Thursday, February 10, 2022

LÝ DO NGA KHÔNG BAO GIỜ CHẤP NHẬN NỀN ĐỘC LẬP CỦA UKRAINE (The Economist)

 



Lý do Nga không bao giờ chấp nhận nền độc lập của Ukraine (P1)

The Economist

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

09/02/2022

http://nghiencuuquocte.org/2022/02/09/ly-do-nga-khong-bao-gio-chap-nhan-nen-doc-lap-cua-ukraine-p1/

 

Tám giờ tối Chủ nhật, ngày 08/12/1991, Mikhail Gorbachev, Tổng thống Liên Xô, nhận được một cuộc điện thoại bằng đường dây tối mật. Người ở đầu dây bên kia là Stanislav Shushkevich, một giáo sư vật lý khiêm tốn, người mà vài tháng trước đó, trong công cuộc cải tổ của Gorbachev, đã được giao đảm nhận chức vụ lãnh đạo Cộng hòa Belarus thuộc Liên Xô. Shushkevich gọi từ một cabin đi săn trong khu rừng Belovezh tươi đẹp để nói với nhà cải cách vĩ đại rằng, ông đã ‘mất việc’: Liên Xô đã kết thúc rồi.

 

Nhìn lại, dấu hiệu cáo chung đã xuất hiện từ tháng 8, khi KGB, những nhân vật Cộng sản cứng rắn và quân đội đã buộc Gorbachev chịu quản thúc tại gia, và tiến hành một cuộc đảo chính. Sau ba ngày kháng cự hòa bình, dẫn đầu bởi Boris Yeltsin, Tổng thống Cộng hòa Xô viết Nga, họ đã rút lui. Sự kiện đó đã loại trừ mọi khả năng quay trở lại một Liên Xô trong quá khứ. Nhưng Gorbachev vẫn nuôi hy vọng về một người kế nhiệm hậu Xô Viết theo chủ trương tự do, như một cách để có thể giữ, chí ít là, một số nước cộng hòa liên kết với nhau. Cuộc gọi của Shushkevich đã giết chết hy vọng cuối cùng đó.

 

Một trong những nguyên nhân là sự sụp đổ của nền kinh tế Nga. Như Yegor Gaidar, nhà cải cách kinh tế hàng đầu của Yeltsin, sau này đã viết, đó là mùa thu của “những hàng thực phẩm ôi thiu…những cửa hiệu trống rỗng… những người phụ nữ lang thang tìm kiếm thức ăn, bất cứ thứ gì có thể ăn được… mức lương trung bình là bảy đô la một tháng.” Để thực hiện thành công những cải cách sâu rộng mà Gaidar đề xuất, Yeltsin cần một nước Nga có khả năng kiểm soát tiền tệ của chính mình. Điều đó có nghĩa là phải rời khỏi Liên bang Xô viết.

 

Chính Shuskevich cũng bị thúc đẩy bởi nền kinh tế suy sụp. Ông mời Yeltsin đến cùng mình trong căn nhà nghỉ dưỡng ở rừng sâu, với hy vọng rằng, nếu làm hài lòng vị tổng thống thì khí đốt và điện của Nga sẽ tiếp tục được chuyển tới Belarus. Mùa đông sẽ vô cùng khó khăn nếu không có chúng. Địa điểm Shuskevich chọn là một nhà nghỉ có tên Viskuli, nơi Leonid Brezhnev và Nikita Khrushchev từng giải trí với trò bắn bò rừng và nhiều trò tiêu khiển khác (đây là lý do nó có đường dây điện thoại nối với Moscow).

 

Yeltsin đề nghị Leonid Kravchuk, Tổng thống Cộng hòa Ukraine, tham gia cùng họ. Chủ nhật trước đó, người dân Ukraine đã bỏ phiếu áp đảo để phê chuẩn tuyên bố độc lập, rời khỏi Liên bang Xô viết. Tuyên bố đó đã được Quốc Hội của họ, Rada, thông qua ngay sau cuộc đảo chính tháng 8.

 

Yeltsin muốn những gì Kravchuk đạt được ở Ukraine không đơn thuần chỉ vì lý do kinh tế. Ông tin rằng độc lập sẽ là yếu tố quan trọng để củng cố quyền lực của mình, và để theo đuổi nền dân chủ tự do. Ukraine, cho đến tận thế kỷ 19, chưa bao giờ là một lãnh thổ được xác định rõ ràng, đồng thời vẫn luôn là nơi cư trú của nhiều dân tộc khác nhau, với sự chia rẽ văn hóa sâu sắc. Việc nước này trở thành một quốc gia đơn nhất, độc lập, trong phạm vi biên giới cũ của Liên Xô đã tạo tiền lệ cho nước Nga đi theo cách tương tự, và bác bỏ nền độc lập của các lãnh thổ nổi loạn như Chechnya. Đó là lý do tại sao Cộng hòa Nga là một trong ba chính thể đầu tiên trên thế giới công nhận Ukraine là một quốc gia độc lập.

 

Dù một thế giới nơi Ukraine, Nga và Belarus hoàn toàn độc lập khỏi Liên Xô nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng một thế giới nơi ba nước này không ràng buộc với nhau theo bất kỳ cách thức nào sẽ là điều đáng lo ngại đối với một người Nga như Yeltsin. Vấn đề không chỉ ở việc Ukraine là quốc gia đông dân thứ hai, và có sức mạnh kinh tế cũng đứng thứ hai trong số các nước cộng hòa còn lại, mà các ngành công nghiệp của nước này còn tích hợp chặt chẽ với các ngành công nghiệp Nga. Câu hỏi cũng không phải chỉ nằm ở việc điều gì sẽ xảy ra với các lực lượng hạt nhân đặt tại Ukraine nhưng lại nằm dưới sự chỉ huy của chính quyền Liên Xô ở Moscow. Vấn đề đi sâu hơn nhiều.

 

Một năm trước, trong “Tái thiết nước Nga” (Rebuilding Russia), một bài luận đăng trên tờ báo được lưu hành rộng rãi nhất Liên Xô, Alexander Solzhenitsyn đã hỏi “Nước Nga chính xác là gì? Hôm nay, ngay lúc này đây? Và – quan trọng hơn – ngày mai thì sao?… Bản thân người Nga nghĩ rằng ranh giới vùng đất của mình là ở đâu?” Sự cần thiết phải để các nước Baltic ra đi là rõ ràng – và khi họ rời Liên Xô vào năm 1990, Solzhenitsyn, Yeltsin, và phần lớn nước Nga đã cùng nhau ngăn chặn nỗ lực của nhóm theo chủ nghĩa phục thù muốn giữ các nước này ở lại liên bang. Điều này cũng đúng với vùng Trung Á và Caucasus; những khu vực vốn dĩ là thuộc địa. Nhưng Belarus và Ukraine là một phần của ‘vùng lõi đô thị.’ Solzhenitsyn lập luận rằng mối quan hệ gắn kết giữa “Tiểu Nga” (tức Ukraine), “Đại Nga,” và Belarus với nhau cần phải được bảo vệ bằng mọi cách, trừ chiến tranh.

 

Suốt hàng thế kỷ, Ukraine đã định hình bản sắc Nga. Là trung tâm của một đại công quốc thời Trung cổ có tên gọi Kyivan Rus, kéo dài từ Biển Trắng ở phía bắc, đến Biển Đen ở phía nam, Kyiv được coi là cái nôi của văn hóa Nga và Belarus, đồng thời là nền tảng của đức tin Chính thống giáo của họ. Thống nhất với Ukraine là điều kiện cơ bản giúp người Nga cảm thấy mình là người châu Âu. Trong cuốn “Vương quốc đã mất” (Lost Kingdom, 2017), Serhii Plokhy, một sử gia người Ukraine, mô tả cách “huyền thoại về nguồn gốc của người Kyiv … đã trở thành nền tảng trong hệ tư tưởng của Đại Công quốc Moskva (Muscovy), khi chính thể này chuyển từ thần phục Mông Cổ thành một quốc gia có chủ quyền, và sau đó là một đế chế.” Đế chế Nga cần phải có Ukraine; và Nga không có lịch sử nào khác ngoài lịch sử một đế chế. Ý tưởng rằng Kyiv chỉ là thủ đô của một quốc gia láng giềng là điều không thể tưởng tượng đối với người Nga.

 

Nhưng với người Ukraine, chuyện không phải như vậy. Vào bữa tối đầu tiên ở Viskuli, khi Yeltsin và Kravchuk ngồi đối diện nhau, những ly rượu mừng đã giúp tình bạn chớm nở. Tuy nhiên, tình bạn mà Kravchuk mong muốn là loại thân tình đi kèm với một tấm séc cấp dưỡng đàng hoàng, chứ không phải loại đi kèm với những lời hứa suông.

 

Kravchuk sinh năm 1934 tại tỉnh Volhynia, miền tây Ukraine – khi đó là một phần của Ba Lan, nhưng đã được nhượng lại cho Liên Xô theo một điều khoản trong hiệp ước bất tương xâm mà nước này ký với Đức vào năm 1939. Tuổi thơ chìm trong cảnh thanh trừng sắc tộc, đàn áp, và chiến tranh đã dạy cho Kravchuk, như lời chính ông, “đi giữa những giọt mưa” [nghĩa là tránh được những khó khăn – ND]. Đó là một kỹ năng khiến ông trở thành một thành viên lý tưởng cho bộ máy cộng sản, sau đó là trở thành một người đấu tranh cho nền độc lập của Ukraine – không phải vì bất kỳ lý tưởng cao siêu nào, mà đơn giản là vì ông muốn có cơ hội điều hành đất nước của chính mình.

 

Trưng cầu dân ý đã trao cho ông cơ hội ấy, khi nền độc lập được đa số dân cư ở mọi vùng khắp đất nước tán thành, kể cả vùng phía tây trước đây thuộc về Áo-Hung, với các nhà thờ và quán cà phê theo lối kiến trúc Baroque, lẫn phía đông Xô viết hóa và công nghiệp hóa, nơi phần lớn 11 triệu dân Ukraine gốc Nga sinh sống. Kravchuk cần nhiều đáp ứng thiết thực từ Nga, nhưng ông cũng thừa nhận những lợi ích mà người Nga nhắm đến. Ông muốn có một mối quan hệ tốt đẹp với Yeltsin, và vì vậy đã quyết định đến buổi gặp mặt trong rừng. Nhưng ông không chủ tâm trao cho Nga một lối thoát khỏi liên minh theo bất kỳ cách nào sẽ làm tổn hại đến nền độc lập của Ukraine.

 

Thỏa thuận, ở dạng dự thảo, vào lúc 4 giờ sáng ngày Chủ nhật, đã đạt được những mục tiêu đó bằng một phương cách khá gọn gàng. Việc nước Nga đơn giản theo chân Ukraine tuyên bố độc lập sẽ tự nó giải quyết câu hỏi về các nước cộng hòa còn lại của Liên Xô. Vì vậy, thay vào đó, họ đã bãi bỏ chính Liên Xô.

 

Liên bang Xô viết được thành lập vào năm 1922, thông qua một tuyên bố chung của bốn nước cộng hòa Xô viết – Cộng hòa Liên bang Ngoại Kavkaz (TSFSR), Nga, Ukraine và Belarus. Với việc TSFSR đã bị chia cắt từ lâu, các tổng thống theo đó cũng xóa bỏ những gì mà các tiền bối của họ đã ràng buộc với nhau. Họ sử dụng từ Cộng đồng Các Quốc gia Độc lập (Commonwealth of Independent States, CIS) thay cho từ “liên minh” (union)– Kravchuk không cho phép sử dụng từ “liên minh”. Khối này chỉ có một vài thẩm quyền được xác định rõ ràng, và bất kỳ quốc gia hậu Xô viết nào cũng được hoan nghênh tham gia khối. Không có mối quan hệ đặc biệt nào giữa ba nước vùng Slavơ được đề cập.

 

Chiều hôm đó, ba vị lãnh đạo đã ký thỏa thuận, theo đó tuyên bố rằng “Liên Xô với tư cách là một chủ thể của luật pháp quốc tế, và thực thể địa chính trị, đã không còn tồn tại.” Công việc tiếp theo thuộc về người trẻ nhất trong số ba tổng thống – cũng là người kém nhiệt tình nhất với những gì họ vừa làm – đó là thông báo cho Moscow về những gì đã xảy ra.

 

Gorbachev đã nổi giận. Tầm quan trọng của Ukraine không phải là một vấn đề trừu tượng đối với ông. Giống như Solzhenitsyn, ông là con của một người mẹ Ukraine và một người cha Nga. Ông lớn lên cùng những khúc hát Ukraine và đọc sách của Nicolai Gogol, người đã biến những câu chuyện dân gian của quê hương mình thành một kho tàng thơ văn phong phú sau khi chuyển đến St. Petersburg. Sự ra đời của Liên Xô có nghĩa là Gorbachev và những người giống như ông, dù có nguồn gốc lai lịch ra sao, đều mang trong mình hai bản sắc: Nga và Ukraine.

 

Quan trọng hơn, dù cuộc đảo chính thất bại đã khiến việc tan rã ít nhiều là không thể tránh khỏi, nhưng việc giải thể một đế chế đa sắc tộc với 250 triệu dân vẫn là một chủ đề gây chấn động. Như Solzhenitsyn đã viết trong bài “Tái thiết nước Nga”, “Chiếc đồng hồ chủ nghĩa cộng sản đã ngừng chạy. Nhưng tòa tháp bằng bê tông của nó vẫn chưa sụp đổ. Và chúng ta phải cẩn thận để không bị đè bẹp bên dưới đống đổ nát, thay vì giành được tự do.” Thực tế là trong đống đổ nát đó, nếu quả thật có một đống đổ nát, tồn tại một kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, nằm rải rác giữa bốn quốc gia riêng biệt (ba nước Slavơ và Kazakhstan), và điều này khiến các chính khách trên khắp thế giới lo sợ. Khi kinh tế rơi vào suy thoái, Gorbachev đã đến gặp Tổng thống George Bush để vay 10 đến 15 tỷ đô la, và lúc ấy mối quan tâm hàng đầu của Bush là mối đe dọa hạt nhân. Lo lắng tương tự đã khiến Gorbachev phản đối sự ly khai của Ukraine trong một bài phát biểu được đưa ra ngay trước cuộc đảo chính vào tháng 8. “Anh có nhận ra mình đã làm gì không?” Gorbachev hỏi Shushkevich. “Nếu Bush phát hiện ra chuyện này thì sao?”

 

Câu hỏi đó thật ra đang được trả lời trên một trong những đường dây điện thoại khác của cabin. Andrei Kozyrev, bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Nga, đã gặp chút khó khăn khi tìm cách gọi cho Bush. Một nhân viên lễ tân của Bộ Ngoại giao Mỹ (do Kozyrev không có số trực tiếp của Nhà Trắng nên phải gọi qua Bộ Ngoại giao) nói với người đàn ông có chất giọng Nga, đang yêu cầu cô kết nối một người tên Yeltsin với Tổng thống Mỹ, rằng cô ấy “không có tâm trạng tham gia mấy trò chơi khăm.” Kozyrev cũng không thể cho số để Bộ Ngoại giao Mỹ liên hệ lại, để có thể chứng minh sự thành thật của bản thân: vì ông không biết số điện thoại của cabin nơi ông đang gọi đi. Tuy nhiên, cuối cùng thì ông cũng được kết nối, và trở thành phiên dịch viên trong lúc Yeltsin giải thích với Bush rằng kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới hiện nằm trong tay một thứ gọi là Cộng đồng các Quốc gia Độc lập.

 

Gorbachev không rõ Bush sẽ phản ứng như thế nào, và bản thân Bush cũng vậy. Đoạn nhật ký thu âm mà Tổng thống Mỹ ghi lại vào ngày hôm sau đã tràn ngập những câu hỏi đầy lo lắng: “Đêm thứ Hai này, tôi chợt thấy mình lo nghĩ nhiều về hành động quân sự. Quân đội [Liên Xô] ở đâu – họ đang rất im ắng. Chuyện gì sẽ xảy ra? Liệu nó có vượt khỏi tầm kiểm soát? Gorbachev sẽ từ chức? Hay ông ta sẽ cố gắng chống trả? Yeltsin có cẩn trọng suy xét mọi chuyện chưa? Đây quả là một tình huống khó khăn – rất khó khăn.” Mối nghi ngờ tương tự cũng len lỏi trong tâm trí của ba vị tổng thống trong rừng. Khi Yeltsin và đoàn tùy tùng quay trở lại Moscow, họ nói đùa về việc máy bay của mình bị bắn rơi. Tiếng cười không hoàn toàn che giấu được nỗi lo.

 

Thế nhưng, những vụ bắn hạ máy bay, cùng với sự vi phạm chủ quyền của Ukraine, việc chiếm đóng Crimea, cùng sự tái khẳng định rằng di sản của Kyivian Rus có nghĩa là các quốc gia phải bị ‘xích’ lại chung với nhau, và sự đảo ngược của Belarus sang chế độ độc tài – tất cả các sự kiện này đều đã lần lượt xảy ra, dẫn đến việc vào một tháng 12 của 30 năm sau đó, ít nhất 70.000 quân Nga đã tiến gần đến biên giới Ukraine và, trong một diễn biến khác, hàng nghìn người tị nạn Trung Đông đã mắc kẹt trong chính khu rừng Belovezh. Câu hỏi từng có vẻ đã được giải quyết về mối quan hệ thời hậu Xô Viết giữa ba quốc gia lại một lần nữa trở thành mối quan tâm địa chính trị lớn.

 

Tuy nhiên, ngày trước, khi đứng giữa những cây thông phủ đầy tuyết, sau khi rời cuộc họp, Yeltsin đã ngập trong cảm giác nhẹ nhàng và tự do. Ông hồi tưởng “khi ký thỏa thuận này, Nga đã chọn một con đường khác, con đường phát triển nội bộ hơn là trở thành một đế chế… Đất nước đang vứt bỏ hình ảnh truyền thống là ‘cường quốc của một nửa thế giới,’ hình ảnh về cuộc xung đột vũ trang với các nền văn minh Tây phương, và vai trò cảnh sát trong việc giải quyết các xung đột sắc tộc. Giờ khắc cuối cùng của đế chế Xô Viết đã điểm.” Có thể sự phụ thuộc lẫn nhau một cách phức tạp giữa Nga và Ukraine không quan trọng nhiều như chúng ta nghĩ; một quốc gia dân chủ thôi là đủ rồi. Có thể vấn đề chính là trí tưởng tượng của chúng ta đã sai lầm.

(Còn tiếp 2 phần)

 

                                                              ***

 

Lý do Nga không bao giờ chấp nhận nền độc lập của Ukraine (P2)

The Economist

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

10/02/2022

http://nghiencuuquocte.org/2022/02/10/ly-do-nga-khong-bao-gio-chap-nhan-nen-doc-lap-cua-ukraine-p2/

 

Năm 1994, sau ba năm suy thoái kinh tế khủng khiếp, hai trong số ba vị tổng thống trong buổi họp tại Viskuli đã phải rời nhiệm sở. Tại Belarus, Alexander Lukashenko, người từng điều hành một nông trại tập thể chuyên chăn nuôi heo, đã thắng cử trước Shushkevich. Lukashenko nói với người dân rằng mình sẽ giải quyết tình trạng kinh tế hỗn loạn bằng cách đưa nó trở lại trật tự trước đây. Cải cách bị dừng lại, và ở giai đoạn sau, trong 27 năm cầm quyền của Lukashenko, các cuộc bầu cử cạnh tranh và công bằng cũng bị chấm dứt. Quốc kỳ, vốn trước đó được đổi thành màu đỏ và trắng như cờ của nước Cộng hòa Belarus tồn tại ngắn ngủi hồi năm 1918, đã được chuyển lại thành một lá cờ giống như thời Liên Xô.

 

Không có sự thay đổi tương tự ở Ukraine, nơi Kravchuk thua trong cuộc bầu cử tổng thống trước Leonid Kuchma, một nhà quản lý công nghiệp giỏi thời Xô Viết. Kravchuk được ủng hộ bởi nhóm cử tri theo chủ nghĩa dân tộc, nói tiếng Ukraine ở phía tây đất nước, trong khi Kuchma giành được khu vực nói tiếng Nga và theo chủ nghĩa tập thể ở phía đông. Nhưng không giống như Lukashenko, Kuchma không phải là một kẻ phản động, và ông đã chứng tỏ mình đủ khôn khéo để thu phục những người Ukraine lúc đầu không tin tưởng ông.

 

Yeltsin đã không phải tham gia tranh cử năm đó. Nhưng một năm trước, ông và những người ủng hộ cải cách đã phải đối mặt với một cuộc nổi dậy của phe Cộng sản cùng một loạt các phe phái chống phương Tây, chống dân chủ do người đứng đầu quốc hội lãnh đạo. Một trong những bất bình của họ là việc mất Crimea, một bán đảo ở Biển Đen, được chuyển từ nước cộng hòa Nga sang cho nước cộng hòa Ukraine vào năm 1954, nhưng hầu hết người Nga vẫn coi nó là một phần của nước mình. Một thiên đường nghỉ mát cho cả giới thượng lưu Liên Xô lẫn hàng triệu dân thường, Crimea cũng từng là trung tâm của hoàng gia kể từ thời Catherine Đại đế.

 

Cuộc nổi dậy năm 1993 vô cùng đẫm máu. Yeltsin ra lệnh cho xe tăng nã pháo vào tòa nhà quốc hội. Công chúng đứng về phía ông. Một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức sau đó đã làm tăng đáng kể quyền hạn của tổng thống. Những người ủng hộ ở nước ngoài cũng đứng về phía ông, và trong năm tiếp theo, một thỏa thuận an ninh cho thấy Mỹ, Anh, và Nga đồng ý đảm bảo sự toàn vẹn của Ukraine, theo đúng biên giới hiện có của nước này – nghĩa là bao gồm cả Crimea – để đổi lấy việc Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân kế thừa từ Liên Xô. Ukraine sau đó thể hiện lòng biết ơn, trong khi phương Tây dần chứng kiến thêm nhiều chuyển đổi hướng tới một nước Nga dân chủ, tự do.

 

Tuy nhiên, vẫn có những người cho rằng quan điểm này lạc quan một cách nguy hiểm; một trong số đó là Zbigniew Brzezinski, nhà ngoại giao người Mỹ gốc Ba Lan kiêm cựu cố vấn an ninh quốc gia. Tháng 3/1994, Brzezinski đã tự mình xem xét câu hỏi của Solzhenitsyn – câu hỏi mà ông tin là đã gợi lên “khát vọng lớn của đa số các chính trị gia cũng như người dân [Nga], đó là câu hỏi ‘Nước Nga là gì?” Thay vì đưa ra một câu trả lời dứt khoát, ông lại cho rằng: “Nga có thể là một đế chế hoặc một nền dân chủ, nhưng không thể là cả hai.”

 

Brzezinski đã đúng. Giây phút nhẹ nhõm của Yeltsin [ở rừng thông sau cuộc họp ở Viskuli] là sự nhẹ nhõm của một người đàn ông không muốn và không cần phải cai trị một đế chế. Ông chủ động bác bỏ không chỉ ý thức hệ và chính sách kế hoạch hóa tập trung của Liên Xô, mà còn cả các công cụ đã giữ cho liên bang này tồn tại – đàn áp và dối trá. Đối với ông, kinh tế thị trường là một điều kiện cho tự do, chứ không phải là một sự thay thế cho nó. Người kế nhiệm ông, Vladimir Putin, cũng theo chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, Putin không cho rằng kinh tế thị trường cần phải đi kèm tự do, và không thấy có vấn đề gì với một nhà nước hoạt động nhờ đàn áp và dối trá. Do đó, ông đã đảo ngược dự án dân chủ của Yeltsin, và dù lúc đầu không phải là người theo chủ nghĩa đế chế về lãnh thổ, Putin đã dần đưa đất nước đi vào con đường thứ hai mà Brzezinski đã đề cập. Chính điều đó đã đặt Nga và các nước láng giềng Slavơ vào tình thế khó khăn như ngày nay.

 

Một trong những vấn đề mà Brzezinski nhận thấy ở nước Nga của Yeltsin là “tầng lớp tư bản mới nổi ở Nga rõ ràng chính là một thứ kí sinh trùng.” Ở thời điểm Putin trở thành tổng thống vào năm 2000, nước Nga đang được điều hành bởi một giới tinh hoa đầu sỏ coi nhà nước là nguồn làm giàu cho cá nhân. Tuy nhiên, khi các cuộc thăm dò ý kiến tìm hiểu xem người dân mong đợi điều gì ở tổng thống sắp tới, thì giảm tham nhũng lại không phải là ưu tiên hàng đầu của họ. Vị thế của nhà nước mới là mục tiêu tối thượng. Người Nga muốn có một nhà nước mạnh mẽ, cứng rắn và được nước ngoài tôn trọng, như tuyên ngôn rất thành công của Putin “Một nhà nước mạnh không phải là một thứ bất thường cần phải chống lại. Xã hội mong muốn phục hồi vai trò hướng dẫn, tổ chức của nhà nước.” Ngay sau khi đắc cử, Putin đã khôi phục lại bài quốc ca Liên Xô, không phải là biểu tượng của việc tái kế hoạch hóa tập trung hay xây dựng lại một đế chế, mà là một tín hiệu cho thấy một nhà nước mạnh đã trở lại. Quyền lực nhà nước không có nghĩa là pháp quyền hay môi trường công bằng. Nó không có, hoặc không cần, một hệ tư tưởng. Nhưng nó cần có một số “thực tế địa chính trị” mà cuộc họp ở Viskuli đã tước bỏ khỏi Liên Xô.

 

Nhà nước mạnh, vốn tạo ra vỏ bọc hiệu quả cho chế độ tham nhũng ở nước Nga của Putin, không phải là một lựa chọn cho chính quyền đầu sỏ tương tự ở Ukraine của Kuchma. Ukraine không có lịch sử thực sự là một nhà nước, chứ đừng nói là một nhà nước mạnh. Huyền thoại quốc gia của nước này là về những người Cossack cưỡi ngựa sống lang bạt tự do. Vì vậy, thay vào đó, ở Ukraine, tham nhũng đã hóa thành bản sắc dân tộc riêng biệt. Bản chất của lập luận rất đơn giản. Như Kuchma đã nói trong một cuốn sách xuất bản năm 2003, “Ukraine không phải là Nga.”

 

Đó không phải là một câu nói nhằm tấn công người Nga. Người Ukraine thích Nga. Các cuộc thăm dò cho thấy họ ngưỡng mộ Putin hơn Kuchma. Đơn giản thì đây chỉ là một cách nói tôn vinh đất nước lên trên hết. Và Putin không có vấn đề gì với điều đó. Ukraine có thể không phải là Nga, nhưng nó không khác Nga đáng kể. Ukraine chỉ tham nhũng và hỗn loạn hơn một chút mà thôi.

 

Tuy nhiên, mức độ khác biệt giữa Ukraine và Nga đã trở nên rõ ràng hơn vào năm 2004, khi một cuộc bầu cử tổng thống gian lận đã khiến hàng nghìn người Ukraine xuống đường biểu tình. Kuchma đã có thể sử dụng vũ lực để đàn áp; Putin khuyến khích ông nên làm như vậy. Nhưng nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có sự chỉ trích nặng nề từ phương Tây, đã ngăn cản hành động đó. Có lẽ, nguyên nhân cơ bản nhất là ý thức của Kuchma rằng, với tư cách là một tổng thống, ông không thể khiến đất nước chia rẽ. Ông quyết định không nhúng tay vào, và đồng ý cho phép bỏ phiếu lần thứ hai. Viktor Yushchenko, ứng viên thân phương Tây, đến từ nhóm nói tiếng Ukraine, đã đánh bại Viktor Yanukovych, một kẻ tham nhũng đến từ Donbas (vùng cực đông của đất nước, và trừ khu vực Crimea, là vùng có dân số gốc Nga cao nhất), người đã tuyên bố chiến thắng trong vòng bầu cử đầu tiên. “Cách mạng Cam,” tên gọi sau này của cuộc biểu tình, là một thách thức nghiêm trọng đối với Putin – và thách thức này càng lớn hơn nữa khi một cuộc nổi dậy tương tự ở Georgia, Cách mạng Hoa Hồng, tạo ra thêm một quốc gia thân phương Tây khác ở trên biên giới Nga.

 

Năm 2008, Putin tạm rời ghế tổng thống vì các quy định trong hiến pháp, hoán đổi công việc với Dmitri Medvedev, thủ tướng của mình. Sự thay đổi này không ngăn cản ông giám sát cuộc chiến chống lại Georgia vào mùa hè năm đó. Tuy nhiên, khi nhìn lại, năm 2010, Cách mạng Cam dường như đã trở thành một chiến thắng cay đắng chẳng khác nào thất bại. Yushchenko cho thấy bản thân là một tổng thống quá kém cỏi, đến mức vào năm 2010, Yanukovych có thể đường hoàng đánh bại ông trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Putin trở lại nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2012, ngay thời điểm mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bóp nghẹt nền kinh tế Nga. Gian lận bầu cử quốc hội Nga một năm trước đó, và triển vọng trở lại của Putin, đã khiến hàng chục nghìn người xuống đường. Hoảng sợ trước sự hiếu chiến ngày càng tăng mà Nga thể hiện ở Georgia, phương Tây ngày càng quan tâm hơn đến Ukraine. EU sau đó đề xuất một hiệp định liên kết cho phép người dân Ukraine được hưởng những lợi ích của một thỏa thuận thương mại tự do sâu sắc và toàn diện, cũng như quyền tự do đi lại khắp châu Âu.

 

Một năm trước, một nhóm các nhà kinh tế đã nói với Putin rằng một liên minh thuế quan với Ukraine sẽ là một bước đi thông minh. Hơn nữa, một thỏa thuận như vậy sẽ ngăn cản sự liên kết của Ukraine với EU. Theo đuổi nó là cách để Putin đạt được ba mục tiêu cùng một lúc: đẩy lùi phương Tây; trao cho Nga một chiến thắng chứng tỏ tầm quan trọng của nước này; và giúp ích cho nền kinh tế.

 

Đã đến lúc để thống nhất vùng Slavơ. Khi Putin bay đến Kyiv trong chuyến thăm hai ngày vào tháng 07/2013, trong số những người đi theo ông có cả trưởng cố vấn kinh tế và Đức Thượng Phụ Giáo hội Chính thống giáo Nga, người có thẩm quyền bao trùm cả Nga và Ukraine. Chuyến đi trùng hợp với dịp kỷ niệm 1025 năm ngày Hoàng tử Vladimir của Kyivan Rus, và sau đó là toàn thể thần dân công quốc, cải đạo sang Thiên Chúa Giáo vào năm 988 – trong sự kiện “Lễ rửa tội của Rus.” Cùng với Yanukovych, Putin đã đến thăm nhà thờ ở Chersonesus, Crimea – được cho là nơi Hoàng tử Vladimir đã rửa tội. Ông và Đức Thượng Phụ còn đến thăm Kyiv Pechersk Lavra, một tu viện nằm sâu trong các hang động, được thành lập cách đây một thiên niên kỷ.

 

Cam kết mà Putin đưa ra khi đó – bảo vệ “Tổ quốc chung của chúng ta, Đại Công quốc Rus” – không phải là một tuyên bố không hàm chứa sự mỉa mai. Năm 1674, khi các thầy tu Lavra xuất bản cuốn “Lược sử” (Synopsis), cuốn lịch sử bình dân đầu tiên của Nga, thành phố này đang bị đế chế Ottoman đe dọa tấn công, và rất cần sự hỗ trợ từ các vùng đất Nga nằm ở phía bắc. Cuốn sách đã tìm cách kêu gọi sự đoàn kết của người Slavơ, bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của Vladimir và Kyivan Rus đối với cả người Kyiv lẫn người Muscovy – điều mà các nhà sử học như Plokhy ngày nay coi là “thần thoại lọc lừa.” Putin cũng đang khai thác một thần thoại được tạo ra để phục vụ các mục đích chính trị.

 

Yanukovych không muốn trở thành chư hầu của Nga. Ông cũng không chia sẻ các giá trị của Tây Âu – đặc biệt là khi nói đến vấn đề chống tham nhũng. Nhưng sau cùng, ông vẫn phải chọn phe cho mình. Tại một cuộc họp bí mật ở Moscow vào tháng 11/2013, khi các nhà lãnh đạo châu Âu đang chuẩn bị ký thỏa thuận với Ukraine, Yanukovych đã được Nga hứa hẹn một khoản tiền 15 tỷ USD, đưa trước 3 tỷ USD. Dĩ nhiên, ông quyết định từ bỏ thỏa thuận với châu Âu. Và vào lúc 4 giờ sáng ngày 30/11, tay chân của Yanukovych đã tấn công hàng chục sinh viên phản đối hành động phản bội của tổng thống tại Quảng trường Độc lập của Kyiv, còn được biết đến với tên gọi Maidan.

 

Bằng cách “biến thành Lukashenko”, như lời một nhà báo, Yanukovych đã cho thấy hai lựa chọn mà Ukraine phải đối mặt: Giữ phẩm giá? Hay chịu khuất phục? Những chiếc lều nhanh chóng mọc lên ở Maidan. Các tình nguyện viên giúp phân phát thực phẩm và quần áo. Nhóm đầu sỏ, lo ngại rằng một thỏa thuận với Nga sẽ cướp đi những lợi ích mà họ khó khăn lắm mới giành được, đã cố gắng kiềm chế Yanukovych. Putin ép ông ta sử dụng vũ lực. Yanukovych lưỡng lự, nhưng rồi đến ngày 18/02, Kyiv cũng chìm trong biển lửa. Chẳng ai thừa nhận mình đã bắn phát súng đầu tiên. Nhưng vào ngày thứ ba sau khi bạo lực bùng phát, khoảng 130 người đã chết, chủ yếu là những người biểu tình, và Yanukovych – trước sự ngạc nhiên của mọi người – đã bỏ trốn khỏi Kyiv.

 

Đối với Putin, điều này còn tồi tệ hơn nhiều so với Cách mạng Cam. Ukraine đã trở thành “thực tế địa chính trị” gắn với nền độc lập được tuyên bố hai thập niên trước. Những đòi hỏi về phẩm giá của nước này tương đồng với đòi hỏi từ tầng lớp trung lưu và một số thành viên tầng lớp tinh hoa của Nga, khiến Maidan trở thành một ví dụ thực sự nguy hiểm. Vì vậy, Putin quyết định sáp nhập Crimea và bắt đầu cuộc chiến ở Donbas.

 

Theo truyền thông nhà nước Nga, Putin đã không phá hoại một cuộc cách mạng chống lại một chế độ tham nhũng giống như chế độ của chính ông, mà là đang bảo vệ người dân và ngôn ngữ Nga khỏi bị tiêu diệt dưới bàn tay những kẻ phát xít ở tây Ukraine. Do đó, sự liên quan đến Nga của các vấn đề dẫn đến cái được gọi là “cách mạng phẩm giá” ở Ukraine là rất mơ hồ. Đồng thời, sự tàn bạo ở Donbas, được phát sóng trên truyền hình liên tục không ngừng, đã cho người Nga thấy hậu quả tai hại của việc nổi dậy: nội chiến.

 

Ngày 18/03, giới tinh hoa cầm quyền của nước Nga chứng kiến Putin bước vào Sảnh St George lộng lẫy nguy nga của Điện Kremlin trong niềm hân hoan, khi ông ca ngợi sự trở lại của Crimea, và theo đó, của Nga. Việc sáp nhập được gần 90% dân số Nga ủng hộ. Một năm sau, ông cho mang một tảng đá từ Chersonesus đến Moscow để làm bệ cho bức tượng khổng lồ của Hoàng tử Vladimir, đặt bên ngoài cổng Điện Kremlin. Trong bài “Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine” (On the Historical Unity of Russians and Ukrainians), một bài báo được xuất bản bằng cả tiếng Nga, tiếng Ukraine, và tiếng Anh vào tháng 07/2021, Putin đã mô tả cách những người thừa kế “Cổ thành Rus” đã bị chia rẽ bởi các thế lực thù địch và giới tinh hoa phản bội, và làm thế nào Ukraine đã từ “không phải Nga” trở thành “chống Nga,” một thực thể về cơ bản là không tương thích với các mục tiêu của Nga.

 

Tóm lại, Putin không tấn công Ukraine để tôn vinh hay tái tạo một đế chế, dù là Nga hay Liên Xô. Ông tấn công Ukraine để bảo vệ quyền cai trị của chính mình, còn những câu chuyện lịch sử chỉ là sự tô vẽ bề ngoài mà thôi. Đồng thời, theo cách nói của Brzezinski, để Nga có thể trở thành một thứ gì đó khác với một nền dân chủ, thì chí ít nước này phải có khả năng tự coi mình là một đế chế. Và ở Nga, một đế chế nghĩa là phải có Ukraine – đất nước mà hơn bao giờ hết đang phản đối mạnh mẽ một liên minh với Nga.

(còn tiếp một phần)

 

                                                     ***

 

Lý do Nga không bao giờ chấp nhận nền độc lập của Ukraine (P3)

The Economist

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

11/02/2022

http://nghiencuuquocte.org/2022/02/11/ly-do-nga-khong-bao-gio-chap-nhan-nen-doc-lap-cua-ukraine-p3/

 

Tháng 11/2021, Vladislav Surkov, nhà tư tưởng trung thành của Putin, đã chuyển sự chú ý sang câu hỏi về đế chế. “Nhà nước Nga, với tình hình nội tại nghiêm trọng và không linh hoạt, chỉ có thể tồn tại được nhờ sự mở rộng không mệt mỏi ra ngoài biên giới. Từ lâu, nó đã không còn biết cách làm thế nào để có thể tồn tại nếu không phải là một đế chế.” Ông lập luận, cách duy nhất để Nga có thể thoát khỏi sự hỗn loạn là xuất khẩu nó sang một quốc gia láng giềng. Nhưng điều ông không nói ra là, việc Putin xuất khẩu hỗn loạn và bạo lực để phục vụ mục đích ấy đã làm đứt gãy mối quan hệ giữa các quốc gia và các dân tộc Slavơ theo cách mà ngay cả sự sụp đổ của đế chế Xô-viết cũng không tạo ra.

 

Ngày nay, Putin gọi sự sụp đổ của Liên Xô là “Sự sụp đổ của nước Nga lịch sử dưới cái tên Liên bang Xô viết”. Nhưng ông không thể khôi phục lại đế chế xưa kia. Ukraine không phải là một tỉnh, hay một thuộc địa, mà là một quốc gia đang gặp khó khăn, đang trong một quá trình tự thức tỉnh lộn xộn và nguy hiểm. Về phần mình, Belarus là một ví dụ nghiệt ngã cho thấy lý do tại sao mọi thứ phải trở nên “nghiêm trọng và không linh hoạt” nếu muốn kiềm chế quá trình tự thức tỉnh ấy. Lukashenko đã đàn áp làn sóng trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc một cách tàn bạo và có tổ chức hơn bao giờ hết – một sự mỉa mai đẫm máu khi chính ông ta là người khởi đầu nguồn cơn sự việc.

 

Khi Putin sáp nhập Crimea, Lukashenko lo sợ đất nước mình có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo. Vì vậy, ông quyết định củng cố bản sắc Belarus mà trước đây ông luôn cố gắng trấn áp. Đó là một quyết định sẽ khiến ông phải hối tiếc. Phương tiện truyền thông xã hội nhanh chóng giúp những người theo chủ nghĩa dân tộc tự do và đã được chuẩn bị kỹ có thể tiếp cận với một nửa dân số của đất nước. Năm 2018, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước cộng hòa Belarus, người ta chứng kiến lá cờ đỏ-trắng một lần nữa tung bay.

 

Năm 2020, Svetlana Tikhanovskaya, người trước đây không hề dính dáng đến chính trị, đã ra tranh cử với Lukashenko trong cuộc bầu cử tổng thống, thay cho chồng mình, người khi ấy đã bị bắt giam. Những lá cờ đỏ-trắng liên tục xuất hiện trong những buổi vận động tranh cử của bà. Khi Lukashenko ‘đánh cắp’ chiến thắng bầu cử vào ngày 09/08, những người biểu tình đã dùng chính lá cờ ấy để quấn quanh một bức tượng lớn của đất nước. Giống như Ukraine, Belarus không có lịch sử nhà nước thực sự; tất cả những gì Lukashenko tạo ra kể từ năm 1994 chỉ là sự bắt chước thô thiển quá khứ Xô Viết, chủ nghĩa phát xít với đặc trưng của chủ nghĩa Stalin. Nhưng ý tưởng về một điều gì đó tươi đẹp hơn vẫn được giữ vững.

 

Tuy nhiên, không giống như người Ukraine, những người biểu tình ở Belarus không có nhà tài phiệt đầu sỏ ‘thân thiện với nền độc lập’ nào đứng về phía họ. Họ không giống với những người cấp tiến ở tây Ukraine, những người đã thể hiện mình sẵn sàng giết chóc và chết trên Quảng trường Maidan. Người Belarus phải đối mặt với một tổng thống không chấp nhận đứng yên như Kuchma, cũng không sẵn sàng chạy trốn như Yanukovych. Lukashenko ra lệnh đàn mạnh tay hơn nữa, và sự tàn bạo này đã được mài dũa và hướng dẫn bởi các ‘chuyên gia’ từ Moscow.

 

Đối với Putin, tình hình đang đi ngược lại hoàn toàn với những gì các lãnh đạo ở Viskuli phải đối mặt cách đây 30 năm. Khi ấy, một Ukraine tự do và độc lập – và tương tự là Belarus, ở một mức độ thấp hơn – là điều kiện cần thiết cho mục tiêu mà nước Nga muốn hướng tới. Còn giờ đây, Ukraine và Belarus tự do là một sự sỉ nhục mà nước Nga hiện tại không thể chấp nhận. Tuy nhiên, đồng thời, cuộc đấu tranh của họ cũng giúp thỏa mãn mong muốn có kẻ thù của Putin. “Thực tế địa chính trị” một nước Nga cường quốc, những gì được tuyên truyền cho người dân nước này, đã trở thành một pháo đài bị bao vây. Mỹ là kẻ thù chính. Ukraine, và những người ở Belarus và ở chính nước Nga đang có khát vọng như những cá nhân từng tham gia “cách mạng phẩm giá”, đều là tay sai của Mỹ. Thật đáng khinh bỉ vì họ đã phản bội chính đồng bào của mình.

 

Các cơ quan tuyên truyền của Nga đang kêu gọi tiến hành chiến tranh. Nhưng điều đó không có nghĩa là Putin có kế hoạch chiếm thêm lãnh thổ mới. Ông chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền đối với phần phía tây Ukraine. Có lẽ, ông cũng nhận thức được rằng hiện số lượng những người yêu nước ở Ukraine đã đủ để chống lại sự chiếm đóng của Nga ở miền trung, thậm chí là miền đông Ukraine, và rằng đội quân mà ông tập trung ở biên giới sẽ giỏi xâm lược hơn là chiếm đóng. Nhưng ông vẫn cần có xung đột và sự phục tùng. Một Ukraine tự do, được để yên, không bị cản trở sẽ mở ra mối đe dọa hiện hữu của lựa chọn thay thế cho đế chế [tức một nước Nga dân chủ – NBT].

 

Các cuộc đấu tranh của Ukraine kể từ năm 2014 diễn ra rất chậm chạp, thất vọng, và lộn xộn. Theo Evgeny Golovakha, một nhà xã hội học, điều này một phần là do “người Ukraine thích thử nghiệm”. Đúng như nhận định đó, vào năm 2019, họ đã bầu Volodymyr Zelensky – diễn viên hài từng đóng vai một giáo viên lịch sử vô tình được bầu làm tổng thống – lên đảm đương vai trò này trong đời thật. Thành tựu lớn nhất của ông, cho đến nay, là củng cố khối cử tri phản đối giới tinh hoa cũ trên khắp Ukraine, làm cho bản đồ bầu cử trông gắn kết hơn so với trước đây. Nhưng điều đó không nhất thiết sẽ giúp ông giữ được ghế trong trong vòng hai năm nữa. Yulia Mostovaya, biên tập viên của Zerkalo Nedeli, một trang tin tức trực tuyến, cho biết: “Chúng tôi thấy việc thay đổi những người nắm quyền còn dễ dàng hơn là thay đổi chính mình.”

 

Nhưng thay đổi đang đến rất gần; và có thể được chứng kiến trong cách mà tình hình nhân khẩu học đang ngày càng làm lu mờ lòng trung thành khu vực. Ngay cả ở miền đông Ukraine, gần 60% những người sinh sau năm 1991 nhìn thấy tương lai của họ ở EU – trên toàn quốc, con số này là 75%. Tổng cộng có 90% dân số muốn Ukraine độc lập và gần 80% lạc quan về tương lai của đất nước.

 

Khó mà tìm được sự lạc quan tương tự ở Nga, chứ đừng nói đến Belarus còn đang hỗn loạn. Nhưng khao khát vẫn luôn tồn tại, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Đó là lý do tại sao Alexei Navalny trước bị đầu độc, sau bị bỏ tù. Với tư cách là nhà lãnh đạo của phe đối lập với Putin, ông đã ủng hộ ý tưởng một nước Nga không phải là một đế chế, mà là một quốc gia công dân: một nhà nước vì người dân. Đó là lý do tại sao Nga gần đây đàn áp nhiều hơn. Cũng là lý do tại sao Putin không thể chấp nhận một nền hòa bình thực sự tại biên giới của mình.

 

Không giống như người Ukraine và người Belarus, người Nga không thể tách mình ra khỏi nước Nga, vì vậy họ phải thay đổi nó từ bên trong. Họ không thể làm điều đó ở một căn nhà nghỉ dưỡng trong rừng sâu, hoặc với vài cuộc điện thoại. Nhưng chỉ qua những thay đổi như vậy, họ mới trở nên thực sự độc lập khỏi Liên Xô một thời.

 

----------------------

 

NGUỒN :

 

Why Russia has never accepted Ukrainian independence

The Economist

Dec 18th 2021 edition





No comments: