Chiến
tranh Ukraine kết thúc như thế nào: Một vài ví dụ từ lịch sử
Bruno
Tertrais - Die
Welt
Nguyễn Xuân Hoài,
biên dịch
04/03/2022
Mọi chiến dịch đều khác nhau. Tuy nhiên, có rất nhiều
bài học lịch sử điển hình. Một trong những nhà tư tưởng chiến lược nổi tiếng nhất
giải thích các tình huống mà người ta nên biết để hiểu rõ hơn về cuộc xung đột
hiện nay. Ở đây có một số tương đồng đáng ngạc nhiên.
Các cuộc chiến không bao giờ diễn ra theo kế
hoạch. Và những cuộc chiến của những nhà độc tài bị cô lập, những kẻ cứng đầu
không còn chịu nghe phần còn lại của thế giới thì càng ít có khả năng diễn ra
theo kế hoạch hơn. Trước sự thật đó, tình hình Ukraine sẽ ra sao? Chiếu theo lịch
sử, người ta có thể thấy cuộc chiến này có thể kết thúc như thế nào? Sau đây là
những kịch bản có thể xảy ra:
Trong trường hợp cực đoan, Ukraine có thể bị
sáp nhập, tương tự như Iraq sáp nhập
Kuwait hồi năm 1990. Nhưng điều đó chỉ có thể hình dung
được sau một cuộc chiến tranh tàn phá khủng khiếp và kéo dài, buộc người dân
Ukraine phải cầu hòa bằng bất cứ giá nào. Với diễn biến của các sự kiện trong
tuần qua cho đến nay, điều này khó có thể xẩy ra.
Khả năng thứ hai là sự chia cắt Ukraine,
tương tự như Đức hoặc Triều Tiên năm 1945 – hoặc, có lẽ thích hợp hơn, như
theo Hiệp ước Moscow năm 1686 về nền “hòa bình vĩnh viễn” giữa Đế chế Sa hoàng và
Ba Lan-Litva, vốn về cơ bản chia Ukraine thành hai phần. Đây cũng là một kịch bản
rất khó xảy ra trong bối cảnh kháng cự quyết liệt của quân đội Ukraine và sự tồn
tồn tại song song nhiều mặt trận.
Nếu Ukraine bị khuất phục, đất nước này sẽ rơi
vào tình trạng tương tự như nước láng giềng Belarus, vốn đã bị Moscow khuất phục
trên thực tế sau khi Putin
giải cứu chế độ của ông Lukashenko khỏi sự sụp đổ do các cuộc biểu
tình lớn hồi năm 2020 và 2021.
Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu Nga đánh bại
lực lượng vũ trang Ukraine và dựng lên một chính phủ bù nhìn ở Kiev. Kết quả
này sẽ dẫn tới một sự bất ổn kéo dài nếu xét tinh thần quyết tâm kháng chiến đến
cùng của người dân Ukraine hiện nay.
Từ đó có thể xảy ra các tình huống, ví dụ như
việc “Phần Lan hóa”
Ukraine (được hiểu là một quyết định tự nguyện và tự quyết nhằm duy trì trạng
thái trung lập về quân sự của Ukraine), điều sẽ làm giảm bớt một trong những mối
quan ngại chính của Nga: khả năng Ukraine gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương
trong tương lai.
Tuy nhiên, những người ủng hộ một giải pháp
như vậy, phần đông là những chuyên gia và chính khách lỗi lạc trong 30 năm qua,
quên rằng điều này sẽ buộc Ukraine bị lệ thuộc vào Điện Kremlin. Điều đó chỉ có
thể thực hiện được như một phần của một giải pháp toàn cầu đối với cuộc chiến
này, trong đó – như Phần Lan đã làm trong giai đoạn 1939-1940 – quân đội
Ukraine sẽ buộc Nga rơi vào thế bế tắc.
Và cũng cần có một kịch bản xấu hơn nhiều đối
với Điện Kremlin, trong đó các lực lượng Nga bị sa lầy trong một cuộc xung đột
kéo dài, giống như Liên
Xô ở Afghanistan, hay như Hoa Kỳ ở Iraq.
Nhưng sự so sánh đó là khập khiễng, vì Ukraine quan trọng hơn nhiều đối với Điện
Kremlin so với Afghanistan đối với Liên Xô, hay Iraq đối với Hoa Kỳ.
Cũng vì lý do này, không có khả năng Moscow sẽ
rút khỏi Ukraine sau khi đã “dạy
một bài học” cho nước láng giềng, giống như Trung Quốc đã làm ở
Việt Nam năm 1979.
Tất cả những điều này làm cho các kịch bản leo
thang có nhiều khả năng xảy ra hơn, từ đó sẽ có nhiều kịch bản phụ. Ví dụ, Nga
có thể tìm cách gây nguy hiểm cho an ninh châu Âu và khối NATO bằng cách kích động
các vụ việc ở biên giới châu Âu. Ví dụ, Thụy Điển trung lập đang theo dõi chặt
chẽ ý định của Nga liên quan đến đảo Gotland ở Biển Baltic. Cũng phải nghĩ đến
khả năng xảy ra các cuộc tấn công mạng, và thậm chí hoạt động khủng bố cũng
không nên bị loại trừ.
Moscow cũng có thể “mở một mặt trận mới” thông
qua khuyến khích và giúp đỡ nước Cộng
hòa Srpska nhỏ bé ở Bosnia-Herzegovina tuyên bố độc lập. Nga cũng có
thể làm tăng thêm nỗi lo sợ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân thông qua các tuyên
bố khiêu khích (và các bước chiến lược rõ ràng trong việc kích hoạt lực lượng hạt
nhân), giống như Liên Xô đã làm trong cuộc Khủng hoảng
Kênh đào Suez năm 1956.
Việc Nga bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ
Belarus, một động thái có thể được thực hiện nhờ sửa đổi hiến pháp nước này, có
thể là một nỗ lực khác nhằm gây bất ổn cho châu Âu và chia rẽ liên minh Đại Tây
Dương.
Với việc Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng đứng về phía
Ukraine và ngăn chặn sự qua lại của các tàu chiến Nga trên eo biển Bosphorus,
điều này cũng có thể gây ra phản ứng từ Nga, gợi nhớ lại âm hưởng của cuộc
Chiến tranh Crimea hồi thế kỷ 19.
Một kịch bản phụ khác (và điều này rất có khả
năng) là xảy ra leo thang không cố ý. Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu một máy bay
ném bom của Nga bị lạc, vượt biên giới sang châu Âu, và sau đó bị lực lượng
NATO bắn hạ, tương tự như sự cố ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Nga năm 2015?
Hoặc nếu nhiều chuyên gia hướng dẫn hay các
tình nguyện viên của phương Tây bị Nga ném bom giết hại ở Ukraine, điều này
cũng có thể gây phản ứng phẫn nộ ở phương Tây đòi trả đũa. Cần nhớ rằng tại
Syria năm 2018, hơn 200 lính đánh thuê Nga đã bị quân đội Mỹ tiêu diệt trong trận
chiến giành Chasham.
Một danh sách đầy đủ các kịch bản có thể còn
bao gồm khả năng quân đội Nga thất bại nặng nề, sau đó dẫn đến sự ra đi của Tổng
thống Vladimir Putin, tương tự như những gì đã xảy ra với Slobodan
Milosevic sau Chiến tranh Kosovo, hoặc quân đội Argentina sau Chiến
tranh Falklands 1982.
Điều đó có thể làm tăng khả năng Ukraine tái
chiếm nhanh chóng các nước cộng hòa ly khai ở miền đông, tương tự như những gì
lực lượng Croatia đã làm trong Chiến dịch Storm năm 1995.
Tuy nhiên, hiện tại, quân đội Nga sẽ nỗ lực
làm tất cả để đạt được thành công quân sự tối đa trên thực địa, với mục tiêu
chính là nghiền nát các lực lượng quân đội và phá hủy bộ máy nhà nước Ukraine bằng
bạo lực ngày càng tăng. Lenin chẳng đã từng nói: “Đầu tiên thọc lưỡi lê, nếu gặp
bùn thì thọc tiếp, nếu gặp thép thì rút lui”.
Tiếc rằng vẫn phải nêu thêm một so sánh lịch sử
cuối cùng: đó là sự tàn phá khủng khiếp thành phố Grozny của Chechnya
năm 1999. Ví dụ này đặc biệt đáng sợ vì các lực lượng Chechnya
đã có mặt ở Ukraine để thực hiện những hành động bẩn thỉu, tàn bạo nhất cho Điện
Kremlin.
-----------------------
Bruno Tertrais là một trong những nhà tư tưởng chiến
lược được kính trọng nhất của nước Pháp và là thành viên cấp cao tại Institut
Montaigne ở Paris.
Nguồn:
Bruno Tertrais, “Ein
Blick in die Geschichte zeigt, wie der Ukraine-Krieg enden könnte”, WELT,
04/03/2022.
No comments:
Post a Comment