và thu nhập của một anh kỹ sư nhà
máy với cô công nhân làm việc tay chân, không ít cô gái công nhân chấp nhận làm
bồ của các anh này. Họ sẽ được anh kia thuê cho một căn phòng trọ tươm tất hơn
để sống riêng một mình, được cho tiền sinh hoạt hàng tháng, được mua quần áo, dẫn
đi ăn, đi xem phim, và được ưu ái làm công việc nhẹ hơn trong nhà máy. Thậm chí
có những gã bao hẳn một lúc ba bốn cô để thay đổi. Các cô biết nhưng chấp nhận,
vì trong lòng vẫn nuôi ao ước một ngày gã trai kia cưới mình, từ đó sẽ đổi đời.
Hoặc ít nhất, hiện tại cô ấy cũng được sống sung sướng hơn các cô gái khác. Có
những cô gái trẻ trung xinh xắn được chuyền từ gã đàn ông này sang gã đàn ông
khác cũng vẫn ưng chịu, cũng chỉ vì lý do ấy.
Câu chuyện
này cũng lặp lại với các gã đàn ông làm những nghề khác, miễn có tiền và chịu
bao các cô. Ở cổng các khu công nghiệp, không khó thấy cảnh cuối tuần thì đàn
ông đậu xe kín đứng chờ các cô gái công nhân tan ca. Không ai thống kê được con
số này, nhưng nó không phải hiếm hoi.
Dĩ nhiên,
vẫn có những cô gái không chấp nhận đổi cơ thể lấy tiền, cũng như vẫn có các
anh/em công nhân miệt mài đi học thêm ngoài giờ làm để có bằng nghề, bằng đại học,
đổi lấy công việc có tương lai và vị trí xã hội tốt hơn.
Các nữ công nhân đi làm ở khu công nghiệp Thăng
Long, Hà Nội. AFP
Con sãi ở chùa có quét lá đa không?
Với đời sống
đặc thù về văn hóa, giờ giấc làm việc và thu nhập như thế, dễ hiểu là lựa chọn
lập gia đình của công nhân cũng hạn hẹp. Thường thường công nhân sẽ lấy vợ lấy
chồng cũng là công nhân nốt. Một phần vì đồng cảnh nên dễ gặp gỡ và thông cảm,
một phần vì thu nhập công nhân cũng còn ổn định hơn một số người làm nghề tự do
khác. Sau đó, con cái ra đời. Nếu cha mẹ hết sức cần cù, tiết kiệm và có ý chí
phấn đấu, đứa bé sẽ được cha mẹ kèm cặp cho học hành đến nơi đến chốn, ít nhất
cũng phải xong trung học phổ thông rồi học lấy một cái nghề. Đứa nào khá hơn có
thể vào đại học, từ đó đánh dấu một sự thay đổi tốt đẹp hơn trong gia đình.
Nhưng nếu chẳng may lọt vào các gia đình nhậu nhẹt, bài bạc, ăn xài hoặc nhận
thức ngắn thì đứa bé có nhiều khả năng sẽ lặp lại cuộc đời giống như cha mẹ nó.
Ở rìa của
TPHCM, ở quận 7, quận 12, Gò Vấp, Bình Chánh… có rất nhiều khu ổ chuột mà ngay
cả dân thành phố cũng ít biết đến. Nó thường nằm núp trong các bãi đất trống
chưa được xây dựng hay cuối những con hẻm ngoằn ngoèo sâu hút. “Nhà” dựng lên bằng
vách ván. Phòng tắm, nhà vệ sinh quây đại bằng vài mảnh gỗ, miếng tôn. Người sống
chung với bùn lầy, nước thải lộ thiên và rác. Nhiều công nhân tự do từ các tỉnh
lên chọn sống ở nơi này vì giá thuê rẻ nhất mà lại rộng rãi hơn các khu trọ
chính thức. Con cái họ theo cha mẹ trôi dạt qua từng công trình, có đứa được đi
học ở lớp tình thương hay trường của các sơ Công giáo, có đứa không. Có năm được
đi học, có năm không, tùy vào nhận thức và thu nhập của cha mẹ.
Tổng Liên
đoàn Lao động cũng đưa con số: Hiện cả nước đã hoàn thành được 116 dự án nhà ở
cho công nhân khu công nghiệp, nằm ở gần hoặc bên cạnh khu công nghiệp, với tổng
diện tích 2,58 triệu m2, đủ bố trí cho 330.000 lao động, chưa đáp ứng được nhu
cầu nhà ở cho hàng chục triệu công nhân.
Theo ghi
nhận của Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn, hầu hết công nhân đều
phải làm thêm 2-4 tiếng mỗi ngày mới có thu nhập đủ sống. Nếu nhà máy không tổ
chức tăng ca, họ sẽ bán hàng rong, chạy xe công nghệ, giao hàng hoặc xin
làm thêm ở một doanh nghiệp khác.
Báo
VnExpress thì dẫn chứng: “Khảo sát về việc làm, đời sống của lao động nữ ngành
may do Liên đoàn lao động TPHCM vừa công bố đầu năm 2022 cho thấy thu nhập bình
quân mỗi tháng của nhóm này chỉ đạt 6,8 triệu đồng. Hầu hết công nhân phải làm
thêm giờ. Trong đó, trên 20% có thu nhập mỗi tháng chưa đến năm triệu đồng. Mức
thu nhập 5-8 triệu đồng chiếm đến 60%.
Khảo sát của
công đoàn TPHCM cũng chỉ ra gần 42% công nhân cho rằng với thu nhập hiện nay, bản
thân và gia đình có mức sống thiếu thốn. Do đó, họ gần như không tiết kiệm được
gì từ tiền lương, gặp sự cố bất thường xảy ra sẽ không có khoản nào để chi.
Chưa kể,
công nhân thường xuyên phải vay nợ từ bạn bè, người thân để bù đắp phần thiếu hụt,
không ít trường hợp vay xã hội đen với lãi suất cao. Nhiều nữ công nhân chia sẻ
vì mức sống quá thấp nên rất khó khăn để quyết định sinh con.”
Và đó mới
chỉ là một góc nhỏ của bức chân dung hiện tại về giai cấp công nhân Việt Nam.
_________
Tham
khảo:
https://laodong.vn/cong-doan/vong-quay-an-ngu-di-lam-cua-cong-nhan-khu-cong-nghiep-966724.ldo
https://moc.gov.vn/vn/tin-tuc/1184/68348/dap-ung-nhu-cau-nha-o-cho-cong-nhan.aspx
--------------
*
Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
*
Tin,
bài liên quan
·
Đình
công là vấn đề “nhạy cảm”, chính quyền lo ngại nguy cơ lan rộng
·
Thư
gửi ông Chủ Tịch TLĐLĐVN
No comments:
Post a Comment