Sunday, February 27, 2022

SWIFT, VŨ KHÍ HẠT NHÂN TRONG TÀI CHÁNH (Nhã Duy)

 



NỘI DUNG :

 

SWIFT, vũ khí hạt nhân trong tài chánh  

Nhã Duy

.

SWIFT – “vũ khí hạt nhân tài chính” Phương Tây vừa sử dụng với Nga

Viet Times

 

===================================================

.

.

SWIFT, vũ khí hạt nhân trong tài chánh  

Nhã Duy

February 26, 2022

https://www.baocalitoday.com/breaking-news/swift-vu-khi-hat-nhan-trong-tai-chanh.html

 

https://www.baocalitoday.com/wp-content/uploads/2022/02/swift-696x464.jpeg

SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) logo displayed on a phone screen and Russian flag displayed on a screen in the background are seen in this illustration photo taken in Krakow, Poland on January 23, 2022. (Photo by Jakub Porzycki/NurPhoto via Getty Images)

 

Cali Today News – Trong vài ngày qua, đòn trừng phạt tài chánh nặng nề nhất là SWIFT, được xem như một vũ khí hạt nhân trong lãnh vực tài chánh, đang được Hoa Kỳ cùng phe đồng minh bàn luận xem có thể áp dụng lên Nga hay không? Có lẽ đây cũng là dịp để tìm hiểu thêm về SWIFT.

 

SWIFT là gì và vai trò cùng ảnh hưởng của nó ra sao?

 

SWIFT (The Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunications), tạm dịch là Cộng Đồng Tài Chánh Viễn Thông Liên Ngân Hàng Toàn Cầu, ra đời năm 1973 tại Brussels, có tổng hành dinh tại Bỉ với khoảng 11 ngàn thành viên là ngân hàng cùng các tổ chức tài chánh thế giới.

 

SWIFT không phải là một cơ quan tài chánh hay ngân hàng trực tiếp giữ và luân chuyển tiền mà như tên gọi, là một hệ thống viễn thông sử dụng các tin nhắn được tiêu chuẩn hóa để cung cấp các lệnh trung gian trong việc giao dịch tài chánh thế giới. Nó được ví như một xương sống trong hệ thống tài chánh toàn cầu hiện đại và là một “mạng xã hội” của cộng đồng tài chánh không thể thiếu.

 

Trước khi SWIFT được thành lập và trở nên thông dụng trong thế giới tài chánh, việc thanh toán quốc tế được giao dịch qua hệ thống điện tín hay máy Fax truyền thống cho đến tận thập niên 1980s, vừa thiếu an toàn và không bảo mật. Hiện nay, mỗi ngày SWIFT phát đi khoảng 42 triệu lệnh chuyển tiền, chi trả cho cá nhân hay các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân trên 200 quốc gia.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/02/0-23-768x461.webp

Những người biểu tình bên ngoài đại sứ quán Nga ở London hôm 26/2 cầm biểu ngữ kêu gọi cấm Nga tham gia hệ thống thanh toán Swift. Ảnh: Tolga Akmen / AFP / Getty Images

 

Được-mất trong việc trục xuất Nga khỏi SWIFT:

 

Khá nhiều ý kiến từ các chính khách cho đến giới chuyên gia tài chánh, truyền thông đang tranh luận xem liệu Hoa Kỳ và đồng minh có nên trục xuất Nga ra khỏi hệ thống giao dịch SWIFT như một biện pháp cấm vận và chế tài Nga trong cuộc xâm lấn Ukraine hiện nay hay không, bởi có những ảnh hưởng của biện pháp này.

 

Nga phụ thuộc khá nhiều vào SWIFT, với khoảng hơn 300 ngân hàng và tập đoàn tài chánh hàng đầu sử dụng SWIFT, cũng như có người sử dụng cao hàng thứ nhì, sau Mỹ, khi hơn phân nửa các tổ chức tín dụng Nga sử dụng SWIFT. Trục xuất Nga khỏi SWIFT là cắt mạng “internet” về tài chánh, làm tê liệt các giao dịch, thanh toán của các tổ chức tài chánh của Nga với Châu Âu và thế giới, gây biến động và xáo trộn hệ thống tiền tệ và tài chánh của Nga.

 

Tuy nhiên, không phải quốc gia đồng minh nào cũng sẳn sàng cho biện pháp này, kể cả Hoa Kỳ cũng chỉ xem nó như một đòn “vũ khí hạt nhân” đang còn cân nhắc, không chỉ lo ngại cho Hoa Kỳ mà vì chính những ảnh hưởng cho đồng minh tại Châu Âu.

 

Các quốc gia Châu Âu mua khí đốt, năng lượng và giao dịch làm ăn với Nga, nhất là Đức và Ý cần có những giao dịch tài chánh qua lại hai bên. Dù chiến tranh xảy ra, các hãng năng lượng của Nga vẫn đang cung cấp năng lượng, khí đốt cho Châu Âu, không thanh toán tiền được thì việc cung cấp này sẽ gián đoạn, tạo ra một khủng hoảng năng lượng tại Châu Âu và ảnh hưởng dây chuyền đến kinh tế thế giới. Đó là lý do phương Tây đã hăm dọa trục xuất Nga khỏi SWIFT hồi năm 2004, sau vụ xâm lấn Crimea nhưng đã không thực hiện.

 

Các nghị quyết giữa các dân biểu Cộng Hòa và Dân Chủ tại Quốc Hội Mỹ cũng không thống nhất biện pháp này. Dự luật của Thượng Nghị Sĩ Bob Menendez thuộc đảng Dân Chủ tại Thượng Viện, cùng các TNS Dân Chủ khác đề nghị cấm vận tài chánh có cả SWIFT, nhưng dự luật của TNS Jim Risch phía Cộng Hòa lại không đụng đến SWIFT.

 

Thái độ của các dân biểu Hoa Kỳ trong vụ Nga tấn công Ukraine xem ra quyết liệt hơn so với phía Cộng Hòa không đồng nhất quan điểm về Nga, mất đi thái độ “diều hâu” vốn được xem là truyền thống của đảng Cộng Hòa. Dân biểu Marjorie Taylor Greene phía Cộng Hòa còn ra nghị quyết đòi cách chức Tổng Thống Biden vì “đã hăm dọa gây chiến với nước Nga hạt nhân”.

 

Cũng vậy, trong khi phía Cộng Hòa khá đoàn kết trong sự chỉ trích việc đối phó với Nga và các biện pháp bị xem là yếu đuối của Tổng Thống Joe Biden cùng chính phủ Hoa Kỳ, nhưng theo thăm dò của AP-NORC cho thấy, chỉ có 22% cử tri Cộng Hòa cho biết, Hoa Kỳ nên đóng vai trò lãnh đạo phương Tây trong cuộc xung đột này.

 

Việc trừng phạt Nga là điều không thể nào phủ nhận, tuy nhiên SWIFT hay không SWIFT vẫn là lựa chọn cân nhắc trên bàn cờ. Chiều tối thứ Bảy cuối tuần, tòa Bạch Ốc cùng một số đồng minh vừa tuyên bố trục xuất một số ngân hàng của Nga ra khỏi SWIFT, chưa phải lệnh chế tài toàn phần.

 

Không phải biện pháp chế tài hay chiến dịch quân sự nào từ Hoa Kỳ cũng dễ dàng được Quốc Hội và người dân Mỹ đồng thuận trước cuộc xung đột Ukraine và Nga hiện nay. Đây là một bài toán khó khăn và nhiều thách thức cho chính phủ Tổng thống Joe Biden.

 

Nhã Duy

 

======================================================

.

.

SWIFT – “vũ khí hạt nhân tài chính” Phương Tây vừa sử dụng với Nga

Huyền Chi  - Viet Times

Chủ nhật, ngày 27/02/2022 - 12:02

https://viettimes.vn/swift-vu-khi-hat-nhan-tai-chinh-phuong-tay-vua-su-dung-voi-nga-post154788.html

 

VietTimes – Mỹ, Canada và các đồng minh phương Tây đã tuyên bố sẽ ngắt kết nối một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT.

 

https://photo-cms-viettimes.zadn.vn/666x374/Uploaded/2022/spivplcg/2022_02_27/swift-afp-8210.png

Người biểu tình giơ tấm biển "Loại Nga khỏi SWIFT" trước Đại sứ quán Nga tại Vienna, Áo (Ảnh: AFP)

 

Quyết định loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) nằm trong số loạt biện pháp trừng phạt tài chính bổ sung được công bố trong tuyên bố chung giữa Mỹ, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh và Canada.

 

Trước đó, việc loại Nga khỏi SWIFT đã trở thành điểm gây chia rẽ giữa các nước phương Tây về việc trừng phạt Moscow vì tấn công Ukraine như thế nào. Bộ trưởng Pháp còn gọi hành động này là một “vũ khí hạt nhân tài chính”.

 

SWIFT là gì?

Đây là mạng lưới tin nhắn kết nối các ngân hàng trên toàn thế giới và được xem như “xương sống” của tài chính quốc tế. Nó kết nối hơn 11.000 thể chế tài chính ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đóng vai trò như một trung tâm để điều phối các khoản thanh toán xuyên biên giới.

 

Năm ngoái, hệ thống này đưa ra trung bình 42 triệu tin nhắn mỗi ngày, bao gồm các lệnh mua và xác nhận thanh toán, trao đổi tiền tệ và mua bán. Và hơn 1% trong số đó được cho là có liên quan tới các khoản thanh toán của Nga.

 

SWIFT đóng vai trò gì trong khủng hoảng Ukraine?

Các nước Đông Âu và Pháp nằm trong số những nước ủng hộ việc trừng phạt Nga bằng cách loại nước này khỏi SWIFT. Dựa trên số lượng ngân hàng Nga mà Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ có kế hoạch nhằm vào, động thái này có thể khiến cho các thực thể Nga khó thực hiện các giao dịch hơn, làm giảm mạnh khả năng giao dịch xuyên biên giới của nền kinh tế Nga.

 

Khi các nước phương Tây đe dọa sử dụng biện pháp này đối với Nga vào năm 2014 do vấn đề Crimea, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin nói rằng hành động đó có thể làm giảm GDP của họ tới 5% trong vòng 1 năm. GDP của Nga trong năm 2021 là 1,7 nghìn tỉ USD, giúp họ trở thành nền kinh tế đứng thứ 12 trên thế giới.

 

“Các nhà ngoại giao của chúng tôi đã đấu tranh đầy nhiệt huyết suốt nhiều ngày liền, bởi vậy tất cả các nước châu Âu đều nhất trí với quyết định cực kỳ mạnh mẽ này, loại Nga khỏi mạng lưới liên ngân hàng quốc tế” – Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong đêm 26/2.

 

Có phải tất cả 27 nước EU ủng hộ biện pháp trên?

Câu trả lời là không. Một số quốc gia thậm chí còn kêu gọi loại Nga hoàn toàn khỏi SWIFT chứ không chỉ dừng ở một số ngân hàng. Nhưng chính phủ Đức hôm 26/2 cho rằng họ chỉ ủng hộ sử dụng biện pháp này theo cách “có mục tiêu và chức năng”. Bởi vậy mà các biện pháp được thông qua vào cuối ngày 26/2 tương đồng với hướng tiếp cận hạn chế mà chính phủ Đức ủng hộ, thay vì có quy mô lớn hơn như các nước khác yêu cầu.

 

Theo các kế hoạch hiện tại, Nga được cho là vẫn có thể cung cấp khí đốt cho châu Âu. Giới chức Bộ Tài chính Mỹ cho hay, việc mở rộng lệnh cấm SWIFT đối với Nga có thể gây ra tổn thất cho các doanh nghiệp phương Tây, đặc biệt là các công ty dầu khí lớn. Nhiều ngân hàng ở Mỹ và Đức là những bên thường xuyên sử dụng SWIFT để liên lạc với các ngân hàng Nga, khiến cho 2 nước này đặc biệt dễ bị tác động bởi biện pháp mới.

 

Nga có mạng lưới khác thay thế hay không?

Có. Nga đã tạo ra một mạng lưới thay thế, có tên gọi Hệ thống Tin nhắn Tài chính (SPFS), nhưng giới chuyên gia tài chính cho rằng nó chưa đủ để thay thế SWIFT. Cuối năm 2020, hệ thống này mới chỉ có 400 thể chế tài chính từ 23 quốc gia tham gia.

 

Ngoài ra còn phải kể đến Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS). Đây là một mối quan ngại lớn hơn đối với các nước phương Tây, bởi Trung Quốc là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, và nếu như nước này củng cố hệ thống thay thế này, nó có thể khiến hệ thống tài chính toàn cầu mà trong đó đồng USD thống trị bị suy yếu, từ đó làm suy yếu các siêu cường phương Tây.

 

Nếu Nga bị loại hoàn toàn khỏi SWIFT, họ có phải nước đầu tiên?

Không. Các thể chế tài chính của Iran đã bị ngắt kết nối khỏi SWIFT vào năm 2012, sau khi EU áp lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia này, do chương trình hạt nhân của họ. Hậu quả là, ngoại thương của Iran giảm 30%. Các ngân hàng của Iran chỉ được quyền kết nối lại với SWIFT sau khi nước này ký thỏa thuận hạt nhân vào năm 2015, trong đó cam kết hạn chế các hoạt động phát triển hạt nhân. Iran lại bị loại khỏi SWIFT một lần nữa vào năm 2018 sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy thỏa thuận hạt nhân.

 

---------------------------

 

Khủng hoảng Ukraine: SWIFT là gì, có thể trở thành “vũ khí” chống Nga không?

 

Nga có thể bị loại khỏi hệ thống SWIFT do “vòng xoáy trừng phạt” của phương Tây

 

 




No comments: