Các
nước dân chủ không bao giờ đánh nhau?
VINCENTE NGUYEN - Luật
Khoa
01/03/2022
https://www.luatkhoa.org/2022/03/cac-nuoc-dan-chu-khong-bao-gio-danh-nhau/
Tìm hiểu mối quan hệ
giữa dân chủ, hòa bình và chiến tranh.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/03/D-1024x536.jpg
Ảnh nền: Lính
Ukraine sau một đợt tấn công của lực lượng Nga tại Kyiv vào ngày 26/2/2022. Nguồn:
AFP. Bìa sách: Amazon.
“Học thuyết hòa bình dân chủ” (democratic
peace theory) là một trong những học thuyết quan trọng và được đánh giá cao nhất
trong hệ thống nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại.
Không hề quá lời nếu cho rằng thuyết hòa bình
dân chủ là thứ gần nhất mà khoa học chính trị có thể tạo ra để tiệm cận với cái
gọi là “luật” trong việc tìm hiểu nguyên tắc, định hướng và tương lai của chiến
tranh trên thế giới.
Thuyết hòa bình dân chủ không phải là một học
thuyết khó hiểu, tuy nhiên, nó có rất nhiều biến thể nhánh và quan điểm học thuật
khác nhau. [1] Cái gốc quan trọng nhất của học thuyết này là việc khẳng định
các nền dân chủ sẽ không tham gia vào các cuộc chiến tranh chống lại nhau.
Lý do quan trọng nhất là các thiết chế dân chủ
– bao gồm bầu cử cạnh tranh, đa nguyên chính trị và tự do ngôn luận – đảm bảo rằng
các lãnh đạo được bầu lên sẽ theo ý của đa số dân chúng. Và vì chiến tranh ảnh
hưởng tiêu cực đến phần lớn người dân, những lãnh đạo nào khơi mào chiến tranh
sẽ dễ dàng bị người dân phế bỏ quyền lực qua phiếu bầu.
Người dân Đài Loan
bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vào tháng 1/2020. Ảnh: How Hwee Young/ EPA-EFE/
Shutterstock.
Tuy nhiên, liệu dân chủ có giúp các quốc gia
này hạn chế tham chiến chống lại những quốc gia “không dân chủ”, bao gồm cả những
quốc gia dân chủ phi cấp tiến (non-liberal democracy) và hoàn toàn không dân chủ
(non-democratic)?
Trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, nhiều nhà
quan sát đã cho rằng đây là một ví dụ khá kinh điển của thuyết hòa bình dân chủ
khi mà Nga, một nhà nước đang dần đi đến con đường toàn trị, đã không thể chia
sẻ hay trao đổi mong muốn chính trị của mình một cách bình thường với nền dân
chủ Ukraine và các nền dân chủ châu Âu.
Liệu thuyết hòa bình dân chủ có thật sự là một
học thuyết khả dụng?
Để cùng tìm hiểu, người viết xin giới thiệu đến
bạn đọc quyển sách có tên gọi “Puzzles of the Democratic Peace: Theory, Geopolitics and the
Transformation of World Politics” của Karen A. Rasler và William R.
Thompson, hai giáo sư chính trị trường Đại học Indiana, Hoa Kỳ. [2]
Đây là quyển sách cô đọng với tương đối đầy đủ
thông tin, cả ủng hộ lẫn thách thức thuyết hòa bình dân chủ, để chúng ta có thể
có một cái nhìn toàn cảnh về vấn đề này.
Dân chủ và hòa
bình: trứng và gà cái nào có trước?
Vấn đề đầu tiên mà quyển sách đặt ra là liệu
chúng ta có tiếp cận sai về mối liên hệ nhân quả giữa các nền dân chủ và hòa
bình hay không. Bởi một khả năng khác là việc duy trì nền hòa bình giữa các quốc
gia mới chính là yếu tố tạo điều kiện cho quá trình phát triển và thực hành dân
chủ.
Hai tác giả gọi đây là “peace ↔ democratic dyads” (tạm dịch là nhị nguyên hòa bình và dân chủ) trong các thảo luận chính
trị liên quan, và sẽ rất dễ rơi vào vòng luẩn quẩn ngụy biện nếu chúng ta không
có nền tảng lịch sử và phương pháp luận vững chắc.
Các tác giả dẫn ra nhiều nghiên cứu định lượng
lẫn định tính nhằm xác định sự thật của mối quan hệ nhị nguyên giữa hòa bình và
dân chủ với các nhóm kết quả khó lòng xác định rõ khác.
Ví dụ, nhóm tác giả đồng tình với nhiều nghiên
cứu rằng sự thắng thế của mô hình dân chủ trên toàn thế giới trước tiên là nhờ
vào chiến tranh, mà cụ thể nhất là kết quả của hai cuộc thế chiến. Theo đó,
liên minh của các nền dân chủ đánh bại liên minh của các chính thể chuyên chế
và từ đó tạo nền tảng cho sự lan tỏa của mô hình dân chủ. Họ giả định, nếu liên
minh dân chủ thất thủ, tầm ảnh hưởng của định chế dân chủ trên thế giới chắc chắn
sẽ suy giảm trầm trọng.
Như vậy, xét theo bình diện lịch sử, chiến
tranh thật ra lại tạo ra động lực cho làn sóng dân chủ.
Lính Mỹ cắm cờ tại
Iwo Jima trong trận chiến với quân Nhật vào tháng 2/1945 trong Thế chiến II. Ảnh:
AP Photo/ Joe Rosenthal.
Tương tự, nhóm tác giả cũng nhìn nhận rằng có
nhiều nghiên cứu tìm ra được những biến/ tiêu chí khác có ảnh hưởng trực tiếp đến
nhu cầu chiến tranh của các quốc gia, và hòa bình hay không không nhất thiết chỉ
phụ thuộc vào biến “dân chủ”. Các tiêu chí này bao gồm: nguồn nội lực và tài
nguyên trong nước (domestic resources), vị trí địa lý và áp lực lãnh thổ từ bên
ngoài (external threats), cán cân quyền lực cũng như truyền thống tập trung quyền
lực của một quốc gia (traditional power concentration), v.v.
Với những thông tin tổng hợp này, hai tác giả
tự tìm kiếm mô hình riêng của mình để xác định tầm ảnh hưởng thực tế của dân chủ
đối với hòa bình và đưa ra được một mô hình tương đối hoàn chỉnh. Theo đó, các
thứ tự ưu tiên để xây dựng một nền hòa bình chung là:
1. Các mối nguy hại khu vực thấp (low external threat) =>
2. Lượng tài nguyên nội địa không cao (low domestic resource) =>
3. Lịch sử tập trung quyền lực chính trị nội địa không cao (low power
concentration) =>
4. Dân chủ hóa thành công (democratisation) =>
5. Giảm trừ các hành vi gây hấn (less conflict behavior).
Hai nhà nghiên cứu từ đó khẳng định, thuyết
hòa bình dân chủ về cơ bản là không sai. Quá trình dân chủ hóa có mối quan hệ đặc
biệt quan trọng với xu hướng giảm thiểu các hành vi gây hấn, chiến tranh.
Tuy nhiên, họ cũng cho thấy là còn rất nhiều
biến khác trước đó ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến khả năng dân chủ hình
thành, bao gồm các áp lực an ninh từ bên ngoài hay tài nguyên nội địa (tài
nguyên nội địa quá cao thường khó xây dựng chính quyền dân chủ).
Cách tiếp cận nhị nguyên vì vậy được cho là có
vấn đề. Song rõ ràng có tồn tại sự kết nối hữu cơ giữa dân chủ và hòa bình.
Mô hình nhà nước
trong bối cảnh xung đột?
Đi xa hơn những quan sát về mối liên hệ giữa
dân chủ và hòa bình, hai tác giả còn tìm cách cân đo đong đếm xem liệu các mô
hình chính thể khác nhau (giữa hai thái cực dân chủ và không dân chủ) có phản ứng
gì khác biệt dưới áp lực xung đột hay không.
Tiếp cận với nội dung này bằng nghiên cứu định
tính và nghiên cứu vụ việc thay vì định lượng, hai tác giả đưa ra những thảo luận
hết sức có ý nghĩa để cân nhắc vai trò của thiết chế dân chủ và cách mà nó gây ảnh
hưởng lên phương thức mà những nhà lãnh đạo đưa ra các quyết định liên quan đến
chiến tranh.
Các thảo luận dẫn đến kết luận tương đối giống
với phần mà chúng ta vừa phân tích ở trên, khi mà những vấn đề như áp lực quốc
tế, định chế bộ máy nhà nước có hiệu quả không và công luận có những phản ứng
như thế nào, v.v. đều có tác động ảnh hưởng.
Những biến này có thể rất khác nhau ngay giữa
những nền dân chủ, bởi mỗi nền dân chủ tự thân nó cũng có đặc điểm lịch sử, định
chế nhà nước hoàn toàn khác biệt. Yếu tố dân chủ vì vậy được xem là quá chung
chung để tìm ra một kết quả đúng trong mối quan hệ nhị nguyên dân chủ – hòa
bình.
Tuy nhiên, theo các tác giả, điều này cũng có
thể giúp khẳng định vai trò của một nền dân chủ mạnh trong việc kiểm soát ngôn
ngữ hiếu chiến và các chiến dịch tuyên truyền chiến tranh trong nội bộ các quốc
gia.
***
Các thảo luận chất lượng, bao hàm cả định tính
lẫn định lượng, giúp cho độc giả của quyển sách có một tầm nhìn bao quát hơn về
thuyết hòa bình dân chủ.
Chúng ta hiểu rằng dân chủ và hòa bình chỉ là
hai biến rất nhỏ trong rất nhiều những biến khác cần phải cân nhắc để có thể
đưa ra nhận định phù hợp. Bản thân các nền dân chủ cũng không nhất thiết phải
tương đồng với nhau về trình độ, định chế chính trị hay quan điểm dân tộc chủ
nghĩa của các nhóm dân cư.
Cách tiếp cận của quyển sách cũng giúp chúng
ta có những quan sát khoa học và kỹ lưỡng hơn về cuộc xâm lược mà Nga đang phát
động trước Ukraine.
Ngày 24/2/2022, Nga
tấn công xâm lược Ukraine. Ảnh: The Times.
Ví dụ, việc nền kinh tế Nga tiếp tục dựa dẫm
vào tài nguyên và lịch sử tập quyền từ thời Sa Hoàng cho đến nay khiến Nga gặp
nhiều trở ngại trong việc xây dựng một nền dân chủ lành mạnh.
Mặt khác, dù người dân Ukraine liên tục cố gắng
xây dựng nền dân chủ đúng nghĩa, những rủi ro an ninh đến từ việc sống cạnh Nga
luôn sản sinh ra những nhóm chuyên quyền, cực đoan (mà cụ thể các nhóm cực hữu
dân tộc chủ nghĩa) để đối phó với mối lo kề cận.
Tuy không phải là một quyển sách dễ đọc, người
viết cho rằng đây là một tài liệu khách quan và đầy đủ về thuyết hòa bình dân
chủ và những vấn đề của nó.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang,
đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang,
rất mong chờ bài viết của bạn.
---------------
Chú thích
1. Dan Reiter, “Democratic Peace
Theory”, Oxford Bibliographies. https://www.oxfordbibliographies.com/view/document/obo-9780199756223/obo-9780199756223-0014.xml
2. Amazon.com: Puzzles of the
Democratic Peace: Theory, Geopolitics and the Transformation of World Politics
(Evolutionary Processes in World Politics): 9781403968241: Rasler, K.,
Thompson, W.: Books. (2005). Amazon. Retrieved 2022, from https://www.amazon.com/Puzzles-Democratic-Peace-Transformation-Evolutionary/dp/1403968241
No comments:
Post a Comment