Sunday, March 13, 2022

CHUYÊN GIA : 'KINH TẾ TRUNG QUỐC KHÓ MIỄN NHIỄM VỚI XUNG ĐỘT Ở UKRAINE' (Zing News)

 



Chuyên gia: 'Kinh tế Trung Quốc khó miễn nhiễm với xung đột ở Ukraine' 

Thảo Cao   -   Zing News

Chủ nhật, 13/3/2022 18:01 (GMT+7)

https://zingnews.vn/chuyen-gia-kinh-te-trung-quoc-kho-mien-nhiem-voi-xung-dot-o-ukraine-post1302172.html

 

Nói với Zing, chuyên gia quốc tế cho rằng nền kinh tế thứ hai thế giới không miễn nhiễm với giao tranh Nga - Ukraine.

 

Cuộc giao tranh ở Ukraine gây gián đoạn nghiêm trọng hệ thống vận tải toàn cầu, giáng thêm đòn lên chuỗi cung ứng vốn đang lao đao và đẩy giá cả của nhiều mặt hàng từ nhiên liệu đến lương thực tăng vọt.

 

Các chuyên gia quốc tế cho rằng kinh tế Trung Quốc cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine.

 

"Nền kinh tế Trung Quốc sẽ không miễn nhiễm với đà tăng vọt của giá cả. Đây sẽ là lực cản lớn đối với nền kinh tế thứ hai thế giới", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) bình luận với Zing. "Thêm vào đó, nền kinh tế toàn cầu đang lao dốc, trong đó có châu Âu - đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc", ông nói thêm.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/asfzyreslz2/2022_03_11/VDJT5MNTSVNYLCEQPWF3L6AY3M.jpg

Cuộc giao tranh ở Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá cả tăng vọt. Ảnh: Reuters.

 

Không miễn nhiễm

 

"Nhưng mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào việc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài bao lâu, giá cả tăng đến mức nào và đà tăng có sớm chững lại hay không", vị chuyên gia nhận định.

 

Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều trở ngại, từ giá dầu tăng cao, doanh số bất động sản lao dốc đến các đợt bùng phát dịch trong nước.

 

"Đội ngũ phân tích hàng hóa của chúng tôi đã nâng mạnh dự báo đối với giá dầu. Điều này có ý nghĩa tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc", các nhà phân tích của Goldman Sachs, dẫn đầu là chuyên gia kinh tế trưởng Hui Shan, nhận định.

 

Hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga. Anh cũng cho biết sẽ loại bỏ hoạt động nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm.

 

Theo số liệu chính thức, năm ngoái, 16% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Nga. Nga là nhà cung cấp lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ đứng sau Saudi Arabia. Khoảng 5% khí đốt tự nhiên của Trung Quốc cũng được nhập khẩu từ Nga.

 

Theo hãng nghiên cứu Rystad Energy, nếu các quốc gia phương Tây khác tiếp tục làm theo Mỹ và cấm vận dầu Nga, giá dầu thô có thể tăng vọt lên 240 USD/thùng vào mùa hè này.

"Động thái đó sẽ tạo ra một lỗ hổng 4,3 triệu thùng dầu/ngày. Thị trường không thể nhanh chóng lấp đầy bằng những nguồn cung khác", hãng nhận định.

 

"Với vị thế quan trọng của Nga trong việc cung cấp năng lượng cho thế giới, nền kinh tế toàn cầu có thể sớm phải đối mặt với một trong những cú sốc nguồn cung năng lượng lớn nhất từ trước đến nay", Goldman Sachs cảnh báo.

 

Goldman Sachs ước tính giá dầu tăng 20 USD/thùng sẽ làm giảm 0,3 điểm phần trăm tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là với những dự báo về giá dầu ở thời điểm hiện tại, tăng trưởng GDP của đất nước 1,4 tỷ dân có thể bị kéo tụt 0,5 điểm phần trăm.

Ngân hàng đầu tư Phố Wall cho biết Bắc Kinh sẽ cần tăng tốc nới lỏng chính sách để giữ tăng trưởng không trượt xuống dưới 4,5%.

 

Gánh nặng chi phí

 

“Giá dầu cao hơn sẽ làm giảm thu nhập thực tế của hộ gia đình, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng và đầu tư", các chuyên gia của Goldman Sachs nhận định.

 

"Nhưng với tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế đối với sự ổn định của thị trường lao động và ổn định tài chính, chúng tôi cho rằng chính phủ khó có thể để tăng trưởng GDP năm nay giảm thêm xuống dưới 4,5%", ngân hàng đầu tư Phố Wall nhận định.

 

Giá dầu tăng lên mức kỷ lục cũng kéo chi phí nhiên liệu của các hãng vận tải tăng cao. Theo ông Judah Levine - Trưởng bộ phận nghiên cứu của Freightos Group, giá cước vận chuyển từ Trung Quốc đến châu Âu của Freightos Air Index đã tăng hơn 80% vào cuối tháng 2 lên 11,36 USD/kg. Một số hãng vận tải áp dụng phụ phí rủi ro chiến tranh.

 

Điều này gia tăng áp lực chi phí lên các chủ hàng. Một phần gánh nặng chi phí sau đó sẽ được chuyển sang người tiêu dùng.

 

Thêm vào đó, theo chuyên gia Stephen Olson - thành viên nghiên cứu cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận Hinrich Foundation, Ukraine đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ngũ cốc của Trung Quốc nhằm cải thiện an ninh lương thực quốc gia.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/asfzyreslz2/2022_03_03/e2ee5c3b_9755_4edc_87d0_58838d789dad.jpg

Ukraine đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực cải thiện an ninh lương thực của đất nước 1,4 tỷ dân. Ảnh: Reuters

 

Nếu các chuyến hàng từ Ukraine đến Trung Quốc bị gián đoạn, áp lực lạm phát của nền kinh tế 1,4 tỷ dân chắc chắn sẽ tăng lên.

 

Theo CNN, Trung Quốc và Nga có chung lợi ích chiến lược trong việc thách thức phương Tây. Nhưng xung đột Nga - Ukraine đã đặt tình bạn giữa hai quốc gia vào thử thách.

 

"Nền kinh tế và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã chịu áp lực rất lớn trong những tháng gần đây. Do đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể tìm cách vừa công khai ủng hộ Nga, vừa không gây phản cảm với giới chức trách phương Tây", ông Craig Singleton - chuyên gia tại Foundation for the Defense of Democracies - bình luận

 

Còn theo chuyên gia Erlam, Trung Quốc có thể giảm thiểu phần nào nỗi đau kinh tế của Nga sau khi bị áp những lệnh trừng phạt chưa từng có.

 

"Nhưng điều này đòi hỏi thời gian. Thêm vào đó, Nga có thể trở nên cực kỳ phụ thuộc vào Trung Quốc và Moscow không muốn điều đó", vị chuyên gia bình luận với Zing.

 

--------------------

 

LIÊN QUAN

 

Kinh tế Mỹ, châu Âu chịu ảnh hưởng ra sao khi trừng phạt Nga

Nền kinh tế Nga bị tàn phá bởi lệnh trừng phạt từ phía phương Tây. Nhưng Bộ trưởng Tài chính Mỹ thừa nhận rằng Mỹ và châu Âu cũng không miễn nhiễm với ảnh hưởng của động thái này.

.

Nhà đầu tư bán tháo, cổ phiếu công nghệ Trung Quốc sụt mạnh

Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc lao dốc xuống mức thấp mới sau khi các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo vì lo ngại về những quy định từ phía Mỹ.





No comments: