Thursday, February 10, 2022

LIỆU NHỮNG ĐÒN PHẠT "CHƯA TỪNG CÓ" CỦA PHƯƠNG TÂY CÓ ĐE DỌA ĐƯỢC NGA? (Minh Anh - RFI)

 



Liệu những đòn phạt « chưa từng có » của Phương Tây có đe dọa được Nga ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 10/02/2022 - 12:22

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20220210-don-phat-chua-tung-co-phuong-tay-de-doa-nga

 

Bất chấp các hoạt động ngoại giao dồn dập và nhất là sau cuộc gặp trực tiếp giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron ngày 07/02/2022, tình hình căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn dai dẳng trong hồ sơ Ukraina. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đe dọa những đòn phạt kinh tế nặng nề « chưa từng có » nếu Nga xâm chiếm Ukraina. Giới quan sát cho rằng không chắc gì những trừng phạt đó sẽ làm cho tổng thống Nga phải chùn tay.

 

https://s.rfi.fr/media/display/cafe6e96-626d-11ec-8743-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/2021-12-21T130928Z_682242690_RC20JR91D4VM_RTRMADP_3_RUSSIA-DEFENCE.webp

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một buổi phát biểu trước giới tướng lĩnh tại bộ Quốc Phòng Nga ngày 21/12/2021. © via REUTERS - SPUTNIK

 

Tuần báo Pháp L’Obs trong một bài xã luận nhắc lại, ngày 17/03/2014, sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée, tổng thống Mỹ thời bấy giờ là Barack Obama có thông báo « một chuỗi các biện pháp sẽ làm tăng cái giá phải trả cho Nga và cho những người có trách nhiệm về những gì xảy ra ở Ukraina ». Tám năm sau, trong khi Vladimir Putin, chủ nhân điện Kremlin vẫn còn và luôn đe dọa xâm lăng cựu thành viên Xô Viết, đến lượt người kế nhiệm Barack Obama ở Nhà Trắng, ông Joe Biden cũng cam kết đưa ra những đòn phạt như « Putin chưa từng thấy ».

 

Trả lời L’Obs, Vladislav Inozemtsev, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, kể từ khi ban hành các biện pháp trừng phạt Nga năm 2014, « 720 công chức và doanh nhân Nga bị liên đới. Những biện pháp trừng phạt đã làm mất của đất nước từ 1,5 đến 2 điểm GDP mỗi năm, tức gần 100 tỷ đô la. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng lại không mấy gì đáng kể. » Xung đột ở vùng Donbass chưa bao giờ chấm dứt.

 

Chính sách tự chủ, thoát dần lệ thuộc phương Tây về kinh tế

 

Điệp khúc quen thuộc này giờ lại vang lên. Một câu hỏi muôn thuở lại được đặt ra : Vậy những biện pháp trừng phạt đó có mang tính răn đe ? Chắc là « Không ». Đương nhiên, mức sống của người dân Nga có bị giảm, trong khoảng từ 2-5% mỗi năm. Nhưng từ năm 2014, nước Nga của ông Vladimir Putin theo đuổi một chính sách tự chủ nhiều lĩnh vực chiến lược, một chính sách thay thế để hạn chế sự phụ thuộc của Nga vào Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ, để ít bị tổn hại trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

 

Nhà nghiên cứu David Teurtrie, tiến sĩ ngành địa lý học, Đài Quan Sát các Nhà nước hậu Xô Viết, chuyên gia địa chính trị về Nga tại INALCO, trên đài France Culture nhắc lại, chính sách này được bắt đầu từ ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, do việc 1/3 lương thực – thực phẩm tiêu thụ tại Nga là nhập khẩu. Năm 2014, nhằm đáp trả các đòn trừng phạt của phương Tây, điện Kremlin đã ban hành lệnh cấm vận nhắm vào hàng xuất khẩu châu Âu và rộng hơn nữa là phương Tây sang Nga.

 

« Tiếp đến chính sách thay thế này liên quan đến tổ hợp công nghiệp-quân sự vào thời điểm phương Tây chấm dứt xuất khẩu vũ khí sang Nga, đặc biệt là các linh kiện. Đó không hẳn là các loại vũ khí xuất khẩu mà đúng hơn là những linh kiện dùng cho chế tạo vũ khí của Nga. Cuối cùng chính sách này cũng liên quan đến mọi lĩnh vực mà điện Kremlin đánh giá là có tính chiến lược bất kể là trong ngành hàng không hay nhiều lĩnh vực khác như công nghệ tin học. Chẳng hạn, Matxcơva muốn thay thế các hệ điều hành của phương Tây trong các cơ quan hành chính (…) Bởi vì, chính quyền Nga e sợ rằng các phần mềm phương Tây có thể cho phép dọ thám các cơ quan hành chính hay các lĩnh vực công nghiệp quan trọng của Nga ».

 

Đương nhiên việc Nga phản đòn, cho « đóng cửa » với các sản phẩm nông nghiệp châu Âu và phương Tây đã có nhiều hệ quả kinh tế, gây khó khăn cho đời sống người dân Nga. Nhưng điều đó lại thúc đẩy nhanh chính sách tự chủ khá « mạo hiểm », giảm dần sự lệ thuộc để rồi giờ Nga có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với châu Âu chí ít trong lĩnh vực nông nghiệp, như quan sát của tiến sĩ David Teurtrie.

 

« Trước đây, nhập khẩu của Nga phụ thuộc vào châu Âu là khá lớn. Người ta ước tính gần hai tỷ đô la kim ngạch xuất khẩu của châu Âu sang Nga trước khi có lệnh cấm vận của Nga. Do vậy, đòn phản công chống các trừng phạt này được dựa trên một chính sách đầu tư trong ngành công nghiệp thực phẩm, vốn dĩ đã được bắt đầu trước khi có cuộc khủng hoảng, nay còn được khuếch đại và đã mang lại nhiều kết quả khá đáng kể trong nhiều lĩnh vực lớn như sản xuất thịt, ngũ cốc. Nga giờ không những đủ để tự cung tự cấp mà còn trở thành một nhà xuất khẩu lớn. Kể từ giờ Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất và là một đối thủ cạnh tranh lớn của phương Tây tại một số thị trường nhất định, đặc biệt là ở Trung Đông. »

 

Trong lĩnh vực công nghiệp, nếu như phương Tây và nhất là Pháp giờ mới nói nhiều đến việc tái dịch chuyển các ngành công nghiệp về nước, thì Matxcơva đã bắt đầu thực hiện chính sách này ngay từ năm 2014 và theo một cách nào đó, Nga đã đi trước một bước tiến chí ít trên phương diện các dự án cũng như là thiện chí chính trị.

 

« Cũng giống như phương Tây, Nga cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc, với tình trạng nhập khẩu ồ ạt từ châu Á. Nhưng ở đây có một ý chí chính trị mạnh mẽ cho ngành sản xuất ở Nga, hoặc bằng những công nghệ của Nga kế thừa từ thời Liên Xô cũ đã được hiện đại hóa để thích ứng với những đòi hỏi vào lúc này. Hoặc từ công nghệ phương Tây hay quốc tế, chẳng hạn như ngành lắp ráp xe ô tô. Theo tôi, trong lĩnh vực này, họ có một chính sách chủ động để thu hút các hãng lắp ráp xe ô tô lớn trên thế giới đến mở nhà xưởng ở Nga và chấm dứt một phần lớn nhập khẩu. »

 

Phi đô la hóa, đồng euro và nhân dân tệ hưởng lợi

 

Nhưng nếu Nga bị ngắt ra khỏi hệ thống giao dịch tài chính quốc tế Swift như lời đe dọa từ Washington thì sao ? Chuyên gia địa chính trị David Teurtrie nhắc lại rằng ngay từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraina năm 2014, một trong những biện pháp mạnh nhất mà phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã làm chính là tấn công vào một số ngân hàng thân cận với chế độ bằng cách rút kết nối thẻ tín dụng Visa Mastercard của những khách hàng Nga tại những ngân hàng trên. Biện pháp này đã làm cho nhiều thẻ ngân hàng không còn hoạt động được.

 

Rút kinh nghiệm bài học Iran, ngân hàng trung ương Nga đã có phản ứng, kêu gọi thiết lập một hệ thống tài chính Nga vững mạnh để đối phó với các biện pháp trừng phạt. Dự án to lớn này được thực hiện từ nhiều năm qua. Theo nhà địa chính trị David Teurtrie, đây chính là một hình thức « tự chủ hóa » hệ thống ngân hàng và tài chính, nhằm tách rời Nga xa dần với hệ thống visa và MasterCard.

 

« Bước đầu tiên là tạo thẻ ngân hàng của Nga có tên gọi là Mir. Lúc ban đầu, thẻ ngân hàng này ít được người dân Nga quan tâm đến bởi vì cuối cùng thì tình hình đã được ổn định, không còn bất kỳ đe dọa mở rộng các biện pháp trừng phạt nào. Nhưng điều đó đã khuyến khích nhiều cơ quan công quyền phải chi trả một số khoản trợ cấp xã hội thông qua hệ thống này. Giờ thì đại bộ phận dân Nga đều có thẻ Mir. Trong bước thứ hai, ngân hàng trung ương thiết lập một hệ thống tương đương với Swift, hệ thống quốc tế cho phép những hoạt động giao dịch liên ngân hàng mà chúng ta biết đến, đặc biệt là trong các hoạt động xuất nhập khẩu. »

 

Quả thật, ngân hàng trung ương Nga đã giữ khoảng cách so với hệ thống Swift. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu về địa lý và địa chính trị Nga lưu ý thêm rằng hệ thống Swift này vẫn vận hành ở Nga và được đông đảo người dân Nga sử dụng để giao thương và giao dịch với phần còn lại của thế giới. Một hệ thống thanh toán quốc gia được hình thành, hoạt động song song ở trong nước. Trong trường hợp các trừng phạt mới được ban hành, nền kinh tế đất nước vẫn có thể vận hành thông qua hệ thống Swift của Nga. Bước kế tiếp hiện đang được tiến hành là quốc tế hóa hệ thống Swift kiểu Nga này.

 

Nhưng chính sách « phi đô la hóa » trong mọi hoạt động giao dịch và dự trữ ngoại tệ của Nga nhằm đối phó với rủi ro hứng các đòn trừng phạt mới, lại mang nhiều lợi thế cho một số đồng ngoại tệ khác, trong đó có euro, đồng tiền của phương Tây mà Nga đang gây căng thẳng.

 

« Ở đây có một điểm thú vị là cuối cùng, đồng tiền đầu tiên được Matxcơva sử dụng nhiều nhất để thay thế cho đô la chính là đồng euro, một đồng tiền của phương Tây vì một lý do đơn giản là sau đô la, đây cũng là đồng tiền được quốc tế hóa nhất, có tính thanh khoản cao nhất. Người ta có thể nói đây là đồng tiền được sử dụng phổ biến trong nhiều hoạt động giao dịch quốc tế. Tiếp đến, còn độc đáo hơn là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, chủ yếu được sử dụng cho dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương.

 

Nói về nguồn dự trữ ngoại tệ của Nga cũng là một điều thú vị. Trong sự phân bổ, đồng euro chiếm đầu bảng, vị trí thứ hai là vàng nhờ vào một chính sách khôi phục nguồn dự trữ được cho là rất quan trọng này. Cuối cùng, ở vị trí thứ ba là đồng đô la, thông thường là nguồn dự trữ ngoại tệ hàng đầu cho nhiều ngân hàng trung ương quốc tế. Đồng nhân dân tệ cũng có một chỗ đứng khá quan trọng, bởi vì Nga là quốc gia nắm giữ đồng nhân dân tệ nhiều nhất hành tinh. »

 

Trước chính sách dần « tự cung tự cấp » về kinh tế của Nga hiện nay, người ta không thể tự hỏi : Một khi các biện pháp trừng phạt sắp tới có được áp dụng, liệu chúng đạt được mục tiêu đề ra hay không ? Tựa đề một bài xã luận của L’Obs đã khẳng định « Những đòn trừng phạt của Mỹ chống lại Nga, những lời dọa dẫm trên giấy ». Đây chỉ mới những biện pháp tự vệ kinh tế của Nga nhưng nếu những đòn phạt mới được ban hành thực sự, Matxcơva sẽ có phản ứng ra sao còn là một chuyện khác.

 

Giống như trong một ván cờ vua, bên nào cũng muốn tiến các quân cờ để khống chế đối phương. Tại châu Âu, Mỹ và các đồng minh Đông tiến, thì ở châu Mỹ Latinh, Nga cũng có hợp tác quân sự với một số quốc gia ở Nam-Trung Mỹ, sân sau của Washington và tiến hành một cuộc Bắc tiến, có nguy cơ đẩy Mỹ rơi vào thế bí. Giờ thì ai chiếu tướng ai, hạ hồi phân giải !!!

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

HOA KỲ - NGA - UKRAINA

Khủng hoảng Ukraina : Biden dọa trừng phạt trực tiếp Putin

 

ĐỨC - NGA - UKRAINA

Khủng hoảng Ukraina : Berlin tuyên bố các trừng phạt chống lại Nga sẽ nhắm vào dự án Nord Stream 2

 

CHÂU ÂU - UKRAINA

Ngoại trưởng Liên Âu chuẩn bị các biện pháp trừng phạt Nga nếu xâm lược Ukraina

 





No comments: